Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Thuyền thúng, đáy, rớ để đánh bắt tôm hùm bông của người dân đặt ở khu vực cầu cảng Chân Mây. Ảnh: H.V.M |
Lợi bất cập hại
Lượng cát bồi lắng xuống bờ biển ở bến cảng số 1 cảng Chân Mây rất lớn, lâu ngày tạo nên môi sinh lý tưởng cho loại tôm hùm bông. Mặc dù đây là khu vực chính quyền địa phương cấm đánh bắt hải sản từ nhiều năm nay, nhưng người dân địa phương vẫn... coi như không có lệnh cấm. Ông Nguyễn Mừng - ngư dân ở thôn Bình An, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc - khoe: “Nghề chính của tui là đi biển, nhưng sau này thấy đánh bắt tôm hùm bông có tiền nên tui thường bỏ đáy rớ trong khu vực cảng, nơi có nhiều tôm nhất, phần lớn là tôm hùm con loại nhỏ bằng đầu đũa”. Ông nói ở quê ông bây giờ, đánh bắt tôm hùm là nghề thu lợi nhuận cao nhất, vì theo giá hiện tại, mỗi con tôm hùm bông trị giá từ 120.000-150.000 đồng. “Chiều tối ra cảng bỏ vài cái đáy, rớ xuống, sáng mai ra kéo lên ít lắm cũng có mấy trăm ngàn bỏ túi. Nhiều bữa trúng mánh, tôm nhiều bán được tiền triệu, có khi cả chục triệu. Thời gian qua, có nhiều gia đình nơi đây đã giàu lên nhờ đánh bắt tôm hùm bông ở khu vực cảng Chân Mây” - ông kể.
Ông Bùi Ngọc Ga - Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh - xác nhận: Mùa tôm hùm ở đây kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch hằng năm và có hơn 140 hộ dân của xã Lộc Vĩnh tham gia đánh bắt ở khu vực cảng. Thời điểm này trung bình mỗi đêm, người dân đặt ở khu vực cảng hơn 300 đáy, rớ. “Đã rất nhiều lần, chính quyền địa phương tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động, nhưng hiện vẫn còn từ 15 - 20 hộ dân vẫn thường xuyên đánh bắt tôm hùm hằng đêm ở khu vực cảng, bất chấp các quy định của pháp luật. Ông than: “Biết họ làm sờ sờ ra đó, nhưng chúng tôi gần như không làm chi được ngoài nhắc nhở, vận động vì địa phương không được trang bị tàu để quản lý và đi tháo gỡ ngư cụ của các hộ dân vi phạm”.
Thật ra, như vậy cũng không có chuyện gì đáng phải làm um lên nếu không có chuyện đáy, rớ dùng đánh bắt tôm hùm của người dân là loại lưới mùng rất bền. Trung bình mỗi đáy rộng chừng 400m2 được neo chặt xuống lòng biển bằng cách buộc đá, cừ tre, cừ sắt, chắc đến độ tàu bình thường không thể kéo bật ra được. Ông Nguyễn Hữu Thọ - Giám đốc Cty TNHH MTV Cảng Chân Mây - nói: “Những đáy, rớ luôn phủ kín khu vực luồng lạch của cảng đã quấn vào chân vịt và làm cho nhiều tàu thuyền bị mắc kẹt trong thời gian qua”. Điển hình là trong năm 2010, tàu OJI New Century nhận gỗ dăm ở cảng Chân Mây xuất khẩu đi Nhật Bản, đã không rời được vị trí do tàu lai dắt bị lưới, rớ đánh bắt tôm của ngư dân quấn vào chân vịt. Chưa hết, sóng lớn cộng với gió biển giật cấp 11 sau đó đã làm tàu OJI New Century va đập mạnh vào cầu cảng làm hư hỏng, gây đình trệ sản xuất kinh doanh tại cảng hơn một tháng.
Riêng thân tàu OJI New Century bị thủng, nước tràn vào khoang hàng, thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Hay gần đây nhất, trong các ngày 30.10 và 4.11.2011, tàu Legend of the Seas cập cảng Chân Mây đã bị vướng vào ngư cụ buộc phải phải thay đổi chương trình tham quan Huế của du khách. “Một số chủ tàu, thuyền trưởng trong và ngoài nước đã có văn bản phản ánh, thậm chí có tàu còn cảnh báo nếu tình trạng lưới quấn vào chân vịt không được xử lý thì họ sẽ đổi lịch trình, không cập cảng Chân Mây do không đảm bảo an toàn” - ông Thọ nói.
“Thu hoạch” tôm hùm bông sau một đêm đặt rớ, đáy. |
Sẽ giải quyết dứt điểm?
Theo ông Thọ thì tình trạng khai thác hải sản vi phạm luồng tàu ra, vào cảng Chân Mây đã kéo dài nhiều năm nay và ngày càng diễn biến phức tạp hơn. Ông Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc - xác nhận là thời gian qua, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế và huyện Phú Lộc đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị nghiêm cấm đánh bắt hải sản trái phép, thả ngư cụ và các chướng ngại vật trong phạm vi luồng tàu. Chính quyền địa phương cũng đã thực hiện rất nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động; thực hiện việc hỗ trợ vốn, tạo điều kiện để ngư dân chuyển đổi phương thức đánh bắt, không dùng đáy, rớ mà dùng mành ánh sáng để đánh bắt. Huyện đã giao cho các đơn vị liên quan và xã Lộc Vĩnh ban hành quy chế tự quản theo mô hình chi hội nghề cá để triển khai cho ngư dân...
Thế nhưng, nhiều người dân vì cái lợi trước mắt mà cố tình lờ đi tất cả. Một người khai thác tôm hùm xin giấu tên ở Lộc Vĩnh nói với người viết: “Thậm chí tui còn biết khai thác tôm hùm trái phép ở cảng Chân Mây là vi phạm cả Bộ luật Hàng hải, quy định của Nhà nước về bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải. Nếu có chuyện chi xảy ra, ví dụ như tai nạn gây tổn thất lớn cho các tàu thì đi tù như chơi, nhưng bà con vẫn liều vì cuộc sống khó khăn, chừ không còn nghề chi kiếm được nhiều tiền hơn đi bắt tôm ở đó”.
Để vãn hồi tình hình, mới đây, một lần nữa, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ra chỉ thị nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác thuỷ - hải sản, đăng đặt đáy rớ, ngư cụ và chướng ngại vật trong phạm vi vùng nước của luồng hàng hải, cảng biển, vùng quay trở tàu thuộc vùng nước cảng biển Chân Mây. Tỉnh giao Cảng vụ Hàng hải thông báo cụ thể phạm vi vùng nước của cảng cho nhân dân biết để thực hiện nghiêm quy định vùng cấm; phối hợp với đơn vị khai thác cảng, tháo dỡ ngay các chướng ngại vật trong luồng tàu đối với tất cả các trường hợp không tự nguyện tháo dỡ. Yêu cầu ngành công an chỉ đạo theo dõi, nắm bắt diễn biến, thu thập chứng cứ đối với các trường hợp vẫn cố tình vi phạm, có tính chất xâm hại đến công trình quan trọng có yếu tố liên quan đến an ninh quốc gia, trong trường hợp cần thiết thì truy tố trách nhiệm hình sự.
Chính quyền địa phương khẩn trương tổ chức họp dân thông báo cụ thể tình hình và vận động các ngư dân tự nguyện tháo dỡ các ngư cụ trong phạm vi vùng cấm, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Bộ đội Biên phòng tăng cường phương tiện, lực lượng hỗ trợ để đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới biển; Đồn biên phòng cửa khẩu Chân Mây phối hợp với đơn vị khai thác cảng tăng cường trực gác, bảo vệ an ninh, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào khu vực cảng...
UBND tỉnh ra chỉ thị là một chuyện (đây cũng không phải là lần đầu tiên tỉnh ra chỉ thị đối với tình trạng khai thác tôm hùm ở Chân Mây), nhưng chỉ thị trên có được các ban ngành liên quan thực hiện nghiêm túc, tới nơi tới chốn để giải quyết dứt điểm vấn đề hay không lại là câu chuyện khác. Bởi chuyện không thực hiện nghiêm chỉ thị của tỉnh ở Thừa Thiên – Huế không phải là chưa có tiền lệ, như gần đây nhất là câu chuyện khai thác cát sạn trên sông Hương mà Lao Động đã nhiều lần phản ánh.
Hỏi ông Ngô Hoà - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế - thì được khẳng định mạnh mẽ: “Nếu tình trạng ngư cụ nằm chắn ngang trên luồng tàu ra vào cảng như hiện nay không được xử lý thì cảng Chân Mây sẽ mất thương hiệu do không đảm bảo an toàn và sự tin tưởng của chủ tàu. Tỉnh đang chỉ đạo các địa phương, ban ngành phối hợp xử lý kiên quyết, cưỡng chế và dứt khoát không để tái diễn; không vì lợi ích cục bộ của một bộ phận người dân mà mất đi lợi ích to lớn, lâu dài của Nhà nước”.
Trong hơn 11 tháng của năm 2011, sản lượng hàng hoá thông qua cảng Chân Mây đạt gần 1,7 triệu tấn - bằng 160% kế hoạch cả năm 2011. Cảng cũng đã đón hơn 30 chuyến tàu với hơn 31.000 lượt khách - tăng gần 50% so với năm 2010. Dự kiến trong thời gian từ tháng 11.2011 đến tháng 3.2012, cảng Chân Mây sẽ có hơn 50.000 khách du lịch quốc tế đến Huế bằng tàu biển. |