»

Chủ nhật, 19/01/2025, 04:59:39 AM (GMT+7)

Cứu hộ thành công 2 cá thể gấu ngựa từ Khu bảo tồn Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa

(15:26:35 PM 10/03/2014)
(Tin Môi Trường) - Ngày 7/3/2014, Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) đã cứu hộ 02 cá thể gấu ngựa từ Khu bảo tồn Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa, đưa về chăm sóc và phục hồi sức khỏe tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo.


Các bác sỹ thú y của Tổ chức Động vật Châu Á đã có mặt tại Khu bảo tồn Xuân Liên từ sáng sớm, kiểm tra sức khỏe ban đầu cho hai cá thể gấu, tiến hành các bước kĩ thuật để đảm bảo hai cá thể gấu sẽ an toàn về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

 

Hai cá thể gấu này đã được lực lượng Kiểm lâm địa phương giải cứu khi đang bị vận chuyển trái phép từ Lào vào Việt Nam vào năm 2012. Mỗi cá thể gấu con khi đó chỉ nặng có 6kg, và có lẽ gấu mẹ đã bị lâm tặc giết chết.


Từ đó, với sự hỗ trợ của Tổ chức GIZ (Đức) và lực lượng Kiểm lâm Thanh Hóa, hai cá thể này đã được Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên chăm sóc. Khu bảo tồn đã có ý định thả hai cá thể gấu về rừng, về với thiên nhiên. Tuy nhiên, điều kiện rừng không đảm bảo an toàn cộng với tình trạng sức khỏe của gấu không thể đáp ứng với môi trường tự nhiên, nên Khu bảo tồn và các cơ quan đã quyết định chuyển giao chúng đến Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, nơi hiện tại đang có điều kiện chăm sóc tốt nhất cho gấu. Vào cuối năm ngoái, các bác sỹ thú y của Tổ chức Động vật Châu Á đã khám sức khỏe và phát hiện ra cá thể gấu đực bị đục thủy tinh thể và suy thận, để điều trị dứt điểm cần có bác sỹ chuyên môn chữa bệnh định kỳ.


Hai cá thể gấu nặng chừng 70 kg mỗi cá thể di chuyển một hành trình dài 240 km về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc vào tối ngày 7/3/2014.


TS. Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam bày tỏ: “Chúng tôi rất biết ơn lực lượng Kiểm lâm vì sự quan tâm của họ và cảm ơn Tổ chức GIZ vì họ đã hỗ trợ chăm sóc hai cá thể gấu con. Chúng tôi mong được chăm sóc hai cá thể gấu này trong điều kiện chúng đáng được hưởng và đảm bảo gấu sẽ được nuôi lớn khỏe mạnh trong một môi trường an toàn nhất."

 

 

 

Nhật kí cứu hộ hai cá thể Gấu Xuân Liên


7:00 sáng: Đoàn cứu hộ gấu bắt đầu xuất phát từ Thành phố Thanh Hóa, đi cùng đoàn có cán bộ kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ, giám sát quá trình cứu hộ


8:30 sáng: Đoàn cứu hộ vào gặp Ban Quản Lý Vườn Quốc gia Xuân Liên. Giám đốc Khu Bảo Tồn Xuân Liên, Ông Nguyễn Đình Hải đón tiếp đoàn, giới thiệu sơ lược về vườn QG Xuân Liên và có chia sẻ về tình trạng hai cá thể gấu. Khu Bảo Tồn Xuân Liên, cùng tổ chức GIZ Đức đã chăm sóc hai cá thể gấu này từ khi chúng là gấu ngựa non chỉ vài kg (khoảng 6 kg). Khu Bảo Tồn cũng đã có ý định quây 1 khu rộng khoảng 50 ha cho gấu được sống gần như hoang dã, tuy nhiên cả nguồn lực tài chính lẫn điều kiện sức khỏe của 2 cá thể gấu không cho phép Xuân Liên thực hiện điều này. (Hiện tại Xuân Liên không có bác sỹ thú y để chăm sóc sức khỏe cho động vật). Đồng thời chia sẻ nguyện vọng đưa gấu đến nơi có điều kiện chăm sóc tốt hơn, và hiện nay thì không nơi nào có thể chăm sóc tốt hơn Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.


Tiến sỹ Tuấn Bendixsen vui mừng và chia sẻ sẽ chăm sóc hai cá thể gấu trong điều kiện của khu bán hoang dã tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam. Đồng thời giới thiệu sơ lược về năng lực cứu hộ của Tổ chức


8:50: Tiến sỹ Tuấn, bác sỹ thú y Joost Philippa và y tá thú y Julie Corfmat lên khu nuôi gấu khảo sát phương án để tiến hành các bước cứu hộ. Joost quyết định sẽ gây mê từng chú gấu một để đảm bảo việc khám sức khỏe sẽ được thực hiện chu đáo nhất có thể

Sơ lược qua về khu nuôi gấu Xuân Liên và tình trạng của gấu:


- Hai cá thể gấu ngựa nhỡ này được nuôi trong 1 khu bán hoang dã có quây lưới B40 rộng chừng 30 m2, rồi có cửa (CÓ THỂ) mở ra 1 khu có quây hàng rào điện rộng chừng 40 m2 nữa. Khu bán hoang dã của gấu nằm trên 1 dẻo đất đằng sau khu hành chính của KBT, và cao hơn mặt bằng chung chừng 3 m, nên việc đưa gấu xuống cần dùng cán khiêng xuống


- Gấu ngựa cái mập mạp và khỏe mạnh hơn, tên là Dung, (được đặt theo tên của cán bộ chăm sóc chúng từ nhỏ, tên là Dũng, anh Dũng cũng rất chăm chút chúng trong điều kiện có hạn của Kbt)
.


- Gấu ngựa đực có tên là James (thực ra là 1 cái tên rất nam tính được anh Dũng đặt cho vì nhớ bạn tình nguyện viên tên James đã cùng anh chăm sóc hai chú gấu). James bị đục thủy tinh thể cả 2 mắt và gầy gò hơn.


Khoảng hơn 9:00: sau khi các dụng cụ khám bệnh ban đầu được sắp xếp rất ngăn nắp. Y tá Julie và bác sỹ Joost cùng anh Dũng vào trong nhà gấu. Bác sỹ Joost dặn anh Dũng dụ từng chú gấu vào chuồng nhỏ để dễ tiến hành gây mê.  James - chú gấu đực được gây mê đầu tiên. Trong lúc đợi gấu ngấm thuốc mê, mọi người được yêu cầu tránh ra khu gây mê.


Tiến sỹ Tuấn giải thích: Việc gây mê, tiêm thuốc gây mê cho gấu cần cho từng liều lượng nhỏ thuốc và tính theo cân nặng của gấu để gấu không bị shock sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của gấu. Và việc gấu ngấm thuốc mê nhanh hay chậm là còn phụ thuộc vào ánh sáng, tiếng ồn và các yếu tố kích thích gấu. Nên giảm thiểu các yếu tố kích thích xuống tối đa để việc gây mê gấu diễn ra tốt hơn


Các bác sỹ thú y, anh Tuấn và một vài cán bộ khu bảo tồn và nhân viên Tổ chức Động vật Châu Á đi cùng khiêng chú gấu nhỡ xuống hành lang khu hành chính để tiến hành khám sức khỏe ban đầu.


Các bác sỹ muốn hạn chế tối đa việc gây mê gấu, nên sẽ dùng cơ hội này để khám tổng thể cho gấu luôn: từ khám mắt, tai, răng, lau tai, cắt móng cho chúng (để ko đâm vào thịt gấu), kiểm tra ổ bụng, kiểm tra các khớp chân khớp tay, lấy mẫu máu, mẫu lông, mẫu phân và nước tiểu.


Chú gấu đực James đã được các bác sỹ đến khám chữa bệnh cho vào cuối năm ngoái (đúng dịp Giáng sinh). James khá gầy gò và gần như trơ xương (chú gấu này ốm yếu hơn và có biểu hiện suy dinh dưỡng, có cái yếm chữ V mỏng đều rất đẹp) Lần này bác sỹ kết luận James bị đục thủy tinh thể cả hai mắt, như vậy việc chú tung tăng vui vẻ nô đùa chỉ hoàn toàn dựa vào thính giác. Nhưng bác sỹ Joost đã thông báo một tin vui, vào khoảng tháng 7 năm nay, sẽ có bác sỹ thú y chuyên khoa mắt quốc tế sang, và James sẽ được thay thủy tinh thể. Bác sỹ tin là James sẽ lấy lại được thị lực và nhìn được mọi vật xung quanh sau khi phẫu thuật.
Khi khám sức khỏe, y tá Julie còn cẩn thận cắt móng tay móng chân cho gấu và bác sỹ Joost lau từng vành tai cho gấu.


Sau đó gấu James được chuyển lên xe tải vào trong lồng vận chuyển. Trong lồng vận chuyển đã rải sẵn một lớp rơm dày để cho gấu thoải mái. Đợi đến hơn 40 phút chưa thấy James tỉnh, bác sỹ Joost rất lo lắng, anh và chị Julie cẩn trọng quan sát từng biểu hiện của gấu.


Một chú gấu nữa cũng đang cần gây mê và khám sức khỏe. Tiến sỹ Tuấn đề nghị Joost cứ tiếp tục tiến hành cho chú gấu thứ 2, còn anh  sẽ trực tiếp ngồi trông diễn biến sức khỏe của James (gấu không tỉnh mà di chuyển rất dễ ngạt thở, tiến sỹ Tuấn đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực thú y)
.


Nhân viên đề nghị sẽ tạo tiếng ồn lớn để gấu tỉnh nhưng anh Tuấn khuyên và giải thích không nên làm như vậy. Chú gấu này chẳng khác gì một em bé đang ngủ mệt, có ồn ào đến mấy cũng đang chìm người trong giấc ngủ sâu. Gần 1 tiếng sau, James khua chân và dần tỉnh, giơ hai chân trước . Đoàn cứu hộ thở phào.


Dung- cô gấu cái sức khỏe tốt hơn, cân nặng cũng tốt hơn nên mọi việc tiến hành suôn sẻ hơn.


Cả hai chú gấu do trước đây là tang vật của một vụ buôn lậu nên không hề có chíp. Tổ chức Động vật Châu Á đã tiến hành gắn chíp cho cả hai chú gấu luôn trong quá trình khám sức khỏe. Từ đây, hai chú đã có chíp, như 1 "chứng minh thư" của riêng từng cá thể.
Công việc hoàn thành lúc 3 h chiều, và lúc này đoàn cứu hộ ai cũng đói mềm, nhưng tràn đầy phấn khởi và chào tạm biệt Khu bảo tồn để lên đường về.


15:30: đoàn ăn trưa trên đường về thị trấn Thường Xuân


16:30: xe tải chở gấu dừng lại, và đoàn kiểm tra tình trạng của gấu. Anh công nhân gấu nhanh nhẹn đi cắt lá chuối non ngay ven đường thả vào lồng cho gấu. Đây là món khoái khẩu, cả hai chú phấn khích nhanh chóng kéo lá chuối vào lồng.


18:40: đoàn dừng lại kiểm tra gấu một lần nữa. Trung bình cứ 50 km, các bác sỹ thú y lại kiểm tra gấu để đảm bảo hành trình cứu hộ được suôn sẻ.


21:00: Gấu về đến Tam Đảo. Chị Annemarie (Quản lý Gấu và Bác sỹ Thú Y) ra đón 2 thành viên mới về với Trung tâm. Tính đến nay, Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam đang chăm sóc và nuôi dưỡng 109 cá thể gấu.


Gấu sẽ được cách ly trong 45 ngày để theo dõi sức khỏe và chữa trị các bênh lây nhiễm nếu có trước khi tiến hành các bước tiếp theo, ghép gấu và hòa nhập.

PHAN THỊ THÙY TRINH -Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Cứu hộ thành công 2 cá thể gấu ngựa từ Khu bảo tồn Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
CPECO VACNE
 Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải

(Tin Môi Trường) - Tại Lễ Khai mạc Festival Khèn Mông, Lễ hội hoa Đào rừng (Pằng Tớ Dầy) của huyện Mù Cang Chải, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cùng đại diện Hội BVTN&MT Việt Nam đã trực tiếp trao Bằng và Quyết định công nhận 4 Cây di sản Việt Nam cho đại diện địa phương.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI