Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
-PV: Thưa ông, ông có thể giới thiệu với bạn đọc đôi nét về Viện Hải dương học không ạ?
-PGS.TS Võ Sĩ Tuấn: Viện Hải Dương Học được thành lập vào ngày 14 tháng 09 năm 1922, lúc đầu được mang tên là Sở Nghề Cá Đông Dương, sau đó được đổi thành Viện Hải Dương Học Đông Dương (1929) và từ năm 1952, Viện chính thức mang tên Viện Hải Dương Học.
Sau khi Việt Nam thống nhất, Viện Hải Dương Học và Trạm Nghiên Cứu Biển Hải Phòng được sát nhập thành một Viện thống nhất lấy tên là Viện Nghiên Cứu Biển Nha Trang, trực thuộc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia nay là Viên Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Đến năm 1993, Viện Hải Dương Học bao gồm tất cả các cơ quan nghiên cứu biển trên toàn quốc, Viện được tổ chức thành một Viện chính ở Nha Trang và hai phân viện ở Hải Phòng và Hà Nội. Từ năm 2005, hai cơ sở ở Hải Phòng và Hà Nội tách thành các viện độc lập và chỉ còn duy nhất Viện Hải Dương Học tại Nha Trang.
-Với tư cách là Phó Viện trưởng của Viện, ông đánh giá như thế nào về tình hình đa dạng sinh học biển ở Việt Nam hiện nay, thưa ông?
-Về vấn đề suy thoái đa dạng sinh học biển hiện nay là có thật. Nó thể hiện ở các điểm.
Thứ nhất là suy thoái các hệ sinh thái biển. Với hệ thống rừng ngặp mặn thì chúng ta đã thấy rõ rồi. Hệ sinh thái rạn san hô cũng đang trong tình trạng suy thoái với bằng chứng là sự giảm diện tích và độ phủ san hô , số lượng, chủng loài cũng giảm, nhất là đối với sinh vật nguồn lợi…. Tức là, về phương diện hệ sinh thái, hiện nay chúng ta đang phải đối diện với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học biển nghiêm trọng.
Thứ hai, là việc suy giảm số lượng các loại sinh vật biển quý hiếm. Nhiều sinh vật như rùa biển, bò biển, ... bị suy giảm nghiêm trọng về số lượng.
Thứ ba là sự thay đổi của một số quần xã sinh vật, từ đó sự cân bằng trong hệ sinh thái biển không còn được giữ vững. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến thế giới sinh vật, đa dạng sinh học.
-Theo ông, đâu là những nguyên nhân chính trong vấn đề đa dạng sinh vật biển ngày càng giảm sút hiện nay?
-Nguyên nhân lớn nhất của hiện tượng suy giảm đa dạng sinh học biển là tình trạng phát triển không kiểm soát ở vùng bờ (nuôi trồng thủy sản, xây dựng công trình). Cùng với tình trạng tàn phá rừng quá nhanh, các hoạt động ở vùng ven biển đã làm cho đất bị rửa trôi, lắng đọng trầm tích ra biển. Theo tôi, đây chính là nguyên nhân lớn nhất đang làm suy thoái hệ sinh thái rạn san hô và làm giảm năng suất sinh học ở vùng biển ven bờ.
Thứ hai, theo đánh giá của chương trình Môi trường Liên hiệp quốc, hiện tượng suy thoái sinh học đa dạng biển ở Biển Đông là do tình trạng khai thác biển quá mức, khai thác tận diệt. Tức là khai thác hủy diệt và sử dụng tài nguyên không hợp lý. Ví dụ như tình trạng phá rừng ngập mặn ven biển để nuôi tôm, rạn san hô thì bị tác động bởi mìn, điện, rồi cyanua, rồi giã cào….Những hành động đó ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đa dạng sinh học.
Ngoài ra, một nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng là do nếp nghĩ của những người thi hành luật pháp. Có thể họ cho rằng các loài dưới biển không quan trọng. Tôi ví dụ như bò biển ở Phú Quốc. Đó là một loài sinh vật quý hiếm không thua gì voi, hổ thậm chí là tê giác trên đất liền. Tuy nhiên, nếu ai săn bắt, mua bán voi hổ thì có thể sẽ phải ở tù. Nhưng đối với bò biển thì hoàn toàn không có.
-Một số người cho rằng sự suy giảm đa dạng sinh học biển ở Việt Nam hiện nay có nguyên nhân chính từ vấn đề ô nhiễm môi trường do việc phát triển các khu độ thị, khu công nghiệp dọc bờ biển. Ý kiến của ông đối với vấn đề này ra sao, thưa ông?
-Xét cho cùng, việc xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp dọc bờ biển không phải là xu thế chỉ có ở Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới đã và đang tiến hành. Riêng cá nhân tôi thì không phản đối Việt Nam phát triển khu đô thị, khu công nghiệp ven biển. Vấn đề là phát triển như thế nào thôi. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chúng ta chỉ biết phát triển chứ không bảo tồn, đặt mục tiêu phát triển kinh tế lên trên hết.
Hiện nay, nhiều nước vẫn tiếp tục phát triển những khu đô thị, khu công nghiệp ven biển. Nhưng họ biết gắn lợi ích và trách nhiệm giữa phát triển kinh tế với bảo tồn. Và điều đó Việt Nam không ở đâu làm được. Và đó là điều chúng tôi đã có ý kiến rất nhiều nơi.
Vấn đề ô nhiễm cũng là vấn đề cần quan tâm. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi nhận thấy ô nhiễm biển do các khu công nghiệp không nghiêm trọng lắm đối với biển vì chủ yếu đều mang tính chất cục bộ và tác động chủ yếu đến các thủy vực cửa sông hoặc nửa kín ven biển.
-Đứng trước thực trạng đó, Viện Hải dương học đã có những giải pháp cụ thể nào không, thưa ông?
-Viện chúng tôi là một cơ quan khoa học và không thể làm thay chức năng của các cơ quan quản lý trong thực thi các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học biển. Với chức năng của mình, chúng tôi đã đi tiên phong trong việc triển khai những đề tài nghiên cứu đề xuất thành lập những khu bảo tồn biển như ở Nha Trang, Phú Quốc, Cù Lao Chàm... Chúng tôi cũng tham gia các dự án khảo sát, đánh giá đa dạng sinh học- giải pháp quản lý ở nhiều vùng biển của Việt Nam.
-Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để có thể bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học biển ở Việt Nam?
-Tôi nghĩ cần phải có một chiến lược cụ thể cho vấn đề này. Chiến lược này được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học. Các nhà khoa học sẽ giúp các nhà chính sách vạch ra chiến lược bằng cách cung cấp thông tin, tư liệu khoa học liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học biển. Chiến lược này phải do các nhà quản lý làm, chứ các nhà khoa học không thể làm được chính sách. Vấn đề cần thiết để đưa ra một chiến lược cụ thể trong việc bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học biển là các nhà khoa học và các nhà làm chính sách phải ngồi lại với nhau, để cùng nhau thảo luận thống nhất và đưa ra chiến lược phù hợp.
Viện Hải dương học
Chức năng nhiệm vụ chính của Viện Hải dương học ?
Viện Hải dương học có những nhiệm vụ chính là Điều tra, nghiên cứu cơ bản các điều kiện tự nhiên, nguồn lợi sinh vật và không sinh vật (khoáng sản, dầu khí, giao thông, hàng hải…), nghiên cứu các quá trình xảy ra trong thủy quyển, khí quyển và thạch quyển trong toàn vùng biển Việt Nam và Biển Đông, bao gồm các thủy vực ven biển (cửa sông, đầm phá, vũng vịnh) và các đảo. Điều tra, nghiên cứu hiện trạng và diễn biến nhiễm bẩn môi trường biển, nghiên cứu đề xuất các giải pháp xử lý nhiễm bẩn nhằm đảm bảo cân bằng sinh thái và phát triển nguồn lợi một cách ổn định. Nghiên cứu các hiện tượng đặc biệt trên biển phục vụ công tác phòng chống thiên tai như hiện tượng nước dâng trong bão, sóng thần, xói lở - bồi tụ. Nghiên cứu kỹ thuật và công nghệ biển nhằm phục vụ thiết kế và xây dựng các công trình biển, phát triển nuôi trồng hải sản, chiết xuất các chất hoạt tính từ sinh vật biển và các sản phẩm từ nước biển thiết kế và chế tạo các dụng cụ và máy móc hải dương học chuyên dùng. Phối hợp với các cơ quan nghiên cứu và các cơ quan sản xuất trong nước tổ chức triển khai, ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống, thực hiện chuyển giao công nghệ tiên tiến thuộc các lĩnh vực nói trên từ nước ngoài vào Việt Nam. Tham gia đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học - công nghệ và hải dương học. Tổ chức hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực hải dương học. Xây dựng cơ sở vật chất cho việc nghiên cứu khoa học - công nghệ, triển khai ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến thuộc các lĩnh vực nghiên cứu của Viện. Cho tới nay, qua gần một thế kỷ hoạt động và phát triển, Viện Hải Dương Học đã đóng góp được một khối lượng lớn các công trình nghiên cứu cho công cuộc chinh phục, khai thác và bảo vệ chủ quyến biển đảo.