Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nước giàu, nước nghèo tranh cãi tại hội nghị khí hậu Durban

(17:03:17 PM 12/12/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) -Các nước tham gia hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Nam Phi đạt được một thỏa thuận quan trọng sau khi Liên minh châu Âu và Ấn Độ nhượng bộ lẫn nhau trong các vấn đề gây tranh cãi.

 

Ông Xie
Ông Xie Zhenhua, trưởng đoàn Trung Quốc, rời phòng đàm phán vào hôm 10/12. Ảnh: AP.

 

Thỏa thuận mà 194 đoàn đại biểu đạt được thực chất là một gói các giải pháp được ban điều hành hội nghị khí hậu mô tả là "cân bằng" đối với lợi ích của các nước. Theo thỏa thuận, Liên minh châu Âu (EU) sẽ đặt những cam kết về cắt giảm khí thái của họ trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto. Ngoài ra các vòng đàm phán để đạt được hiệp định mới về cắt giảm khí thải sẽ bắt đầu từ năm sau, kết thúc chậm nhất vào năm 2015 và sẽ có hiệu lực vào năm 2020, BBC đưa tin.

 

Các cuộc đàm phán kéo dài hơn gần 36 giờ sau thời điểm kết thúc dự kiến của hội nghị.

 

“Chúng ta vừa làm nên lịch sử”, bà Maite Nkoana-Mashabane, Bộ trưởng Quan hệ Quốc tế của Nam Phi, tuyên bố.

 

Trước đó hội nghị bị phủ bóng đen bởi tranh cãi giữa Ấn Độ và EU về khái niệm “lộ trình” của một thỏa thuận toàn cầu mới về giảm khí thải. Ấn Độ không muốn một lộ trình mang tính ràng buộc về pháp lý.

 

Cuối cùng, một nhà đàm phán Brazil nghĩ ra công thức dung hòa lợi ích giữa hai bên. Công thức đó được cả Ấn Độ và EU chấp nhận.

 

EU, Liên minh các đảo quốc nhỏ (AOSIS) và khối các nước chậm phát triển nhất (LDC) đề xuất lộ trình đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận mới về giảm khí thải.

 

Những nước này cho rằng nếu không đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý về giảm khí thải, nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể tăng thêm hơn 2 độ C so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp. Giới khoa học thế giới nhất trí rằng cuộc sống của con người sẽ trở nên nguy hiểm hơn nếu nhiệt độ trung bình tăng hơn 2 độ C.

 

“Trong lúc các nước giàu phát triển thì chúng tôi đối mặt với thảm họa. Tại sao chúng tôi phải chấp nhận thực tế bất công đó?”, Karl Hood, Ngoại trưởng Grenada, phát biểu nhân danh các đảo quốc nhỏ.

 

Đại biểu của nhóm các nền kinh tế mới nổi – Brazil, Nam Phi, Ấn Độ và Trung Quốc – chỉ trích cái mà họ gọi là “thời hạn gấp gáp” và “nghĩa vụ pháp lý nặng nề”.

 

“Tôi đứng trên quan điểm về sự công bằng. Đó là điều mà không chỉ Ấn Độ, mà cả thế giới quan tâm”, bà Jayanthi Natarajan, Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ, phát biểu.

 

Đoàn Ấn Độ tin rằng chỉ các nước phát triển phải giảm khí thải, còn các nước đang phát triển không có nghĩa vụ đó.

 

“Các nước phương Tây không giảm lượng khí thải theo cam kết, vậy tại sao những nước nghèo hơn phải làm việc đó cho họ?”, bà Natarajan đặt câu hỏi.

 

Xie Zhenhua, trưởng đoàn Trung Quốc, đồng ý với quan điểm của Ấn Độ. Với thái độ giận dữ, ông nói với đại biểu của những nước phát triển: “Chúng tôi đang làm những việc mà các ngài không thực hiện. Chúng tôi muốn thấy hành động thực sự của các ngài”.

 

Mặc dù vậy, Bangladesh và một số quốc gia đang phát triển khác đứng về phía AOSIS. Các nước đó nhận định một thỏa thuận mang tính ràng buộc về pháp lý là thứ cần thiết.

 

Cả AOSIS và LDC đều nhất trí rằng các nước giàu cần phải hành động quyết liệt hơn để giảm lượng khí thải. Song họ cũng đồng ý rằng các nước đang phát triển nhanh như Trung Quốc nên giảm lượng khí thải ngay trong vài năm tới nếu các chính phủ muốn duy trì mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C.

 

Quy chế quản lý quỹ hỗ trợ các nước nghèo chống biến đổi khí hậu cũng được thông qua, mặc dù cơ chế đóng góp chưa được làm rõ. Ngân sách của quỹ có thể lên tới 100 tỷ USD mỗi năm. Số tiền đó sẽ được chia cho các nước kém phát triển để họ ứng dụng những công nghệ sạch và thích nghi với những tác động của biến đổi khí hậu.

Minh Long (Vnexpress)