(Tin Môi Trường) - Toàn tỉnh đã huy động trên 17.000 người, các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có mặt tại hiện trường, trực tiếp chỉ huy công tác tìm kiếm cứu nạn và di dời dân đến nơi an toàn.
Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn bằng mọi cách đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. - Ảnh: Báo Yên Bái
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Yên Bái, tính đến 7 giờ sáng ngày 21/7,
mưa lũ đã làm 29 người chết, mất tích và bị thương; 3.877 ngôi nhà bị thiệt hại, 1.915 ha diện tích nông nghiệp cùng nhiều công trình thủy lợi, giao thông, viễn thông bị ảnh hưởng. Thiệt hại ban đầu khoảng 200 tỷ đồng.
29 người thương vong gồm: 10 người chết (Văn Chấn 04, Mù Cang Chải 05, Trấn Yên 01), 8 người mất tích (Vãn Chấn 06 người, Vãn Yên 02 người), 11 người bị thương (Vãn Chấn 7 người, Trấn Yên 4 người).
Hiện nay, công tác cứu trợ đang được triển khai tích cực. Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có mặt tại hiện trường, trực tiếp chỉ huy công tác tìm kiếm
cứu nạn và di dời dân đến nơi an toàn.
Được biết, toàn tỉnh đã
huy động trên
17.000 người và tập trung tối đa các phương tiện, thực hiện đồng bộ các biện pháp tìm kiếm người mất tích. Trong đó, tỉnh đã
huy động trên 3.000 cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội, dân quân tự vệ; các huyện, thị xã, thành phổ
huy động lực lượng tại chỗ trên 15.000 người; Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đã kịp thời cử gần 300 chiến sỹ đến cứu hộ, cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Bước đầu, tỉnh đã quyết định hỗ trợ 10 triệu đồng/người đối với hộ gia đình có người chết, mất tích; hỗ trợ 3,0 triệu đồng đối với người bị thương; hỗ trợ 25 triệu đồng đối với gia đình có nhà bị lũ cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn; hỗ trợ 10 triệu đồng đối với gia đình có nhà bị hư hỏng nặng; hỗ trợ các gia đình có nhà bị sập đổ hoàn toàn 15 kg gạo/khẩu/tháng (trước mắt trong thời gian 01 tháng) để người dân ổn định cuộc sống và sản xuất.
Cuối ngày 20/7, các địa phương đã bố trí nơi ăn, ở tạm thời và cung cấp những vật dụng thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại để ổn định cuộc sống; rà soát, tìm những địa điểm đất nền để dự kiến làm nơi ở mới cho các hộ dân có nhà bị lũ cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn.
Tính đến 7h sáng nay (21/7/2018) các địa phương đã tìm được 10 thi thể và cứu hộ kịp thời 7 người bị cô lập tại xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn về nơi an toàn. Các quốc lộ, tỉnh lộ và tuyến đường đến trung tâm xã đã cơ bản được khắc phục, đảm bảo giao thông thông suốt. Đảm bảo nơi ở tạm thời cho các hộ dân bị mất nhà, phải di dời.
Ảnh: Báo Yên Bái
Trưa 20/7, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình ngập úng địa bàn thành phố Yên Bái và có cuộc họp khẩn, phân công nhiệm vụ cụ thể với lãnh đạo Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố Yên Bái.
Cùng ngày, đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã đi kiểm tra tình hình
mưa lũ và ngập úng trên địa bàn huyện Trấn Yên. Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại huyện Lục Yên.
Chủ tịch Yên Bái chỉ đạo khắc phục hậu quả tại Bản Tủ
Ngày 21/7, thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai lệnh Giám đốc Công ty Thuỷ điện Hòa Bình mở thêm 1 cửa xả đáy vào lúc 10 giờ ngày 21/7 và mở thêm 1 cửa xả đáy vào lúc 16 giờ cùng ngày; liên tục phát tối đa qua 8 tổ máy. Tuỳ theo tình hình diễn biến của
mưa lũ thượng nguồn có thể tiếp tục mở thêm các cửa xả đáy.
Trước thiệt hại nặng nề về người và tài sản do
mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện Văn Chấn, chiều 20/7, ông Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp có mặt tại Bản Tủ, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn để kiểm tra nắm tình hình, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ.
Bản Tủ là một trong những thôn bản bị thiệt hại nặng nề do
mưa lũ gây ra. Đã có 3 người bị mất tích; hàng chục ngôi nhà bị sập đổ và lũ cuốn trôi hoàn toàn; giao thông liên lạc bị chia cắt và nhiều hộ dân ở trong xã Sơn Lương vẫn đang bị cô lập.
Lực lượng tìm kiếm cứu hộ
cứu nạn của tỉnh và huyện đã
huy động lực lượng để ứng cứu, sơ tán những hộ dân bị cô lập ra khỏi vùng nguy hiểm. Với sự nỗ lực cố gắng của các lực lượng chức năng, đến chiều tối 20/7, có 7 người dân bị cô lập đã được giải cứu đưa ra khỏi vùng nguy hiểm.
Qua đi kiểm tra thực địa nắm tình hình thiệt hại tại một số địa phương trên địa bàn huyện Văn Chấn, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy đã yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm
cứu nạn của tỉnh và huyện Văn Chấn
huy động toàn bộ mọi lực lượng để tổ chức sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm và tìm kiếm những người đang bị mất tích; thực hiện tốt các chính sách cho người dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai.
Đại tá Lê Văn Trung, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái cho biết, Ban Chỉ huy quân sự tỉnh đã
huy động gần 100 người, ngoài ra còn có lực lượng cứu hộ của Ban Chỉ huy quân sự tại các địa phương thực hiện phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, đảm bảo chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) để tham gia công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ.
Trước diễn biến phức tạp tình hình mưa lũ, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái đã báo cáo với Quân khu 2 và xin tăng cường lực lượng để tiếp tục làm nhiệm vụ ứng phó với
mưa lũ tại huyện Văn Chấn.
Theo thống kê sơ bộ, tính đến 18 giờ ngày 20/7, toàn huyện Văn Chấn đã có 3 người chết, 7 người mất tích tại các xã An Lương, Sơn Lương, Nậm Mười, 4 người bị thương tại các xã Thượng Bằng La, Sơn Lương, An Lương, Nậm Mười.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm
cứu nạn tỉnh Yên Bái và huyện Văn Chấn đã
huy động gần 500 người gồm công an, quân đội, dân quân tự vệ và các ban, ngành đoàn thể để tổ chức tìm kiếm người mất tích và gần 450 người để giúp dân khắc phục hậu quả bão lũ.
Ông Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: Ưu tiên đầu tiên là phải thực hiện cứu hộ cứu nạn, tìm kiếm các trường hợp bị mất tích. Thứ hai là rà soát để di dời các hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm chịu ảnh hưởng của lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn.
Tiếp đó chính quyền địa phương sẽ giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và chăm lo cho các gia đình có người chết và người thân bị mất tích, người bị thương cũng như những gia đình có nhà cửa bị sập đổ hoàn toàn. Đồng thời tỉnh thực hiện các giải pháp sớm phân luồng giao thông để tiếp cận với những địa bàn bị chia cắt cũng như kết nối với hệ thống thông tin liên lạc, giải quyết các vấn đề vệ sinh phòng chống dịch bệnh…
Cũng trong chiều 20/7, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm
cứu nạn do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng - Phó Trưởng ban Thường trực làm Trưởng đoàn, đã đến kiểm tra công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả do
mưa lũ tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Tại Phú Thọ, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hạ Hòa cho biết, đến 21 giờ ngày 20/7, mưa bão đã làm gần 1.500 ha lúa, hoa màu và cây ăn quả đã bị ngập úng; 282 hộ dân phải di dời do ngập và sạt lở, 744 hộ dọc hai bên sông Thao và các xã có ngòi tiêu lớn có nguy cơ bị ngập, sẵn sàng di dời người và tài sản.
Nhiều tuyến đê tại các xã Y Sơn, Phụ Khánh, Lệnh Khanh, Đan Thượng, Vụ Cầu, Liên Phương đã bị tràn. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hạ Hòa đã nhanh chóng triển khai các phương án khắc phục hậu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại do cơn lũ gây ra.
Tại Ninh Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan Trần Văn Sính cho biết, mưa kéo dài đã gây ra tình trạng ngập lụt tại một số địa phương, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và giao thông của người dân. Trước tình hình trên, huyện đã huy động lực lượng, triển khai các biện pháp phòng chống mưa lũ.
Tại tuyến đê bao sông Na thuộc địa bàn các xã Gia Thủy, Gia Lâm xảy ra tình trạng tràn đê với chiều dài khoảng 0,5 km, huyện đã cử 150 cán bộ kịp thời xử lý, đắp kè sự cố tràn trên tuyến đê bao sông Na.
Tại Nghệ An, một số địa phương trong tỉnh đang bị cô lập, đến tối 20/7, nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn và đường nội thôn bản ở tỉnh Nghệ An vẫn đang bị ách tắc do nước ngập, sạt lở đất đá, hư hỏng.
Theo báo cáo của các địa phương, đến tối 20/7 tại Nghệ An, do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ đã làm 73 nhà dân bị sạt lở; 14 điểm trường bị ảnh hưởng; 14.360 ha lúa, 6.744 ha ngô và hoa màu, 1.466 ha cây trồng lâu năm, 2.943 ha ao hồ nuôi thủy sản bị ngập trong nước, hư hỏng; 3.190 con gia cầm, 20 con lợn bị chết; 83 cột điện bị đỗ gãy…
Hiện tỉnh Nghệ An vẫn đang duy trì trực 24/24 giờ tại Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương; cử các đoàn công tác xuống các địa phương chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời, Nghệ An tiếp tục cảnh báo người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, nhất là người dân tại các vùng đang bị cô lập.