Ghê người thạch lên mốc đen
Theo phản ánh, vào hôm (12/12) vừa qua, chị V tới một đại lý bán bánh kẹo ở gần nhà thuộc tổ 16, phố Sài Đồng, Long Biên (Hà Nội) để mua một vài mặt hàng trong đó có sản phẩm thạch rau câu Poke của Công ty Cổ phần Thực Phẩm Việt Nam – Vietfoods.
Do chỉ để ý tới hạn sử dụng của sản phẩm (6/6/2011 – 6/6/2012), thương hiệu Vietfoods, chứng nhận của Bộ Y tế ngay trên gói thạch rằng đây là sản phẩm an toàn, không chứa chất DEHP&DINP cũng như vẻ bề ngoài còn “nguyên đai nguyên kiện” và giá của sản phẩm nên khi mua hàng, chị V đã vô tình bỏ qua một số chi tiết nhỏ bất thường từ gói thạch này.
Viên thạch bẩn khi đã được bóc ra tại Công ty Vietfoods |
Mãi tới khi mang túi thạch ra chiêu đãi cả xóm trọ để mọi người cùng thưởng thức, chị V mới tá hoả khi một người hàng xóm phát hiện thấy có một viên thạch dính đầy bụi bẩn, nước chảy tòng tòng dù nắp viên thạch đó chỉ bị hở một chút. Viên thạch đó có kích thước chỉ bằng một nửa so với các viên thạch bình thường khác và thậm chí trên bề mặt của nó còn bị đóng vẩy đen trông rất mất vệ sinh và… nguy hiểm.
Ngay lập tức, Anh (25 tuổi), hàng xóm của chị V đồng thời cũng là một sinh viên ngành y khuyến cáo: “Thôi mọi người đừng ăn thêm nữa, đặc biệt là các cháu nhỏ bởi nếu sức đề kháng không tốt mà ăn phải sản phẩm bị lỗi như thế này, sẽ rất dễ bị đau bụng”.
Chị Minh, mẹ của bé Bin (4 tuổi) – hàng xóm của chị V nói: “Thật nguy hiểm nếu trẻ con ăn phải những sản phẩm bị hỏng như thế này. Sao người ta có thể vô lương tâm đến thế chứ, xem rẻ sức khoẻ của lũ trẻ đến vậy?!”.
Viên thạch bẩn gây xôn xao cả xóm trọ |
Đồng quan điểm với chị Minh, chị Hà – mẹ của bé Zin (gần 1 tuổi) bức xúc: “Không biết là lỗi từ đâu, nhưng mà nhìn viên thạch bẩn thế này, kinh chết đi được. Ai mà dám ăn. Đến một thương hiệu có uy tín như thế mà còn làm ăn kiểu này thì biết tin vào đâu?”.
Để chị V và những người hàng xóm của chị hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo của Công ty Cổ phần Thực phẩm Việt Nam – Vietfoods trong ngày 14/12.
Lỗi khách quan?
Qua trao đổi, bà Lê Thị Hậu Phương, Phó Giám đốc của công ty này cho hay, đối với sản phẩm thạch, chỉ cần bị hở một chút trên bao bì sản phẩm khiến không khí có thể lọt vào trong cũng có thể dẫn tới lỗi trên. Khi đó, đường trong thạch sẽ bị nhiễm khuẩn khiến bề mặt thạch đen kít. Sau khoảng 3 – 5 ngày, sản phẩm bị nhiểm khuẩn đó sẽ bị lên nấm men và nấm mốc. Nếu không may ăn phải, người tiêu dùng có thể sẽ bị đau bụng.
Bà Lê Thị Hậu Phương, Phó Giám đốc của công ty Vietfoods |
Theo bà Phương, nguyên nhân khiến sản phẩm thạch của họ bị lỗi như vậy là do: trong quá trình vận chuyển, người ta không cẩn thận khiến bao bì sản phẩm bị vỡ, bong ra hoặc sản phẩm bị tác động bởi ngoại lực khiến bề mặt bị bong ra (ví dụ bị đè nén, quăng quật, do trẻ em cắn dở …). “Cũng không ngoại trừ khả năng do đối thủ cạnh tranh dùng kim băng hay kim châm xuyên qua lớp nilon trên bề mặt thạch khiến sản phẩm bị lỗi”, bà Phương cho biết thêm.
Đối với sản phẩm của chị V, bà Phương giải thích: “Như chúng ta đã thấy, dù chị V chưa hề bóc sản phẩm này ra, nhưng trên bề mặt sản phẩm đã bị hở một lớp màng to, tức là viên thạch không còn được phủ kín mít như ban đầu. Khi đó, thạch sẽ bị chảy nước rồi bị nhiễm khuẩn vào trong. Với những sản phẩm đã bị hỏng như vậy, thường thì không ai ăn nữa cả bởi nếu ăn vào rất dễ bị đau bụng”.
Bà Phương nhấn mạnh: “Bất kì sản phẩm nào cũng có thể có lỗi, đặc biệt là sản phẩm thạch bởi loại sản phẩm này sử dụng nguyên liệu bao bì khó hơn các sản phẩm khác nhiều. Như chúng ta đã biết, trong sản phẩm thạch có hương thơm của hoa quả. Vì vậy, ong hoặc những côn trùng khác từ các tỉnh lân cận Hà Nội thường hay bay tới nơi sản xuất.
Sản phẩm này đã được Bộ y tế chứng nhận là an toàn |
Viên thạch bẩn ở một góc độ khác |
Quy trình sản xuất mặc dù đã được khép kín, nhưng có hiện đại tới đâu đi chăng nữa, cũng khó có thể tránh khỏi rủi ro côn trùng bay vào hệ thống sản xuất rồi lẫn vào sản phẩm. Và tôi xin khẳng định, tất cả mọi sản phẩm, không chỉ sản phẩm thạch, một khi đã bị lỗi mà người tiêu dùng vẫn cố sử dụng thì tuỳ cơ địa mỗi người, nhưng đa số đều gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ”.
Khi được hỏi về các cách giúp người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm bị lỗi trên thị trường, bà Phương khuyến cáo: “Để phát hiện ra sản phẩm bị lỗi, người tiêu dùng nên để ý bề ngoài của túi thạch. Nếu thấy nước bị chảy ra hoặc có những giọt nước li ti trên bề mặt túi nilon, thạch không còn mùi thơm, thậm chí bốc mùi khó chịu thì bạn không nên mua.
Ngoài ra, nếu cẩn thận hơn, bạn sẽ thấy tất cả mọi sản phẩm thạch đều được dán kín miệng. Do vậy, khi mua hàng, nếu thấy sản phẩm bị bẹp, không còn đồng nhất về hình dạng, nói cách khác chúng có hình dạng khác biệt, có sự pha trộn màu sắc chứ không còn duy nhất một màu, hoặc không còn nguyên đai nguyên kiện thì bạn cũng không nên mua”.
Nếu thấy sản phẩm bị lỗi, bạn cần ngưng sử dụng ngay lập tức. Sau đó, liên hệ với đại lý bạn đã mua hàng hoặc nhà sản xuất để họ cử người tới kiểm tra, hỗ trợ và đền bù thoả đáng cho bạn bởi tất cả các điểm bán hoặc người mua đều có quyền trả lại hàng khi phát hiện thấy có lỗi từ sản phẩm.