(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) -Gia cầm giết mổ công nghiệp khó có đất sống tại các chợ do tình trạng kinh doanh thực phẩm giết mổ lậu, kinh doanh gia cầm trái phép tràn lan
Mới đây, vụ việc Công ty TNHH Phú An Sinh, một trong những doanh nghiệp (DN) uy tín trong lĩnh vực giết mổ tại TP. HCM, đã phải rao bán gần 80% nhà xưởng để trả nợ gây xôn xao dư luận.
Ngoài lý do tổn thất nặng do chưa có kinh nghiệm trong kế hoạch nhận vốn của Sở NN - PTNT Bà Rịa – Vũng Tàu mua gom heo, giết mổ cấp đông chạy dịch tai xanh thì việc sản phẩm giết mổ đúng tiêu chuẩn không cạnh tranh lại hàng chợ, đặc biệt là tình trạng giết mổ lậu, kinh doanh gia cầm bất hợp pháp là nguyên nhân khiến công ty lỗ lã.
Thu hẹp sản xuất, bán nhà xưởng
Theo Công ty Phú An Sinh, trước khi di dời về Bà Rịa – Vũng Tàu, cơ sở đặt tại quận 12- TP. HCM, mỗi đêm giết mổ 4.000 – 10.000 con gà, vịt. Thành phẩm làm ra tiêu thụ hết mà không tốn chi phí nào từ đóng gói, bảo quản, vận chuyển lạnh… Khi TP. HCM có kế hoạch ngưng các cơ sở giết mổ, Phú An Sinh chuyển về Bà Rịa – Vũng Tàu đầu tư nhà máy trên dưới 50 tỉ đồng theo tiêu chuẩn an toàn (gia cầm sau khi giết mổ được đóng gói, bảo quản và vận chuyển lạnh...).
Cũng từ đó, Phú An Sinh mất dần khách hàng, thậm chí chỉ còn bằng 10% trước đây bởi người tiêu dùng vẫn giữ thói quen dùng gà “nóng”, thịt “nóng” cho rằng gà “lạnh”, thịt “lạnh” là hàng không tươi, giá bán lại cao hơn “hàng chợ”. Ngoài ra, các cơ sở giết mổ thủ công tại TP. HCM được gia hạn di dời đến năm 2015 càng đẩy Phú An Sinh vào thế khó.
Thịt gà không bảo đảm vệ sinh được bày bán ngoài đường. Ảnh: HỒNG THÚY
Không đến nỗi bi đát như Phú An Sinh nhưng một số DN giết mổ, chế biến cũng gặp trở ngại vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Chẳng hạn, Nhà máy Chế biến thực phẩm Đồng Nai (D&F) có diện tích 5 ha, được trang bị hệ thống giết mổ, chế biến hiện đại, công suất giết mổ lên đến 100 con heo và 2.000 con gà/giờ.
Tuy nhiên, hiện trung bình nhà máy này chỉ giết mổ, chế biến chưa đầy 100 con heo và khoảng 1.500 con gà. Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Nhà máy D&F, cho biết: Thị phần của thịt gia súc, gia cầm giết mổ công nghiệp còn quá hẹp, khó tiêu thụ tại các chợ truyền thống mà chủ yếu qua kênh phân phối siêu thị, cửa hàng thực phẩm và một số nhà hàng, khách sạn… Để “nuôi” công nhân, D&F phải gia công cho một tập đoàn sản xuất thực phẩm của Nhật. Đồng thời sắp tới công ty sẽ trang bị tủ mát, mở điểm bán tại các chợ truyền thống, giảm lợi nhuận để cạnh tranh với sản phẩm ở chợ nhưng chưa biết hiệu quả ra sao..
Buông lỏng giết mổ lậu
Giám đốc một DN giết mổ, kinh doanh gia cầm bức xúc: Ra chợ, đâu đâu cũng thấy gà, vịt lậu, không bao bì nhãn mác theo quy định. Người bán bày hàng trên khay, mâm, dùng mút lau bảng để thấm nước làm tươi gà, vịt; thậm chí dùng cả phân urê, hàn the, thuốc tây... ướp vào để thịt tươi từ sáng đến chiều. Tiểu thương vẫn bán buôn như thế ngày này qua ngày nọ mà không thấy bị xử phạt, tịch thu gì. Trong khi đó, nếu hàng của DN không bảo quản trong tủ mát thì lập tức sẽ bị “sờ gáy”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều chợ nhỏ lẻ, nhất là chợ tự phát, gần như không kiểm soát nổi tình trạng bày bán thịt heo không có dấu kiểm soát của cơ quan thú y. Tuần nào Chi cục QLTT và Thú y TP. HCM cũng bắt giữ hàng chục vụ, với số lượng hàng trăm ký cho đến cả tấn. Chi cục Thú y TP. HCM cũng thừa nhận, trên địa bàn có khoảng 140 điểm kinh doanh gia cầm sống, sản phẩm gia cầm trái phép.
Riêng các lò giết mổ heo lậu tuy có giảm nhưng vẫn còn không dưới 50 điểm với quy mô giết mổ tương đối lớn, tập trung nhiều ở khu vực phường 15, quận Tân Bình; phường 12, phường 13, quận Gò Vấp; một số khu vực xã Vĩnh Lộc, xã Bình Chánh thuộc huyện Bình Chánh...
Thú y cũng bất lực
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, cho biết một mình thú y không thể nào kiểm sót nổi. Cách đây vài năm, TP đã chỉ đạo chính quyền địa phương các quận, huyện chịu trách nhiệm về tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm lậu xảy ra trên địa bàn mình; chi cục chỉ là lực lượng thành viên trong đoàn liên ngành để thực hiện công việc về chuyên môn.
Riêng việc kiểm soát giết mổ lậu được giao cho chi cục quản lý nhưng thú y không có chức năng kiểm tra nhà dân (kể cả là nơi giết mổ) nên rất khó phát hiện xử lý giết mổ lậu. Vì vậy tình trạng giết mổ lậu đang hoạt động mạnh trở lại.
|