Bạn đọc sẽ gặp được nhiều nụ cười trong bài phóng sự này. Nụ cười móm mém hồn nhiên cau trầu của hai bà cụ đoạt kỷ lục. Nụ cười chất phác xuề xoà của những ông con, ông cháu, những người nuôi “phật sống” trong nhà, cũng là những người không thể trả lời câu hỏi về “phương pháp” nuôi các cụ làm nên kỷ lục quốc gia. Và nụ cười hóm hