Tin môi trường và bạn đọc » Cầu nối
Ai lấy cắp bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình”?
(00:32:02 AM 03/10/2015)Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai (phải) lâu nay vẫn được biết đến với tư cách tác giả của bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình”.
1. Cảm xúc của tôi trước phát ngôn của ông Ngô Xuân Phúc:
Tôi rất bàng hoàng và bức xúc trước những lời buộc tội và vu khống vô căn cứ của ông Ngô Xuân Phúc. Tôi mong có cơ hội để bảo vệ danh dự của mình. Là một người đã có các tác phẩm thơ được xuất bản và dành các giải thưởng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Anh và Mỹ, bản quyền là điều tôi luôn tôn trọng trước tiên. Phát ngôn của ông Ngô Xuân Phúc xúc phạm đến danh dự nghề nghiệp của tôi, xúc phạm đến danh dự cá nhân tôi, và xúc phạm đến tình yêu thiêng liêng, bất khả xâm phạm của tôi dành cho Tổ quốc Việt Nam. Tôi sẽ làm tất cả những gì cần thiết, bao gồm việc sử dụng pháp luật, để bảo vệ danh dự và uy tín của tôi, đáp lại sự tin yêu của bạn đọc.
Những ai đã đọc thơ tôi đều hiểu rằng dù sống xa quê hương, tôi vẫn đau đáu hướng về Tổ quốc, và chỉ có tình yêu cháy bỏng dành cho quê hương xứ sở mới giúp tôi viết lên được bài thơ “Tổ quốc gọi tên”. Và bài thơ này tiếp nối mạch sáng tác về Tổ quốc của tôi, với rất nhiều các bài thơ mà tôi đã viết như “Là Việt”, “Đồng Lộc”, “Thời gian trắng”, “Hà Nội”, “Những ngôi sao hình quang gánh”…
2. Hoàn cảnh ra đời của bài thơ “Tổ quốc gọi tên” và những người đã chứng kiến việc ra đời của bài thơ đó:
Trước sự kiện tàu Bình Minh bị cắt cáp năm 2011, tôi cũng như các văn nghệ sĩ Việt Nam đều muốn cất lên tiếng nói bảo vệ chủ quyền lãnh thổ qua các tác phẩm của mình. Nhưng cảm xúc về biển đảo thì nhiều, làm sao để có thể nói về chủ đề lớn lao này bằng những tứ thơ mới mẻ và đủ sức lay động lòng người?
Tháng 6/2011 nhà văn, nhà báo Hòa Bình, khi đó đang làm việc tại báo điện tử Vietnamnet, đã liên hệ phỏng vấn tôi với chủ đề “văn nghệ sĩ và chủ quyền biển đảo”. Bài phỏng vấn có câu hỏi “chị có sáng tác mới nào về chủ quyền biển đảo hay không?” Từ Hà nội, đem theo những câu hỏi ấy ra sân bay đi châu Âu, tôi nhắn tin cho Hòa Bình rằng sẽ gửi trả lời sớm.
Máy bay cất cánh. Tôi nghiêng người nhìn qua cửa sổ. Hà Nội trải dài dưới mắt tôi. Tổ quốc tôi đó, những ngôi nhà nhỏ xinh lấp lánh ánh nắng, những thửa ruộng ngời lên như ngọc, những lùm cây xanh thẳm bình yên đang toả bóng xuống dòng sông Hồng uốn quanh một dải lụa mềm. Điều gì sẽ xảy ra nếu sự bình yên ấy bị một thế lực nào giày xéo? Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó cắt rời những tấc biển khỏi tấc đất Việt Nam? Ôi Tổ quốc, tổ quốc! Tôi gọi thầm và chợt tiếng động cơ máy bay như tiếng sóng vọng về:
“Tôi đang nghe tổ quốc gọi tên mình
Bằng tiếng sóng Trường Sa Hoàng sa dội vào ghềnh đá…”
Hai câu thơ đầu tiên hiện lên trong tâm trí tôi. Tôi tìm vội giấy bút. Như một mạch nước ngầm đã được khai thông, những câu thơ khác cứ thế tuôn trào. Tình cảm yêu thương dồn nén mà tôi dành cho dải đất Việt giờ đây được cất nên lời. Tôi viết rất nhanh, một mạch, không chỉnh sửa. Rồi tôi đọc lại, chọn lọc các khổ thơ, sửa chữa câu từ, sắp xếp chúng để các thông điệp của bài thơ được truyền tải rõ ràng và mạch lạc nhất. Bài thơ bắt đầu bằng nhịp điệu dồn dập, về những hiểm hoạ Tổ quốc đang phải đương đầu, về sự hy sinh, mất mát, để rồi thắp lên niềm tin về hòa bình. Trong sâu thẳm lòng mình, tôi ước ao rằng tất cả những xung đột tranh chấp về biển đảo sẽ được hòa giải qua đối thoại, và sẽ không có chiến tranh, đầu rơi, máu đổ.
