Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Viện Hải dương học Nha Trang - Khánh Hòa
* Đề xuất thiết lập khu bảo tồn biển
Viện Hải dương học là cơ quan đầu tiên đề xuất thiết lập khu bảo tồn biển, khi Viện tham gia thực hiện Chương trình biển Quốc gia giai đoạn 1985-1990. Với những nghiên cứu về đa dạng sinh học, hiện trạng về sử dụng tài nguyên và tiềm năng bảo tồn trong khuôn khổ hợp tác với Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), Chương trình môi trường Liện hợp quốc (UNEP) và đề tài cấp Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam .
Qua đó, Viện đã đề xuất quy hoạch 8 khu bảo tồn biển ở vùng biển phía Nam, bao gồm Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Phú Quý, Côn Đảo và Phú Quốc. Tất cả các khu này hiện đã chính thức được đưa vào quy hoạch hệ thống bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020, theo Quyết định 742 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong những năm gần đây, Viện đã tiến hành các nghiên cứu bổ sung và cung cấp tư liệu về đa dạng sinh học, nguồn lợi, chất lượng môi trường và tư vấn cho các cơ quan chức năng trong việc phân vùng chức năng, lập kế hoạch quản lý các Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Vịnh Nha Trang và Phú Quốc.
Viện cũng nghiên cứu và tư vấn cho quản lý hợp phần biển của 2 Vườn Quốc gia Côn Đảo và Núi Chúa. Hoạt động giám sát hệ sinh thái và tài nguyên được tiến hành thường xuyên ở các khu bảo tồn này, nhằm hỗ trợ quản lý thích ứng của các các khu bảo tồn, phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ du lịch sinh thái, góp phần thúc đẩy và làm thay đổi nhận thức của cộng đồng địa phương nói riêng và toàn xã hội nói chung, về sử dụng hợp lý nguồn lợi tự nhiên và bảo vệ môi trường biển.
* Phục hồi nguồn lợi và hệ sinh thái
TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, Viện Hải dương học Nha Trang-Khánh Hòa cho biết: Kết quả nghiên cứu thử nghiệm trong những năm qua của Viện đã và đang phục hồi được nguồn lợi vẹm xanh, rạn san hô bị suy thoái và rừng ngập mặn bị phá hủy do phát triển kinh tế tại nhiều vùng biển trong cả nước.
Tiêu biểu như thông qua nghiên cứu về nguyên nhân biến mất nguồn lợi vẹm xanh tại đầm Nha Phu-Khánh Hòa, là do khai thác quá mức và hủy diệt quần cư. Bằng 2 đề tài cấp tỉnh và cấp cơ sở, Viện đã di giống từ Lăng Cô-Thừa Thiên Huế về đầm Nha Phu và xây dựng mô hình mẫu với sự tham gia của cộng đồng. Kết quả nghiên cứu đã được ngư dân tự giác mở rộng quy mô, góp phần cải thiện đời sống cho trên 400 hộ dân.
Về nghiên cứu các giải pháp phục hồi các rạn san hô bị suy thoái, Viện tiến hành từ năm 2001 tại Côn Đảo, sau đó mở rộng ra trên các vùng biển Bình Định, Nha Trang. Hiện Viện đang tiến hành một số dự án phục hồi rạn san hô theo mô hình có sự tham gia của các khu bảo tồn biển, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng, nhằm phục vụ du lịch biển và tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Với vai trò là cơ quan tư vấn, Viện Hải dương học phối hợp với Sở Thủy sản Bình Định thực hiện đề tài “Điều tra khảo sát và phục hồi hệ sinh thái, sử dụng hợp lý và bảo vệ nguồn lợi vùng Cồn Chim-Đầm Thị Nại”. Thành công lớn nhất của đề tài là đã phục hồi 6ha rừng ngập mặn đã bị phá đắp đìa nuôi tôm của địa phương, đồng thời đưa ra được phân vùng chức năng khu sinh thái Cồn Chim. Mặt khác, được sự tài trợ của tổ chức phi chính phủ Anh, Viện triển khai dự án phục hồi rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng tại 2 huyện Vạn Ninh và Cam Ranh (Khánh Hòa). Kết quả dự án phục hồi được 2h rừng ngập mặn ở Vạn Ninh và 3ha tại Cam Ranh.
* Xây dựng quy trình công nghệ
Một trong những nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Viện, đó là nghiên cứu sinh sản nhân tạo và nuôi trồng các sinh vật biển có giá trị, nhằm phục hồi nguồn lợi và phát triển nuôi trồng bền vững. Từ năm 1979, Viện đã xây dựng được quy trình sinh sản nhân tạo tôm sú giống, góp phần giúp tỉnh Khánh Hòa trở thành trung tâm cung cấp giống tôm nuôi chủ yếu cho cả nước, thúc đẩy nghề nuôi tôm sú xuất khẩu phát triển.
Sau gần 20 năm tập trung nghiên cứu và thử nghiệm, đến nay Viện đã có 4 loài cá ngựa được sinh sản nhân tạo thành công. Đó là cá ngựa đen, cá ngựa vằn, cá ngựa gai. Đặc biệt là cá ngựa thân trắng là loài quý hiếm và có giá trị thương mại lớn nhất trên thị trường thế giới hiện nay.
GS.TS Võ Sĩ Tuấn, Viện Hải dương học cho rằng, đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi thương mại một số loài cá cảnh có giá trị xuất khẩu”, được nghiệm thu tháng 3/2011 là rất tiêu biểu của Viện trong thời gian gần đây. Bởi sự thành công của đề tài này đã tạo ra một nghề mới cho người dân ven biển, đảo. Giúp họ tận dụng những trại nuôi tôm giống không hiệu quả sản xuất cá khoang cổ và cá ngựa làm hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần quan trọng giảm áp lực khai thác và phục hồi nguồn lợi cá cảnh tự nhiên, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu./.