»

Thứ bảy, 18/01/2025, 10:15:47 AM (GMT+7)

Sài Gòn nhớ những cây cầu

(15:11:08 PM 11/02/2016)
(Tin Môi Trường) - Cùng thời với những cây cầu nổi tiếng của Sài Gòn trước kia như cầu Chà Và, cầu Chữ Y..., cầu Nhị Thiên Đường (còn được gọi cầu Mới) là một trong những công trình tiêu biểu của Sài Gòn xưa.

[-]Sài[-]Gòn[-]nhớ[-]những[-]cây[-]cầu
Cầu Nhị Thiên Đường được xây dựng từ năm 1925 Ảnh: hoàng triều

 

Gần cuối năm, tôi chuẩn bị cùng mẹ đưa ông táo về trời thì anh Bổn nhờ tôi đưa cho chị Lan lá thơ tình. Ở cùng con xóm nhỏ vùng Chợ Lớn, người học Trường Đại học Kiến trúc, người học Trường Văn khoa nhưng hẹn hò lại nhờ thằng nhỏ 15 tuổi đưa những lá thơ tình sực nức mùi dầu thơm

1. Nhờ vậy, tôi thường xuyên được cho ăn nước đá nhận và cà lem cây của cả anh và chị. Cho nên, dù chờ mẹ đưa cho cái áo mới, tôi vẫn phải làm nhiệm vụ “đưa thơ tình” tất niên để kiếm lì-xì.

Xem tình thơ xong, chị Lan nói nhỏ với tôi: “Em nói với anh Bổn gặp chị ở cầu Nhị Thiên Đường”. Tôi ngạc nhiên quá xá. Hổng hiểu hai anh chị này “khùng khí chuột” hay sao mà lại hẹn nhau ở cầu Nhị Thiên Đường lúc 6 giờ tối. Thường trai gái “bắt cặp” hẹn hò thì đưa ra công viên chớ ai hẹn dưới chân cầu chỉ dành riêng cho dân “cá mưa”.

Cầu Nhị Thiên Đường là nơi dành riêng cho dân “cá mưa”. Có lúc ôm những tờ báo bán dạo, tôi đã đến những quán cà phê dưới chân cầu để xem mấy hảo thủ - còn hơn chuyên gia khí tượng - “cá mưa”.  Cứ khoảng tầm 3 đến 4 giờ hằng ngày là mấy tay cá mưa đến ngồi đồng ở các quán cà phê, lúc đó mấy thằng đệ tử lon ton bắc những tấm tôn lên mái nhà để hứng nước mưa.

Ông A để hai cái ly “xây chừng” cá trước: “Năm giờ trời mưa”. Nếu trong khoảng trước và sau 5 giờ 10 phút, nước mưa vượt qua cái ngấn trong ly “xây chừng” thì ông A thắng. Ông B: “Tui cá trời không mưa”. Những tay chầu rìa bàn bên cạnh thấy ông B bắt cá trời không mưa thì nghĩ ông B quá liều vì nhìn phía góc trời đã thấy mây vẽ một màu chì...

Không lẽ hai anh chị hẹn nhau tù ti, tú tí lại tại cầu Nhị Thiên Đường để cùng nhau... cá mưa chiều giáp Tết? Sau này, tôi có hỏi thì anh Bổn cho biết là do theo học kiến trúc nên anh có nghiên cứu những hàng cột đèn xanh thẫm như màu cửa sổ trong những biệt thự của người Pháp, một vài cây cột đèn có hai thanh ngang nhỏ dài ra, có lẽ trước kia dùng để treo đèn dầu. Phía dưới chân cầu mới là đặc điểm của cây cầu bê-tông cốt thép dài khoảng 1 km được xây dựng vào năm 1925 trong thời kỳ trị vì của những cây cầu sắt.

Cùng thời với những cây cầu nổi tiếng của Sài Gòn trước kia như cầu Chà Và, cầu Chữ Y..., cầu Nhị Thiên Đường (còn được gọi cầu Mới) là một trong những công trình tiêu biểu của Sài Gòn xưa. Cầu bắc ngang qua một nhánh kênh đôi Tàu Hủ, nối liền nội đô quận 8 với vùng phụ cận, với huyện Cần Đước (Long An) qua Gò Công về các tỉnh miền Tây.

Anh Bổn thường đến trước giờ hẹn vài chục phút, đi vòng dưới mái vòm cong dưới chân cầu để có cảm giác đi vào cổng thành trong phim “Ben-Hur”. Còn chị Lan khoái đến đây vì chị tin rằng hồn những cô gái oan tự tử, lao từ trên cầu xuống kênh đôi vì thất tình đang được thờ phượng trong những cái miếu nhỏ dưới chân cầu sẽ phù hộ cho mối tình luôn bền chặt. Ai cũng có lý do để hẹn ở cầu Nhị Thiên Đường, còn tôi chỉ nhớ tên cầu Nhị Thiên Đường là vì mẹ tôi thường bắt tôi cạo gió bằng dầu Nhị Thiên Đường và về sau vì phía dưới chân cầu có một cái kho của hãng dầu gió trị “tứ thời cảm mạo” này.

2. Lớn lên, tôi biết thêm câu “thiệu”: “Nhứt dương chỉ, Nhị Thiên Đường, Tam Tông Miếu, Tứ đổ tường, Ngũ vị Hương, Lục Tàu Xá” lúc tôi đang tập tành theo chúng bạn làm dân chơi cầu “Ba Cẳng”. Gần giống như cầu chữ Y, cây cầu Ba Cẳng này có một “cẳng” nằm ở bến Vạn Tượng, hai “cẳng” kia thì nằm ở bến Bãi Sậy và bến Nguyễn Văn Thành bắc ngang rạch Bãi Sậy (kênh Hàng Bàng, người Pháp gọi kênh này là Canal Bonard hoặc Arroyo Chinois).

Cầu có tên tiếng Pháp là Pont des 3 arches, xây bởi Công ty Brossard et Mopin (công ty này còn xây chợ Bến Thành vào năm 1914). Cây cầu của những “dân chơi nửa mùa” (có ba cẳng để chạy cho lẹ) được “dân chơi” thứ thiệt là nhà báo Nguyễn Văn Sâm và nhà bên vợ - em gái chủ hãng xà bông Cô Ba (Trương Văn Bền) - bỏ tiền ra xây. Mỗi “cẳng” là một lối bậc thang đi lên, xây bằng bê-tông cốt thép, dành riêng cho người đi bộ. Việc phải thiết kế tới ba chân theo ba hướng vì cầu nằm ngay ngã ba rạch. Cầu có một vòm nhịp, tạo khoảng không cho ghe thuyền giao thông.

Hồi nhỏ, thi thoảng mỗi tối, tôi thường được ba chở ngang qua chợ Kim Biên, hãng xà bông Trương Văn Bền để ăn cháo hồ, hủ tiếu hồ của những quán người “tiểu” dọc theo rạch Bãi Sậy. Mấy ngày Tết, trong khi chờ rạp chiếu bóng gần đó mở cửa, tôi leo lên cầu nhìn con rạch Bãi Sậy hút mắt về hướng cầu Palikao (phiên âm của Pháp ngữ tên tiếng Hán là “Bát Lý Kiều; Eight Miles Bridge) rồi mua vài cây pháo đốt liệng xuống dòng kênh mà không sợ “phú lít” bắt.

Một thời gian ngắn sau ngày 30-4-1975, tôi lại có dịp đứng trên cầu đọc loa giải thích chính sách của quân Cách mạng. Và 40 năm sau, đến đây nhìn thì thấy nó chỉ là đường Bãi Sậy và Phan Văn Khỏe giống như cầu Palikao nay đã trở thành đường Ngô Nhân Tịnh vì rạch Bãi Sậy hầu như đã bị lấp hoàn toàn, chỉ còn một đoạn rất ngắn khoảng 30 m, rộng 3 m phía sau chợ Kim Biên.

Bắc ngang rạch Bãi Sậy (còn gọi là kênh Hàng Bàng) dài 1.400 m này chạy về phía rạch Lò Gốm còn có những cây cầu khác như cầu Chợ Lớn, cầu Bình Tiên (quận 6) mà ngày nào tôi lại không đạp xe đi học đều đặn hai buổi; hay thời lớp nhì, lớp nhứt Trường Tiểu học Bình Tây đã “đổ mồ hôi” phụ đẩy xe ba bánh lên dốc cầu kiếm vài đồng ăn nước đá nhận xirô.

Đứng phía trên cầu Chợ Lớn bắc ngang đường Lê Quang Hiền chạy tới Phạm Đình Hổ nhìn xuống thấy Tòa Hành chánh quận 6, Chẩn Y viện quận 6, cạnh bên là trung tâm cứu hỏa, một sân vận động nay là đường Cao Văn Lầu với những tòa nhà cao tầng mọc nhanh trên quá khứ của người dân ở khu vực này. Từ cầu Chợ Lớn còn nhìn thấy cầu Bình Tiên, nay là đường Minh Phụng. Hai cây cầu đã mất đi như con rạch Bãi Sậy đã bị lấp. Riêng đoạn giữa của kênh (từ đường Bình Tiên đến Phạm Đình Hổ dài hơn 600 m) đã bị lấp để đặt cống hộp từ năm 1999-2000.

3. Những ngày trước Tết Bính Thân này, cây cầu Nhị Thiên Đường bị che rào để chuẩn bị “khai tử”, xây mới vì đã già nua, quá tải. Ngồi uống cà phê dưới chân cầu, nhìn những cây mai vàng chở vội mùa Xuân như chở tuổi thơ sắp đi qua sông Nại Hà (một con sông dưới âm phủ), thằng anh lớn và thằng em già, dù đã qua bao nhiêu cái Tết nhưng chưa bằng tuổi cây cầu, không cá mưa mà chỉ cá là cầu này còn được giữ lại hình dáng những cột đèn, mái vòm độc đáo hay không?

Tôi thì trải nỗi niềm với anh về những cây cầu “quận Tuổi Thơ” của tôi sẽ như thế nào, có còn mang hình dáng và tên cũ? Chính quyền ta đã tốn ngân sách để lấp kênh Hàng Bàng và bây giờ đang tốn tiếp ngân sách để... đào lại kênh Hàng Bàng - công trình “hai thế kỷ”: lấp và đào. Chắc chắn kênh Hàng Bàng sẽ được phục hồi khi “con kênh xanh xanh ta lại đào tốn tiền tỉ” nhưng còn những cây cầu, làm sao dân đi ngang qua dòng kênh rộng 11 m như ngày xưa như khi không còn những cây cầu Ba Cẳng, cầu Palikao, cầu Chợ Lớn, cầu Bình Tiên...?!

Húp ngụm cà phê, anh Bổn cho biết chị Lan vẫn sống khỏe và bây giờ “bả muốn nhảy cầu cũng không còn cầu để nhảy. Phải để dành sức mà tát nước đầu đường - chứ không phải đầu đình - mỗi khi mưa xuống”!

Cầu bị đập để xây đường đi, tiện thì có tiện nhưng lợi thì chẳng biết có hay không khi mất đi những dòng kênh thoát nước, để lại khoảng ngập mông mênh như trong ký ức tuổi thơ tràn ngập hình bóng những cây cầu hoài niệm vào những chiều Xuân bến Mễ Cốc trên bến dưới thuyền đầy mai vàng rực rỡ...

Lê Văn Nghĩa
Từ khóa liên quan: Sài Gòn, nhớ, những, cây cầu
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Sài Gòn nhớ những cây cầu

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
 Bình Định tổ chức lễ giỗ kỷ niệm 222 năm ngày mất Đô đốc Bùi Thị Xuân

Bình Định tổ chức lễ giỗ kỷ niệm 222 năm ngày mất Đô đốc Bùi Thị Xuân

(Tin Môi Trường) - Ngày 6/112/2024 (nhằm ngày mùng 6/11 năm Giáp Thìn), Bảo tàng Quang Trung đã tổ chức Lễ giỗ nhân kỷ niệm 222 năm ngày mất Đô đốc Bùi Thị Xuân (1802 – 2024) tại Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân (khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn – Bình Định) theo nghi thức giỗ truyền thống.

VACNE 30 năm
 Đà Lạt muốn nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, xây tổ hợp khách sạn, thương mại… bên dưới

Đà Lạt muốn nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, xây tổ hợp khách sạn, thương mại… bên dưới

(Tin Môi Trường) - Phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng của Đà Lạt được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng lựa chọn là phương án Hotel du Printemps của KTS. Thierry Van de Winagaert. Theo đó, Dinh Tỉnh trưởng sẽ được nâng cao 28m so với vị trí ban đầu. Phần dưới và xung quanh sẽ là tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ...

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI