Di sản xanh » Di tích xưa
Nơi an nghỉ của Đại tướng hướng ra biển Đông
(12:37:32 PM 10/10/2013)Trưa 9-10, PV đã có mặt trên đỉnh núi Thọ, nằm bên cạnh vũng Chùa (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) để thăm nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng.
Đơn vị thi công vừa san ủi xong một khoảng đất trống dưới tháp chuông ở núi Thọ - Ảnh: Linh Nam
Con đường dẫn vào khuôn viên an táng, hàng trăm nhân công đang khẩn trương mở đường, san ủi bãi đỗ xe và xây dựng nơi an táng của Đại tướng.
Giữa trưa, hàng chục chiếc xe ủi, xe tải vẫn chạy băng băng san ủi giải phóng mặt bằng, tập kết vật liệu. Tuyến đường độc đạo đi vào khu vực vũng Chùa đang được quân đội bảo vệ. Phía ngoài biển, nhiều tàu tuần tra biên phòng cũng đã chốt chặn để hạn chế tàu thuyền đi vào vùng biển vũng Chùa và đảo Yến.
Nơi có núi Thọ, mũi Rồng
Từ trên núi Thọ nhìn xuống vũng Chùa và đảo Yến - Ảnh: L.Nam
Từ trên đỉnh núi Thọ nhìn về hướng đông nam là khung cảnh non nước hữu tình. Khu an táng Đại tướng nằm dưới chân núi Thọ, gần tháp chuông vũng Chùa, hướng ra biển Đông với độ cao hơn 100m so với mực nước biển. Trước mặt là đảo Yến, cách bờ khoảng 500m, như một bức bình phong che chắn.
Núi Thọ nối liền núi Sú tiếp nối mũi Rồng tạo thành một cánh cung vững chãi đâm ra biển Đông, che chắn gió đông bắc; dưới chân là bãi biển cát trắng trải dài, ôm trọn khu an nghỉ của Đại tướng. Dưới chân núi, ở bãi đất bằng gần tiếp giáp với bãi biển, một khoảng đất trống rộng vài ngàn mét vuông đơn vị thi công đã san ủi xong.
Ông Võ Minh Hoài, giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Trường Thịnh - đơn vị thi công tuyến đường dẫn vào khu an táng của Đại tướng, cho biết đang gấp rút hoàn thành tuyến đường dài khoảng 2km.
Theo ông Hoài, khoảng 500m cuối đường gần như phải làm mới nên khối lượng công việc khá lớn, đơn vị phải huy động nhiều phương tiện và nhân công thi công liên tục. Hiện đã hoàn thành khoảng 50% khối lượng, dự kiến sẽ bàn giao tuyến đường trước ngày 12-10.
Ông Đậu Minh Ngọc, chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, cho hay các địa phương của huyện nằm trên tuyến quốc lộ 1 vẫn còn ngổn ngang sau bão, nhưng khi nghe tin linh cữu Đại tướng sẽ đi qua đây, người dân không ai bảo ai đã bắt tay dọn vệ sinh đường sá sạch đẹp để đón Đại tướng.
Từ chiều 8-10, toàn bộ nhân viên sân bay Đồng Hới đã dọn dẹp vệ sinh để chuẩn bị đón linh cữu Đại tướng từ sân bay Nội Bài về. Trong chiều 9-10, tuyến quốc lộ 1 đoạn từ sân bay Đồng Hới đi qua huyện Bố Trạch kéo dài đến xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch), cả ngàn người dân sống ven đường đổ ra làm vệ sinh, dọn đường chào đón Đại tướng về quê an nghỉ.
Từ năm 2006, Đại tướng đã chọn nơi an nghỉ
Sơ đồ nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Đồ họa: Vĩ Cường
Sáng 9-10, ông Lương Ngọc Bính - bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, thành viên ban lễ tang - cho biết ông đã xin ý kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về địa điểm an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và được Tổng bí thư chỉ đạo cùng với Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc trực tiếp với gia đình Đại tướng.
Ông Võ Hồng Nam - con trai Đại tướng - cho biết Đại tướng đã chọn vùng vũng Chùa - đảo Yến để an nghỉ từ năm 2006. Trước khi chọn, gia đình đã đưa Đại tướng xem kỹ sơ đồ vùng đất này và Đại tướng đã đồng ý. Đại tướng cũng đã đến nơi này để xem tận mắt.
Đến năm 2007, một lần nữa gia đình lại đưa sơ đồ vũng Chùa - đảo Yến để Đại tướng xem lại và có quyết định cuối cùng. Đại tướng đã chính thức ký tên đồng ý chọn nơi an nghỉ tại vũng Chùa - đảo Yến. Bút tích hiện gia đình vẫn đang lưu giữ.
Theo ông Bính, sau khi gia đình trình bày như vậy, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới quyết định chọn nơi an táng tại vũng Chùa - đảo Yến theo ý nguyện của Đại tướng.
Quảng Bình từng có đường Võ Nguyên Giáp
Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, ở thị xã Đồng Hới (nay là TP Đồng Hới, Quảng Bình) từng có đường Võ Nguyên Giáp. Ông Phạm Văn Thử - người gốc Đồng Hới, nguyên chủ tịch UBND thị xã Đồng Hới (1992-1999) - cho hay đường Võ Nguyên Giáp chính là quốc lộ 1 trước đây chạy qua trung tâm Đồng Hới, nay là các đoạn đường Quang Trung, Hùng Vương và Lý Thường Kiệt, bắt đầu từ cầu Dài cho đến cầu Hải Thành dài hơn 2km.
Sau đó, Đồng Hới bị đánh phá tan hoang nên suốt từ đó đến năm 1990 ở Đồng Hới không còn tên đường phố nào cả. Khi Quảng Bình tách ra từ tỉnh Bình Trị Thiên (1989), Đồng Hới mới lại có tên đường phố, khi nơi đây được xây dựng thành tỉnh lỵ.
Ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cũng có đường bêtông dài 7km từ trung tâm huyện lỵ là thị trấn Kiến Giang về xã Lộc Thủy (quê hương Đại tướng) lâu nay người dân vẫn gọi là “đường về nhà Đại tướng“. Ông Phạm Hữu Thảo - phó chủ tịch UBND huyện - cho biết huyện đã có dự định đặt tên đường này là đường Võ Nguyên Giáp, sau khi Đại tướng mất.
Ông Nguyễn Văn Quyết - giám đốc Sở Xây dựng Quảng Bình - cho biết hiện ở TP này có hai đường phố lớn đang chờ đặt tên, đó là đường rộng 36m, dài hơn 1km ở phường Đức Ninh Đông và đường rộng 60m, dài hơn 3km ở xã Bảo Ninh. “Tuy nhiên, tỉnh sẽ phải bàn bạc kỹ càng trước khi quyết định lựa chọn đường nào để đặt tên Đại tướng trong hai đường đó. Cũng có thể là một con đường lớn khác nữa sẽ được mở” - ông Quyết nói.
Còn ông Hoàng Thanh Cảnh, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quảng Bình, cho biết trường đang làm tờ trình gửi UBND tỉnh, Sở GD-ĐT và gia đình Đại tướng để xin đặt tên Võ Nguyên Giáp cho trường. Năm 2002, trong lần về thăm quê, Đại tướng đã đến thăm trường này.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Mộ Hải Thượng Lãn Ông được công nhận di tích quốc gia đặc biệt
- Quảng Nam:Cây Đa nơi trú ẩn của quân dân qua 2 cuộc kháng chiến được công nhận Cây Di sản Việt Nam
- Độc đáo cây di sản Việt Nam: Quảng Bình "đệ nhất thụ"
- Độc đáo cây di sản Việt Nam:Vương quốc cây di sản
- Độc đáo cây di sản Việt Nam: Huyền bí rừng đỗ quyên trên đỉnh Arung
- Độc đáo cây di sản Việt Nam: Cung đường cây di sản trên đảo tiền tiêu
- Độc đáo cây di sản Việt Nam: Đài quan sát kơ nia
- Độc đáo cây di sản Việt Nam: Cây dầu rái hơn 200 tuổi trong đình Thoại Ngọc Hầu
- Độc đáo cây di sản Việt Nam: Cụ đa "trơ gan cùng tuế nguyệt"
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Ảnh "Voọc mũi hếch" giành giải nhất cuộc thi "Chim và thú hoang dã Việt Nam 2024"
(Tin Môi Trường) - Bức ảnh "Voọc mũi hếch" của tác giả Chúng Văn Thành (Hà Giang) đã giành giải nhất cuộc thi ảnh "Chim và thú hoang dã Việt Nam 2024".
Bình Định tổ chức lễ giỗ kỷ niệm 222 năm ngày mất Đô đốc Bùi Thị Xuân
(Tin Môi Trường) - Ngày 6/112/2024 (nhằm ngày mùng 6/11 năm Giáp Thìn), Bảo tàng Quang Trung đã tổ chức Lễ giỗ nhân kỷ niệm 222 năm ngày mất Đô đốc Bùi Thị Xuân (1802 – 2024) tại Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân (khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn – Bình Định) theo nghi thức giỗ truyền thống.
Đà Lạt muốn nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, xây tổ hợp khách sạn, thương mại… bên dưới
(Tin Môi Trường) - Phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng của Đà Lạt được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng lựa chọn là phương án Hotel du Printemps của KTS. Thierry Van de Winagaert. Theo đó, Dinh Tỉnh trưởng sẽ được nâng cao 28m so với vị trí ban đầu. Phần dưới và xung quanh sẽ là tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ...