Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đặc sản khó tiêu thụ ?

(08:08:46 AM 20/12/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Vì mẫu mã không đẹp, sản lượng ít nên xoài Cần Giờ lép vế trên thị trường và chấp nhận vào một siêu thị dưới hình thức “hàng nhãn riêng” của siêu thị.

Vì mẫu mã không đẹp, sản lượng ít nên xoài Cần Giờ lép vế trên thị trường - Ảnh minh họa

 

Người Sài Gòn có lẽ ít ai biết tại địa phương mình có loại đặc sản xoài Cần Giờ, trái tuy xấu xí, sần sùi nhưng thơm ngon đặc biệt. Xoài được trồng tự nhiên, gần như không can thiệp bằng hóa chất và mỗi năm chỉ có một vụ (kéo dài khoảng 2-3 tháng). Vì mẫu mã không đẹp, sản lượng ít nên xoài Cần Giờ lép vế trên thị trường và chấp nhận vào một siêu thị dưới hình thức “hàng nhãn riêng” của siêu thị.

 

Việt Nam có giống gạo dinh dưỡng cao (hàm lượng canxi gấp 5 lần gạo thường, có chất chống ôxy hóa mạnh…) nhưng năng suất thấp nên lâu nay bị bỏ quên. Hay như gạo sạch không vo, trồng hoàn toàn bằng phân bón hữu cơ… Những loại gạo này đã và đang chuẩn bị có mặt trên thị trường nhưng thị phần tiêu thụ khá hạn chế, một phần do giá thành cao nhưng quan trọng nhất là do người tiêu dùng chưa biết đến…

 

Theo các doanh nghiệp, không chỉ có xoài, gạo mà một số đặc sản chất lượng cao khác do sản lượng thấp, đầu ra hẹp nên rất khó đầu tư xây dựng, quảng bá thương hiệu. Ngay cả “đặc sản” rau an toàn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) cũng gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra.

 

Mới đây, trong một hội thảo về phát triển kinh tế tập thể, chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thỏ Việt, đã lên tiếng “nhờ” sự hỗ trợ của TPHCM, các HTX thương mại để tìm đầu ra cho sản phẩm sạch, đặc sản. Chị Ánh Ngọc cho biết khảo sát thực tế cho thấy nhu cầu về sản phẩm an toàn rất lớn nhưng các sản phẩm sạch, đặc sản lại khó tiếp cận với người tiêu dùng. Trước đây, khi sản xuất rau an toàn, Thỏ Việt nghĩ rằng chỉ phục vụ đối tượng có thu nhập khá trở lên nhưng thực tế rất nhiều khách hàng là giáo viên, công nhân viên chọn mua sản phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe. Thế nhưng, thị trường tiêu thụ chính của những sản phẩm này chỉ gói gọn tại các siêu thị và một số cửa hàng. Thị trường tiêu thụ quá hẹp gây nhiều rủi ro cho nhà sản xuất và đội chi phí sản xuất lên cao. Chẳng hạn, muốn đăng ký tiêu chuẩn VietGAP cho một loại rau củ nào đó, khi rau đủ tuổi thu hoạch thì lấy mẫu gửi phân tích. Trong khi chờ kết quả phân tích mẫu, nếu các siêu thị, cửa hàng không nhận tiêu thụ thì xem như… nhổ bỏ, rất tốn kém. Đó là chưa kể chi phí để đăng ký chứng nhận VietGAP lên đến vài trăm triệu đồng/sản phẩm.

 

“Chúng tôi dự định ra thêm nhiều sản phẩm mới, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nhưng đang lo lắng làm sao để tiếp cận kênh phân phối cửa hàng, chợ truyền thống, mở rộng đầu ra”- chị Ánh Ngọc nói.

Thanh Nhân (NLĐ)