Không chỉ ở tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa mà ở tỉnh Phú Yên, Bình Thuận, TP Đà Nẵng… cũng đầy rẫy những khu “đất vàng” bị bỏ hoang, không chỉ gây bức xúc dư luận mà còn lãng phí quá lớn.
Dự án “bánh vẽ”
Dọc đường Độc Lập ở trung tâm TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, nhiều lô đất rộng cả chục hecta nằm liền kề bãi biển, được xây tường rào bề thế từ nhiều năm nay nhưng bên trong không một công trình nào khởi động. Đây là mặt bằng của những dự án “bánh vẽ”.
Có thể kể đến là dự án khách sạn, văn phòng thương mại của Công ty TNHH Optimmo Việt Nam, có tổng diện tích 8 ha với mục tiêu xây dựng một tổ hợp dịch vụ du lịch giúp quy hoạch phát triển tổng thể TP Tuy Hòa. Sát bên là khu phức hợp dịch vụ, khách sạn, resort của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phương Gia Phú chiếm mặt bằng xấp xỉ 8 ha được nhà đầu tư hô hào là tạo khu nghỉ dưỡng vui chơi, giải trí phục vụ dân địa phương và khách du lịch.
Hai dự án cũng được xếp vào loại “bự” ở khu vực này là khu resort, khách sạn, biệt thự cao cấp của Công ty Cổ phần Điện Đông Dương với tiêu chuẩn quốc tế 4 đến 5 sao, diện tích 10 ha và khu khách sạn kết hợp dịch vụ biển của Công ty Ô tô Bảo Toàn cũng xấp xỉ chục hecta. Điều khó hiểu là cả 4 dự án nói trên được cấp chứng nhận đầu tư từ nhiều năm qua nhưng chủ đầu tư không triển khai xây dựng.
Khu du lịch Tiến Phú trên địa bàn TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận xây dựng dang dở từ năm 2008 đến nay. Ảnh: BẢO BÌNH
Tại phường Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, địa phương được mệnh danh là “thủ đô resort” của cả nước, tình trạng cũng tương tự. Dọc tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu có vài chục hecta “đất vàng” nằm cạnh các khu nghỉ dưỡng cao cấp nhưng chỉ là những bãi hoang không hơn không kém, để trâu bò vào gặm cỏ.
Ông Nguyễn Chí Hiến, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Phú Yên, cho biết đã nhiều lần gặp gỡ các nhà đầu tư để nhắc nhở, đôn đốc. Một số doanh nghiệp cam kết đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhưng sau đó vẫn cứ ì ạch. “Tỉnh đã cố gắng tạo mọi điều kiện nhưng nếu tình hình không chuyển biến, chúng tôi buộc phải thu hồi”- ông Hiến nói.
Làm cầm chừng để… đối phó
Trong số những dự án được xếp vào danh sách “rùa bò” ở TP Đà Nẵng phải kể đến 2 dự án “khủng” là tòa tháp đôi Viễn Đông Meridian Towers và khu phức hợp Danang Center. Dự án tòa tháp đôi Viễn Đông Meridian Towers nằm trên diện tích 11.168 m2 tại khu “đất vàng” 84 Hùng Vương, do Công ty Cổ phần Địa ốc Viễn Đông (Viendong Land) làm chủ đầu tư có tổng vốn 180 triệu USD. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép xây dựng vào tháng 5-2008, dự án này liên tục trì hoãn.
Tháng 6-2009, UBND TP Đà Nẵng đã ra “tối hậu thư” đến ngày 30-7, Viendong Land không khởi công thì sẽ thu hồi giấy phép. Để đối phó, ngày 25-7-2009, Viendong Land tổ chức khởi công dự án rầm rộ với cam kết sẽ đưa dự án vào sử dụng trong tháng 12-2012, tuy nhiên đó cũng chỉ là lời hứa. Tháng 3-2011, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã họp và quyết định sẽ thu giấy phép đầu tư của dự án. Nhận được thông tin này, chủ đầu tư lập tức đưa xe xúc, xe cẩu cùng công nhân rầm rộ đến hiện trường. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, việc thi công rầm rộ này chỉ diễn ra chưa được 15 ngày, sau đó lại làm cầm chừng để… đối phó.
Còn dự án khu phức hợp Danang Center nằm tại khu “đất vàng” 10.000 m2, gồm 3 mặt tiền đường Hùng Vương, Phan Châu Trinh và Nguyễn Thị Minh Khai do Công ty Cổ phần Địa ốc Vũ Châu Long làm chủ đầu tư có tổng vốn 125 triệu USD. Dự án được khởi công từ tháng 3-2008 và chủ đầu tư cam kết hoàn thành vào năm 2011, tuy nhiên đến nay trên mặt bằng khu đất dự án chỉ lưa thưa vài trụ sắt, cỏ cây mọc um tùm.
Tháng 3-2011, UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất thu hồi giấy phép dự án nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định. Điều khiến người dân bức xúc là để có đất triển khai 2 dự án này, hàng trăm hộ dân phải di dời đến nơi khác khiến cuộc sống của họ bị xáo trộn.
Ngoài ra, dự án Olalani Riverside Towers tọa lạc bên bờ sông Hàn ngay trung tâm TP Đà Nẵng do Công ty Cổ phần Mỹ Phát (United Trust JSC) làm chủ đầu tư với tổng vốn 45 triệu USD được khởi công từ năm 2009 nhưng đến nay dự án cũng chỉ xây dựng được mỗi cái nhà mẫu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mới đây, chủ đầu tư đã chuyển nhượng dự án này cho Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam và chưa biết khi nào hoàn thành.
Thu hồi hàng loạt dự án
Theo Ban Quản lý các KCN-KCX TP Đà Nẵng, từ năm 2010 đến cuối tháng 11-2011, TP Đà Nẵng đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 17 dự án có tổng vốn đầu tư hơn 50 triệu USD do chậm triển khai, trong đó có 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Ban Quản lý các KCN-KCX TP Đà Nẵng cũng vừa có văn bản thông báo đến chủ đầu tư 16 dự án nằm trong vùng “báo động đỏ”, nếu đến cuối tháng 12 này không triển khai sẽ bị thu hồi.
Ông Bùi Trung Thành, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Bình Thuận, Tổ trưởng Tổ Kiểm tra - Rà soát các dự án, cũng khẳng định: Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, nếu đất đã giao mà chủ đầu tư không triển khai thực hiện thì sẽ yêu cầu viết cam kết tiến độ, nếu không thực hiện, UBND tỉnh sẽ thu hồi giấy phép đầu tư.
|