Thứ sáu, 22/11/2024, 05:17:32 AM (GMT+7)

Ô nhiễm ở dự án bò sữa TH True Milk: 700 hộ dân phải di dời

(21:37:08 PM 13/05/2014)
(Tin Môi Trường) - Liên quan đến bức tâm thư của cô giáo trẻ Hoàng Trâm ở thôn Đông Lâm, xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An gửi bà Thái Thị Hương - Chủ tịch tập đoàn TH True Milk đang gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua, phóng viên đã có chuyến khảo sát thực tế về những ảnh hưởng của dự án nuôi bò sữa tới người dân khu vực.


Nước thải từ khu xử lý thức ăn của Công ty cổ phần sữa TH True Milk.- (Ảnh: PV/Vietnam )


Đại diện TH True Milk: Cáo buộc của cô Trâm là không có cơ sở

Tiếp phóng viên Vietnam ,  ông Lê Văn Cần, Quản lý hành chính và phụ trách ban đối ngoại của Công ty cổ phần sữa TH True Milk phân bua rằng những cáo buộc trong bức thư của cô giáo Hoàng Trâm như người dân bị ung thư do mùi hôi thối, nước ô nhiêm là "hoàn toàn không có cơ sở."

Theo ông Cần, hiện nay chưa có bất cứ cơ sở nào chứng minh rằng việc sản xuất của công ty gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

Hơn nữa, dự án mới chỉ thực hiện ở Nghĩa Đàn trong khoảng thời gian hơn 3 năm, trong khi đó một số người dân, nhất là người bố của chị Trâm đã lâm bệnh cách đây hơn 3 năm rồi.
“Không thể có điều phi lý rằng một dư án mới làm có thể gây ra ung thư ngay lập tức như vậy. Hơn nữa, vùng đất nơi gần nhà chị Trâm ở trước đây là nơi tập kết thuốc trừ sâu.

Vì vậy, việc quy kết cho TH gây ô nhiễm, dẫn tới căn bệnh ung thư khiến một số người dân phải chết là điều hết sức phi lý,” ông Cần phân tích.

Ông Cần cũng cho rằng việc “mùi hôi thối từ trại bò của TH thi nhau luồn lách vào trong tận màng phổi, khiến hàng ngàn người dân phải mang khẩu trang khi ngủ” là điều rất áp đặt, bởi “người bình thường bịt khâu trang một lúc còn khó thở, chứ chưa nói gì đến chuyện đeo ngủ suốt cả đêm!?"

“Có thể có lúc nào đó, gặp luồng gió thì có xuất hiện mùi hôi thối chút. Nếu  nói phân bò của công ty gây mùi hôi thối đến mức người dân phải đeo khẩu trang để ngủ, thì nước ta có bao nhiêu người dân nuôi trâu, nuôi bò phải chịu cảnh này?” ông Cần phân bua.


Riêng đối với xe chở phân, ông Cần cho biết hiện nay 100% xe của doanh nghiệp là xe chuyên dùng, nên phân không rơi vãi trên đường. Hơn nữa, xe chở phân của công ty chạy trong vùng dự án thường rất chậm, thậm chí có nơi còn chạy 20km/giờ.

Tuy nhiên, ông Cần cũng thừa nhận: “Có thể, một xe nào đó thùng không kín nên có thể có hiện tượng bị bắn ra ngoài, nhưng lượng phân đó là không đáng kể. Những trường hợp này, công ty cũng đã chấn chỉnh, giờ không còn xảy ra...”

 


Hồ nước nằm dưới những hố phân tại xã Đông Lâm. -
(Ảnh: PV/Vietnam )


 Hôi thối đã giảm, nhưng nỗi lo ô nhiễm là hiện thực

Dù bức tâm thư "như một lời kêu cứu" gửi tới người đứng đầu Tập đoàn sữa TH True Milk của cô giáo trẻ Hoàng Trâm đăng tải trên trang Facebook đã được gỡ xuống, xong dư âm của “những bất bình” mà cô giáo 25 tuổi này nói hộ cho người dân khu vực vẫn còn đó những… tiếng buồn.

 Thực tế đi đến vùng dự án, quả thật mùi hôi thối từ khu nuôi bò cũng như từ các hố phân trong không khí oi nực nắng chang chang của mùa hè miền Trung, lẫn trong gió Lào là rất khó chịu.

 Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Lý Hồng Dương, Trưởng thôn Đông Lâm, xã Nghĩa Sơn cho biết, bức thư của cô giáo Hoàng Trâm phản ánh là câu chuyện hoàn toàn có thật như những gì mà người dân đã phải gánh chịu, song một số chi tiết mà cô giáo Trâm phản ánh thì chưa được xác định bởi cơ quan chức năng nên chưa đủ căn cứ để cáo buộc doanh nghiệp.

Cụ thể, theo ông Dương, dự án trang trại bò sữa có quy mô lớn này đóng trên địa bàn cộng với việc đổ phân gần khu dân cư, dẫn tới tình trạng hôi thối, phát sinh ruồi muỗi là điều có thật.

 Tình trạng này cũng đã khiến nhiều bà con trong khu vực rất khó chịu, nhất là các hộ dân sống kề trang trại nuôi bò, hay khu xử lý thức ăn của công ty dù cho đến nay, trang trại đã có khắc phục nên mùi hôi thối và ruồi muỗi đã giảm đi nhiều.

Cụ thể là sau cơn bão số 11, huyện Nghĩa Đàn đã nhận 2 tạ thuốc diệt ruồi, muỗi từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An về giao cho trung tâm y tế địa phương xử lý.

Về việc xe chở chất thải của doanh nghiệp “phóng nhanh, chạy ẩu” làm phân bắn ra đường, ông Dương khẳng định thời gian trước tình trạng này cũng hay diễn ra, nhưng từ sau bức thư cầu cứu gửi bà Chủ tịch tập đoàn TH True Milk của cô giáo Trâm thì việc này đã được "cải thiện."

Liên quan đến nguồn nước, vị trưởng thôn Đông Lâm cũng khẳng định, trước đây hồ nước ở làng rất sạch, được coi là “long mạch” dẫn nước về các giếng đào của người dân.

 Nhưng từ ngày xuất hiện những hố đổ phân tươi ở trên đồi, có lúc mưa lũ đến, hố chứa phân lại vỡ, phân trôi xuống khiến nguồn nước ở hồ đã bị ảnh hưởng nhiều, nếu không sớm ngăn chặn thì nguồn nước này sẽ trở thành nơi ô nhiễm, ổ dịch bệnh của bà con nơi đây.

 


Quá trình xử lý phân bò.-
(Ảnh: PV/Vietnam )


Cần phải di dời 700 hộ dân ra khỏi khu chăn nuôi


Đem những phản ánh từ cả đôi bên doanh nghiệp và cư dân đến gặp cơ quan chức năng, chúng tôi được ông Vi Văn Định, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) cho biết, ngay sau khi bức thư của cô giáo Hoàng Trâm lan truyền trên mạng, chính quyền địa phương đã cử đoàn về cơ sở kiểm tra, tổ chức cuộc họp với người dân thôn Đông Lâm, để năm bắt tình hình.

“Phải thừa nhận, dự án nuôi bò sữa TH True Milk là một dự án rất lớn đang trong quá trình triển khai. Ở chừng mực nào đó thì dự án này vẫn chưa đảm bảo các cam kết về môi trường, song chúng tôi cũng ghi nhận rằng bản thân doanh nghiệp cũng đã có nhiều cố gắng, khắc phục và hoàn thiện.

 

Ví dụ như xe chở phân của doanh nghiệp trên thực tế cũng rơi vãi ra đường, nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, ngay sau khi báo nêu, huyện đã có phương án kiểm tra và xử lý ngay. Do đó, việc xe phóng nhanh vượt ẩu, gây té phân giờ đã được chấn chỉnh,” ông Định chia sẻ.

Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền địa phương huyện Nghĩa Đàn cũng trăn trở:  “Một dự án lớn như TH nói không tác động đến môi trường thì không đúng, nhất định ở một chừng mực nào đó thì cũng có những chỗ chưa đảm bảo. Nhất là vấn đề liên quan đến nguồn nước.

 Do đó, vấn đề cần giải quyết khả thi nhất hiện nay là di dân tái định cư ra khỏi khu vực trại bò của doanh nghiệp, bởi dân còn ở đó thì sẽ còn bị ảnh hưởng.”

Theo con số từ TH True Milk, họ đã chi hàng chục tỷ đồng để di dời gần 30 hộ dân ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng môi trường. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe về lâu dài, ông Định cho biết trong thời gian tới sẽ phải di dời khoảng 700 hộ dân ra khỏi khu vực trang trại nuôi bò.

 

“Di dân tái định cư là hợp lý, song để chuyển hàng trăm hộ dân như vậy là việc làm không hề đơn giản.

Dù rằng đã chọn được vị trí di dời dân tới nơi ở mới, nhưng vấn đề khó khăn ở đây là nguồn vốn và phải đảm bảo cơ sở hạ tầng, điện, nguồn nước và sinh kế cho bà con. Do đó, việc di dân tái định cư này vẫn chưa thể triển khai được,” ông Định nhấn mạnh.

Đồng tình quan điểm trên, đại diện TH True Milk cho rằng di dân tái định cư là việc làm rất cần thiết.

“Thực tế, nói về dự án chăn nuôi công nghiệp thì không nên để người dân gần khu chăn nuôi, bởi ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến an toàn của đàn gia súc. Phần nữa là không để ảnh hưởng sức khỏe của người dân,” ông Cần chia sẻ.

Vị đại diện của TH True Mill cho là, để sớm đưa được dân ra khỏi khu chăn nuôi bò, họ cần có sự hợp tác từ các đơn vị có trách nhiệm là tỉnh Nghệ An, huyện Nghĩa Đàn để cùng thống nhất việc đền bù, di dân tới nơi ở mới một cách thỏa đáng nhất.

 Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao khi xây dựng dự án cho đến khi dự án được phê duyệt thì vấn đề môi trường, và di dời các hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng không được đề cập đến và không được các nhà quy hoạch tính toán đến? 

Giờ đây, mọi việc đã trở nên khó khăn hơn nhiều, đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt thòi chính là những người dân.

 Nếu như không quyết liệt di dời đi cùng với các biện pháp xử lý môi trường triệt để thì rồi lá thư của cô gái Trâm cũng như câu chuyện này lại chìm sâu vào trong lãng quên để rồi, lúc chứng minh ra những tác hại hiển hiện của nó bằng khoa học, chức năng thì đã quá muộn.

Xem thêm nội dung lá thư của Hoàng Thị Trâm như sau:

Đông Lâm, 2h sáng ngày 18/4/2014. Gửi cô Thái Thị Hương - chủ tịch tập đoàn TH true milk! 

Thật thất lễ khi chưa một lần gặp mặt cũng như chưa nói chuyện với cô lần nào mà lại gửi bức tâm thư này tới cô. Xin cho cháu xưng hô là vậy bởi cháu năm nay 25 tuổi và đang là 1 giáo viên nên phần nào hiểu về cái quyền tự do ngôn luận. Hẳn là cô sẽ rất thắc mắc khi tại sao cháu lại nhắc tới quyền tư do ngôn luận ở đây? Bởi lẽ cô hàng xóm – một “dân đen” đúng nghĩa, cũng chỉ vì muốn đòi lại quyền lợi khi bị tước đoạt đất đai mà kết quả lại bị tước đoạt quyền công dân khi phải chịu án trong nhà đá, nên cháu hy vọng những điều cháu tâm sự sẽ không có kết cục như trên.

Cô Hương thân mến! cháu là người con sinh ra và lớn lên tại môt vùng quê mà trước đây cháu còn nghĩ nếu ở thời chiến tranh thì đây chính là nơi trú ẩn an toàn, bởi vì nơi đây bạt ngàn những rừng cao su, rừng tràm, cà phê, cam, mía... và bao quanh là dòng sông nhỏ. Thế nhưng, giờ đây mọi nơi đều được trải bê tông để nhường chỗ cho những chú bò nhập ngoại trú ngụ và những nhà máy hoạt động liên tục 24h. Cũng chẳng hiểu sao xóm cháu “được” chọn là nơi xây dựng nhà điều hành, lại thêm những trại bò sữa vây quanh cùng với một trung tâm thức ăn đồ sộ, phục vụ cho một trang trại bò sữa có quy mô lớn nhất Đông Nam Á.

Hẳn cô đã phần nào hiểu tại sao cháu không gửi thư cho ai khác mà lại chọn cô - Người đứng đầu tập đoàn sữa TH true milk. Cháu không viết thư để đòi lại những vườn cam, vườn cao su, vườn mía... mà giờ đây bê tông đã trải kín nền, không còn nghĩ đến chuyện người dân xóm cháu thức ngày đêm để đòi quyền bồi thường thỏa đáng, cũng không than vãn hộ chị gái hằng đêm phải trốn hai đứa con nhỏ lúc hai giờ sáng để đi làm kịp ca đặc biệt, là những ngày đông giá rét mà lương cơ bản hàng tháng vẫn chỉ 2 triệu đồng, không còn thắc mắc chuyện dân cháu mỗi ngày 24 tiếng đều đặn phải nghe những âm thanh ồn ào của máy móc, của xe tải và những tiếng la hét của đàn bò. Lại càng không muốn khóc lóc mà khiếu nại chuyện những chuyến xe chở chất thải cứ tung tăng chạy trên đường, để rồi những người tham gia giao thông cũng như cháu lại có những hôm đang trên đường đi làm phải trở về vì phân thải dội khắp người. Hậu quả là học sinh nhao nhác chờ cô, còn cháu thì chỉ dám nói lí nhí với thầy hiệu trưởng cái lý do đi dạy muộn mà nghe xong chắc ai cũng phải bịt mũi.

Mà nói thật là cũng từ sau cái chuyện ấy, cháu lại dạy thêm cho học sinh một văn hóa ửng xử trong giao thông là chữ “ nhường”. Để thực hiện chữ “ nhường” đó thì mỗi lần gặp những xe trọng tải lớn của TH là cháu cứ phải tấp hẳn xe vào lề đường rồi nín thở chờ họ đi qua . Ấy vậy mà dù có nép theo chiều thẳng đứng với cột mốc thì mạng sống cũng chỉ xem như trò đùa, khi chiếc xe tải chở phân vẫn lao hầm hập như không phanh và cố tình đánh lái để có thể lao vào trực diện, thế rồi tay lái xe có vẻ như đang thể hiện trình độ lái xe của mình khi phanh két trước mặt, rồi từ từ mở cửa xe hỏi một câu rất chi là lịch sự : “Đi làm về hả em?” (chắc xe này mua phí bảo hiểm cao lắm)...và còn lắm lắm những điều mà lúc này đúng 2h30p cháu suy nghĩ tới, bởi cho dù đã bịt khẩu trang thì cháu vẫn không tài nào ngủ được khi tất cả mùi hôi thối từ trại bò cứ thi nhau luồn lách để vào trong tận màng phổi.

Cháu nghĩ tới căn bệnh ung thư phổi mà Bố cháu đã chịu đựng và không gào thét bắt TH phải trả lại mạng sống cho Bố cháu, cho Bác ruột của cháu, những người hàng xóm của cháu lần lượt ra đi vì căn bệnh ung thư. Nhưng cháu không thể cầm lòng khi giờ đây, những người xung quanh cháu đang "thoi thóp" từng ngày mong chờ được thêm cơ hội sống dù ai cũng biết là vô vọng. Bác Hồ đã từng nói: “mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, quyền được sống và mưu cầu hạnh phúc” và khi cận kề cái chết thì niềm khao khát được sống lại lớn lao hơn cả. Bởi cách đây không lâu, khi chứng kiến Bố chịu đựng những cơn đau giằng xé nội tạng mà không một lời than vãn, suốt 3 tháng ròng chỉ ngồi mà không thể nằm nhưng không muốn tiêm thuốc giảm đau vì Bố nghĩ nếu tiêm thuốc đó thì sẽ mất hết hy vọng, và gia đình cháu cũng mong lắm điều diệu kì.

Lá thư của cô giáo xứ Nghệ gửi tới chủ tịch tập đoàn TH True Milk

     Ảnh FB Hoàng Trâm

Cho tới hôm nay,một lần nữa chứng kiến cảnh bác xóm trưởng bị căn bệnh ung thư gan hành hạ, chị hàng xóm lại nhận kết quả dương tính với căn bệnh ung thư tử cung, bác bí thư chi bộ bị u não, cô gần nhà lại mắc bệnh hiểm nghèo… lúc nghe tin mà người như rụng rời bởi nỗi đau này cháu và gia đình đã từng chịu đựng, tới nỗi ông nội cháu - người đã từng tham gia hai cuộc kháng chiến Pháp – Mỹ, là một trong những người đầu tiên khai hoang mảnh đất này lại phải đau xót mà thốt lên rằng: “Trời ơi! TH đã cướp mất hai người con tôi” khi hai năm liền ông lần lượt chứng kiến hai người con từ giã cõi đời.

Thực lòng cháu không muốn đổ lỗi cho ai, nhưng giờ đây nơi cháu ở là một dòng sông chứa đầy chất thải của bò, bao quanh phía Đông là một con đập chứa nước mà mỗi mùa mưa lũ những hồ chứa phân vỡ ra và rồi nó hứng chịu, cứ thế ngấm vào nguồn nước ngầm của nhà dân lại nằm ở phía Tây, là những trại bò sữa giáp với khu dân cư trải dài ở phía Nam và một khu trung tâm thức ăn với đủ các loại mùi hôi thối nồng nặc án ngự phía Bắc.

Đã bao giờ cô phải mắc màn để ăn cơm chưa ạ ? dân chũng cháu phải mắc màn mỗi khi ăn cơm vì quá nhiều ruồi từ các trại bò xâm nhập, ấy vậy nên cô lại có chương trình cấp cho mỗi hộ dân xóm bên cạnh 200 trăm nghìn đồng để mua thuốc diệt ruồi, còn xóm cháu cứ thế mà chịu. Kể ra có lẽ cũng chẳng ai tin khi người dân hằng đêm phải mang khẩu trang đi ngủ nhưng lại có thật tại nơi đây. Có thể chúng cháu đã biết đến cuộc đời 25 năm nay, nhưng còn những em nhỏ - một thế hệ tương lai đang hàng ngày, hàng giờ phải sống trong một môi trường quá ô nhiễm. Liệu các em có thể phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác? Hãy thử đặt mình trong hoàn cảnh đó, và liệu mình có thể để yên như vậy khi hàng ngày chứng kiến người thân của mình ra đi hay không?.

Thiết nghĩ, cô cho xây dựng một số đền miếu, lại hay lập đàn cầu siêu... vậy tại sao không tạo thật nhiều ân phúc ? Cô tin vào thuyết “Duy tâm” liệu cô có tin vào hai chữ “Quả báo”? Đến bây giờ điều cháu mong muốn nhất đó là cô hãy thực hiện những lời hứa với người dân mà hơn 4 năm qua cô đã lỡ hẹn. Dân chúng cháu cần lắm những tấm lòng biết cảm thông, chia sẻ và có trách nhiệm với hàng nghìn con người đang ngày đêm đối diện với tử thần.

Kính thư! Hoàng Thị Trâm.

Theo: Hoàng Thị Trâm

(Theo Vietnam+)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Ô nhiễm ở dự án bò sữa TH True Milk: 700 hộ dân phải di dời

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Ông Phạm Văn Sơn: Khơi dậy và lan toả tinh thần bảo vệ môi trường như một thói quen, hành động từ tiềm thức

Ông Phạm Văn Sơn: Khơi dậy và lan toả tinh thần bảo vệ môi trường như một thói quen, hành động từ tiềm thức

(Tin Môi Trường) - Nghề bảo vệ môi trường không chỉ là một nghề mà còn là một sứ mệnh cao cả. Chúng tôi tin rằng chỉ những người có duyên và có phúc mới có thể làm nghề này, bởi vì đó là sự kết hợp giữa đam mê, tâm huyết và lòng yêu thiên nhiên. Hãy cùng nhau bảo vệ môi trường và lan tỏa tình yêu thiên nhiên!- Đó là những lời nói chân thành, mộc mạc được gửi gắm trong những câu chuyện thực tế và tâm huyết của ông Phạm Văn Sơn - Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam - thành viên Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường trao đổi nhân dịp Tuần lễ môi trường năm 2024.

Tin Môi Trường
 Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không?

Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không?

(Tin Môi Trường) - Từ ngày 1/8, Luật Đất đai 2024 quy định khi chuyển nhượng nhà đất phải công chứng hoặc chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015.

VACNE 30 năm
 Tọa đàm “Chia sẻ, cập nhật thông tin về thị trường carbon từ hệ sinh thái rừng ven biển"

Tọa đàm “Chia sẻ, cập nhật thông tin về thị trường carbon từ hệ sinh thái rừng ven biển"

(Tin Môi Trường) - Ngày 22/8/2024 tại TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, Tổ chức Nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR), và Viện Nghiên cứu Môi trường/Đại học Adelaide đã cùng tổ chức buổi tọa đàm “Chia sẻ, cập nhật thông tin về thị trường carbon từ hệ sinh thái rừng ven biển." Tọa đàm nhằm cung cấp thông tin khoa học cập nhật về thị trường carbon, một vấn đề rất được xã hội quan tâm. Đây cũng là dịp quan trọng để cùng nhau chia sẻ kiến thức, học hỏi và hợp tác để xây dựng những dự án carbon xanh chất lượng cao.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI