Một bảo vệ của ga Giáp Bát cho biết, trong số 15 toa gỗ lậu nói trên, một số toa bị giữ lại tại ga này khi kéo từ ga Diêu Trì (Bình Định) ra, số còn lại kéo từ ga Từ Sơn (Bắc Ninh) xuống.
Theo người bảo vệ này, khi cơ quan chức năng phát hiện số gỗ trái phép trên các toa ở Bắc Ninh, hàng trăm người dân ở Bắc Ninh đã kéo đến, cản trở buộc cơ quan chức năng phải kéo về ga Giáp Bát để xử lý.
15 toa tàu chở gỗ lậu quý hiếm đang bị giữ tại Ga Giáp Bát (Hà Nội)
|
Cũng theo một cán bộ của Ga Giáp Bát, số gỗ trong các toa tàu nói trên được xẻ thành từng khúc to bằng cổ chân để làm tay ghế, chân khuỷu của bàn ghế. Có nhiều loại gỗ quý phải mang đi cân, không đo được.“Gỗ được lọc, chế biến sẵn thành từng loại. Cán bộ của cơ quan chức năng phải mất cả ngày trời kiểm tra vẫn chưa hết được số gỗ trong một toa. Hiện chúng tôi phải cắt cử cán bộ trông coi 24/24 giờ, dù các toa tàu chở gỗ đã được niêm phong”- cán bộ trên cho biết.
Tổng số gỗ gần 330 m3 gỗ Hương, Trắc, Gụ, Giổi, Chiêu liêu (trong đó, chủ yếu là gỗ Hương, Trắc, đều thuộc nhóm I). Ngoài ra, có thêm gần 74.400 kg (khoảng hơn 70 m3) cành, nhánh, gốc, rễ Trắc, Cẩm Lai, Hương được vận chuyển trên các toa. Tổng số gỗ trên khoảng 400 m3, tất cả đều không phù hợp với hồ sơ lâm sản.
Các toa tàu được niêm phong bằng kẹp chì
|
Theo đánh giá, đây là vụ vi phạm vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép lớn nhất từ trước tới nay, có mức độ đặc biệt nghiêm trọng, có tổ chức và có sự cấu kết của nhiều đối tượng. Tuy nhiên, ban đầu mới chỉ biết những người nhận đứng tên trong vận đơn, còn chủ đích thực của những lô hàng này vẫn được điều tra, làm rõ.
Làm giả hồ sơ
Từ chối bình luận |
Một số đối tượng thừa nhận đã làm giả hồ sơ, hóa đơn, chứng từ và lý lịch của gỗ để vận chuyển, buôn bán trái phép. Có những trường hợp, qua đối chiếu chứng từ với thực tế, khối lượng chệch tới 70-80%.
Đặc biệt, phần lớn số gỗ trên đều không có dấu búa của kiểm lâm. Một số đối tượng đã thừa nhận mua bán, làm giả hóa đơn chứng từ; quay vòng hồ sơ, thủ tục.
Theo tìm hiểu của PV, số gỗ nói trên có nguồn gỗ từ Gia Lai, Phú Yên, Kon Tum và xuất phát từ ga Bình Định, rồi chuyển về ga Từ Sơn (Bắc Ninh), để đưa về Đồng Kỵ (Bắc Ninh) tiêu thụ. Cũng có thông tin cho rằng, số gỗ trên không chỉ dùng cho chế biến gỗ ở Đồng Kỵ, mà có thể dùng để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo tìm hiểu của PV, các toa tàu chở gỗ này thuộc quyền quản lý của Cty Vận tải Hàng hóa đường sắt, thuộc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam. Từ đầu năm đến nay đây là vụ vận chuyển gỗ lậu bị phát hiện thứ hai được đưa về lưu giữ tại Ga Giáp Bát.
Chiều 14/12, trao đổi với phóng viên, Trưởng ban Kinh doanh Vận tải đường sắt (Tổng Cty Đường sắt Việt Nam) Nguyễn Hữu Tuyên cho biết, cơ quan chức năng đã điều tra gần 1 tháng nhưng chưa thông báo kết luận vụ việc với ngành đường sắt.
Theo ông Tuyên, 15 toa tàu này là của nhiều đoàn tàu khác nhau và gỗ được vận chuyển từ ga Diêu Trì (Bình Định) ra Từ Sơn (Bắc Ninh).Thông tin ban đầu cho biết, số gỗ này đã được chủ hàng trả cước vận chuyển đầy đủ cho đường sắt.
“Ở các ga (cả ga xuất phát) đều có đầy đủ các lực lượng chức năng như kiểm lâm, hải quan, thuế vụ…để kiểm tra hàng hóa trước khi lên tàu. Nhân viên đường sắt chỉ có chức năng kiểm tra trong phạm vi cho phép”, ông Tuyên nói.