Khi máy bay đưa tôi vượt lên những tầng mây trắng, khi tôi không còn nhìn thấy hình hài Tổ quốc, bài thơ đã được hoàn thành.
Hạ cánh xuống thành phố Franfurt, Đức, tôi quyết định gửi tác phẩm này cho một tờ báo giấy trước khi gửi cho báo mạng Vietnamnet. Tôi in báo giấy trước vì đây là một việc tôi vẫn thường làm đối với các tác phẩm mới nhất của mình.
Tôi gửi bài thơ này cho nhà báo Hải Giang, báo Hà Nội mới vào lúc 23:21:22 giờ ngày 20-6-2011. Lá thư điện tử này tôi vẫn còn giữ, cũng như những trao đổi của chúng tôi về câu từ của bài thơ, xoay quanh các cụm từ như “kẻ thù”, “kẻ lạ mặt”. Bài thơ của tôi xuất hiện trên báo Hà Nội mới ngày 26-6-2011. Sau khi báo in, tôi gửi bài phỏng vấn cùng bài thơ “Tổ quốc gọi tên” cho nhà báo Hòa Bình. Ngày hôm sau, ngày 27-6-2011, bài thơ “Tổ quốc gọi tên” được đăng tải trên báo điện tử Vietnamnet. Tôi vẫn còn giữ các email liên lạc với nhà báo Hoà Bình vào thời điểm này, bao gồm trao đổi của chúng tôi về câu từ của bài thơ. Báo Hà Nội mới ra ngày 26-6-2011 cũng như đường link của báo Vietnamnet đăng bài phỏng vấn của tôi vẫn còn đó là minh chứng cho bản quyền của tôi về bài thơ.
Nhà báo Hoà Bình (hiện công tác tại báo Người Lao động) và nhà báo Hải Giang (báo Hà Nội mới) là những người biết rất rõ hoàn cảnh ra đời của bài thơ “Tổ quốc gọi tên”. Cả hai có thể xác nhận những điều tôi trình bày ở trên là đúng sự thật.
3. Về các cáo buộc của ông Ngô Xuân Phúc:
Ngày 8-1-2015, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết thư cho tôi, thông báo rằng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo có nhận được thư điện tử của ông Ngô Xuân Phúc, người nói rằng bài thơ trên là của ông ấy. Tôi gửi thư trả lời nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo rằng: tôi không cần liên lạc với người đó. Tôi có đủ các bản thảo của bài thơ "Tổ quốc gọi tên", và đủ bằng chứng cùng nhân chứng để xác nhận rằng tôi chính là tác giả.
Tôi nghĩ mình đã trả lời đầy đủ thắc mắc của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và cũng gạt qua sự bực bội của ngày hôm đó để tiếp tục các công việc đang còn dang dở. Công việc của tôi và của gia đình tôi đòi hỏi chúng tôi phải di chuyển từ quốc gia này đến quốc gia khác. Là một người mẹ, tôi vừa phải vừa đảm trách việc di chuyển, vừa chăm con, vừa phải lo chu toàn công việc, vừa phải sáng tác. Nếu cứ phải trả lời những buộc tội vô căn cứ như thế thì còn thời gian đâu để viết.
Thứ hai ngày 28-9 vừa qua, có một người mang tên Ngô Xuân Phúc đã gửi cho tôi tin nhắn trên facebook với nội dung mà ông ta đã chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, rằng tôi phải trả lại bản quyền của bài thơ. Tôi có trả lời ngắn gọn: “Chào anh, cảm ơn anh đã liên lạc. Anh có bị ảo tưởng không đó? Anh hãy suy nghĩ về việc vu khống người khác lấy cắp tác phẩm của anh. Tôi là một người viết chuyên nghiệp, tôi không dại gì đánh đổi uy tín của mình cho một bài thơ… Tôi không có gì phải trao đổi với anh cả. Bài thơ viết lúc nào, tôi nhớ rất rõ. Yêu cầu anh không liên lạc với tôi nữa. tôi không muốn mất thời gian”. Tôi vẫn còn giữ các trao đổi này. Tôi quyết định chặn facebook của người đó vì tôi không muốn tốn thời gian quý báu của mình.
Đọc lá thư của ông Ngô Xuân Phúc ngày 28-9 (mà ông ấy đã công bố rộng rãi), tôi thấy có nhiều điểm mâu thuẫn:
- Có được một bài thơ giá trị như thế, tại sao tác giả không đăng báo để khẳng định quyền sở hữu của mình mà lại đăng trên blog và các mạng xã hội khác để mọi người có thể đọc tự do?
- Tại sao từ năm 2008 (thời điểm tác giả khẳng định mình viết bài thơ), tác giả không đăng báo hay gửi in sách, trong khi nhu cầu về các tác phẩm viết về biển đảo là rất lớn?
- Sau khi bài thơ được nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ nhạc thành bài hát “Tổ quốc gọi tên mình”, bài hát đã nhận được sự đón nhận của rất nhiều các tầng lớp công chúng và dành được nhiều giải thưởng chuyên môn quan trọng của năm 2011. Tại sao vào năm 2011 ông Ngô Xuân Phúc không lên tiếng nhận mình là tác giả thơ mà phải chờ đến bốn năm sau?
- Ông Ngô Xuân Phúc đã viết và đã được in các tác phẩm thơ nào trong mạch sáng tác về đề tài Tổ quốc và biển đảo?
- Ông Ngô Xuân Phúc đã có bằng chứng nào về việc tôi đã vào blog hay các mạng xã hội của ông ấy hay quen biết với bất cứ người bạn nào của ông ấy – những người đã có trong tay bài thơ và gửi cho tôi?
- Lá thư của ông Phúc ngày 28-9 đề cặp đến bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình”. Ông ấy có bỏ qua một chi tiết vô cùng quan trọng mà chỉ có người trong cuộc mới biết. Bài thơ của tôi mang tên “Tổ quốc gọi tên” chứ không phải “Tổ quốc gọi tên mình”. Khi phổ nhạc bài thơ này, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, dựa vào câu thơ của tôi trong bài thơ, đã đặt tên ca khúc là “Tổ quốc gọi tên mình”.
- Liệu ông Ngô Xuân Phúc có biết rằng bài thơ gốc tôi viết ra, có một số từ đã được biên tập và chỉnh sửa? Chỉ có tôi và những người trong cuộc mới biết rõ và tôi còn lưu lại tất cả các thư từ về quá trình biên tập.
- Trong thư ông Phúc viết “Tôi chuyển công tác từ Hà Nội về Vinh nên sách vở, giấy tờ thất lạc nhiều, bài này có cả bản viết tay nhưng không biết đã mất ở đâu, Hà Nội hay Vinh, còn các bản lưu máy vi tính thì máy hỏng đã mất hết.” Tôi đang tự hỏi ông Phúc mất hết bản lưu các bài thơ thì ông có thể nhớ được chính xác bài thơ ấy như thế nào để có thể buộc tội tôi lấy cắp bài thơ đó?
Như đã nói ở trên, phát ngôn của ông Ngô Xuân Phúc xúc phạm đến danh dự nghề nghiệp của tôi, xúc phạm đến danh dự cá nhân tôi, và xúc phạm đến tình yêu thiêng liêng, bất khả xâm phạm của tôi dành cho Tổ quốc Việt Nam.
Qua các phương tiện truyền thông Việt Nam, tôi yêu cầu ông Ngô Xuân Phúc phải gửi thư chính thức xin lỗi tôi trước ngày 10-10-2015. Nếu không tôi sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý để kiện ông ấy về tội vu khống. Hiện tôi đang liên lạc với luật sư, và sẽ làm việc đến cùng để chứng minh rằng tôi không thể nào dối trá trong tình yêu thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mình dành cho Tổ quốc.
Nhân đây, tôi xin gửi lời tri ân đến bạn đọc đã dành tình cảm cho bài thơ “Tổ quốc gọi tên” cũng như bài hát “Tổ quốc gọi tên mình”. Tôi khẳng định đó là bài thơ mà tôi viết dâng Tổ quốc với tất cả tấm lòng thành kính và đó là bài thơ tôi chỉ có thể viết được sau rất nhiều trăn trở, trải nghiệm, những gian khổ và dấn thân trong sự nghiệp viết lách.
Xin chân thành cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí giúp đưa tin về việc này, làm sáng tỏ sự việc nhanh nhất và giúp tôi bảo vệ danh dự của người cầm bút và củng cố lòng tin của bạn đọc. Tôi xin chân thành cám ơn.
Brussels, ngày 1/10/2015
Nguyễn Phan Quế Mai
Anh Ngô Xuân Phúc khẳng định, mình mới chính là tác giả của bài thơ.
Nội dung chia sẻ của Ngô Xuân Phúc trên mạng xã hội ngày 28/9:
Vinh, ngày 28/09/2015.
Chị Nguyễn Phan Quế Mai thân mến!
Lời đầu thư tôi xin gửi tới chị lời chúc sức khỏe và thành đạt, hạnh phúc. Thưa chị, lá thư này đúng ra tôi phải gửi tới chị cách đây hơn một tháng, bởi vì từ năm 2014 tôi đã cố gắng rất nhiều để có thể có được thông tin và địa chỉ liên lạc của chị. Dù có hơi muộn so với khoảng thời gian tôi vất vả tìm kiếm thông tin của chị trên internet cũng như ở Hà Nội, thì hôm nay tôi cũng đã có thể ngồi viết lá thư này gửi tới chị. Để không làm mất nhiều thời gian của chị, tôi xin đi vào nội dung chính và cũng là nguyên do tôi viết lá thư này cho chị:
Từ năm 2011 đến nay, trên đất nước Việt Nam, số lượng người biết tới nữ nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai với tác phẩm Tổ Quốc Gọi Tên Mình ngày một nhiều thêm. Nó ghi dấu sự thành công của bài thơ một cách rõ ràng. Và sau khi bài thơ này được phổ nhạc, được sử dụng thường xuyên trong các chương trình ca múa nhạc quốc gia, nhất là các chương trình có chủ đề Tổ quốc và biển đảo, thì tác giả của bài thơ đã trở nên nổi tiếng, thực sự trở thành người của công chúng. Hơn thế, giai đoạn từ đó đến nay cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước ta trong thời kỳ mới ngày càng cam go, phức tạp, và đó cũng là một nguyên do nữa để tác phẩm, ca khúc: Tổ quốc gọi tên mình thêm gần gũi, gắn bó và được phổ biến rộng rãi trên mọi miền đất nước, được yêu thích đặc biệt không phân biệt giới tính, lứa tuổi…!
Tuy nhiên, số phận của phần lời ca khúc, hay bài thơ Tổ Quốc Gọi Tên Mình ít ai biết lại khá phức tạp, như chính tác giả của nó vậy. Đến đây chắc chị đã hiểu phần nào lí do tôi viết lá thư này. Vâng thưa chị Quế Mai, tôi và chị hiện đang là những người bạn trên trang mạng xã hội FaceBook, mới vài tháng trở lại đây, tôi xin nhắc lại tên mình đầy đủ trong lá thư này: tôi tên là Ngô Xuân Phúc, tôi sinh năm 1980 và hiện sinh sống ở Việt Nam. Và tôi chính là tác giả của bài thơ Tổ Quốc Gọi Tên Mình, bài thơ này năm 2008 đã được tôi chia sẻ ở blog cá nhân trên google, trên trang cá nhân ở mạng xã hội My Space và một vài trang mạng xã hội khác. Hồi đó tôi còn là một quân nhân, là giáo viên văn học trong Quân đội, đơn vị tôi ở Sơn Tây, Hà Tây, nay là Hà Nội. Sau này vì lí do đặc thù công tác và vì chuẩn bị chuyển công tác nên tôi mới xóa các blog, trang cá nhân. Nhưng ở thời điểm tôi đăng bài thơ này thì có khá nhiều người vào đọc và khen hay.
Cá nhân tôi có chia sẻ việc viết bài thơ này và mong muốn nó được phổ nhạc, trong khi tôi đang công tác trong quân đội và chuẩn bị chuyển công tác, thì hi vọng nếu có ai đó đọc được và thấy hay thì có thể sử dụng nó để phổ biến nó rộng rãi. Thực tế hồi đó có nhà thơ là Hội viên hội nhà văn của một tỉnh phía bắc có vào đọc khen hay, và tôi có bảo bài này được phổ nhạc thì rất tuyệt. Tôi lần theo nick cmt trên bài viết mới biết ông ta là hội viên hội nhà văn chứ không hề quen biết. Và khi đề cập tới nguyện vọng đó: bài thơ được phổ biến và phổ nhạc với một người bạn tên: Nguyễn Thông Thiện , ở Hà Nội, tôi mong rằng người đứng tên sẽ có họ Nguyễn Phan - là họ bên ngoại của tôi, và hai người – một nhà thơ – để giới thiệu thơ; với một nhạc sĩ – để phổ nhạc bài thơ - nên một người ở miền Bắc còn một người ở miền Nam. Như vậy nhằm thể hiện rõ tính chất của bài thơ này, bài thơ về chủ đề Tổ quốc – biển đảo, hai người như vậy thể hiện sự hợp nhất, hài hòa để tạo nên nước Việt vẫn thường được hình dung là hai miền nam – bắc.
Năm 2009 tôi chuyển công tác về Nghệ An, sau đó xin phục viên và chuyển sang làm báo là chủ yếu. Tình cờ năm 2013 tôi có được xem chương trình ca nhạc có bài hát Tổ quốc gọi tên mình, nó gợi nhớ cho tôi và tôi bắt đầu tìm kiếm thông tin. Đến năm 2014 thì tôi tiếp tục được nghe bài này trên truyền hình và sau đó là đọc được loạt bài báo giới thiệu tác giả thơ Nguyễn Phan Quế Mai và bài thơ Tổ quốc gọi tên mình cùng với những bài thơ thành công khác của chị. Trước đó, cũng năm 2009 tôi có đọc được bài thơ này chia sẻ trên blog Yahoo và người đứng tên hình như chính là chị. Sau lần tình cờ đó tôi có vào tìm lại nhưng không thể nào tìm được trang blog đăng bài thơ, và đến lúc chuyển ngành vì quá lo công việc mới nên tôi không giành thời gian cho sáng tác thơ cũng như tìm đọc thơ như trước nên không để ý tìm nữa.
Ở trên là sơ lược về quá trình bài thơ Tổ quốc gọi tên mình ra đời và xuất hiện, cũng như những chuyện bên lề có thể xem như là giai thoại về bài thơ này: việc đề nghị sử dụng bài thơ này phải là người có họ Nguyễn Phan, việc nhà thơ và nhạc sĩ phải là một người miền Bắc, một miền Nam đều có thực. Mong muốn của tôi lúc đó là giới thiệu bài thơ này thú thực để bên ngoài biết tới khả năng của tôi, và qua bài thơ này tôi muốn xây dựng một hình tượng Tổ quốc – biển đảo cho thế hệ trẻ, cho những người trưởng thành ở thế kỷ 21. Bài thơ là tình cảm của những người trẻ, những người sinh ra và lớn lên trong hòa bình nhìn nhận về Tổ quốc, về cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc trong thời ký mới.
Chị Nguyễn Phan Quế Mai thân mến, viết lá thư này là tôi muốn làm rõ người thực sự viết bài thơ này, trả lại cho tác giả đích thực của nó tác phẩm mà tôi đã suy ngẫm rất nhiều để viết lên nó. Hơn thế, đó còn là trả lại giá trị sự thực về mặt lịch sử. Do đó tôi rất mong chị thấu hiếu và chấp nhận sự việc. Hồi đó tôi còn nói với bạn tôi: Trịnh Thông Thiện, rằng: nếu người đứng tên bài thơ công bố yêu cầu thì sẽ đồng ý cho cùng đứng tên khi tôi đề nghị trả lại bài thơ cho tôi. Coi như là đồng tác giả. Và tôi cũng vẫn sẽ giữ đúng lời hứa của mình như đã nói năm xưa ở Hà Nội. Tôi hi vọng chuyện này sẽ được giải quyết êm thấm, vì chúng ta đều là những người hoạt động ở lĩnh vực văn học, hơn thế câu chuyện này rất rõ ràng và nhiều người biết, có thể làm chứng. Còn nữa, chúng ta nên giải quyết tốt đẹp, trả lại cho lịch sử, công chúng, độc giả sự thật, không nên tiếp tục như hiện nay khi mọi chuyện đã rõ ràng.
Cá nhân tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với chị, với người nhạc sĩ đã phổ nhạc chắp thêm đôi cánh cho bài thơ ngân vang trên khắp đất nước. Rất mong chị sớm có phản hồi và cùng tôi thu xếp việc công bố trả lại quyền tác giả đối với bài thơ Tổ quốc gọi tên mình cho tôi.
Cuối thư xin chúc chị luôn vui khỏe, trẻ mãi và xinh tươi. Hãy thêm một lần nữa cùng tôi hoàn thành nốt câu chuyện tuyệt đẹp còn dang dở về một tác phẩm thành công rực rỡ giành cho đất nước!
Mến chào chị Quế Mai!
Kính thư:
Ngô Xuân Phúc
TB: ...Tôi chuyển công tác từ Hà Nội về Vinh nên sách vở, giấy tờ thất lạc nhiều, bài này có cả bản viết tay nhưng không biết đã mất ở đâu, Hà Nội hay Vinh, còn các bản lưu máy vi tính thì máy hỏng đã mất hết. Tôi trình bày để chị hiểu là tôi rất tin tưởng ở chị, ở cái tâm của người cầm bút, mong chị sẽ là vì trách nhiệm với nghề, với đất nước mà làm hết mình vì bài thơ, và nay vui vẻ trả lại nó cho chủ nhân đích thực!
Ý kiến bạn đọc về: Ai lấy cắp bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình”?
-
Nguyễn Đức Lâm (21:32:17 PM 10/10/2015)Buồn quá!
Bài thơ hay như thế nhất định viết vào sổ tác giả phải giữ gìn như báu vật. Đánh mất đi là điều đáng tiếc và nên tự trách mình thôi. Nhiều người còn đánh máy, in và chia sẻ với bạn bè, người thân và thế nào cũng có người giữ được, chứ không chỉ chia sẻ trên Blog mà nay lại không tìm được chứng cứ gì. Hơn nữa người yêu thơ thường thuộc và đọc bài thơ hay, tâm đắc cho mọi người nghe trong nhiều cuộc gặp gỡ khác nhau nữa. Nếu đã quên rồi, không có minh chứng nào thì thôi đi đừng nói mơ hồ kiểu "hình như" nữa chỉ thêm mất niềm tin và rắc rối thêm. Mới năm 2008, 2009 cách đây 6, 7 năm thôi chứ có phải những năm chiến tranh ác liệt 1967, 1968 thời kỳ mà Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm ở ngoài mặt trận cam go, khắc nghiệt đâu mà dễ thất lạc đứa côn tinh thần quí giá như vậy. Tôi cũng như nhiều bạn đọc chăc chẳng thể biết được ai "đạo" thơ ai, chỉ thấy buồn thôi và có lời khuyên rằng khi không có bằng chứng xác thực thì tốt nhất là nên im lặng.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành”
- Hội đồng Ban giám khảo vòng sơ khảo cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành”
- Mời viết bài tham dự Hội thảo quốc tế về Đánh giá tác động môi trường lần thứ 8 tại Hàn Quốc
- Câu lạc bộ Đạp xe Môi trường kết nối Cây Di sản kiện toàn tổ chức, triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Thêm 6 cây cổ thụ lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam
- Cây đa hơn 300 tuổi tại thành phố Chí Linh được vinh danh là Cây di sản
- Hội BVTN&MT tỉnh Đồng Nai khắc phục khó khăn, duy trì những hoạt động thiết thực
- Bộ TN-MT yêu cầu Đồng Nai xử lý vi phạm ở các dự án lớn
- Câu lạc bộ Doanh nghiệp Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổng kết hoạt động năm 2023 và đề ra phương hướng cho năm 2024;
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải
(Tin Môi Trường) - Tại Lễ Khai mạc Festival Khèn Mông, Lễ hội hoa Đào rừng (Pằng Tớ Dầy) của huyện Mù Cang Chải, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cùng đại diện Hội BVTN&MT Việt Nam đã trực tiếp trao Bằng và Quyết định công nhận 4 Cây di sản Việt Nam cho đại diện địa phương.
Hội nghị Ban Chấp hành VACNE 2024: Tiếp tục củng cố và phát triển bền vững tổ chức hội
(Tin Môi Trường) - Sáng 26/11 tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã tổ chức Hội nghị Ban chấp hành năm 2024.
- Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam trao đổi về quản lý chất thải điện tử trong chương trình “trái đất xanh” của VTV1
- Cuốn sách “Tài nguyên thiên nhiên và chuyển đổi xanh” sẽ được hoàn thiện vào cuối năm
- Các cấp chính quyền và đoàn thể, cộng đồng nhân dân chung tay trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh