Di sản xanh » Di tích xưa
Bình Định: Lên chùa Ông Núi mặc áo vỏ cây
(12:05:20 PM 02/03/2015)Cổng chùa Ông Núi dưới chân núi. Ảnh: HOA KHÁ
Đến Quy Nhơn, có nhiều ngả đường thăm chùa Ông Núi. Có thể ra thị trấn Ngô Mây quành xuống, có thể từ Tuy Phước đi tới, nhưng gần nhất là qua cầu Thị Nại đi ra.
Mặc áo vỏ cây, cảm hóa được chim muông dã thú
Núi Bà nằm gọn trong lòng Phù Cát, với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, trong đó nổi tiếng là chùa Ông Núi, tọa lạc trên sườn non hùng vĩ ngoảnh mặt ra đầm Thị Nại đổ về biển Đông. Đại Nam nhất thống chí ghi: “Chùa Linh Phong ở thôn Phương Phi, huyện Phù Cát, lưng dựa vào núi cao (núi Bà), mặt trông ra đầm Biển Cạn (tức đầm Thị Nại), xung quanh có nước suối lượn quanh phong cảnh thật đẹp”. Sách Đại Nam Dư địa chi ước biên chép: “… nhìn ra đầm Hạc Hải (tức đầm Thị Nại), hoa cỏ đẹp tươi”.
Theo “Linh Phong tự ký” của Đào Tấn, ngôi chùa gắn liền với vị danh tăng Mộc Y sơn ông, họ Lê tên Ban, pháp hiệu Thiện Trì thiền sư, sống từ cuối thế kỷ XVII đến thời Tây Sơn. Đào Tấn tuy dẫn nguồn khảo cứu trong Sơn môn phả và Pháp tọa thế thứ đồ vị, nhưng sau đó cũng tỏ ý nghi vấn về tên gọi Lê Ban và cho rằng biết đâu đây là kẻ lánh đời giấu tên, phát gai vác đá, kết cỏ làm tranh dựng lên cái am nhỏ đặt tên là Dũng Tuyền tự. Đó là tên khởi thủy của chùa Ông Núi.
Tương truyền, ông có hành tung khá kỳ bí, hàng ngày vào núi hái củi đem xuống đặt ở vệ đường, người qua lại nhận biết đem gạo và rau đến, cứ đặt đó rồi mang củi đi, không giáp mặt ông. Không hỏi han, không so đo tính toán. Và cũng không ai biết tăm tích về ông ngoài việc người ta đồn rằng cọp beo cũng quen thuộc, đến nghe ông gõ mõ tụng kinh, nhiều lúc còn mang về dâng cúng những nhánh trĩu trái cây rừng.
Và con người mặc áo vỏ cây, cảm hóa được cả chim muông dã thú, biến rừng suối hoang vu thành linh địa ấy đã làm động lòng vua chúa. Năm Quý Sửu 1733, niên hiệu Vĩnh Khánh nhà Lê, chúa Nguyễn Phúc Trú cho trùng tu, ban cho Ông Núi hiệu Tịnh Giác Thiện Trì đại lão thiền sư ban biển “Linh Phong thiền tự” và câu đối Quốc chủ ngự đề: “Hải ngạn khởi lương nhân, pháp vũ phổ thiên tư Phật thổ - Linh Phong ngưng thoại khí, tường vân biến địa ấm nhân gian” (Bờ biển gặp duyên may, mưa pháp khắp trời thấm nhuần đất Phật - Núi Linh đọng khí tốt, mây lành khắp chốn che chở người đời).
Năm Tân Dậu, thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, chúa triệu Ông Núi về kinh hỏi han thiền lý và ban tặng ông một bộ cà sa vòng ngọc móc vàng để làm pháp phục.
Ông Núi viên tịch vào thời Tây Sơn, tăng chúng hội táng bên phải chùa vào năm Thái Đức thứ 8 (1785) và đề câu đối: “Quyện thạch tiệm thành sơn, thảng thảng u trinh Thường lạc thổ - Chúng lưu nan vi thủy, man man vô tế Động đình tiên” (Gom đá thành non, đất Thường lạc thênh thang tĩnh mịch - Hợp giòng nên nước, cõi Động đình bát ngát mênh mông”). Cũng có người cho rằng ông đã đi đâu trong cõi ngàn xanh mây gió, thời Trương Phúc Loan chuyên quyền, xứ sở Đàng Trong loạn lạc. Ngôi tháp xây sau này do thế hệ truyền thừa tưởng niệm.
Theo Linh Phong tự ký, năm năm Gia Long thứ 7 (1808), Thánh Mẫu Hiếu Khang Hoàng Hậu có chỉ cấm không được xâm thủ các vật hạng trong chùa Linh Phong, chuẩn bị việc trùng tu chùa. Năm Minh Mạng thứ 7 (1826), sắc lệnh trấn thần bản tỉnh đệ tường mấy bộ đồ pháp phục tiền triều đã ban về kinh xem, sau lại ban thêm một bộ áo cà sa ngọc hoàn kim câu để đổi lấy bộ áo cũ và bạc 120 lượng cho trấn thần tu bổ lại chùa.
Cũng có truyền thuyết nói sự việc trên xảy ra sau vụ vua Minh Mạng ốm nặng, nằm mộng thấy một ông thầy chùa bận áo da cây, cầm quạt đứng bên ngọc sàn mà quạt. Sáng ra thánh thể được khỏe khoắn. Nhân đó nhớ đến việc Ông Núi bận áo da cây ở chùa Linh Phong về tiền triều, vua lấy làm lạ, nên đền ơn đất Phật. Thời Kiến Phúc Hàm Nghi, Đào Tấn từ quan lánh lên chùa, ông sưu tầm di tích Ông Núi mà không thấy bi ký, chỉ tìm được đôi mảnh giấy có ghi ngày tháng, đem khảo sát với Việt Sử Ký và Bản triều Thực lục Tiền biên. Đặc biệt, ông tìm thấy bộ sách "Pháp Hoa kinh gỉai" tự Ông Núi sửa soạn hơn 200 quyển và 7 cái Đồ Chương bằng ngọc thạch khắc bằng chữ triện: “Ban Sơn Trung Tự", "Khai sơn Dũng Tuyền tăng”, “Nhân hiệu Sơn Ông", "Thạch trung kiến ngã", "Tịch phương", "Tịch tánh", "Thạch thất", chùi lau sạch sẽ, đựng chung với cái tráp đựng bộ "Pháp Hoa kinh giới" giao thầy chùa giữ kỹ. Cũng có đôi cái giấy do tự tích Ông Núi đề vịnh nhưng người sau không biết đem bồi liễn, không đọc được nữa.
Năm Thành Thái, Ất Mùi, thứ bảy (1895) Đào Tấn lúc ấy là Thượng thư bộ Công có tâu sự ấy. Trên Tây cung có ban bạc 70 lượng khiến tỉnh thần khuyến hiểu quyên thêm tu bổ chùa. Đến năm Đinh Dậu, thứ 9 (1897) thì hoàn tất.
Như vậy, chùa Ông Núi còn lưu lại nhiều di sản thơ văn cũng như các bản khắc gỗ chú giải kinh Liên Hoa của chính vị tăng chủ khai sơn phá thạch là Ông Núi, nhưng qua bao biến thiên, tất cả đã hòa lẫn cùng mây xanh suối biếc.
Mảnh đất có số phận bi hùng
Một góc cảnh quan chùa Ông Núi. Ảnh: HOA KHÁ
Trèo lên hàng trăm bậc đá tìm về hang Tổ, nghe suối chảy mây bay, nhớ chuyện xưa hơn ba trăm năm, thấy một nỗi trầm luân của vùng linh địa!
Thập kỷ thứ 6 của thế kỷ trước, nhà thơ Quách Tấn viếng chùa, còn ghi lại trong “Nước non Bình Định”: “ Dọc đường khi đi cũng như khi về, thường nghe các em mục đồng, các chàng ngư phủ, với một giọng thật thà, đôn hậu, hát những câu hát về Ông Núi, khi thì thánh thót, như: “ Cây che đá chất chập chùng - Biển giăng dưới núi chùa lồng trong mây - Bụi đời không gợn mảy may - Chút thân rộng tháng ngày dài thảnh thơi”. Khi thì ngầm chứa nỗi u hoài, như: “ Ông Núi đi đâu - Bỏ bầu sơn thủy - Đủ nhân đủ trí - Thêm vĩ thêm kỳ - Chùa xưa nhạt bóng tà huy - Xuôi lòng non nước nặng vì nước non”.
Dưới chân núi Phương Phi tọa lạc chùa ông Núi, gắn liền với một bãi biển nổi tiếng của xứ sở Đàng Trong thời mở cõi. Gọi là Cách Thử, Cửa Thử, Kẻ Thử hay Khách Thử là tùy từng người với cách giải thích hơi lung linh biến động một chút. Có sao đâu, điều này chỉ khoác lên sắc áo nhiều mầu cho một cơ thể đất đai cổ tích, một trong những địa danh vào loại xưa nhất trong lịch sử văn hóa người Việt Đàng Trong. Ở đây, trong lòng biển có dấu chân của núi và trên vầng trán núi có vết hằn sóng biển, con người đứng giữa tầm gợi mở và thách thức của cả đại dương lẫn đại ngàn.
Truyền rằng đây là nơi tiếp đón các đoàn thuyền phiêu tán từ Đàng Ngoài vào trong cuộc di dân hoặc “lưu đày viễn châu”. Các thuyền buôn Âu Á cũng từng cập bến. Đây còn là miền giao cảm âm dương. Trí giả lẫn bịp bợm, sư sãi lẫn phù thủy, thi nhân lẫn tội đồ, thương gia lẫn cùng đinh, thánh thần lẫn ma quỷ… Chậu nước dùng để thử tiền, đồng chìm tiền người dương gian, đồng nổi tiền người địa phủ đã khái quát bầu trời tranh tối tranh sáng của xứ sở phên giậu mà Khách Thử là cửa ngõ ngàn trùng. Hai tiếng “bể dâu” trong điển tích thật hết sức đúng với trường hợp Khách Thử.
Từ một thương cảng phồn vinh trong quá khứ, Khách Thử bị bồi lấp dần và nhường vai trò cho cảng thị Nước Mặn rồi Nước Mặn cũng bị bồi lấp dần để nhường vai trò lại cho Quy Nhơn. Các cuộc luân hoán ngôi vị ấy đã diễn ra cứ vài ba thế kỷ một lần. Không rõ các nhà khảo cổ học soát xét thế nào về những mảnh sành, đồng tiền cổ, khúc dây neo… lẫn trong mấy tầng tro bụi quá khứ, đọc được lời gào thét hoặc thủ thỉ nào của những cuộc phiêu du văn hóa, trên dấu chân Giao Chỉ lần từng bước đi về phương Nam.
Một mảnh đất có số phận bi hùng, dù chỉ là một cửa bể loi thoi nhưng từng hạt cát của nó đều ẩn tàng mối bận tâm chung của cả một dải Nam Trung bộ với nhiều bí ẩn trong mối quan hệ đa nghĩa Chiêm Việt. Những liên tưởng diệu vợi về một dĩ vãng ngui ngút đã níu tôi lại với một gương mặt khả ái và bi thương của lịch sử, một người phụ nữ mà cuộc hôn nhân 1306 làm cho người Việt đất này phải thọ ơn: Huyền Trân công chúa. Tôi giở “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên ra lọc những dòng ít ỏi và cay đắng, tìm lấy một vị mặn của số phận mỹ nhân. Rồi tôi nhớ lại “Am mây ngủ” của Thích Nhất Hạnh trước đây mình say sưa đọc, nhìn lại tình yêu đứt đoạn vì cái chết của Harijit, tức “con sư tử chiến thắng” Chế Mân, cuộc vượt biển lịch sử của hoàng hậu Chăm-pa Paramesvari qua cảm quan văn chương và thiền học. Khi sự cứu rỗi của tri thức, của những tâm hồn đồng điệu với những vấn đề mình quan tâm đã thấm, tôi đi tìm chính tôi.
Tôi đi ngang qua Vĩnh Hội, ngước lên chiêm ngưỡng hòn Vọng Phu, rẽ về chợ Khách Thử nghe hoa trái thôn quê, lên núi Phương Phi dùng cơm rau dưa với sư trụ trì chùa Ông Núi bây giờ, tối được chú tiểu dẫn ra mỏm đá cheo leo ngồi uống rượu ngắm biển và trăng. Bầu không khí của hơn bảy thế kỷ trước đột nhiên dâng lên, cho phép tôi kiến trúc một bài thơ với cái tứ bão giông và nhói buốt. Linh tính mách bảo rằng cuộc vượt về cố quốc của Huyền Trân công chúa là từ cửa biển này, cái cửa biển cách kinh thành Đồ Bàn khoảng vài chục cây số, nằm trong tầm khống chế của thành Thi Nại cách đây không xa, một địa điểm quản lý hải khẩu của nhà nước Chăm-pa, vừa có chức năng quân cảng lẫn thương cảng.
Lễ trà tỳ của Chế Mân có thể là nơi tôi ngồi đây, một mỏm núi cửa bể trong hệ thống Pô Chinh Đại Sơn xưa đầy những kỳ nam trầm hương giành cho nghi thức liên kết âm dương của hoàng đế băng hà. Mấy tháng sau, cái cảnh huống cướp Huyền Trân về bằng thuyền nhẹ mà bộ sử cái của Đại Việt ghi lại với những chi tiết sự kiện lẫn lời bình của sử gia gây nhiều tranh cãi cho hậu thế, đã khiến một thiền sư viết sách nhìn lại, những nhà thơ nảy sinh cảm quan mới, các nhà nghiên cứu tốn nhiều giấy mực và lịch sử bỗng mơ màng thành huyền tích. Có sao đâu, điều ấy lại khoác lên cho vùng đất này những hình tích đa diện và sự thăng giáng của nó khác nào lời thủ thỉ muôn trùng của số phận và cơ duyên.
Đến chùa ông Núi không chỉ đến với hang tổ và ngôi chùa, mà là đến cả một vùng nước non linh địa. Ở đó, người ta có thể lót trăng mà ngủ, tựa đá ngồi ngâm thơ, như năm xưa ông Núi đã hòa mình cùng thiên nhiên, liên lạc với chim thú. Nghe Ông Núi chú giải bộ kinh Liên hoa (mộc bản Ông Núi 200 tấm ván gỗ đã thất truyền), tôi tìm đọc kinh này trên văn bản do Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch và đề tựa: “Suốt hơn sáu vạn lời, nghĩa lý sâu xa, kinh văn rộng lớn, chứa đựng tâm nguyện và phương tiện huyền diệu ngời sáng của Phật và Bồ-Tát. Phương tiện của Phật là phương tiện huyền diệu được sanh trưởng và dinh dưỡng bởi trí huệ từ bi hỷ xả lợi tha có khả năng đưa tất cả chúng sanh đồng chứng nhất thừa Phật quả”.
Có lẽ vì vậy mà những người bạn của tôi, kẻ Hà Nội người Sài Gòn, bốn phương tám hướng văn nhân thi sĩ thân ái mà tôi được vinh hạnh đưa họ lên tắm suối chơi trăng ăn cơm rau dưa với chùa, dường như không muốn dừng lại ở lần đi thứ nhất. Đất Phật của Mộc Y Sơn ông cũng có thể ví như một kiệt tác. Mà kiệt tác trên thế gian khi có trong tầm tay, thưởng thức một lần là phí phạm. Về tìm không gian tịnh độ chùa Ông Núi, thảy như nghe sự rốt ráo thanh tịnh, như lời kinh Pháp Hoa còn văng vẳng bên tai.
Với ý nghĩa như vậy, chiếc áo cà sa bằng vỏ cây của Mộc Y Sơn Ông như che chở cho người hành hương về tìm không gian tịnh độ, còn móc ngọc đai vàng là tâm nguyện của các triều đại chấp chới với ước mong cứu rỗi từ cõi linh địa chốn vô thường.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Mộ Hải Thượng Lãn Ông được công nhận di tích quốc gia đặc biệt
- Quảng Nam:Cây Đa nơi trú ẩn của quân dân qua 2 cuộc kháng chiến được công nhận Cây Di sản Việt Nam
- Độc đáo cây di sản Việt Nam: Quảng Bình "đệ nhất thụ"
- Độc đáo cây di sản Việt Nam:Vương quốc cây di sản
- Độc đáo cây di sản Việt Nam: Huyền bí rừng đỗ quyên trên đỉnh Arung
- Độc đáo cây di sản Việt Nam: Cung đường cây di sản trên đảo tiền tiêu
- Độc đáo cây di sản Việt Nam: Đài quan sát kơ nia
- Độc đáo cây di sản Việt Nam: Cây dầu rái hơn 200 tuổi trong đình Thoại Ngọc Hầu
- Độc đáo cây di sản Việt Nam: Cụ đa "trơ gan cùng tuế nguyệt"
Bài viết mới:
- Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (19/01/2025)
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải (06/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
Ảnh "Voọc mũi hếch" giành giải nhất cuộc thi "Chim và thú hoang dã Việt Nam 2024"
(Tin Môi Trường) - Bức ảnh "Voọc mũi hếch" của tác giả Chúng Văn Thành (Hà Giang) đã giành giải nhất cuộc thi ảnh "Chim và thú hoang dã Việt Nam 2024".
Bình Định tổ chức lễ giỗ kỷ niệm 222 năm ngày mất Đô đốc Bùi Thị Xuân
(Tin Môi Trường) - Ngày 6/112/2024 (nhằm ngày mùng 6/11 năm Giáp Thìn), Bảo tàng Quang Trung đã tổ chức Lễ giỗ nhân kỷ niệm 222 năm ngày mất Đô đốc Bùi Thị Xuân (1802 – 2024) tại Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân (khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn – Bình Định) theo nghi thức giỗ truyền thống.
Đà Lạt muốn nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, xây tổ hợp khách sạn, thương mại… bên dưới
(Tin Môi Trường) - Phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng của Đà Lạt được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng lựa chọn là phương án Hotel du Printemps của KTS. Thierry Van de Winagaert. Theo đó, Dinh Tỉnh trưởng sẽ được nâng cao 28m so với vị trí ban đầu. Phần dưới và xung quanh sẽ là tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ...