Cưới trên đỉnh lũ
(08:40:58 AM 26/10/2011)Đón dâu giữa mùa lũ. Ảnh: Kỳ Quan |
Hạnh phúc dâng tràn
Rời TP.Tân An, tôi theo QL62 đi về vùng ĐTM. Mới ra khỏi thành phố hơn 10 cây số, đã thấy nước lũ ngập trắng hai bên đường, xen kẽ là những cánh rừng tràm bị ngập ngang thân cây. Vào mùa lũ năm 2000, tôi cũng có chuyến đi về ĐTM trên QL62, đã thấy cảnh hàng ngàn người dân rời bỏ nhà cửa bị ngập ra sống tạm bợ bên lề quốc lộ. Bây giờ cũng chuyến đi tương tự, nhưng tôi đã không còn nhìn thấy túp lều nào ở bên đường. Đến cây số 60, tôi xuống bến phà Sáu Lẹ qua sông Vàm Cỏ Tây, rồi theo tỉnh lộ VT-BHT đi về xã Bình Thành, huyện Mộc Hoá. Sông Vàm Cỏ Tây mùa này không có bờ, chiếc phà chạy ào lên ruộng rồi gác mũi lên mặt lộ.
Tỉnh lộ VT-BHT ngày thường cao chơi vơi, giờ nước lé đé, nhiều chỗ nước ngập ngang máy xe. May mà tôi có kinh nghiệm chạy xe trong lũ nên không phải nằm đường. Điểm đến của tôi là nhà người quen tên là Võ Văn Ngành (Hai Ngành) - một “kiện tướng” trồng lúa ở “tận cùng” vùng ĐTM, thuộc ấp 2, xã Bình Thành, chỉ cách biên giới Campuchia vài cây số. Tôi muốn ngồi nhậu rượu đế thâu đêm với anh bạn “Hai Lúa” để có cảm hứng cho đề tài “đêm trong vùng lũ”.
Vượt thêm hơn 20 cây số đường lúc ngập lúc khô đến nhà anh Hai Ngành, chừng đó tôi mới “tá hoả” khi thấy nhà anh treo đầy đèn, hoa. Thì ra hôm sau là ngày đón dâu cho đứa con trai áp út của anh. Vừa gặp, tôi “bẻ” ngay: “Anh cắc cớ gì mà cưới vợ cho con ngay lúc lũ lớn? Mà đám cưới lại không mời tôi lấy một tiếng!”.
Anh Hai Ngành gãi đầu phân bua: “Xa xôi quá, nước ngập tùm lum, sợ phiền anh em...”. Rồi anh nói tiếp: “Chuyện cưới ngay mùa lũ là do ý của “mấy đứa nhỏ”, tui thấy cũng phải nên ủng hộ”. Chú rể mới Võ Thanh Phong đang chuẩn bị bàn tiệc đãi bạn bè đến chơi tối, tạm dừng tay để giải thích điều tôi thắc mắc: “Năm nay lũ lớn, mọi chuyện sản xuất phải tạm dừng trong vài tháng, sau đó ai cũng “tối mặt tối mũi” lo vụ đông xuân khi nước vừa rút. Lúc đó công chuyện ngập đầu, đâu còn thời gian để “cưới vợ ăn tết”, nên tụi cháu quyết định cưới ngay mùa lũ”. Bây giờ tôi mới nhớ, trên đường đi tôi đã thấy rất nhiều đám cưới.
Anh Hai Ngành tiếp lời con: “Lũ lớn mang đến nhiều cái lợi cho nông dân, đặc biệt là đồng ruộng được vệ sinh, bồi bổ phù sa, hứa hẹn những vụ mùa bội thu... Tụi trẻ có niềm tin rằng, đám cưới giữa mùa lũ sẽ được hạnh phúc dâng tràn, giống như nước lũ dâng cao mang đến bao điều tốt đẹp”.
Trong suốt câu chuyện, tôi chỉ nghe cha con anh Hai Ngành nói những cái lợi, những điều tốt đẹp do lũ mang lại, không thấy ai nhắc về khó khăn, thiệt hại. Dường như cái hại do lũ gây ra bây giờ không còn, hoặc còn nhưng rất mờ nhạt, chẳng đáng gì so với cái lợi mà nó đem đến cho bà con nơi đây. Tôi quan sát xung quanh, thấy nhà anh Hai Ngành cất trên nền cao ráo, cao hơn đỉnh lũ cả mét. Cách đó vài trăm mét là nhà của “sui gái”, cũng cất trên nền cao ráo không kém.
Con đường đón dâu cũng cao lồng lộng, hai bên mênh mông nước lũ. Cha con anh Hai Ngành có 15ha ruộng, anh mướn thêm 5ha, mỗi năm trồng 2 vụ lúa, xen kẽ 1 vụ dưa hấu. Vụ hè thu rồi anh vừa thu hoạch dứt thì nước lũ tràn về, năng suất 6,3 tấn/ha, tổng cộng hơn 120 tấn lúa, bán tại ruộng được hơn 600 triệu đồng, lãi khoảng một nửa... Câu chuyện đang dở dang thì ở nhà sau kêu anh Hai xuống “chỉ đạo” làm bò. Do chợ búa ở xa, đường sá bị ngập, anh quyết định “hạ” con bò để đãi đám cưới.
Đi “ăn” đám cưới. |
Ai cũng rảnh rang
Tôi đành phải chia tay cha con anh Hai Ngành, buổi tối trước ngày đón dâu anh quá bận rộn, nhà đầy khách, mà tôi lại cần sự yên tĩnh để chiêm nghiệm, cảm xúc... Đã gần 9 giờ tối mà chiếc phà ở vùng lũ vẫn liên tục sang sông, nhiều người qua phà cho biết họ đang đi đám cưới. Đi thêm gần 10 cây số tôi đến thị trấn Mộc Hoá, vài người bạn vẫn nhiệt tình ngồi đợi tôi ở quán cóc vỉa hè để uống mỗi người đúng 1 xị rượu nếp. Chỉ vào ngấn nước cao ngang ngực còn in trên vách tường, một người bạn cho biết đó là mực nước lũ năm 2000.
Năm ấy cả thị trấn Mộc Hoá chẳng có nhà nào không bị ngập, người dân bơi xuồng trên các con đường nhựa ở trung tâm để lưới cá. Bây giờ thị trấn Mộc Hoá đã có đê bao kiên cố, luôn khô ráo giữa mùa lũ lớn. Sáng sớm hôm sau tôi vượt tiếp 30 cây số để tới thị trấn Vĩnh Hưng. Nơi tôi đến là nhà anh Trần Văn Điểm - một tay “sát đủ thứ” (cá, chuột, rắn...), là người thu lợi nhiều nhất từ mùa lũ. Tôi dự định sẽ nhờ anh Điểm đưa đi bắt cá, chuột, rắn... để có thực tế cho đề tài “hái lộc mùa lũ” đã đăng ký với toà soạn.
Thế nhưng, như là “định mệnh”, vừa vào tới khu phố Măng Đa (thị trấn Vĩnh Hưng), tôi bắt gặp một đoàn đi đón dâu vừa mới rời bến sông, mà chủ hôn không ai khác hơn là anh bạn tên Điểm của tôi. Nhà cô dâu ở xã Tuyên Bình Tây, cách đó khoảng 10 cây số. Lũ đang cao ngất, nhiều tuyến đường bị ngập, anh Điểm phải đi đón dâu bằng ghe.
Tôi không khỏi bất ngờ khi nhà trai đang đi đón dâu mà cô dâu, chú rể lại đang “ung dung” ăn sáng tại nhà trai. Chú rể Trần Trọng Khánh và cô dâu Nguyễn Thị Kiều Nương cho biết, do tuổi của 2 người không “hạp”, mà đã “lỡ” thương nhau, nên đám cưới không được đón dâu. Chiều hôm trước, chú rể đã qua nhà gái “bắt cóc” cô dâu bằng xuồng đem về, sáng nay nhà trai qua “đón dâu” cho có lệ! Cũng với câu hỏi vì sao cưới vào mùa lũ, chú rể Trọng Khánh trả lời: “Mùa này ai cũng rảnh rang, nên mình mời đám cưới họ đi đủ, bạn bè không ai vắng”.
Trọng Khanh giải thích thêm: Hết mùa lũ là bà con, bạn bè đi làm ruộng tứ tán, nhiều người qua tận Campuchia làm ăn, khi có đám tiệc ở quê nhà họ không về được, mà chỉ “gửi”, vì vậy mà đám cưới mất vui. Gần 2 giờ sau, đám “đón dâu” về tới, anh bạn Điểm cũng “gãi đầu” xin lỗi tôi vì “đường xa, nước ngập, sợ phiền”. Tất nhiên là anh không thể bỏ đám cưới để xuống xuồng đưa tôi đi bắt chuột, bắt rắn...
Ít muỗi, nhiều cá
Bao nhiêu dự định cho chuyến đi đều bị “gãy”, tôi quyết định vào xã Khánh Hưng cách đó hơn chục cây số để thăm người bạn làm ở “đài huyện” xem có thông tin gì mới về mùa lũ tại địa phương. May mà người bạn tên Văn Đát của tôi không “cưới dâu” như 2 “chiến hữu” trước đó. Anh đang ở nhà (vì là ngày chủ nhật) với thau đồ to tướng. Tôi lấy làm lạ, vì tôi quá hiểu bạn, ngoài thời gian làm ở Đài Truyền thanh huyện Tân Hưng, về nhà là anh ra đồng, mùa khô thì làm lúa, còn mùa này bắt cá, bắt chuột... Nay lại ở nhà “ôm” thau đồ dơ thay cho vợ, chắc phải có lý do. Văn Đát phân bua: “Chuyện giặt giũ là của “bà xã”, nhưng mấy bữa nay “quá trời” đám cưới, vợ tui tối mặt tối mũi, tui phải giúp chuyện giặt giũ”. Vợ của Văn Đát làm nghề uốn tóc, trang điểm cô dâu...
Liên tục trong mấy ngày, gần 10 tiệm “uốn tóc, trang điểm” ở khu dân cư vượt lũ Khánh Hưng bị “cháy” vì có quá nhiều cô dâu, cô gái đi dự đám cưới cần làm đẹp. Không chỉ vợ bận bịu chuyện “trang điểm cô dâu”, anh bạn Văn Đát cũng cố giặt cho xong thau đồ để đi “xử lý” mấy cái thiếp cưới đang nằm lăn lóc trên bàn.
Lân la cùng bạn đến một đám cưới gần đó, tôi không khỏi bất ngờ khi chủ nhà là Việt kiều Campuchia về quê cưới vợ cho con. Nói là Việt kiều, nhưng mẹ con bà Lê Thị Nhê cũng có ruộng đất ở Khánh Hưng, họ thường xuyên đi lại làm ăn giữa hai bên biên giới. Bà Nhê cho biết, bà quyết định cưới vợ cho con ngay mùa lũ là vì mùa này “ít muỗi, nhiều cá”. Cá ở ĐTM mùa lũ rất dồi dào, giá rẻ, mua về làm tiệc thật có lợi, điều đó ai cũng biết. Còn chuyện “ít muỗi”, bấy giờ tôi mới để ý.
Thì ra ở ĐTM vào mùa lũ hầu như không có con muỗi nào, chứ không có cảnh “muỗi kêu như sáo thổi” ngày thường. Chợt nhớ tối bữa trước ở nhà anh Hai Ngành tôi ngồi nhậu thật “vô tư” vì không bị con muỗi nào “quấy rối”, điều mà những người lạ đến ĐTM ở lại đêm luôn cảm thấy khốn khổ. Tôi cũng nhớ tối bữa đó là lần đầu tiên trong đời tôi “ăn đám cưới” mà trên bàn tiệc toàn “mồi thứ dữ”: Chuột “cống nhum” chiên; rắn hổ hành nấu đậu xanh; cá lóc nướng trui...
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Phú Yên thành lập Công viên địa chất
- Bộ rễ khủng cây di sản trùm kín miếu thờ ở Quảng Nam
- “Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
- Linh vật rồng khắp cả nước: Nơi được khen thần thái, nơi bị chê giống giun
- Nghệ nhân Bát Tràng chào tết Giáp Thìn 2024 với ấn ‘Hoàng đế chi bảo’
- Xá lợi tóc Phật được Myanmar bảo vệ nghiêm ngặt như thế nào?
- Quảng Ngãi: Đảo Lớn từng có cây ré mọc, đảo Mù Cu chỉ có cây mù cu
- Thành phố thông minh không chỉ cần phần cứng
- Cây còng "cô đơn" ở miền Tây thu hút nhiều người đến chụp hình
Bài viết mới:
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi - điểm đến hấp dẫn ở Bắc Giang
(Tin Môi Trường) - Cây Dã Hương hơn 1000 năm tuổi tại thôn Giữa, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang là một báu vật thiên nhiên quý hiếm, đang được bảo tồn trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng này. Đây là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn thu hút du khách từ nhiều tỉnh, thành tới thăm quan.
Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
(Tin Môi Trường) - Lần đầu tiên một nghiên cứu chứng minh được vỏ cây trong các khu rừng trên thế giới đang hấp thụ khí metan, một khám phá có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vì sao 21/6/2024 là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua?
(Tin Môi Trường) - Chỉ ít giờ nữa, chúng ta sẽ chính thức bước sang ngày 21/6, nhưng ít ai biết được rằng 21/6 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất trong vòng 228 năm qua.