»

Thứ bảy, 18/01/2025, 19:03:16 PM (GMT+7)

Tin Môi Trường sẽ đưa tin nhanh về Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mê Công quốc tế tại Việt Nam

(07:50:52 AM 01/04/2014)
(Tin Môi Trường) - Được sự đồng ý của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Vụ Thông tin và Báo Chí - Bộ Ngoại giao, Tin Môi Trường sẽ tham dự và đưa tin chi tiết về Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mê Công quốc tế tại Việt Nam diễn ra từ ngày 2 đến 5/4 /2014 tại TP. HCM. Các thông tin về hội nghị sẽ được cập nhật nhanh trên Tin môi Trường - Tin nhanh về môi trường Việt Nam (tinmoitruong.com.vn)

Đặc biệt, nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Cam-pu-chia Xăm-đéc Hun Xen, Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thoong-xỉnh Thăm-mạ-vông và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Thái Lan Su-ra-pông Tô-vi-chặc-chay-kun sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) vào ngày 5/4/2014, tại TP.Hồ Chí Minh.

 

Họp báo giới thiệu Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mê Công quốc tế tại Việt Nam-Ảnh:TL

 

TMT giới thiệu một số thông tin về Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mê Công quốc tế tại Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 5/4/2014:

I.  GIỚI THIỆU


1. Hội nghị Cấp cao lần thứ nhất Uỷ hội sông Mê Công quốc tế


Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực Mê Công được bốn quốc gia hạ lưu vực Mê Công là Lào, Campuchia, Thái Lan, và Việt Nam ký kết ngày 5/4/1995 tại Chieng Rai, Thái Lan, cùng với việc thành lập Uỷ hội sông Mê Công quốc tế. Đây là một dấu mốc hết sức quan trọng của sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên Uỷ hội sau nhiều thập kỷ hợp tác kể từ năm 1957.Trung Quốc và Mi-an-ma mặc dù cũng là các quốc gia ven sông nhưng không tham gia ký kết Hiệp định và gia nhập Uỷ hội mà chỉ là các đối tác đối thoại.


Vào ngày 5/4/2010 tại Hủa Hỉn, Thái Lan, nhân kỷ niệm 15 năm ký kết Hiệp định Mê Công 1995, các quốc gia thành viên đã tổ chức Hội nghị cấp cao lần thứ nhất của Uỷ hội nhằm thúc đẩy sự phát triển tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan khác trong lưu vực sông Mê Công. Hội nghị đã thành công tốt đẹp với việc thống nhất được tuyên bố chung – Tuyên bố Hủa Hỉn.


Tuyên bố Hủa Hỉn đã đánh giá thành tựu đạt được của Uỷ hội trong 15 năm hợp tác Mê Công, nêu bật những thách thức và cơ hội của lưu vực, khẳng định tầm nhìn của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế, các hành động ưu tiên cần thực hiện để đạt được tầm nhìn, và định hướng chiến lược cho giai đoạn tiếp theo của Uỷ hội.Các Thủ tướng trong Tuyên bố cũng thống nhất sẽ tổ chức Hội nghị Cấp cao của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế 4 năm một lần và luân phiên giữa các nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ nhất của Uỷ hội đã đồng ý tổ chức Hội nghị cấp cao lần thứ hai và mời Thủ tướng chính phủ các nước Lào, Campuchia, Thái Lan cũng như chính phủ các đối tác đối thoại là Trung Quốc và Mi-an-ma tham dự Hội nghị.


2.    Các thành tựu đạt được trong thực hiện Tuyên bố Hủa Hỉn


Một số thành tựu đạt được trong thực hiện Tuyên bố Hủa Hỉn được nhấn mạnh như sau:


1)    Xây dựng và bắt đầu triển khai các kế hoạch hành động vùng và quốc gia thực hiện Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước;


2)    Tiếp tục tăng cường nỗ lực để quản lý hiệu quả những rủi ro của lũ lụt và hạn hán thông qua các chương trình, dự án của Uỷ hội (Chương trình Quản lý Lũ, Quản lý Hạn);


3)    Xây dựng và triển khai thực hiện các hiệp định thúc đẩy hợp tác giao thông và thương mại đường thuỷ;


4)    Nghiên cứu và xác định được các mối đe doạ tới sinh kế do biến đổi khí hậu, từ đó đưa ra các khuyến nghị về biện pháp giảm thiểu;


5)    Tiếp tục giám sát và cải thiện chất lượng nước sông Mê Công;


6)    Tiếp tục giám sát và cải thiện các phương thức sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên khác, duy trì đa dạng sinh học và hệ sinh thái rừng ngập nước;


7)    Tăng cường thông báo, chia sẻ về các cơ hội, thách thức của phát triển thuỷ điện và các cơ sở hạ tầng khác trong Lưu vực, đặc biệt rủi ro tới an ninh lương thực và sinh kế;


8)   Tiếp tục tăng cường thực hiện các Thủ tục trao đổi, chia sẻ thông tin dữ liệu; Thủ tục thông báo, tham vấn trước và Thảo thuận; Thủ tục duy trì dòng chảy trên dòng chính và Thủ tục về chất lượng nước;


9)   Tăng cường mở rộng hợp tác giữa các Đối tác đối thoại, Đối tác phát triển và với các bên liên quan khác;


10)   Tích cực hỗ trợ quá trình nâng cao năng lực các nước thành viên; và


11)   Thúc đẩy quá trình chuyển giao các chức năng cơ bản về quản lý lưu vực sông về các quốc gia để có thể tăng cường tính tự chủ của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế về tài chính định hướng vào năm 2030.


II. Ý NGHĨA CỦA HỘI NGHỊ CẤP CAO LẦN THỨ HAI


1. Tiếp tục ứng phó, giải quyết các thách thức đối với lưu vực Mê Công


Dưới áp lực về tăng dân số và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong lưu vực Mê Công gần đây đã có sự phát triển mạnh mẽ về tài nguyên nước bao gồm các dự án phát triển thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh, các dự án lấy nước phục vụ tưới, các hoạt động nuôi trồng đánh bắt thủy sản, giao thông thủy... Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích cho phát triển kinh tế - xã hội do các dự án đó mang lại, ảnh hưởng bất lợi đối với môi trường, sinh thái, chất lượng nước cũng đã có những dấu hiệu rõ rệt. Cùng với những ảnh hưởng này, biến đổi khí hậu toàn cầu cũng đã làm thay đổi chế độ mưa – dòng chảy trong lưu vực.


2. Tiếp tục thực hiện các cam kết tại Hội nghị Cấp cao Uỷ hội sông Mê Công quốc tế lần thứ nhất năm 2010, bao gồm:


-  Cam kết hợp tác để đạt được quản lý tổng hợp tài nguyên nước bền vững phục vụ phát triển, tăng trưởng kinh tế và xoá đói giảm nghèo và cải thiện sinh kế trong lưu vực sông Mê Công;đồng thời mở rộng các nỗ lực trong bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của lưu vực Mê Công vì mục tiêu quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên của lưu vực.


-  Cam kết tiếp tục ủng hộ đối với vai trò của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế trong hỗ trợ và thúc đẩy phát triển bền vững và có điều phối, tăng cường và củng cố quan hệ với các Đối tác đối thoại, ASEAN, GMS, ADB, WB, các Đối tác phát triển, các tổ chức Phi Chính phủ, khu vực tư nhân và các bên liên quan khác.
-  Cam kết về tầm nhìn của một Uỷ hội sông Mê Công quốc tế hoàn toàn tự chủ về tài chính bởi các quốc gia thành viên vào năm 2030 phân cấp thực hiện các chức năng chủ chốt của Uỷ hội trong quản lý lưu vực sông.


3. Thúc đẩy sự hài hòa trong sử dụng và quản lý tài nguyên nước và những vấn đề xuyên biên giới


Chính phủ các quốc gia ven sông nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển thuỷ điện, tưới tiêu, thuỷ sản, giao thông thuỷ, quản lý lũ lụt và bảo vệ môi trường. Các quốc gia luôn nhấn mạnh sự cần thiết của phát triển cân đối giữa kế hoạch cấp quốc gia và cấp vùng. Các nước thành viên Uỷ hội sông Mê Công quốc tế đã công khai đưa ra các cơ hội nghiên cứu và thực hiện các dự án phát triển bền vững, thu hút sự quan của các đối tác phát triển và các nhà tài trợ thông qua các kênh song phương và đa phương. Cùng với các Kế hoạch chiến lược, Uỷ hội sông Mê Công quốc tế đã tích cực hỗ trợ quá trình lập kế hoạch và ra quyết định cho phát triển bền vững tại các quốc gia thành viên.


Uỷ hội sông Mê Công quốc tế cũng tăng cường hỗ trợ cho các nước ven sông cập nhật Chiến lược Phát triển Lưu vực dựa trên Quản lý Tổng hợp Tài nguyên Nước, và thực hiện chia sẻ số liệu và thông tin theo khuôn khổ pháp lý của Uỷ hội.


4. Tăng cường vai trò, tính hiệu quả, và tính tự chủ của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế


Kể từ khi thành lập Uỷ ban sông Mê Công năm 1957, tầm quan trọng của hợp tác Mê Công đã được xác nhận bởi các quốc gia ven sông, cộng đồng quốc tế và các Đối tác phát triển. Các hoạt động thực hiện thông qua hợp tác Mê Công đã phản ánh sự thừa nhận của các nước thành viên đối với tầm quan trọng của việc tự chủ và tính hiệu quả và hiệu lực của tổ chức vùng là thực hiện mục tiêu “Sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên nước Mê Công và các tài nguyên khác để xoá đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường” vì “Một lưu vực sông Mê Công có kinh tế thịnh vượng, xã hội công bằng, thân thiện với môi trường”.


Tăng cường và mở rộng hợp tác vùng cũng đóng vai trò quan trọng, là nền tảng hỗ trợ cho Uỷ hội sông Mê Công thực hiện Hiệp định Mê Công 1995 hiệu quả hơn.  Các hợp tác với đối tác hiện có và với các đối tác mới, hợp tác với các sáng kiến hợp tác vùng và quốc tế, các tổ chức lưu vực sông quốc tế tiếp tục được Uỷ hộ sông Mê Công quốc tế đẩy mạnh.


Gần đây, hợp tác vùng giữa các quốc gia ven sông, đặc biệt là sự thành lập của các vùng hợp tác kinh tế (vùng tam giác kinh tế, vùng tứ giác kinh tế và các vùng kinh tế khác…) đã được coi như chất xúc tác cho phát triển kinh tế trong lưu vực. Với sự phát triển kinh tế ngày một tiến bộ của lưu vực, Uỷ hội và các quốc gia thành viên đã xây dựng lộ trình để có thể hoàn toàn tự chủ về tài chính vào năm 2030.


5. Đóng góp vào các diễn đàn toàn cầu và khu vực gần đây về phát triển bền vững liên quan đến An ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực


Với cam kết mạnh mẽ của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế cho phát triển bền vững, Hội nghị Cấp cao Uỷ hội sông Mê Công quốc tế lần thứ 2 năm 2014 sẽ hướng vào các sự kiện toàn cầu trong năm 2015, với việc xác định các cơ hội và thách thức của các Chương trình phát triển sau năm 2014 lưu vực sông Mê Công và các giải pháp thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững.


Trong tuần lễ nước 2013 tại Stockholm, chủ đề chính của thảo luận là Nước và Năng lượng – Tạo dựng mối liên kết. Trong xác định mục tiêu phát triển bền vững tài nguyên nước cho chương trình phát triển sau 2015, nước được coi là nguyên tố nền tảng và là tài nguyên xuyên suốt nên cần được lồng ghép trong tất cả lĩnh vực phát triển như năng lượng và lương thực. Hợp tác về nước là một chủ đề quan trọng cho các hợp tác xuyên biên giới, giữa các vùng và giữa các cộng đồng. Chủ đề về Mối liên kết giữa Nước, Năng lượng và Lương thực đã được nhắc lại tại Hội thảo về An ninh Lương thực Mê Công tại Thái Lan tháng 3 năm 2013.


Việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đã góp phần tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững và tạo sinh kế tốt hơn. Tuy nhiên, với việc dân số thế giới tiếp tục tăng nhanh và được dự báo sẽ đạt 9 tỷ người vào năm 2050, nhu cầu nước, năng lượng và lương thực sẽ tăng lên đáng kể, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Với thời hạn hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đang tới gần, một khuôn khổ mới với cách tiếp cận tổng hợp, đa chiều hơn, cân bằng giữa các mục tiêu môi trường, xã hội và kinh tế là cần thiết. Cách tiếp cận tổng hợp như vậy rất cần sự hiểu biết rõ về tính liên kết của nước, năng lượng và lương thực.


IV. MỤC TIÊU, CHỦ ĐỀ VÀ CÁC KẾT QUẢ CHÍNH CỦA HỘI NGHỊ CẤP CAO LẦN THỨ HAI ỦY HỘI SÔNG MÊ CÔNG QUỐC TẾ

 
1. Mục tiêu của Hội nghị Cấp cao lần thứ hai Ủy hội sông Mê Công quốc tế


Những mục tiêu chính của Hội nghị Cấp cao lần thứ hai là: tái khẳng định cam kết cao nhất của bốn quốc gia thành viên trong việc tăng cường hợp tác khu vực cho sự phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công; và xác định các lĩnh vực ưu tiên cho các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác trong Uỷ hội sông Mê Công quốc tế trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt trong xu thế đảm bảo an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu.


2.  Chủ đề của Hội nghị Cấp cao lần thứ hai Ủy hội sông Mê Công quốc tế


Chủ đề của Hội nghị Cấp cao Uỷ hội sông Mê Công lần thứ hai được chọn để phản ánh các quan tâm về phát triển hài hoà của ba yếu tố then chốt “An ninh Nguồn Nước, Năng lượng và Lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở  lưu vực sông Mê Công”.


3. Những vấn đề được đề nghị đưa vào thảo luận trong Hội nghị Cấp cao lần thứ hai


Những vấn đề sau đây được đề nghị thảo luận tại Hội nghị Cấp cao lần thứ hai Uỷ hội sông Mê Công quốc tế:


1) Cơ hội và thách thức của lưu vực sông Mê Công và vai trò của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế trong giai đoạn mới.


2) Hợp tác vùng để thúc đẩy sử dụng và phát triển bền vững sông Mê Công trong bối cảnh gia tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên và biến đổi khí hậu.


4. Các kết quả chính của Hội nghị Cấp cao lần thứ hai Ủy hội sông Mê Công quốc tế


Một trong các kết quả chính của Hội nghị Cấp cao lần thứ hai của Ủy hội sông Mê Công quốc tế là Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh.Tuyên bố này sẽ là một thông điệp chính trị mạnh mẽ từ 4 nước thành viên về hợp tác và cam kết phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công.


Tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào đánh giá những thành tựu đạt được kể từ Hội nghị Cấp cao lần thứ nhất Uỷ hội sông Mê Công quốc tế; phân tích các cơ hội và thách thức của khu vực; khẳng định các lĩnh vực hành động ưu tiên; và cam kết thực hiện các hành động cũng như đưa ra các định hướng chiến lược cho giai đoạn tiếp theo của Uỷ hội.


5. Chương trình Hội nghị


Toàn bộ các sự kiện trong thời gian Hội nghị Cấp cao lần thứ hai Ủy hội sông Mê Công quốc tế sẽ diễn ra từ ngày 02 đến ngày 05 tháng 4 năm 2014.


- Ngày 02 – 03 tháng 4 năm 2014.


Hội nghị quốc tế về Hợp tác vì An ninh Nguồn nước, Năng lượng và Lương thực ởLưu vực sông xuyên biên giới trong bối cảnh Biến đổi khí hậu.


- Ngày 04 tháng 4 năm 2104:


Phiên họp của Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao;


- Ngày 05 tháng 4 năm 2014: Hội nghị Cấp cao lần thứ hai Ủy hội sông Mê Công quốc tế.

BBT
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Tin Môi Trường sẽ đưa tin nhanh về Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mê Công quốc tế tại Việt Nam

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
CPECO VACNE
 Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải

(Tin Môi Trường) - Tại Lễ Khai mạc Festival Khèn Mông, Lễ hội hoa Đào rừng (Pằng Tớ Dầy) của huyện Mù Cang Chải, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cùng đại diện Hội BVTN&MT Việt Nam đã trực tiếp trao Bằng và Quyết định công nhận 4 Cây di sản Việt Nam cho đại diện địa phương.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI