Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đèn bầu hồ lô

(14:22:11 PM 19/12/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Từ việc yêu thích giàn bầu hồ lô của nông dân Trần Hữu Huệ, ngụ tại thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn-An Giang), kết hợp với nền tảng kỹ thuật vẽ tranh trên lá thốt lốt, nghệ nhân Võ Văn Tạng đã “biến” quả bầu hồ lô đơn thuần thành chiếc đèn xinh xắn, tạo ra một sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo phục vụ khách du lịch.

Sản phẩm này đạt giải ba trong cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật do Sở Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức.
 
Đến nhà ông Huệ, ta mới tận mắt thấy cả một giàn bầu hồ lô xanh mướt, sau 7 lần trồng thất bại thì bầu mới chịu ra quả, có khi giàn bầu say quả cho trên 30 quả/đợt. Ông Huệ kể: Trồng bầu hồ lô không phải là việc dễ dàng, bởi không nắm được kỹ thuật thì bầu không cho quả.
 
Bầu phải được trồng vào mùa nắng, làm giàn, chọn giống chất lượng, chọn loại bầu lớn nhưng có eo thon, nhỏ mới đẹp, đảm bảo lượng nước vừa phải, chọn loại đất thường kết hợp với rơm mục, rễ lục bình và phân kali.
 
Khi bầu ra quả thì để bầu khô tự nhiên trên giàn, sau đó mới cắt xuống và chuyển cho cơ sở Võ Văn Tạng. Quả bầu xanh mướt khi khô chuyển sang màu vàng sậm, ông Tạng xử lý bằng chất tẩy để quả bầu có màu vàng tươi, bỏ phần ruột và hạt bầu bên trong, phát thảo một số hoa văn trên quả bầu và bắt đầu vẽ bằng bút điện, tùy theo nhiệt độ của bút điện có thể tạo ra màu sắc đậm, nhạt, với hoa văn và các chữ thư pháp như phước, lộc, thọ hay vạn sự như ý.
 
Điểm đặc biệt của quả bầu là bên ngoài bị đâm nhiều lỗ nhỏ, bên trong có gắn đèn và thiết bị xoay. Khi bật điện, thiết bị xoay phản chiếu ánh sáng ra ngoài thông qua các lỗ nhỏ tạo ra hoa văn đẹp mắt và lấp lánh.
 
Bầu hồ lô trong quan niệm của người Trung Hoa khi treo trong nhà sẽ mang lại nhiều hạnh phúc, may mắn và tài lộc cho những thành viên trong gia đình. Như vậy bầu hồ lô ngoài giá trị tinh thần khi được trang trí còn mang lại giá trị thẩm mỹ độc đáo.
 
Nông dân Trần Hữu Huệ bên giàn bầu hồ lô.

Từ việc gieo trồng bầu hồ lô đến việc trang trí thành phẩm cả một quá trình gian khổ mà đòi hỏi nghệ nhân phải kiên trì, tỉ mỉ, khéo léo thì mới đạt được thành công. Do vậy, số lượng bầu thành phẩm hiện nay chưa nhiều.
 
Năm trước, cơ sở Võ Văn Tạng thu mua được 100 quả bầu, đa số là trang trí đơn thuần, còn số bầu được làm thành đèn chiếm số lượng ít, khi làm ra sản phẩm đều được khách hàng mua hết và đặt hàng với số lượng nhiều nhưng cơ sở chưa dám nhận do địa phương chỉ có 5 hộ trồng bầu nên không đủ nguồn cung cấp.
 
Đối mặt với những khó khăn trên, nghệ nhân Võ Văn Tạng đã có hướng đi cho sản phẩm: “Điều quan trọng là phải nhân rộng giống bầu hồ lô, cụ thể là phối hợp với Hội Nông dân huyện hướng dẫn kỹ thuật trồng cho người dân, liên kết với các Trung tâm dạy nghề huyện mở lớp dạy cho các lao động đang có nhu cầu học nghề. Người lao động sẽ tự bỏ chi phí mua vật liệu, trang trí thành phẩm và mang đến cơ sở để được thu mua.
 
Hiện tại, giá bầu tươi là 15.000 đồng/quả, kể cả các chi phí nguyên vật liệu khác tổng cộng là 50.000 đồng. Sau khi thành phẩm giá bán 300.000 đồng/quả trở lên. Như vậy, một lao động thạo nghề, sau 2 ngày lao động sẽ kiếm được 250.000 đồng, đã góp phần tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn, đồng thời nhân rộng sản phẩm mỹ nghệ độc đáo của huyện Thoại Sơn”. 
Theo TRÚC PHA (An Giang Online)