»

Thứ bảy, 18/01/2025, 11:07:10 AM (GMT+7)

10 hành động cấp bách ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã

(21:58:47 PM 26/09/2018)
(Tin Môi Trường) - Năm 2016, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã đưa ra 10 vấn đề quan trọng hàng đầu cần được giải quyết để đem lại một tương lai tươi sáng hơn cho các loài động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp, quý, hiếm của Việt Nam. Trước thềm Hội nghị quốc tế về chống buôn bán ĐVHD trái phép sắp diễn ra vào tháng 10 tại London, ENV nhìn nhận lại 10 khuyến nghị này và những thành quả Việt Nam đã đạt được trong hai năm qua.

10[-]hành[-]động[-]cấp[-]bách[-]ngăn[-]chặn[-]sự[-]tuyệt[-]chủng[-]của[-]các[-]loài[-]động[-]vật[-]hoang[-]dã 

 

1.Điều tra và xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán ĐVHD trái phép    

 
Việt Nam lần đầu tiên đã bắt giữ và phạt tù đối tượng cầm đầu một đường dây chuyên buôn bán trái phép ĐVHD xuyên lục địa. Đối tượng Nguyễn Mậu Chiến và đồng bọn đã bị bắt giữ vào tháng 4 năm 2017 cùng với tang vật thu giữ gồm nhiều sừng tê giác, ngà voi, hổ đông lạnh và các sản phẩm ĐVHD khác. Đối tượng này đã bị phạt 13 tháng tù giam.
 
Trong một vụ điển hình khác, đối tượng Hoàng Tuấn Hải đã bị kết án 4,5 năm tù giam vì tội chế tác và buôn bán trái phép hơn 10 tấn rùa biển tại Khánh Hòa. Số rùa này được các cơ quan chức năng phát hiện và tịch thu tại nhà kho của Hải và em trai vào cuối năm 2014. 
 
Các chiến công này đã cho thấy những bước chuyển biến lớn của Việt Nam trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ĐVHD. Tuy nhiên hiện nay, một số mạng lưới buôn bán ĐVHD lớn khác vẫn ngang nhiên hoạt động (buôn lậu hàng tấn ngà voi, sừng tê giác, vẩy tê tê, hổ, gấu v.v.) mà chưa bị bắt giữ và xử lý. 
 
Hành động: Các cơ quan chức năng cần tập trung triệt phá tận gốc những mạng lưới tội phạm buôn bán ĐVHD lớn bằng cách nỗ lực điều tra, truy bắt và xử lý nghiêm những kẻ cầm đầu các đường dây này.
 
2. Xóa bỏ nạn tham nhũng
 
Tham nhũng là một vấn đề rất nhạy cảm và là một rào cản lớn trong nỗ lực đấu tranh phòng chống các tội phạm về ĐVHD, đặc biệt là trong những trường hợp liên quan tới các loài có giá trị cao trên thị trường như sừng tê giác và ngà voi. Những kẻ phạm tội luôn tìm cách lách luật ở mọi nơi, từ “lót tay” để được “thông quan” tại cửa khẩu đến việc đi “cửa sau” nếu bị phát hiện để hòng thoát tội,  không bị truy tố hoặc được giảm án hay thậm chí là được trắng án tại tòa.
 
Hành động: Các cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt là các cơ quan tại khu vực biên giới, cửa khẩu, tại các sân bay, cảng biển và dọc theo biên giới phải luôn giữ vững tinh thần thép và không vì những cám dỗ vật chất mà sẵn sàng tiếp tay cho các đường dây tội phạm. Các cơ quan chức năng cần quyết liệt hành động không chỉ vì lợi ích của quốc gia mà còn vì sự tôn nghiêm của luật pháp Việt Nam. Hơn thế nữa, chúng ta cần nâng cao tính minh bạch trong các cơ quan hành pháp để tham nhũng không có chỗ tồn tại, và để đảm bảo pháp luật được áp dụng một cách nhất quán, hiệu quả và không có kẻ nào đứng lên trên luật pháp.
 
Những kẻ buôn lậu sẽ phải chấm dứt vận chuyển hàng tấn ngà voi vào Việt Nam nếu chúng nhận thấy nguy cơ rủi ro ngày càng cao và không còn cách nào an toàn để chúng có thể đưa hàng lậu vào Việt Nam. 
 
