»

Thứ bảy, 18/01/2025, 23:21:12 PM (GMT+7)

20 con đường gọi tên một lão nông

(10:08:23 AM 07/03/2013)
(Tin Môi Trường) - Thôn Ngọc Đồng (xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ), địa hình toàn đồi núi, ngày xưa đói nghèo khủng khiếp. Có lẽ bi kịch ấy sẽ mãi đeo đẳng nếu không có một người đàn ông vay vốn ngân hàng ngày ngày phá đá mở đường.

Có đường là có tất cả

 

Lão tên là Đỗ Mạnh Tiến (54 tuổi). Quá khứ của lão cũng như mảnh đất Ngọc Đồng, khổ nghèo và ảm đạm. Trở về từ chiến tranh biên giới, lão là anh bộ đội hai bàn tay trắng, một vợ, 3 thằng con trai nheo nhóc. Ngọc Đồng nghèo khó, chủ yếu là đất trống trọc nên lão phải làm đủ thứ nghề để nuôi 5 miệng ăn trong gia đình. Từ đi phụ hồ, chạy xe ôm ngoài thị trấn Thanh Sơn, đào đất lật cỏ thuê cho người ta trồng rừng rồi lại đi phát sẻ, bóc vỏ cây khi rừng đến thời kỳ thu hoạch. Cũng vì gian truân, vì đụng đủ thứ nghề nhưng vẫn đói lão mới nghĩ đến chuyện quay về chinh phục mảnh đất cằn cỗi của quê hương mình.

 

Đó là thời điểm năm 1999. Ngọc Đồng như một vùng cao hoang hoải, núi đồi trùng điệp, là thủ phủ của làng nghề trồng chè nhưng đang ngắc ngoải. Không thể đi theo lối mòn cũ của người dân trong thôn, lão vác rựa lên những ngọn núi cao nhất để khảo sát đất trồng rừng. Khổ nỗi, đường lên núi thời đó chỉ là những lối mòn vòn vẹt, vừa đủ đặt một bàn chân. Dây leo, cây dại tua tủa, vừa đi vừa phát bở cả hơi tai. Chỗ thoáng hơn thì dân địa phương đốt cỏ tranh làm nương rẫy hết rồi. Leo lên đã khó, huống hồ tính chuyện trồng rừng kinh tế thì quả là cả một chặng đường quá gian nan. Thành thử, việc đầu tiên trong kế hoạch trồng rừng của lão là đi vay vốn để… mua ô tô.

 

Cái kế hoạch lạ lùng ấy khiến nhiều nơi lắc đầu không dám đầu tư. Họ sợ lão thất bại. Chỉ có những cán bộ tín dụng ở Chi nhánh ngân hàng NN-PTNT (Agribank) huyện Thanh Sơn tin vào kế hoạch của lão. Bây giờ, nhìn tài sản của gia đình, một căn nhà 3 tầng xây theo kiểu khách sạn, 4 chiếc ô tô, 2 chiếc máy ủi, gần 200 ha rừng, tổng trị giá hàng chục tỷ đồng thì đúng là không tin nổi lão chỉ khởi nghiệp với 60 triệu đồng.

 

Vay được vốn, việc đầu tiên là lão huy động hết nhân công trong gia đình đi mở đường. Những con đường leo tận đỉnh đồi, mỗi đỉnh đồi lão đều cho dựng lán trại. Từ lán trại theo kiểu dã chiến ấy lão bắt đầu tập hợp lương thực, dụng cụ, nhân công để phát rẫy trồng rừng. Lấy ngắn nuôi dài, ban đầu chỉ 1 - 2 ha, dần lên đến hàng chục, rồi hàng trăm ha cách đây chừng vài năm. Hễ tích cóp được đồng nào là lão dồn hết vào rừng. Không đủ thì tiếp tục làm đề án đi vay tín dụng ngân hàng Agribank. Trong thôn, trong xã, trong huyện, hễ nơi nào có đất rừng khó sản xuất lão đều thuê hoặc thu mua hết. Mua xong cứ theo bài cũ mà làm. Mở đường, phát rẫy, trồng cây. Gần chục năm, lão mở 20 con đường lên núi ở khắp các xã trong huyện Thanh Sơn.

 

Những con đường ấy đều mang tên đường ông Tiến. Không phải lão háo danh. Đó là do bà con nông dân quý lão, mang ơn lão mà gọi thôi. Bởi, mỗi con đường lên núi tốn ít nhất khoảng 200 triệu đồng tiền thuê máy xúc, thuê nhân công, tiền vật liệu…Tất cả đều do gia đình lão bỏ công sức ra làm.

 

Lão nông Đõ Mạnh Tiến trên những con đường mang tên mình

 

Bộ mặt Ngọc Đồng thay đổi hoàn toàn sau khi có những con đường mang tên ông Tiến. Diện tích trồng rừng phát triển ồ ạt. Các doanh nghiệp, nhà máy nguyên liệu giấy, nguyên liệu gỗ về tận nơi để đặt hàng. Mỗi ha trồng cây keo nguyên liệu bây giờ có 100 - 130 tấn gỗ trên một chu kỳ 7 - 9 năm, thu nhập 80 - 100 triệu đồng. Nếu thị trường ổn định, phép tính này sẽ cho con số khủng khiếp về gia tài của lão nông từng chạy vạy đủ thứ nghề vì thất nghiệp. 200 ha, xấp xỉ 20 tỷ đồng. Kể cả việc trừ đi chi phí đầu vào sản xuất thì thu nhập của gia đình lão cũng không hề nhỏ một chút nào.

 

Mỗi ngày thu nhập vài chục triệu đồng

 

Chủ tịch xã Ngọc Luyện, ông Thiều Minh Tốn dẫn tôi vào nhà lão Tiến. Đó là ngôi nhà được xây dựng chẳng khác nào một khách sạn mini. Nó kỳ lạ như những việc mà lão đã làm với vùng đất Ngọc Đồng. Vợ chồng lão có 3 đứa con trai, 3 cô con dâu, 7 đứa cháu, tất cả đều sinh hoạt trong căn nhà 3 tầng này. Mỗi ngày trôi qua, ít nhất 30 triệu đồng tuồn vào két bạc của ngôi nhà này. Con trai, con dâu, kể cả mấy đứa cháu của ông đều lao vào rừng hết. Người khỏe thì đi lái máy, mở đường, đám phụ nữ, trẻ con thì đi trồng cây. Trưa ăn cơm ở lán trại, tối ăn cơm nhà. Bà Đỗ Thị Lan, vợ lão, chỉ có mỗi nhiệm vụ lo ngày hai bữa cơm nhưng cũng đủ mệt nhọc đến bở hơi tai. Ngoài đám con cháu, lão thành lập thêm 5 tổ khai thác. Mỗi tổ 10 người, lương mỗi người dao động từ 4,5 - 5 triệu đồng mỗi tháng. Chỉ riêng khoản tiền trả công nhân, hàng tháng lão đã phải chi hơn 200 triệu đồng.

 

Quy mô hoành tráng chẳng khác gì doanh nghiệp. Vậy mà lão chỉ nhận mình là ông nông dân. Vẫn trực tiếp đi mở đường, vẫn chăm chút từng gốc cây, tỉa từng cành keo, đào từng hố đất. Lão không thành lập công ty bởi suy nghĩ rằng, khi thành doanh nghiệp rồi thì khó chia sẻ quyền lợi với người dân. Hơn 20 con đường mang tên lão là một ví dụ. Những con đường ấy, người dân trong xã, trong huyện được đi lại, vận chuyển keo nguyên liệu thoải mái, nhưng nếu các doanh nghiệp muốn đưa xe tải, máy móc vào thu mua sản phẩm của người dân thì lão tính phí. Tiền phí ấy không nhiều, lão cũng không đút túi làm của riêng mà góp lướm, huy động nhân công đầu tư mở thêm những con đường khác.

 

 

Giàu có, thu nhập khủng mỗi ngày nhưng lão vẫn còn nợ Ngân hàng NN-PTNT huyện Thanh Sơn 1,5 tỷ đồng. Con số tưởng chừng như khổng lồ ở nông thôn, vậy mà lão phẩy tay nhẹ tựa nói chuyện dăm bảy chục ngàn đồng: “Ngân hàng cho vay lãi suất 1,3%. Tức bình quân mỗi ngày gần 1 triệu đồng tiền lãi. Nghe thì nhiều nhưng nếu nhìn vào thành quả mà số vốn cho vay đem lại thì thấy “muỗi” lắm. Nếu muốn trả thì bán một góc rừng trả lúc nào cũng được. Chẳng qua là tôi muốn đầu tư lớn hơn thôi”.

 

Đúng là muỗi thật. Số tiền ấy, ngoài đầu tư vào trồng rừng lão còn mua xe cộ, máy móc để vận chuyển. Trước đây, do không có phương tiện, địa hình, đường sá đi lại khó khăn nên gỗ nguyên liệu của người bị ép giá. Còn bây giờ, bất cứ doanh nghiệp nào cần, đội quân của lão có thể vận chuyển đến tận nơi. Chỗ nào cao thì bán, thấp thì thôi. Không ai bắt chẹt được một đồng nào. Những việc làm của lão khiến Chủ tịch xã Thiều Minh Tốn phần nào thơm lây, bởi chính ông đã từng đề xuất ngân hàng cho lão Tiến vay vốn. “Bây giờ ở Thục Luyện người ta gọi Ngọc Đồng là thôn triệu phú. Cây chè tạo dựng được thương hiệu đã đành, rừng keo nguyên liệu của Thục Luyện dần dần tạo được chỗ đứng. Đó là công lao từ nguồn vốn tín dụng cho vay của Ngân hàng Agriabank, của những người có ý chí như ông Tiến”.

 

Hiện lão đang dồn tiền mở rộng thêm 40 ha đất trồng rừng ở xã Vĩnh Tiền. Triết lý “có đường sẽ có tất cả” vẫn được áp dụng. Những người làm tín dụng ở Ngân hàng NN-PTNT huyện Thanh Sơn có quyền hi vọng sẽ có thêm nhiều vùng đất giống như Ngọc Đồng.

 

Theo NN
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: 20 con đường gọi tên một lão nông

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
CPECO VACNE
 Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải

(Tin Môi Trường) - Tại Lễ Khai mạc Festival Khèn Mông, Lễ hội hoa Đào rừng (Pằng Tớ Dầy) của huyện Mù Cang Chải, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cùng đại diện Hội BVTN&MT Việt Nam đã trực tiếp trao Bằng và Quyết định công nhận 4 Cây di sản Việt Nam cho đại diện địa phương.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI