Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Chiều 14/12, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nghe Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch báo cáo lần cuối về Đề án chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Chiến lược du lịch quốc gia đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát huy những quan điểm phát triển của giai đoạn trước, tuy nhiên điểm đột phá trong chiến lược là phát triển từ bề rộng sang chiều sâu theo hướng hiệu quả, chuyên nghiệp, có chất lượng, thương hiệu, sức cạnh tranh và xác định doanh nghiệp du lịch đóng vai trò nòng cốt.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Trong chiến lược phát triển du lịch cần thể hiện rất rõ quan điểm chấm dứt tình trạng xung đột giữa thiên nhiên, văn hóa với du lịch - Ảnh Chinhphu.vn
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã cho ý kiến về những điểm phải chỉnh sửa trong chiến lược, trong đó cần xác định rõ mục tiêu phát triển du lịch quốc tế, làm rõ tỷ lệ khách du lịch quốc tế/ dân số. Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ nguyên nhân vì sao tỷ lệ khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam thấp.
Cần phát huy hơn nữa lợi thế cạnh tranh trong du lịch của Việt Nam, đó là có bờ biển dài, hệ thống hang động, biển đảo phong phú. Đẩy mạnh thế mạnh trong du lịch văn hóa, tăng cường tính hiện đại và chuyên nghiệp trong du lịch. Trong chiến lược phát triển du lịch cần thể hiện rất rõ quan điểm chấm dứt tình trạng xung đột giữa thiên nhiên, văn hóa với du lịch, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Ngành du lịch cần có kế hoạch đào tạo đội ngũ nhân lực theo hướng đạt chuẩn quốc tế. Thúc đẩy hợp tác quốc tế, tập trung đầu tư cho công tác quy hoạch nguồn nhân lực trong phục vụ quản lý nhà nước về du lịch.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư xây dựng chiến lược phát triển theo hướng căn cơ, toàn diện, cụ thể hơn nữa, sớm trình Thủ tướng Chính phủ.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam là đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất-kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch có thương hiệu và chất lượng cao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển.
Đến năm 2015 thu hút 7-7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 35-37 triệu lượt khách nội địa. Đạt mức tăng trưởng khách quốc tế 7,6% năm và nội địa 5,7% năm.
Năm 2020 thu hút 10-10,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 47-48 triệu lượt khách nội địa. Tăng trưởng khách quốc tế là 7,2% năm, nội địa là 5,3% năm. Phấn đấu đến năm 2020 cả nước có tổng số 580.000 buồng lưu trú, năm 2030 sẽ có khoảng 900.000 buồng lưu trú.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tính toán nhu cầu vốn đầu tư cho giai đoạn 10 năm tới để đầu tư phát triển du lịch ước khoảng 42,5 tỷ USD. Phấn đấu tỷ trọng GDP đến năm 2015, du lịch đóng góp 5,5%-6% GDP cả nước, năm 2020, du lịch đóng góp 6,5% -7% GDP cả nước, tăng trung bình 11-11,5%.