Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Doanh nghiệp thực phẩm phát triển thời khủng hoảng

(08:55:10 AM 20/12/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Kinh tế khó khăn nhưng nhiều công ty thực phẩm lớn trong nước như Kinh Đô, Vissan, Vinamilk... vẫn tăng trưởng và mở rộng bởi sự đa dạng trong sản phẩm, chất lượng tốt, phù hợp với khẩu vị người Việt Nam.

Theo đánh giá từ các tập đoàn này, khủng hoảng cũng là một cơ hội nếu biết tận dụng. Ông Trần Quốc Việt - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh Đô miền Bắc, cho rằng kinh tế càng khó khăn thì doanh nghiệp cần phải có những giải pháp để bám thị trường nội địa tốt hơn. "Khủng hoảng kinh tế đòi hỏi sự trầm tĩnh và hoạch định tốt. Phải tiên đoán được xu hướng, có dự báo mức ảnh hưởng, có những kế hoạch nhập nguyên liệu, sản xuất để đảm bảo hoạt động kinh doanh trong tầm kiểm soát", ông Việt nói.

 

Kinh ĐÔ
Các công ty bánh kẹo trong nước luôn đổi mới, đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại.

 

Khủng hoảng kinh tế có thể khiến nhiều người phải lao đao nhưng lại đem đến những cơ hội khởi nghiệp khác. Tạp chí INC của Mỹ đã chọn ra 18 ngành tốt nhất để khởi nghiệp hiện nay, trong đó có sản xuất bánh kẹo. Theo các chuyên gia, bánh kẹo là một trong những mặt hàng có khả năng kháng khủng hoảng cao nhất. Bối cảnh chung của nền kinh tế hiện nay là tổng cầu của thị trường giảm, người tiêu dùng cơ cấu lại chi tiêu, quan tâm nhiều hơn đến giá cả và nhạy cảm với các chương trình khuyến mại.

 

Để phát triển kinh doanh, Công ty Kinh Đô miền Bắc đã đề ra 5 nhóm giải pháp, tập trung khai thác thị trường ít được quan tâm trước đây thông qua việc tổ chức đội cổ động bán hàng, xâm nhập, mở thị trường, xác định tiềm năng đặc thù của thị trường bằng việc mở đại lý, lập tuyến bán hàng. 10 năm qua, tổng doanh thu của Kinh Đô Miền Bắc đạt trên 5.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 600 tỷ đồng. Riêng năm 2011, dù khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng doanh thu của công ty dự kiến đạt 1.300 tỷ và lợi nhuận 150 tỷ đồng, đóng góp vào tổng doanh thu dự kiến của Tập đoàn Kinh Đô là 4.200 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2010. Lợi nhuận dự kiến đạt 550 tỷ đồng.

 

Các doanh nghiệp khác cùng ngành thực phẩm cũng "sống khỏe" trong năm khó khăn này. Đơn cử như Công ty TNHH một thành viên Kỹ nghệ súc sản Việt Nam (Vissan), trong năm 2011 dự kiến đạt tổng doanh thu hơn 3.600 tỷ đồng, tăng 8%. Công ty cổ phẩm Thực phẩm Sao Ta (FMC) đã đạt kế hoạch doanh thu 80 triệu USD, tính đến hết quý 3. Dự kiến, cả năm, công ty này đạt doanh thu khoảng 88 - 92 triệu USD, vượt kế hoạch 10 - 15%. Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng là một ví dụ điển hình. Tính đến hết 9 tháng năm 2011, doanh thu và lợi nhuận của Vinamilk đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng là 34,8% và 10,1%.

 

Tạo ra phân khúc thị trường phù hợp với tình hình khó khăn là một trong những phương án giúp doanh nghiệp thực phẩm tăng sản lượng tiêu thụ và giá bán. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ đưa ra nhiều sản phẩm mới, cơ cấu phù hợp với từng vùng, từng miền, phù hợp với từng phân khúc khách hàng, đặc biệt là phân khúc thị trường vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn.

 

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp có tâm lý co cụm để đảm bảo an toàn thì một số công ty thuộc ngành thực phẩm vẫn hăng hái trong việc tìm kiếm thị trường mới, thậm chí ở những nơi bị coi là khó khăn. Chiến lược này góp phần giúp doanh nghiệp "sống khỏe, phát triển mạnh" dù kinh tế không thuận lợi.

 

Sản phẩm chủ lực phục vụ tết 2012 của Công ty Kinh Đô.

Ngoài đứng vững tại thị trường nội địa, Công ty Kinh Đô miền Bắc đã mở rộng sang thị trường xuất khẩu, cụ thể đang xây dựng được hệ thống phân phối tại những nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, một số nước EU. Ngoài ra, các nước Đông Nam Á cũng là thị trường xuất khẩu thường xuyên của Kinh Đô. Đến năm 2020, riêng doanh thu của Kinh Đô miền Bắc dự kiến đạt hơn 7.000 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 750 tỷ đồng.

 

Theo dự báo của Tổ chức giám sát doanh nghiệp quốc tế (BMI), đến năm 2013, mức tăng trưởng chung về tiêu thụ thực phẩm của Việt Nam là 12,76 tỷ USD. Mức tiêu thụ theo đầu người cũng tăng tương đương, đạt khoảng 135 USD một người vào năm 2013.

 

Việc mở rộng ngành chế biến thực phẩm cũng giúp tăng mức tiêu thụ thực phẩm theo đầu người và cung cấp sản phẩm để bán tại các cửa hàng với mức giá cạnh tranh. Nói chung, việc tăng mức tiêu thụ thực phẩm phụ thuộc vào khả năng chính phủ khuyến khích tiêu dùng ở nông thôn và việc các nhà bán lẻ tìm được mô hình kích thích nhu cầu tiêu dùng. Ngoài ra, giá cả cũng là một yếu tố quyết định tiêu dùng.

 

Các chuyên gia cũng dự báo ngành thực phẩm Việt Nam trong năm 2012 tiếp tục tăng nhưng không cao như những năm trước. Tuy nhiên, thực phẩm nội có thể lên ngôi do sự đa dạng trong sản phẩm, chất lượng tốt, phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam, giá thành phải chăng.

Phương Thảo (Vnexpress)