Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Khánh Hòa - rừng xanh lại bị “rút ruột”

(17:32:01 PM 19/12/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Khi dư luận ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) vẫn còn chưa nguôi về vụ phá rừng nguyên sinh và rừng phòng hộ Tà Gụ (xã Sơn Hiệp) thì mới đây, huyện miền núi này lại sôi lên vì rừng nguyên sinh Hòn Gầm (xã Ba Cụm Nam) cũng bị phá. Người dân đang bức xúc trước thực trạng rừng xanh đang bị “rút ruột” để phục vụ lợi ích của một nhóm người ngày càng tăng lên. Thêm một câu hỏi về trách nhiệm bảo vệ rừng của các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện được đặt ra. Liệu rồi đây, các sai phạm có được xử lý thích đáng, hay lại rơi vào tình trạng “đá ném ao bèo”?

 

Những thân cây vừa bị đốn hạ.
Những thân cây vừa bị đốn hạ.

 

Ngay sau khi nhận được thông tin ở xã Ba Cụm Nam, lâm tặc đang làm gỗ, chúng tôi đã nhanh chóng tìm đường vào rừng để xem thực hư thế nào. Không khó để chúng tôi có thể lần ra dấu vết của lâm tặc, bởi những gì còn lưu lại trên mặt đất quá rõ ràng. Những vết hằn của cộ bò đi lỉa (chở) gỗ in sâu vào nền đất, những vết vỏ cây, thớ gỗ bị đá cứa vẫn còn tươi mới. Thậm chí có đoạn, lâm tặc còn làm cầu bằng những thân gỗ nhỏ để phục vụ cho việc vận chuyển gỗ được dễ dàng. Sau gần 2 giờ đi bộ dọc theo lối mòn do lâm tặc vận chuyển gỗ tạo nên, chúng tôi đã tiếp cận được bãi gỗ. Thời điểm chúng tôi có mặt, trên bãi gỗ xuất hiện một đối tượng đang đóng những hộp gỗ vào 2 cộ bò. Tiếng tời xích, tiếng đóng đinh vang lên lạnh lùng giữa chốn rừng vắng. Gần 1 giờ sau, 3 hộp gỗ đã được đóng gọn gàng. Theo hiệu lệnh của chủ, 2 con bò từ từ kéo những hộp gỗ ra khỏi rừng. Thâm nhập vào bãi gỗ, trước mắt chúng tôi là cảnh ngổn ngang của những gốc, thân, cành cây và những hộp gỗ, bìa gỗ còn sót lại… Xung quanh đó có vô số cây nhỏ đổ gãy tạo nên một khoảng trống hoang tàn. Theo ghi nhận của chúng tôi, trên hiện trường bãi gỗ có 7 cây đã bị đốn hạ, trong đó có 6 cây đường kính gốc khoảng 80cm và 1 cây đường kính gốc khoảng 60cm; có 13 hộp gỗ kích thước 3mx0,3mx0,2m.

 

Cây cầu do lâm tặc làm để phục vụ cho việc vận chuyển gỗ.
Cây cầu do lâm tặc làm để phục vụ cho việc vận chuyển gỗ.

Chúng tôi nhanh chóng bám theo đối tượng đang vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Để tiếp cận đối tượng, chúng tôi đã phải đi vòng qua một bãi cỏ tranh để vượt lên phía trước và chủ động bắt chuyện. Trong câu chuyện với chúng tôi, đối tượng trên tự xưng tên là T., 19 tuổi, gia đình ở xã Cam Phước Tây (huyện Cam Lâm), học dở dang trung học phổ thông thì nghỉ học lên đây làm công cho chú được gần 2 năm nay. Theo lời T., đi lỉa gỗ như thế này được chủ trả cho 100.000 đồng/cộ bò. Tuy nhiên, đây là mức giá thấp vì đường đi ngắn, muốn tiền công cao phải chịu khó đi xa hơn và chở được loại gỗ tốt hơn như: gỗ sao, gỗ hương. “Khoảng bao lâu thì tới?” - chúng tôi hỏi. “Phải đi từ lúc 4 giờ đến 10 giờ mới tới nơi” - T. cho biết. T. cũng không ngần ngại chỉ cho chúng tôi lối đi vào khu vực đó. Lúc này xuất hiện một người đàn ông mang trên tay 2 chiếc can rỗng. Hỏi ra mới biết Th. đang xuống núi mua xăng và nhớt để lên chạy máy cưa. Th. còn tiết lộ, lúc sáng vừa có một đoàn khoảng chục người và mười mấy con bò đi vào để lỉa gỗ mà nhóm Th. vừa làm. Bất chợt chúng tôi nhớ lại lúc ở trong bãi gỗ có nghe văng vẳng tiếng máy cưa và tiếng cây ngã đổ, nhưng không thể xác định được vị trí cụ thể. Qua những thông tin nắm được từ T. và Th., có lẽ, việc phá rừng nguyên sinh Hòn Gầm không phải bây giờ mới diễn ra. Bãi gỗ chúng tôi tiếp cận được cũng chỉ thuộc loại “thường thường bậc trung”, bởi quy mô và chất lượng gỗ không đáng là bao so với ở khu vực đang bị nhóm của Th. triệt hạ. Việc các đối tượng này vào rừng làm gỗ có sự chỉ đạo của đầu nậu có thế lực, có mối quan hệ nhất định. Nếu tính số tiền công mà những đầu nậu trả cho các lâm tặc so với công sức của họ bỏ ra thì chẳng là bao. Người hưởng lợi thực tế là đầu nậu và những kẻ bảo kê cho việc phá rừng. Rừng nguyên sinh Hòn Gầm có diện tích khoảng hơn 1.800ha; tuy nhiên, với cách “rút ruột” như thế này liệu mai đây rừng có còn?

 

Những hộp gỗ lâm tặc còn chưa vận chuyển.
Những hộp gỗ lâm tặc còn chưa vận chuyển.

 

Trao đổi với ông Tô Quốc Hùng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khánh Sơn về trách nhiệm của Hạt Kiểm lâm huyện trước thực trạng trên, chúng tôi bất ngờ khi vị Hạt trưởng cho rằng: “Tình hình khai thác rừng trái phép ở Hòn Gầm không phải là điểm nóng”. Ông Hùng cho biết, hàng tuần, vẫn có trường hợp đầu nậu thuê thanh niên địa phương vào rừng cưa khoảng 10 ngày hoặc nửa tháng thì bắt đầu kéo gỗ từ rừng về tập kết. Việc phá rừng ở đây vẫn nằm trong tầm kiểm soát, bởi hoạt động phá rừng mang tính chất lén lút, nhỏ lẻ chỉ một tốp 5, 6 người làm chứ không phải nhiều tốp lập lán trại ăn ở trên đó, làm công khai rồi đưa xe vào vận chuyển gỗ về. Một điểm phá rừng được coi là nóng khi không kiểm soát được, hoạt động diễn ra công khai, từ ngày này qua ngày kia. Còn dư luận của dân thì có những thông tin chính xác và có thông tin không chính xác… Như để chứng minh cho lời nói của mình, ông Hùng gợi ý với chúng tôi: “Để nắm chắc, nắm rõ tình hình, các anh nên sắp xếp thời gian vào trong xã một, hai ngày; nếu cần thiết thì cùng với kiểm lâm địa bàn và đội chống phá rừng của xã đi tuần cho biết”. Khi chúng tôi đề cập: “Với mật độ khai thác gỗ như hiện nay ở rừng Hòn Gầm đã thực sự nghiêm trọng chưa?”, thì ông Hùng khẳng định: “Chỗ nào có rừng thì chỗ đó có người xâm hại, bất cứ địa phương nào, hạt kiểm lâm nào cũng vậy. Có rừng mà rừng không bị chặt là điều vô lý, bởi nhu cầu gỗ của người địa phương để làm nhà, đóng đồ mộc gia dụng nên phải vào rừng khai thác. Thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đã rất tích cực cùng Ban quản lý rừng phòng hộ huyện, Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên kiểm tra, tăng cường các biện pháp xử lý; tuy nhiên cũng chỉ hạn chế chứ không thể giải quyết dứt điểm”.

Lâm tặc đang lỉa gỗ ra khỏi rừng.
Lâm tặc đang lỉa gỗ ra khỏi rừng.

Với thâm niên mấy chục năm công tác trong ngành Kiểm lâm, ông Hùng biết rõ các thủ đoạn hoạt động của lâm tặc. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận: “Càng ngày, các đối tượng phá rừng càng có những mánh lới đối phó với lực lượng chức năng tinh vi hơn. Khi lâm tặc đưa xe vào kéo gỗ ra, chúng đã bố trí người ở các điểm có thể quan sát được lực lượng chức năng. Khi có động, chúng sẽ gọi điện cho nhau, nên không làm sao bắt được”. Nói về việc bảo vệ rừng, ông Hùng có nhắc đến vụ lực lượng Kiểm lâm bắt giữ 2 xe công nông chở gỗ lậu vào cuối tháng 8-2011; trong đó có 1 xe chở 6 khúc gỗ với khoảng 1,66m3 và 1 xe chở 13 khúc gỗ với khoảng 3,34m3. Theo ông Hùng, cả hai xe này, Hạt Kiểm lâm đều đã xử lý. Tuy nhiên, chúng tôi được biết, việc xử lý 2 xe này của Hạt Kiểm lâm đã không nhận được sự đồng tình của dư luận cũng như lãnh đạo UBND huyện Khánh Sơn. Bởi, Hạt Kiểm lâm xử lý và kiến nghị xử lý hai xe này theo hướng chỉ phạt tiền, thu tang vật vi phạm, mà không tịch thu phương tiện. Ông Hùng cho biết: “Chúng tôi cũng muốn tịch thu 2 xe công nông, nhưng Nghị định 99/2009/NĐ-CP ngày 2-1-2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản không có điều khoản nào cho phép tịch thu xe. Muốn tịch thu xe phải là lực lượng Công an”.



Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong Điều 20 của Nghị định 99/2009/NĐ-CP ngày 2-1-2009 quy định về việc vận chuyển lâm sản trái phép, tại khoản 10 đã đề cập đến việc người có hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung tịch thu phương tiện. Cụ thể: “Người có hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật quy định từ khoản 1 đến khoản 9 của Điều này còn bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức phạt bổ sung sau đây…: c/ Tịch thu phương tiện (trừ trường hợp phương tiện đó bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép quy định tại khoản 8, khoản 9 Điều 2 Nghị định này) thuộc một trong các trường hợp sau: Vi phạm có tổ chức; Vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; Chống người thi hành công vụ; Sử dụng xe hai ngăn, hai đáy, hai mui, xe cải tạo không có đăng ký do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp đối với loại xe theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu phương tiện, đeo biển số giả”.

 

Có thể thấy, việc tịch thu phương tiện đối với hai chiếc xe nêu trên là hoàn toàn có cơ sở chứ không hẳn như lời ông Hùng nói.

 

Từ cách nhận thức, nhận định về việc phá rừng đến cách xử lý các hành vi xâm hại rừng của người đứng đầu cơ quan quản lý và bảo vệ rừng huyện Khánh Sơn, thêm một lần nữa, chúng tôi không khỏi lo ngại cho những diện tích rừng còn lại trên địa bàn huyện miền núi này.

Báo Khánh Hòa