Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bất cập trong quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản -Ảnh minh họa
Ban đã đề nghị UBND tỉnh đầu tư cho điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng một số loại khoáng sản chủ lực của tỉnh và khẩn trương quy hoạch chi tiết một số loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng để làm cơ sở cấp phép khai thác và quản lý có hiệu quả. Cùng với việc rà soát, đánh giá tổng thể hiệu quả kinh tế-xã hội, tác động xấu của các dự án khai thác khoáng sản gây ra với môi trường, giao thông, thuỷ lợi, UBND tỉnh chấn chỉnh việc thẩm định cấp phép khai thác khoáng sản và nâng cao chất lượng công tác này, nhất là thẩm định về năng lực của các nhà đầu tư, đánh giá đầy đủ hiệu quả kinh tế-xã hội của các dự án khai thác tài nguyên, khoáng sản.
Các cơ quan chức năng ưu tiên cấp phép cho các dự án gắn khai thác với chế biến, áp dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến khoáng sản; không chia cắt các mỏ khoáng sản có quy mô lớn để cấp phép cho nhiều tổ chức khai thác ở quy mô nhỏ. UBND tỉnh quyết định giá tính thuế tài nguyên trên địa bàn cho phù hợp với giá thực tế thị trường hiện nay và điều chỉnh lại mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản lên mức tối đa theo quy định của Chính phủ để chống thất thu thuế, phí tài nguyên của tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước tốt hơn về hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh, nhất là than, đất sản xuất gạch ngói, cát sỏi lòng sông, đất san lấp mặt bằng, vàng sa khoáng.
Những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản ở Bắc Giang hiện nay là công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng, chất lượng khoáng sản chủ yếu vẫn dựa vào hồ sơ, tài liệu từ nhiều năm trước nên khó khăn cho công tác thăm dò, cấp phép khai thác và việc xác định trữ lượng khoáng sản của mỏ trong giấy phép sai lệnh nhiều so với thực tế. Hiện tỉnh vẫn chưa có quy hoạch chi tiết đối với một số loại khoáng sản trữ lượng lớn ở tỉnh như nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu đất san lấp mặt bằng, than đá, dẫn đến tình trạng khai thác tràn lan. Phần lớn những doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản ở tỉnh là doanh nghiệp nhỏ, năng lực hạn chế. Tình trạng chia nhỏ mỏ khoáng sản có trữ lượng nhỏ để cấp phép cho nhiều đơn vị cùng khai thác đã gây khó khăn cho công tác quản lý khai thác, quản lý thuế như khu mỏ than Nước Vàng (huyện Lục Nam) cấp phép khai thác cho 4 doanh nghiệp; mỏ sắt Na Lương (huyện Yên Thế) cấp phép cho 4 doanh nghiệp…
Tình hình khai thác trái phép một số tài nguyên, khoáng sản vẫn diễn biến phức tạp, tràn lan, khó kiểm soát như khai thác cát sỏi lòng các sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam; khai thác vàng sa khoáng ở huyện Lục Ngạn. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan chức năng tỉnh chưa thường xuyên, kịp thời và kiên quyết nên một số doanh nghiệp dù bị tạm dừng, thu hồi giấy phép nhưng vẫn hoạt động. Hiện còn 26 doanh nghiệp (trong tổng số 57 doanh nghiệp thuộc diện) chưa ký quỹ phục hồi môi trường. Trong hai năm 2009-2010, tổng sản lượng khai thác khoáng sản ở tỉnh đạt khoảng hơn 1.800 tấn sản phẩm với tổng giá trị hơn 950 tỷ đồng nhưng thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường thu được chỉ đạt hơn 34 tỷ đồng.