»

Thứ tư, 30/10/2024, 06:12:59 AM (GMT+7)

Kiến nghị hủy bỏ việc xây dựng sân golf và không xây dựng khu phức hợp Đak Đoa, Gia Lai

(09:59:14 AM 17/06/2021)
(Tin Môi Trường) - Các cá nhân và tổ chức xã hội quan tâm đến môi trường, hoạt động trong các lĩnh vực liên quan, đồng kiến nghị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai xem xét lại và cân nhắc hủy bỏ việc xây dựng sân golf và không xây dựng khu phức hợp tại khu vực rừng thông thuộc thị trấn Đak Đoa, xã Tân Bình và xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai.
Nội dung kiến nghị đề nghị xem xét lại và cân nhắc hủy bỏ việc xây dựng sân golf và không xây dựng khu phức hợp tại khu vực rừng thông thuộc thị trấn Đak Đoa, xã Tân Bình và xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai, vì những lý do sau đây: 
 
Kiến[-]nghị[-]hủy[-]bỏ[-]việc[-]xây[-]dựng[-]sân[-]golf[-]và[-]không[-]xây[-]dựng[-]khu[-]phức[-]hợp[-]Đak[-]Đoa,[-]Gia[-]Lai
 
 
1. Nguy cơ đe dọa nguồn nước của cộng đồng địa phương và làm nghiêm trọng hơn tình hình hạn hán ở huyện Đak Đoa.
 
Các báo cáo của tỉnh Gia Lai nhiều năm nay cho thấy nguồn nước ngầm Gia Lai đang có nguy cơ giảm xuống do diện tích rừng suy giảm. Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Đak Đoa lại là một trong những địa phương thiếu nước sản xuất và thường xuyên bị hạn hán. Hiện nay, hoạt động sản xuất của người dân ở Đak Đoa chủ yếu dùng nước giếng đào, mà theo phản ánh của người dân địa phương cũng như các chuyên gia nông, lâm nghiệp đã được báo chí ghi nhận thì những năm gần đây giếng ngày càng phải đào sâu vì nguồn nước ngầm suy giảm. Tại Đak Đoa đã xảy ra hạn hán nghiêm trọng gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho sản xuất nông nghiệp vào các năm 2015, 2016, 2019, 2020. Mới đây nhất, theo Báo Gia Lai phản ánh, vào cuối tháng 3/2021, nhiều cánh đồng trên địa bàn huyện Đak Đoa đã có hiện tượng thiếu nước cục bộ, chính quyền phải triển khai các biện pháp phòng chống hạn.
 
Trong khi đó, theo Báo cáo Đánh giá tác động môi trường dự án sân golf Đak Đoa do Bộ Tài Nguyên và Môi trường phê duyệt ngày 23.08.2019: “Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt của dự án công suất 890m3/ngày đêm, Hệ thống xử lý nước có lẫn hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật công suất 860m3/ngày đêm.” Như vậy, ước tính nhu cầu sử dụng nước chỉ riêng dự án sân golf có thể lên tới 1.750m3/ngày đêm. Theo quy hoạch, ngoài việc nâng cấp các trạm cấp nước hiện tại, chính quyền còn phải mở rộng đường ống các giếng khoan hiện có và sử dụng nước từ đập thủy lợi 3-1 Tân Bình hiện đang dùng cho sản xuất nông nghiệp trong khu vực để phục vụ dự án.
 
Với nguồn tài nguyên nước vốn đã khan hiếm lại càng nghèo kiệt hơn nếu mất rừng, việc xây dựng một khu phức hợp sân golf và khách sạn, khu nghỉ dưỡng, v.v. với nhu cầu sử dụng nước khổng lồ chắc chắn sẽ gây xung đột nguồn nước, làm trầm trọng thêm tình hình thiếu nước sản xuất cho người dân địa phương.
 
2. Nguy cơ ô nhiễm môi trường mà trước hết là nguồn nước và đất.
 
Theo Quyết định số 4191/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân huyện Đak Đoa ban hành ngày 24/12/2018 Về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng sân golf thuộc khu phức hợp tại huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai, tỷ lệ 1/500, các tác động của dự án đối với môi trường không khí, đất và hệ sinh thái chỉ được đánh giá trên quy mô thời gian ngắn hạn. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra các tác động tiêu cực lâu dài về môi trường và sức khỏe của sân golf, đến từ việc sử dụng lượng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ lớn hơn gấp nhiều lần so với lượng thường dùng trong nông nghiệp.
 
Khu vực rừng thông Đak Đoa được quy hoạch để làm sân golf hiện nay nằm sát bên cánh đồng An Mỹ, nơi canh tác lúa và hoa màu của người dân các thôn 1, 2, 3 xã Tân Bình. Đồng thời, như báo chí đã phản ánh, quanh rừng thông lại có những mạch nước ngầm nằm gần mặt đất mà người dân địa phương gọi là giọt nước. Các giọt nước này là nguồn nước uống của một bộ phận không nhỏ người dân xã Glar và xã Tân Bình, đặc biệt là đồng bào dân tộc Bahnar. Nếu phá bỏ rừng thông để xây dựng sân golf, lượng hóa chất dùng cho sân golf chắc chắn sẽ gây ô nhiễm cả diện tích đất trồng trọt lẫn nguồn nước giọt của cộng đồng địa phương. Việc phê duyệt dự án đã tính đến những ảnh hưởng lâu dài của ô nhiễm lên đời sống và sức khỏe người dân Đak Đoa hay chưa?
 
3. Có bằng chứng về việc cố ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng bất hợp lý để thực hiện dự án đầu tư và cho thấy bản chất đây là một quá trình tư nhân hóa cảnh quan công cộng.
 
Mặc dù hiện nay, rừng thông cổ thụ gần 50 tuổi là rừng trồng và được phân loại là rừng sản xuất, tuy nhiên, thực tế cho thấy khu rừng này có vai trò đặc biệt trong phòng hộ nguồn nước cộng đồng địa phương. Rừng thông không chỉ góp phần rất lớn trong việc cung cấp nước sạch cho nhiều bà con đồng bào qua các giọt nước, mà còn đảm bảo duy trì nguồn nước ngầm đang được dùng hoàn toàn cho việc canh tác nông nghiệp của người dân địa phương hiện nay. Cũng theo thông tin báo chí đã phản ánh, người dân địa phương khẳng định rừng thông được trồng với mục đích phòng hộ, với các tác dụng quan trọng như chống xói lở và duy trì nguồn nước.
 
Cùng với nguy cơ xảy ra xung đột nguồn nước lớn tại địa phương nếu sân golf Đak Đoa được xây dựng, thực tế trên cho thấy việc chuyển đổi đất rừng hiện nay để xây dựng khu phức hợp bao gồm sân golf là bất hợp lý.
 
Ngoài ra, việc giao đất rừng thông cổ thụ gần 50 năm với đồi cỏ hồng nổi tiếng cũng cho thấy dấu hiệu đang diễn ra việc tư nhân hóa cảnh quan công cộng; quyền lợi của người dân với tài sản công có nguy cơ bị xâm phạm. Đây là một di sản thiên nhiên tuyệt đẹp, bao gồm vườn cỏ hồng độc đáo đặc trưng của vùng đất này. Việc chuyển đổi đất rừng sang làm sân golf và dự án khu biệt thự nhà ở thực chất là phá bỏ giá trị đa dạng sinh học ở đây (dù có di thực cây cổ thụ), và thực tế nó sẽ chỉ phục vụ cho một nhóm người có điều kiện kinh tế.
 
4. Trong bối cảnh chất lượng và diện tích rừng của huyện Đak Đoa nói riêng và của tỉnh Gia Lai nói chung đều thấp, rừng thông Đak Đoa cần được giữ lại làm rừng phòng hộ.
 
Theo Nghị quyết số 06/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân huyện Đak Đoa Khóa 10, Kỳ họp thứ 9 ban hành ngày 26/04/2019 về việc thông qua điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của điều chỉnh quy hoạch huyện Đak Đoa, cả ba địa bàn thị trấn Đak Đoa, xã Tân Bình và xã Glar hoàn toàn không còn được quy hoạch diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.
 
Số liệu năm 2017 cho thấy khu vực thị trấn Đak Đoa, xã Tân Bình và xã Glar hiện chỉ có hơn 601 ha rừng trồng, trong đó rừng thông chiếm 543 ha. Tuy nhiên, đến nay đã có 395 ha rừng được đưa ra khỏi quy hoạch lâm nghiệp, trong đó có 156 ha rừng thông đã được chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho sân golf, và hơn 89 ha rừng thông được chuyển đổi mục đích sử dụng cho dự án xây dựng biệt thự, nhà ở giai đoạn 1.
 
Theo quy hoạch, dự án Khu phức hợp Đak Đoa có quy mô hơn 517 ha, với hiện trạng đất chủ yếu là đất rừng thông do người dân trồng theo chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc từ năm 1976. Như vậy nếu quy hoạch này thành hiện thực, dự kiến sẽ có khoảng 500 ha rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng, đồng nghĩa với việc hơn 83% tổng diện tích rừng trên địa bàn bị xóa sổ.
 
Mặt khác, theo công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vào tháng 4.2020, tỷ lệ che phủ rừng ở Gia Lai đạt 40,2% (cả nước là 41,89%), dựa trên tổng diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Rừng sản xuất chiếm tới 72% tổng diện tích các loại rừng nói trên, chủ yếu là cây keo tai tượng, keo lai và bạch đàn E.Urophylla với chu kỳ khai thác là 7 năm. Điều này có nghĩa là chất lượng rừng của Gia Lai, bao gồm hệ sinh thái và các giá trị đa dạng sinh học, rất thấp. Như vậy, việc xóa bỏ một khu rừng thông đã 50 năm tuổi và hệ sinh thái đi liền với nó sẽ chỉ góp phần làm suy giảm cả số lượng và chất lượng rừng vốn đã thấp trên toàn tỉnh.
 
Trong khi đó, theo Nghị định 156/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp do Chính phủ ban hành ngày 16/11/2018, Chương II, Mục 1, Điều 6, rừng thông Đak Đoa đáp ứng tiêu chí số 2 về rừng phòng hộ - Rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư: “Khu rừng trực tiếp cung cấp nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của cộng đồng dân cư tại chỗ; gắn với phong tục, tập quán và truyền thống tốt đẹp của cộng đồng, được cộng đồng bảo vệ và sử dụng.” Đồng thời, theo Kết quả rà soát và điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng tỉnh Gia Lai năm 2017, thông ba lá hiện cũng là một trong những loài cây chủ yếu được trồng cho rừng phòng hộ và rừng đặc dụng ở Gia Lai. Việc giữ lại rừng thông Đak Đoa theo diện rừng phòng hộ là phù hợp với chức năng của khu rừng và cần thiết cho địa phương.
 
5. Quá trình tham vấn cộng đồng địa phương thiếu tính thực chất và minh bạch.
 
Thực hiện một dự án phát triển tại địa phương trước nhất phải đem lại lợi ích cho cộng đồng ngay tại địa phương đó, và phải có được sự ủng hộ, tham gia tích cực từ cộng đồng, bởi lẽ người dân địa phương hiểu rõ hơn ai hết các điều kiện về khí hậu, môi trường, kinh tế góp phần quyết định sự thành bại của dự án. Họ cũng là người trực tiếp chịu tác động tiêu cực từ dự án, nếu có. Việc tham vấn cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi dự án đầu tư cũng đã được quy định bắt buộc tại Điều 21, Luật Bảo vệ Môi trường 2014.
 
Thế nhưng, ở dự án này, có dấu hiệu người dân địa phương phản đối dự án sau đó bị tác động để thay đổi quan điểm. Đơn cử, theo Báo điện tử Nông nghiệp Việt Nam phản ánh trong bài “Người dân không đồng tình chuyển đổi 174 ha rừng thông thành khu thể thao” ngày 18/12/2020: Ông Bluk, Trưởng thôn 4, xã Glar cho biết, khu vực rừng thông phần lớn là người đồng bào dân tộc Ba Na sinh sống, họ không biết xây dựng khu thể thao để làm gì. “Chắc chắn việc xây dựng khu thể thao sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của người dân trong vùng”, ông Bluk nói và cho biết, huyện về lấy ý kiến nhiều lần nhưng người dân trong thôn không đồng tình. Theo ông Bluk, rừng thông nơi đây quanh năm có không khí trong lành. Đây cũng như một điểm nhấn văn hoá khi nhiều người dân tụ tập về để biểu diễn cồng chiêng và các loại hình nghệ thuật khác. Tuy nhiên chỉ một ngày sau đó, Truyền hình tỉnh Gia Lai trong bài “Gia Lai không để mất rừng khi xây dựng dự án Sân Golf Đăk Đoa” ngày 19/12/2020 lại đăng phát biểu mới của ông Bluk như sau: Ông Bluk – Trưởng thôn Bối, xã Glar, huyện Đak Đoa chia sẻ “Khi có chương trình xây dựng sân golf ở đây, người dân rất phấn khởi và ủng hộ, mong dự án sớm được triển khai để kinh tế địa phương phát triển tốt hơn.”
 
Tường thuật của báo chí sau khi phỏng vấn người dân địa phương cũng cho thấy những ý kiến phản đối dự án và các lo ngại về nguồn nước, ô nhiễm, mất không gian công cộng v.v. của người dân không được giải quyết. Với các dấu hiệu nêu trên, cần đình chỉ dự án và thực hiện lại quá trình tham vấn một cách công khai, minh bạch và khách quan để đảm bảo người dân được nói lên ý kiến của mình, và được quyền từ chối dự án nếu họ thấy lợi ích mà dự án mang lại không thể bù đắp cho những nguy cơ đối với đời sống của họ.
 
6. Cam kết không làm mất rừng là không đáng tin cậy.
 
Theo Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án tại xã Glar, xã Tân Bình và thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhà đầu tư FLC cam kết “đảm bảo giữ lại ít nhất 50% diện tích rừng hiện trạng.” Tuy nhiên, theo Quyết định số 4191/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân huyện Đak Đoa ban hành ngày 24/12/2018 Về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng sân golf thuộc khu phức hợp tại huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai tỉ lệ 1/500, tỉ lệ diện tích đất rừng thông trong quy hoạch chỉ là 0.54%. Quan sát phối cảnh dự án hiện nay do FLC thực hiện cũng cho thấy việc giữ lại 50% diện tích rừng là không khả thi.
 
Cam kết di thực cây của tập đoàn FLC cũng dấy lên nhiều lo ngại. Thông tin về di thực cây chỉ có trong phát biểu của các cán bộ tỉnh Gia Lai được trích dẫn trên báo chí chứ không có trong các văn bản quyết định pháp lý đã được công khai liên quan đến dự án. Ngay cả nếu di thực, những cây thông bonsai ở Đak Đoa có kích thước lớn, tán xòe rộng, khi đánh chuyển, phần lớn tán cây sẽ phải bị cắt, để khôi phục lại chức năng phòng hộ hoặc cảnh đẹp sẽ mất nhiều năm. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển khi di thực sẽ rất lớn, vì với kích thước cây thông như ở rừng thông Đak Đoa, một xe cẩu chỉ chở được 1-2 cây mỗi lần. Nếu di thực cây, rất nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ về quá trình thực hiện và giám sát việc di thực sẽ diễn ra như thế nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm giám sát, trong thời gian bao lâu, cam kết tỉ lệ cây sống đến sau khi di thực là bao nhiêu, tính đến thời điểm nào v.v.
 
Về phương án nộp tiền trồng rừng thay thế, theo tham khảo một số Quyết định ban hành mức đơn giá trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác mà các UBND tỉnh từng ban hành, như Quyết định 27/2019/QĐ-UBND của tỉnh Quảng Bình hay Quyết định 20/2018/QĐ-UBND của tỉnh Hải Dương, đơn giá hiện nay chỉ dao động trong khoảng 85-90 triệu đồng/ha. Trong khi đó, giá trị một cây thông cổ thụ đã 50 năm tuổi có thể lên tới vài chục đến hàng trăm triệu đồng, chưa kể đến giá trị về cảnh quan, môi trường sinh thái mà một cây non mới trồng không thể nào so sánh được.
 
Quan trọng hơn, thực tế cho thấy tập đoàn FLC đã từng có nhiều sai phạm làm mất rừng ở các dự án sân golf khác, được báo chí phản ánh, như xóa sổ rừng phòng hộ và chiếm dụng đất trái phép tại dự án FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa; chiếm đoạt hàng trăm ha đất rừng, trong đó có cả rừng đặc dụng và rừng phòng hộ tại dự án FLC Hạ Long. Với một chủ đầu tư từng có nhiều sai phạm như vậy, làm sao chính phủ và địa phương có thể tin tưởng để FLC tiếp tục thực hiện dự án tại Gia Lai?
 
7. Sân golf không phải là bài toán kinh tế tối ưu cho ngân sách nhà nước
 
Theo Quyết định số 1147/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành ngày 16/11/2018 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sân golf Đak Đoa thì giá trị nhà đầu tư FLC đề xuất nộp ngân sách nhà nước chỉ là 13,228,000,000 đồng cho thời gian sử dụng đất là 50 năm.
 
Để khai thác rừng thông Đak Đoa vào mục đích kinh tế mà vẫn gìn giữ được cảnh quan, tỉnh Gia Lai hoàn toàn có thể thực hiện phương án biến nơi đây thành điểm du lịch sinh thái, mở cửa cho du khách đến cắm trại có thu phí. Ước tính khiêm tốn, nếu thời gian du khách đến cắm trại chỉ 90 ngày/năm, trong đó mỗi ngày chỉ có 100 lượt khách, với mức phí thuê địa điểm 100.000 đồng/ngày cho một lều cắm trại, tỉnh đã có thể thu được 900,000,000 đồng/năm, tức 45,000,000,000 đồng cho cùng khoảng thời gian 50 năm.
 
8. Ý nghĩa văn hóa và lợi ích từ du lịch cộng đồng của đồi cỏ hồng và rừng thông Đak Đoa
 
Từ năm 2017 đến nay, hàng năm huyện Đak Đoa đều tổ chức Ngày hội cỏ hồng và Phiên chợ nông sản Đak Đoa tại đồi thông Glar, với các gian hàng nông sản sạch, sản phẩm thủ công truyền thống, thi biểu diễn cồng chiêng, đan lát, tạc tượng và các môn thể thao như kéo co, đẩy gậy, cà kheo. Theo thống kê chính thức của tỉnh Gia Lai, năm 2020, chỉ trong 3 ngày, lễ hội cỏ hồng đã thu hút đến 6.000 lượt du khách. Như vậy, lễ hội này đang làm tốt chức năng giới thiệu, quảng bá danh lam thắng cảnh, nét đẹp văn hóa truyền thống, hình ảnh đất và người Đak Đoa với du khách gần xa, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn huyện Đak Đoa. Nếu hoạt động tổ chức lễ hội này được kết hợp với một chiến lược phát triển du lịch bền vững, như ví dụ nêu ở mục 7., chắc chắn tiềm năng du lịch sinh thái và văn hóa còn đem lại được nhiều lợi ích cho huyện Đak Đoa nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung.
 
9. Việc xây dựng sân golf và quy hoạch khu phức hợp Đak Đoa đã và đang gây sốt đất, tạo hệ quả lâu dài lên đời sống xã hội.
 
Theo báo chí phản ánh, tình trạng sốt đất đã diễn ra tại huyện Đak Đoa từ năm 2018 khi tập đoàn FLC được lựa chọn làm nhà đầu tư dự án, và nóng lên sau khi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Điều này không nằm ngoài thực tế là Việt Nam hiện đã có tới 75 sân golf nhưng phần lớn thua lỗ và hoạt động cầm chừng, và đã có thông tin trên báo chí cũng như cảnh báo của các chuyên gia kinh tế về việc bất chấp thực trạng kinh doanh thua lỗ, các chủ đầu tư vẫn muốn đầu tư vào sân golf để đầu cơ kiếm tiền từ bất động sản. Nếu dự án sân golf và khu phức hợp Đak Đoa được thực hiện, giá đất tăng quá cao so với thu nhập của người dân sẽ khiến những người địa phương đối mặt với nguy cơ bị mất đất đai, mất đi phương tiện sản xuất, phải tha hương đi nơi khác tìm sinh kế, gây những đổ vỡ lâu dài trong đời sống xã hội.
 
10. Phê duyệt việc xóa bỏ một khu rừng để thực hiện dự án đầu tư là đi ngược lại với xu hướng bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang trở nên ngày một khốc liệt, và đi ngược lại với cam kết không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế của chính phủ Việt Nam.
 
Như giới khoa học đã cảnh báo lâu nay, Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Trồng cây và bảo vệ diện tích cây xanh sẵn có là một trong những biện pháp ứng phó tốt nhất với biến đổi khí hậu, đặc biệt là những diện tích cây xanh lớn và lâu năm như rừng thông Đak Đoa. Chính phủ Việt Nam đang có những động thái tích cực thể hiện cam kết này, như với Quyết định Số 524-QĐ-TTG Về việc Phê duyệt Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký ngày 01/04/2021 khi còn là Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, việc Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký Quyết định Số 525-QĐ-TTG Về việc Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa, tỉnh Gia Lai cũng trong ngày 01/04/2021 có thể khiến dư luận đặt câu hỏi về sự nhất quán của chính sách, cần phải được rà soát lại và điều chỉnh, nhất là với tất cả những vấn đề của dự án mà chúng tôi đã nêu ra trên đây.
 
Vì những lý do trên, thư kiến nghị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai:
 
Thứ nhất,  công khai Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án sân golf Đak Đoa theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2014 vẫn còn giá trị hiện hành.
 
Thứ hai, hủy bỏ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đoa Đoa và không phê duyệt chủ trương đầu tư khu phức hợp Đak Đoa, hủy bỏ việc xây dựng sân golf và khu phức hợp.
 
Thứ ba,  chuyển đổi rừng thông Đak Đoa từ rừng sản xuất hiện tại thành rừng phòng hộ.
 
Thứ tư, nghiên cứu và thực hiện quy hoạch phát triển du lịch sinh thái bền vững tại khu vực rừng thông.
 
Thứ năm, Bộ TN&MT đang trong quá trình soạn thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 (sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2022). Đề nghị các văn bản này cần đảm bảo yêu cầu công khai Báo cáo đánh giá tác động môi trường, đảm bảo thực chất quyền được tham vấn của người dân trong cộng đồng địa phương.
BTV
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Kiến nghị hủy bỏ việc xây dựng sân golf và không xây dựng khu phức hợp Đak Đoa, Gia Lai

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
CPECO VACNE
 Cây Thị tại đền - chùa Thái, thành phố Hải Phòng được công nhận là Cây Di sản Việt Nam

Cây Thị tại đền - chùa Thái, thành phố Hải Phòng được công nhận là Cây Di sản Việt Nam

(Tin Môi Trường) - Cây Thị gần 400 năm, chu vi thân 2,9 mét, trong khuôn viên đền – chùa Thái, thôn Trấn Nam, xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng vừa được chính quyền và nhân dân xã Trấn Dương long trọng tổ chức lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam vào ngày 22/9/2024.

Tin Môi Trường
 Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam trao đổi về quản lý chất thải điện tử trong chương trình “trái đất xanh” của VTV1

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam trao đổi về quản lý chất thải điện tử trong chương trình “trái đất xanh” của VTV1

(Tin Môi Trường) - Sáng ngày 01/10/2024, tại Trường quay của Đài Truyền hình Việt Nam, Chương trình “Trái Đất xanh” do VTV1 thực hiện đã có buổi trao đổi của Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam về chủ đề “Quản lý chất thải điện tử”.

VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI