(Tin Môi Trường) - Khi người ta không chỉ "đặt tên cho dòng sông" mà còn trao cho nó các quyền lợi hợp pháp như thứ con người được hưởng, liệu có giúp nó được bảo vệ tốt hơn trước muôn mối đe dọa?
Minh họa: Matt Chinworth/Mother Jones
Trong bài báo sau này sẽ gây tiếng vang năm 1972, giáo sư luật Christopher Stone, người được
cho là đã khởi động phong trào trao "nhân vị tính" (personhood)
cho thiên nhiên, viết: "Tôi nghiêm túc đề xuất
trao quyền lợi hợp pháp
cho các khu rừng, đại dương, dòng sông và những cái gọi là ‘thực thể thiên nhiên’ khác trong môi trường - nói chung là cả môi trường tự nhiên".
Ông
cho rằng các tổ chức môi trường nên được quyền xin làm giám hộ
cho những ngọn núi hay con suối mà họ
cho rằng đang bị đe dọa và đại diện các thực thể thiên nhiên này trước tòa, tương tự cách con người suy sút năng lực vì bệnh tật hay tuổi tác có thể nhờ quyền giám hộ khi có vấn đề pháp lý.
Giáo sư Stone dạy tại Trường Luật Đại học Southern California từ năm 1965
cho đến khi qua đời hồi tháng 5-2021. Không bất ngờ khi không phải ai cũng lập tức đón nhận ý tưởng trao
cho thiên nhiên đúng các quyền con người đang hưởng của ông. Trong nước, nhiều ý kiến chỉ trích, phê phán Stone, nhưng cũng có những thay đổi được nhen nhóm. Bên ngoài nước Mỹ, ý tưởng này lại được ủng hộ khá nhiều, hàng chục năm sau đó.
Một ví dụ "nóng hổi"
Hôm 21-9 vừa qua, Thượng viện Tây Ban Nha thông qua dự luật quy định các quyền mới của Mar Menor, một đầm nước mặn nằm ngoài khơi phía đông nước này.
Trong quá khứ, vùng nước nông và trong vắt này là nơi sinh sống của trai Pinna nobilis, loài thân mềm hai mảnh vỏ biểu tượng của biển Địa Trung Hải, với chiều dài có thể vượt hơn 1m. Nhưng vào năm 2016, hiện tượng tảo nở hoa, vốn là hậu quả của lượng phân bón nông nghiệp bị rửa trôi, đã hút hết oxy trong nước và giết chết 98% quần thể trai quý hiếm, cùng với cá ngựa, cua và các sinh vật biển khác.
Từ đó, thảm họa ngợp thở vì tảo cứ lặp đi lặp lại, khiến hàng triệu cá chết dạt vào bờ. Đến năm ngoái, người dân địa phương chịu hết nổi. Gần 640.000 người dân Tây Ban Nha đã ký tên vào một bản kiến nghị, yêu cầu cấp
cho đầm phá rộng 135km2 quyền con người. Họ cuối cùng đã có cái gật đầu của cơ quan lập pháp.
Nói
cho chính xác, luật mới không xem cả đầm phá là "con người" 100%. Nhưng các hệ sinh thái ở đó có quyền tồn tại, tiến hóa một cách tự nhiên và được chữa lành. Và giống như một con người, Mar Menor có những người giám hộ hợp pháp. Giờ đây bất kỳ người dân nào cũng có thể khởi kiện vì mục đích bảo vệ Mar Menor, chẳng hạn như để chống nạn lạm dụng phân bón.
Lực lượng giám hộ, bao gồm đại diện của chính quyền và các công dân được bổ nhiệm, có thể thay mặt
cho đầm phá đề ra các hành động pháp lý và hơn thế nữa. Đồng thời, có một ủy ban khoa học sẽ đánh giá sức khỏe sinh thái, đặt ra các thông số, xác định các mối đe dọa mới và tư vấn về biện pháp phục hồi.
Chưa hết, một ủy ban giám sát sẽ bao gồm đại diện từ các tổ chức môi trường, ngư nghiệp và nông nghiệp... Tất cả đều hiện thực hóa những đề xuất mà giáo sư Stone vạch ra từ đúng nửa thế kỷ trước.
Trước khi "làm người", Mar Menor thật ra vẫn có những điều luật mạnh mẽ nhằm bảo vệ nó, tỉ như việc cấm khai thác hoặc làm hại loài trai khổng lồ. Tuy nhiên, theo nhà sinh thái học Francisca Giménez-Casalduero của Đại học Alicante, việc thực thi pháp luật không mấy trọn vẹn. Bộ Môi trường Tây Ban Nha gần đây đã cam kết chi gần 500 triệu euro trong vòng 5 năm tới để giải quyết tình trạng ô nhiễm ở Mar Menor. Giới bảo tồn đang hy vọng rằng khung pháp lý mới sẽ giúp thúc đẩy những nỗ lực kể trên.
Vớt cá chết do tảo nở hoa ở đầm phá Mar Menor của Tây Ban Nha.
Học tập văn hóa bản địa
Tạp chí Science
cho biết Mar Menor là trường hợp công nhận "tư cách pháp nhân" của thiên nhiên đầu tiên ở châu Âu. Bên ngoài lục địa này, chiến lược bảo tồn thông qua hình thức này đã bắt đầu lan tỏa từ giữa thập niên trước.
Năm 2014, Vườn quốc gia Te Urewera ở New Zealand được tuyên bố trở thành Te Urewera, bỏ cụm "vườn quốc gia" - tức không còn là một công viên của nhà nước. Thay vào đó, nó được công nhận là vùng đất "tự sở hữu chính mình", bất khả chuyển nhượng và vô thời hạn. Te Urewera còn là quê hương của Tūhoe, một bộ lạc của người Māori bản địa.
Năm 2018, Columbia công nhận quyền của rừng mưa nhiệt đới Amazon. Và lần đầu tiên, quyền được trao
cho một loài cây cụ thể - cây lúa hoang mang tên "manoomin" của dân tộc Anishinaabe ở bang Minnesota nước Mỹ.
Ở châu Á, kể từ năm 2019, mọi dòng sông ở Bangladesh đều được cấp quyền con người. "Ở Bangladesh, chúng tôi xem sông nước là người mẹ của mình" - Mohammad Abdul Matin, tổng thư ký của tổ chức môi trường trong nước Poribesh Andolon, phát biểu trên Đài Mỹ NPR cùng năm đó.
Nhiều người
cho rằng các cách làm kể trên là một kiến tạo của phương Tây, song không ít nhà vận động tin rằng phong trào quyền của tự nhiên "là sự học tập từ thế giới quan của dân tộc bản địa chứ không phải ngược lại" - Michelle Bender, nhà vận động môi trường thuộc Tổ chức Earth Law Center, nói với báo The Guardian.
Phong trào này có thể góp phần công nhận mối quan hệ của dân tộc bản địa với các thực thể trong tự nhiên, như sông ngòi, núi rừng. Khi các thực thể đó được trao một số "quyền con người" nhất định, người dân bản địa cũng sẽ có thể thực hiện những quyền tự nhiên của họ.
Trong trường hợp sông Whanganui của New Zealand, được
trao quyền vào năm 2017, mục đích không phải là ngăn chặn ô nhiễm, mà là để đưa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên của người Māori vào luật pháp phương Tây.
"Con sông này, mảnh đất này và dân làng là không thể tách rời" - theo Niko Tangaroa, trưởng lão của bộ lạc Whanganui và là nhà hoạt động chủ chốt
cho dòng sông. Dòng sông có hai người giám hộ: một từ bộ lạc Whanganui và một từ hoàng gia (New Zealand thuộc vương quốc thịnh vượng chung cùng với Anh), sự kết hợp nhằm dung hòa hai thế giới quan khác nhau. Giống như một con người, sông Whanganui và lưu vực của nó có thể khởi kiện hoặc bị kiện, giao kết hợp đồng và nắm giữ tài sản.
Julia Talbot-Jones thuộc Đại học Victoria Wellington
cho biết cách làm này có vẻ đang mang lại tin vui
cho môi trường, thúc đẩy các cải cách trong quản lý nguồn nước ở New Zealand nhằm ưu tiên phúc lợi của các con sông so với nhu cầu của con người. Trao quyền
cho sông Whanganui là "bước đệm không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi đang lớn mạnh này" - cô nói với Science.
Sông Whanganui đoạn gần lối vào Vườn quốc gia Whanganui ở New Zealand. Ảnh: Matthew Lovette/Getty Images
Vẫn còn ít nhất 3 vấn đề
Thứ nhất, khi một vùng nước hay một cánh rừng có được "nhân quyền", điều gì sẽ xảy ra với tất cả những người đang sống nhờ vào nó? Chẳng hạn như tại Tây Ban Nha, nông dân vẫn thường phản kháng yêu cầu cắt giảm phân bón; Đảng Vox cực hữu đã gọi sáng kiến
trao quyền cho Mar Menor là "vô nghĩa về pháp lý", tuyên bố sẽ kháng cáo lên Tòa án hiến pháp.
Vấn đề thứ hai liên quan đến thẩm quyền. Nước chảy vốn chẳng tuân theo đường biên giới. Chẳng hạn, với dòng Mekong chảy qua 6 quốc gia, lẽ nào chỉ một đoạn của Mekong được cấp quyền như con người và những đoạn khác thì không?
Nội bộ Ấn Độ cũng từng gặp vấn đề hóc búa này sau khi tòa án ở bang Uttarakhand cấp ‘tư cách pháp nhân’
cho sông Hằng và sông Yamuna vào năm 2017. Chính quyền bang liền phản đối lên Tòa án tối cao Ấn Độ, nói rằng ý tưởng quá phi thực tế vì chỉ 96km trong tổng số 2.525km của sông Hằng chảy qua Uttarakhand. Tòa án đã đồng ý và tước bỏ quyền con người chóng vánh của dòng sông, theo AFP (tháng 7-2017).
Thứ ba, việc kiện cáo thường rất tốn kém, nên rủi ro là người giàu sẽ áp đặt ý muốn của họ lên ý muốn của tự nhiên. Đôi khi, người giám hộ đơn giản là không có tiền để tranh đấu. Một ví dụ ở Ecuador: tổ chức phi chính phủ Liên minh toàn cầu vì quyền tự nhiên đã kiện một công ty muốn xây đường băng qua sông. Họ thắng án lần 1, nhưng không đủ tiền để khởi kiện lần 2. Vì vậy, phán quyết đã không được thực thi hiệu quả.
Hơn nữa, tư cách pháp nhân bao hàm quyền khởi kiện và cả bị khởi kiện. Liệu một con sông có phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại mà nó gây ra trong một trận lũ? Liệu những người giám hộ có phải thay mặt dòng sông đó bồi thường thiệt hại?
Ở nhiều khía cạnh, dường như ý tưởng trao "nhân quyền"
cho thiên nhiên cũng giống với mục tiêu "phát thải ròng bằng 0" của các chính phủ và tập đoàn: một khát vọng đúng đắn chưa thể chuyển biến thành hành động quyết liệt và những thay đổi thiết thực trong cuộc sống. Nhưng ít nhất, cả hai đã và đang truyền thật nhiều cảm hứng.■
Anthropocentrism - chủ nghĩa duy con người - cho rằng con người là thực thể trung tâm hoặc quan trọng nhất trong vũ trụ. Từ đó, loài người xem thế giới tự nhiên là hàng hóa, có thể tiêu xài và có thể vứt bỏ. Vì vậy, để bảo vệ những ngọn đồi, cánh rừng và đại dương, chúng ta cần nhìn chúng bằng đôi mắt mới mẻ, xem chúng và ta đều bình đẳng, thậm chí thiên nhiên là trung tâm (ecocentrism). Các dân tộc bản địa đã biết điều đó từ hàng thiên niên kỷ trước. Ngày nay, nhiều người đang đề xuất tội hủy diệt sinh thái (ecocide) là một tội ác quốc tế, giống như tội diệt chủng, tội ác chiến tranh…