Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ Tịch Hội Luật Gia TPHCM ký ủng hộ Dự án “Không chất độc hại trong thực phẩm” do Tin môi trường phát động
Vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Hiện nay, tình trạng vi phạm các quy định về ATTP đang thực sự đáng lo ngại. Không chỉ ở khâu sản xuất, kinh doanh mà ngay cả việc sử dụng thực phẩm, người tiêu dùng cũng có nhiều vi phạm với các hành vi ngày càng tinh vi và thủ đoạn hơn. Hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đang có xu hướng gia tăng ở mức báo động cao như: sữa có chứa melamine, rượu có chứa độc tố, thực phẩm chứa chất bảo quản, thuốc kích thích tăng trưởng, chứa dư lượng chất kháng sinh quá mức cho phép….
Dù rằng, việc sống chung với phụ gia thực phẩm là điều tất yếu bởi không thể đòi hỏi thực phẩm hiện đại chỉ sản xuất với các nguyên liệu chính tạo nên món ăn, không có phụ gia. Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng hơn 300 loại phụ gia thực phẩm được đưa vào danh mục cho phép sử dụng. Phụ gia thường được sử dụng trong thực phẩm là chất bảo quản, phẩm màu và đường hóa học. Những chất phụ gia này được quy định trong Quyết định số 3742 /2001/QĐ-BYT ngày 31/8/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Điều đó có nghĩa, nếu dùng trong giới hạn cho phép, phụ gia thực phẩm không gây nguy hiểm cho sức khỏe con người mà còn giữ được thực phẩm thơm ngon và bắt mắt hơn. Ngược lại nếu phụ gia được dùng quá giới hạn cho phép nhiều lần có thể gây ngộ độc cấp tính, trường hợp dùng liều nhỏ, thường xuyên liên tục, phụ gia tích lũy trong cơ thể cũng có thể gây tổn thương lâu dài cho người dùng. Ví dụ dùng thực phẩm chứa hàn the, 85% hàn the được đào thải qua nước tiểu, mồ hôi; 15% còn lại được tích lũy trong các mô mỡ, mô thần kinh. Dần dần có thể gây ra hội chứng ngộ độc mạn tính như mất cảm giác ăn ngon, giảm cân, tiêu chảy, rụng tóc, da xanh xao, động kinh.
Năm 2010 Luật ATTP được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/7/2011, đã nghiêm cấm những hành vi như sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm. Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm. Thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc, tác nhân gây ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép. Thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc quá thời hạn sử dụng.
Pháp luật quy định là vậy, nhưng hiện nay nhiều nhà sản xuất vì lợi nhuận kinh doanh đã dùng phẩm màu, chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục hoặc vượt quá tiêu chuẩn, giới hạn cho phép của Bộ y tế làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của con người. Tuy nhiên, với những chế tài hiện hành thì khi các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm coi thường, xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng thì sẽ bị trừng trị theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 45/2005/NĐ-CP ngày 06/4/2005 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì đối với đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã bị biến chất, nhiễm bẩn, có tạp chất lạ hoặc nhiễm các chất độc hại có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm hoặc sản phẩm chế biến từ thịt gia cầm, gia súc, thuỷ sản, rau quả do bị bệnh, bị ngộ độc, chết không rõ nguyên nhân hoặc bị ngâm tẩm bằng các chất hoá học không được phép sử dụng. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm có sử dụng các chất phụ gia thực phẩm, các vi chất dinh dưỡng, các chất hỗ trợ chế biến không được phép sử dụng hoặc sử dụng không đúng liều lượng, giới hạn quy định hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm có pha trộn, pha màu, bột, để bao phủ, nhuộm, chế biến nhằm che dấu tình trạng hư hỏng, biến chất của thực phẩm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng có quy định “Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Luật ATTP có hiệu lực vào ngày 01/7/2011. Hiện tại, Bộ Y tế đang có Dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP. Theo dự thảo, sẽ có mức phạt tiền tối đa là 100.000.000 đồng đối với một hành vi vi phạm hành chính về ATTP. Đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000. Hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm được phép sử dụng nhưng đã quá thời hạn sử dụng sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000. Đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000.
Ngoài ra, đối với hành vi sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẽ bị phạt tiền từ từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Hành vi sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, đồng thời còn buộc tiêu hủy tang vật và phương tiện vi phạm.
Như vậy, so với Nghị định 45/2005 Dự thảo xử phạt vi phạm hành chính về ATTP năm 2011 đã tăng mức xử phạt lên đáng kể. Tuy nhiên, có một thực tế, so với những lợi ích mà các tổ chức, cá nhân hưởng lợi từ việc sản xuất, kinh doanh trái pháp luật bằng việc bỏ chất độc hại vào thực phẩm, bỏ chất phụ gia quá tiêu chuẩn cho phép thì với mức xử phạt như trên vẫn là quá nhẹ dẫn đến tình trạng các tổ chức, cá nhân sẵn sàng vi phạm và sẵn sàng nộp phạt.
Theo tôi, thực phẩm rất quan trọng trong đời sống hàng ngày, nó quyết định đến sự phát triển cơ thể, trí tuệ cũng như sức khỏe, tính mạng con người. Vì vậy, trước hết những tổ chức, cá nhân khi sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần quan tâm và chú trọng đến chất lượng, vấn đềATTP. Lấy sức khỏe của người tiêu dùng làm kim chỉ nam cho sản xuất và kinh doanh của chính doanh nghiệp, công ty mình.
Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của mình thì người tiêu dùng nên thận trọng khi chọn mua, sử dụng thực phẩm. Cần xem kỹ nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, bao bì, nhãn mác. Nếu là hàng nhập khẩu, phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Ngoài ra, người mua có thể căn cứ vào số hiệu INS in trên bao bì để biết chất này có được phép sử dụng hay không. Đây là ký hiệu được Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế xác định cho mỗi chất phụ gia khi xếp chúng vào danh mục các chất phụ gia thực phẩm. Những loại không có ký hiệu INS trên bao bì đều là những hàng trôi nổi, không được phép sử dụng.