Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bà con cho rằng, nguyên nhân là do nguồn nước thải từ xưởng chế biến tinh bột sắn tự phát của anh Bùi Xuân Thắng đóng ngay phía trên các chuồng cá xả trực tiếp xuống sông Mã. Chính quyền địa phương đã vào cuộc đình chỉ xưởng này. Song, trưa 20/12, anh Thắng vẫn tiếp tục đào hố để chứa nước thải nhằm tiếp tục vận hành máy móc nghiền sắn.
Gia đình anh Ngô Văn Đào có 180/200 con cá ké bị chết trong mấy ngày qua. Ảnh: ANH TUẤN |
Người dân phẫn nộ
Theo bà con thôn Tân Phong, cá ké nuôi của họ bắt đầu chết ồ ạt từ ngày 15/12 - cùng thời điểm xưởng nghiền tinh bột sắn của anh Thắng đi vào hoạt động và đổ nước thải trực tiếp xuống lòng sông. Chiều 19/12, khi chúng tôi có mặt tại khu vực này, những lồng cá ké của ngư dân vẫn tiếp tục chết. Vì người dân phải để cá chết lại làm bằng chứng nên mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khắp cả khúc sông dài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Gia đình anh Nguyễn Văn Hiệp nuôi 60 con cá ké, nhưng đến thời điểm này, số cá chết lên đến hơn 30 con, những con còn sống cũng đang thoi thóp. Ngoài đóng lồng, mua cá giống hết khoảng 10 triệu đồng, mỗi năm gia đình còn phải bỏ thêm chi phí tiền khoảng 10 triệu đồng mua thức ăn cho cá. Nguồn vốn này anh Hiệp phải vay ngân hàng, bây giờ cá chết hàng loạt khiến vợ chồng anh như ngồi trên đống lửa vì không biết sẽ lấy gì sinh nhai và trả nợ ngân hàng. Lồng cá của anh Nguyễn Văn Mến cũng chết nhiều không kém những hộ lân cận, chỉ trong chốc lát, cá ké con của anh chết ngổn ngang phải xúc đổ đi mất khoảng 15kg.
Xót xa hơn là gia đình ông Nguyễn Văn Thắng, lồng cá của ông sắp đến độ xuất bán, cá to nặng 2,5-3kg. Ông Thắng tưởng rằng cá mình to, sức đề kháng tốt nên không bị chết. Nhưng sau mấy ngày xưởng chế biến tinh bột sắn xả thải, cá của ông cũng lăn ra chết. Ông Thắng nói: “Tôi định từ nay đến tết sẽ xuất bán toàn bộ đàn cá ké này, thu về khoảng 50-60 triệu đồng. Thế mà cá giờ chết, mắc dịch bán không ai mua. Khoản thiệt hại này nhất định chủ xưởng chế biến tinh bột sắn phải bồi thường cho dân”.
Trường hợp của anh Ngô Văn Đào trở nên vô cùng đau đớn. Anh vay mượn ngân hàng nuôi 200 con cá ké, chỉ khoảng tháng 6/2012 là bán. Vậy nhưng cá cứ lăn ra chết, ăn không hết. Anh Đào kích lồng cá lên cho tôi xem, cá chết nằm chồng chất lên nhau trắng cả lồng. “Gia đình tôi nuôi nhiều nhất xóm. Ngư dân ở đây không có đất canh tác nên cuộc sống chủ yếu dựa vào sông nước. Nhưng nguồn nước bị đầu độc một cách công khai như hiện nay khiến nhân dân vô cùng phẫn nộ” - anh Đào bức xúc.
Cần cương quyết xử lý
Ngư dân thôn Tân Phong bức xúc cực độ, nên ngày 15/12 đã xúc cá ké bị chết mang vào tận nhà ông Chủ tịch UBND xã kêu cứu. Sau đó, ngày 19/12, Phòng TNMT huyện Cẩm Thủy phối hợp cùng chính quyền xã Cẩm Phong đã thành lập đoàn kiểm tra và đình chỉ hoạt động đối với cơ sở nghiền tinh bột sắn của anh Bùi Xuân Thắng.
Theo nội dung ghi trong biên bản cho thấy, anh Thắng xây dựng khu nhà xưởng, đưa máy móc vào hoạt động ngay trong khu vực đất thổ cư của gia đình mà chưa được cơ quan chức năng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng. Cơ sở không có giấy phép đăng ký kinh doanh, không có bản cam kết đánh giá tác động môi trường được phê duyệt... Tóm lại, cơ sở này hoạt động trái phép, vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Mỗi ngày cơ sở này nghiền khoảng 4 tấn sắn tươi và đưa vào ngâm tẩm trong 4 bể ximăng lớn, nước thải trong quá trình lắng lọc không qua xử lý đổ trực tiếp xuống sông Mã. Trước việc làm gây bức xúc trong nhân dân, đoàn kiểm tra yêu cầu anh Bùi Xuân Thắng phải tháo dỡ toàn bộ công trình trước 12 giờ ngày 20/12.
Tuy nhiên vào thời điểm gần 12 giờ 42 phút ngày 20/12, khi chúng tôi có mặt tại xưởng chế biến sắn tươi của anh Thắng trước sự chứng kiến của ông Quách Viết Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Phong, cho thấy cơ sở này vẫn đang tiếp tục đào hố chứa nước thải với mục đích tiếp tục vận hành trở lại. Anh Thắng tỏ ra rất ngoan cố không chấp hành mệnh lệnh của cơ quan pháp luật.
Ông Vũ Xuân Vường - Chủ tịch UBND xã Cẩm Phong - thừa nhận việc làm của gia đình anh Thắng đã coi thường lợi ích cộng đồng và vi phạm pháp luật một cách trắng trợn. Chính quyền xã Cẩm Phong sẽ cương quyết buộc anh Thắng phải ngừng sản xuất, tháo dỡ toàn bộ nhà xưởng, đưa máy móc đi nơi khác; song thực tế đang chứng minh điều ngược lại. Để đảm bảo quyền, lợi ích chung cho nhân dân, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, đề nghị Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Thanh Hoá, các cơ quan thực thi pháp luật cần sớm vào cuộc kiên quyết xử lý dứt điểm, không để anh Thắng vận hành xưởng nghiền tinh bột sắn hoạt động trở lại.