10[-]hành[-]động[-]cấp[-]bách[-]ngăn[-]chặn[-]sự[-]tuyệt[-]chủng[-]của[-]các[-]loài[-]động[-]vật[-]hoang[-]dã
Nhiều người vẫn có quan niệm mù quáng về công dụng của sừng tê giác
 
3. Trừng trị thích đáng nhằm răn đe hiệu quả các đối tượng vi phạm
 
Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017 – gọi tắt là BLHS 2015) chính thức có hiệu lực vào đầu năm nay là một trong những bước tiến quan trọng của Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ ĐVHD. BLHS mới đã xóa bỏ được nhiều lỗ hổng pháp lý trước đây, tăng mức phạt áp dụng đối với những vi phạm nghiêm trọng và là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan chức năng địa phương xử lý nghiêm các tội phạm về ĐVHD. 
 
Tuy nhiên, sau khi đánh giá kết quả của 10 vụ án đã được đưa ra xét xử về hành vi vận chuyển, buôn bán ĐVHD trái phép kể từ đầu năm tới nay, ENV nhận thấy vẫn chưa có nhiều thay đổi về số lượng đối tượng phải chịu mức án tù giam so với những đối tượng được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ. Chỉ 2 trong tổng số 11 đối tượng được đưa ra xét xử bị áp dụng mức án tù giam, các đối tượng còn lại chỉ bị phạt tiền hoặc được hưởng án treo.
 
Hành động: Áp dụng hình phạt nghiêm khắc để đảm bảo ý nghĩa răn đe là vô cùng quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung. Hiện tại, buôn bán ĐVHD vẫn được cho là cách làm giàu phi pháp an toàn vì rủi ro thấp nhưng lợi nhuận khổng lồ. Chính vì vậy, chỉ khi nào pháp luật được áp dụng hiệu quả thì mới có tác dụng ngăn ngừa và giảm thiểu các hành vi vi phạm.
 
Các cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan tiến hành tố tụng cần nghiêm túc thực thi BLHS 2015 một cách hiệu quả, đặc biệt trong tất cả các vụ án liên quan đến những loài ĐVHD có giá trị cao hoặc khi khởi tố, xét xử những đối tượng chủ chốt trong các mạng lưới tội phạm lớn. ENV kêu gọi các cơ quan tố tụng của Việt Nam thực hiện chính sách 3 KHÔNG (không thương cảm, không khoan nhượng, không tư lợi) trong quá trình xử lý các tội phạm về ĐVHD.
 
4. Nghiêm cấm buôn bán sừng tê giác dưới mọi hình thức
 
Đối mặt với nạn thảm sát tê giác trên thế giới, Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong nỗ lực giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác và tăng cường thể chế, chính sách nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán sừng tê giác ở Việt Nam. Trong thời gian qua, mặc dù một số quốc gia đang muốn hợp pháp hóa buôn bán sừng tê giác và các sản phẩm từ ĐVHD có giá trị cao khác, Việt Nam vẫn tiếp tục có nhiều nỗ lực để giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ và nghiêm cấm buôn bán sừng tê giác trong nước.
 
Hành động: Việt Nam nên tiếp tục nghiêm cấm tuyệt đối mọi hình thức buôn bán sừng tê giác, kể cả dưới hình thức để làm vật kỷ niệm.
 
5. Tiêu hủy các kho ngà voi và sừng tê giác thu giữ được
 
Tháng 11/2016, Việt Nam lần đầu tiên tiêu hủy 2,1 tấn ngà voi tại Hà Nội. Đây là một bước tiến tích cực thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc xử lý các tang vật là ngà voi và sừng tê giác thu giữ được từ các vụ vận chuyển và buôn bán trái phép với khối lượng ước tính hơn 50 tấn.
 
Ngay sau đó, đầu năm 2017, cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đã tiêu hủy 43 chiếc ngà voi - tang vật tịch thu được từ nhiều vụ trong năm 2015. Hành động quyết liệt của Lào Cai có ý nghĩa quan trọng vì đây là lần đầu tiên một địa phương đã chủ động tiêu hủy số ngà voi tịch thu được.
 
Hành động: Đáng tiếc là kể từ sau hai động thái kể trên, ENV không ghi nhận thêm một trường hợp tiêu hủy ngà voi, sừng tê giác nào nữa ở Việt Nam. ENV cho rằng việc tiêu hủy ngà voi và sừng tê giác cần trở thành thông lệ trong tố tụng hình sự, ngay sau khi một vụ án khép lại. Theo quan điểm của ENV, các cơ quan chức năng chỉ nên giữ lại một số lượng nhỏ mẫu vật ngà voi và sừng tê giác với mục đích phân tích ADN, phục vụ giáo dục – đào tạo hay nghiên cứu khoa học. 
 
6. Thắt chặt quản lý đối với các cơ sở nuôi hổ tư nhân và chấm dứt mọi hoạt động cho hổ sinh sản không kiểm soát 
 
Trong những năm gần đây, các cơ sở nuôi hổ tư nhân đang nhanh chóng phát triển. Kể từ năm 2010, số lượng hổ bị nuôi nhốt ở Việt Nam đã tăng lên khoảng 197% với 241 cá thể hổ hiện đang bị nuôi nhốt tại 17 vườn thú và cơ sở tư nhân hiện nay.
 
Một số cơ sở tư nhân có dấu hiệu sử dụng vỏ bọc hợp pháp để buôn bán hổ bất hợp pháp. Không những vậy, nhiều cơ sở còn chủ ý cho hổ sinh sản nhằm gia tăng số lượng hổ nuôi nhốt. Đây sẽ là một thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng trong công tác quản lý nếu không có biện pháp ngăn chặn và kiểm soát tình trạng gây nuôi hổ hiện nay một cách có hiệu quả.
 
Ngăn chặn tình trạng gây nuôi hổ tràn lan tại các địa phương là biện pháp thiết yếu nhằm giảm thiểu tình trạng buôn bán hổ trái phép và để tránh lặp lại những sai lầm như đã xảy ra đối với tình trạng nuôi nhốt gấu tràn lan trong nhiều năm qua. 
 
Hành động: Cần sớm triển khai nhiều biện pháp để thắt chặt quản lý các cá thể hổ đang gây nuôi tại các cơ sở tư nhân bao gồm đăng kí và gắn chíp, sang nhượng hay nhập hổ mới hợp pháp, và nghiêm cấm tình trạng cho hổ sinh sản tại các cơ sở này. 
 
10[-]hành[-]động[-]cấp[-]bách[-]ngăn[-]chặn[-]sự[-]tuyệt[-]chủng[-]của[-]các[-]loài[-]động[-]vật[-]hoang[-]dã
Trình trạng tiêu thụ tê tê diễn ra tại nhiều nhà hàng  
 
7. Chấm dứt hoàn toàn tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam
 
Tính đến tháng 9/2018, khoảng 780 cá thể gấu hiện còn đang bị nuôi nhốt tại Việt Nam, giảm nhiều so với 4,300 cá thể vào năm 2005.
 
Trong thời gian gần đây ngày càng có nhiều chủ nuôi gấu tự nguyện chuyển giao gấu cho nhà nước. Thêm vào đó, cơ quan chức năng tại nhiều địa phương đang nỗ lực hành động để đưa địa phương mình trở thành “địa phương không còn gấu nuôi nhốt”. Nhiều địa phương cũng đang quyết liệt hơn trong việc xử lý những hành vi vi phạm liên quan đến gấu bao gồm việc quảng cáo và buôn bán các sản phẩm từ gấu.  
 
Hành động: ENV kêu gọi các địa phương còn tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhanh chóng và quyết liệt hành động theo xu hướng chung để đưa tỉnh/thành của mình trở thành "địa phương không còn gấu nuôi nhốt". Hoạt động trích hút và buôn bán mật gấu tàn nhẫn và bất hợp pháp này cần phải sớm được chấm dứt trong xã hội Việt Nam hiện đại.
 
8. Siết chặt tình trạng cấp phép gây nuôi thương mại ĐVHD 
 
Tình trạng săn bắt trái phép ĐVHD từ tự nhiên rồi bán cho các cơ sở gây nuôi thương mại hợp pháp đang là một mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học của Việt Nam và các nước khác trong khu vực. Bằng chứng cho thấy phần lớn các cơ sở đăng ký gây nuôi thương mại ĐVHD thường bổ sung nguồn giống bị săn bắt trái phép từ tự nhiên hoặc thậm chí là sử dụng cơ sở gây nuôi như một vỏ bọc hợp pháp để buôn bán ĐVHD bị khai thác trái phép ngoài tự nhiên. 
 
Hành động: Cần xây dựng các văn bản pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ các cơ sở gây nuôi thương mại ĐVHD và loại bỏ các lỗ hổng lớn đang tồn tại trong việc quản lý các cơ sở này để nhằm chấm dứt tình trạng tuồn ĐVHD từ tự nhiên vào trang trại. Đồng thời, cần đưa ra các biện pháp để giúp các địa phương giám sát, quản lý hiệu quả các cơ sở gây nuôi thương mại ĐVHD và xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm. Việc gây nuôi thương mại phải tuyệt đối đảm bảo không ảnh hưởng tới các quần thể loài này trong tự nhiên.
 
Ngoài ra, ENV đề xuất nghiêm cấm tuyệt đối mọi hình thức gây nuôi thương mại đối với các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng (bất kể nguồn gốc). Vấn đề này cần được thể hiện rõ trong các nghị định hiện đang được soạn thảo bởi các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.    
 
Bên cạnh đó, ENV cũng đề nghị NGỪNG CẤP PHÉP thành lập các “cơ sở bảo tồn” cho đến khi có các văn bản pháp luật quy định rõ mục đích và các hoạt động được phép thực hiện tại các cơ sở này. Các quy định pháp luật cũng cần nghiêm cấm buôn bán ĐVHD tại các cơ sở này và yêu cầu các cơ sở đề nghị được cấp phép cung cấp bằng chứng rõ ràng chứng minh những đóng góp cụ thể của cơ sở cho công tác bảo tồn ĐVHD nếu được cấp phép.
 
9. Buộc chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trong việc kiểm soát và chấm dứt tình trạng tiêu thụ ĐVHD trái phép trên địa bàn
 
Chính quyền địa phương, cụ thể là Uỷ ban Nhân dân (UBND) các cấp có trách nhiệm đảm bảo các cơ sở kinh doanh như nhà hàng, hiệu thuốc đông y và các cơ sở khác trên địa bàn phải tuân thủ pháp luật về bảo vệ ĐVHD. Các cơ sở này không được buôn bán trái phép ĐVHD hoặc các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD. 
 
Các chiến dịch khảo sát nhằm giảm thiểu tình trạng tiêu thụ ĐVHD được ENV thực hiện tại sáu thành phố lớn cho thấy vi phạm tại các cơ sở kinh doanh chỉ giảm ở những khu vực mà chính quyền địa phương đã tăng cường công tác thực thi pháp luật. Ví dụ, chỉ trong vòng 6 tháng qua, quận Đống Đa (Hà Nội) và Quận 5 (thành phố Hồ Chí Minh) đã giảm thiểu thành công các vi phạm về ĐVHD trên địa bàn với tỷ lệ lần lượt là 51% và 56%. Trong khi đó số lượng vi phạm tại Quận 1 (thành phố Hồ Chí Minh) cũng giảm 27% trong cùng khoảng thời gian này. 
 
Việc xóa bỏ hoàn toàn các vi phạm về ĐVHD là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Một địa phương có nhiều vi phạm hay không là sự phản ánh trung thực nhất về tinh thần trách nhiệm và năng lực của chính quyền tại địa phương đó trong việc quản lý và giám sát các hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật của địa phương. 
 
Hành động: Chỉ đạo UBND cấp xã và huyện nỗ lực chấm dứt tình trạng buôn bán ĐVHD trên địa bàn mình, bao gồm cả hành vi quảng cáo, mua bán và lưu giữ trái phép ĐVHD. Chính quyền địa phương cần được chính thức giao phó trách nhiệm này vì có như thế thì mới đảm bảo được các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ ĐVHD.
 
10. Tăng cường đấu tranh với loại hình tội phạm trên Internet
 
Trong khi tội phạm về ĐVHD đang có xu hướng giảm tại các cơ sở kinh doanh ở nhiều thành phố lớn trên cả nước thì loại tội phạm này lại đang gia tăng trên Internet. Việc mua bán trực tuyến ngà voi, các sản phẩm từ hổ, các loài ĐVHD có giá trị hay vật nuôi bản địa và ngoại lai đang dần trở nên phổ biến trong những năm gần đây. 
 
Hành động: Áp dụng các quy định hiện hành của pháp luật để xử lý và ngăn chặn hành vi quảng cáo, mua bán, trao đổi ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm trên Internet. Một số biện pháp hữu hiệu bao gồm: đóng cửa các trang thông tin điện tử có chứa thông tin quảng cáo và mua bán các loài ĐVHD cần được bảo vệ; tăng cường theo dõi và xóa bỏ trang cá nhân trên mạng xã hội (ví dụ như Facebook) được một số đối tượng sử dụng để quảng cáo, buôn bán ĐVHD; tăng cường điều tra, theo dõi các đối tượng cung cấp, buôn bán các cá thể động vật sống cùng các sản phẩm có giá trị nhằm bắt giữ và xử lý nghiêm khắc những đối tượng này.
BTV -Nguồn ảnh:Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: 10 hành động cấp bách ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
CPECO VACNE
 Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải

(Tin Môi Trường) - Tại Lễ Khai mạc Festival Khèn Mông, Lễ hội hoa Đào rừng (Pằng Tớ Dầy) của huyện Mù Cang Chải, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cùng đại diện Hội BVTN&MT Việt Nam đã trực tiếp trao Bằng và Quyết định công nhận 4 Cây di sản Việt Nam cho đại diện địa phương.

Tin Môi Trường
VACNE 30 năm
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI