Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Khuyến khích giải pháp lưu giữ và thu hồi các-bon tại Việt Nam

(15:14:13 PM 13/12/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) -Ngày 13/12 tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tổ chức hội thảo “Thu hồi và lưu giữ các-bon tại Việt Nam” với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách trong nước và quốc tế, nhằm khuyến khích giải pháp hữu ích lưu giữ và thu hồi các-bon tại Việt Nam.


Ảnh minh họa


Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc ADB tại Việt Nam , ông Andrew J. Head nhấn mạnh: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu khi dự kiến trong những năm tới đe dọa những khu vực phát triển kinh tế-xã hội. Trong năm 2010, ADB đã cung cấp một khoản hỗ trợ kỹ thuật khu vực trị giá 1.250 triệu USD cho 4 quốc gia Đông Nam Á (Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam). Hỗ trợ kỹ thuật này sẽ đánh giá tiềm năng thu hồi và lưu giữ các-bon trong ngành năng lượng, tập trung vào các nhà máy phát điện chạy bằng dầu, khí ga và các thiết bị công nghiệp khác. 



Chia sẻ thông tin về tình hình phát thải khí nhà kính tại Việt Nam, ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết: Năm 2000 Việt Nam phát thải khoảng 150,9 triệu tấn CO2, đứng đầu là ngành nông nghiệp bằng 65 triệu tấn CO2 (chiếm 43%), tiếp đó là ngành năng lượng bằng 52,7 triệu tấn CO2 (chiếm 35%). Năm 2009, phát thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch ước tính tăng 113% so với năm 2000. Trong ngành năng lượng, các nhà máy nhiệt điện than đóng góp 54% phát thải CO2, còn các nhà máy nhiệt điện khí đóng góp 40%, mỗi KWh điện của Việt Nam đóng góp 0,52 kg CO2 phát thải. Theo kịch bản trung bình, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam ước tính phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng đến năm 2020 là 224 triệu tấn CO2. Các ngành công nghiệp chủ yếu khác đóng góp khoảng 10 triệu tấn phát thải CO2/năm, gồm xi măng bằng 6,6 triệu tấn/năm, thép bằng 2,5 triệu tấn/năm và khai thác đá vôi bằng 0,8 triệu tấn/năm. Do đó, trong xu hướng chung phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu bằng giải pháp giảm phát thải khí nhà kính chủ yếu là CO2, công nghệ thu và lưu giữ cac-bon đang được các quốc gia nhìn nhận sẽ có vai trò tích cực. 



Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương: Nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai, các quốc gia phát triển thuộc APEC kể cả Việt Nam, được dự báo sẽ có sự gia tăng nhanh chóng mức tiêu thụ năng lượng từ nguồn nhiên liệu hóa thạch. Vì vậy, mức phát thải khí cacbonic (CO2) tại khu vực APEC được dự báo sẽ tăng 60% từ năm 1999 đến năm 2020. Các công nghệ thu giữ và lưu chứa CO2 trong các địa tầng là giải pháp tiềm năng nhằm thu được lợi ích khi sử dụng năng lượng từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch rẻ tiền như than, đá, đồng thời vẫn giảm được mức phát thải khí CO2, qua đó thúc đẩy quá trình tăng trưởng bền vững về môi trường. 


Cũng theo Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương: APEC đã và đang tổ chức các đợt tập huấn cho các nền kinh tế thành viên những vấn đề và thông tin cơ bản, cũng như chi tiết hơn về công nghệ, tính kinh tế, chính sách, quy định và chấp thuận của công chúng đối với thu hồi và lưu giữ các-bon. Tất cả nhằm mục đích nâng cao năng lực của các nước thành viên đang phát triển trong việc đánh giá tiềm năng thu hồi và lưu giữ các-bon trong phạm vi quốc gia và đánh giá các sự lựa chọn để thử nghiệm và thực hiện các công nghệ này. 

Nhân dịp này, các chuyên gia quốc tế và các bên liên quan của Việt Nam cùng trao đổi các vấn đề mấu chốt có liên quan đến việc thực hiện thu hồi và lưu giữ các-bon; thảo luận các tiềm năng ứng dụng công nghệ lưu giữ và thu hồi các-bon tại Việt Nam. 

Nguyễn Hồng Điệp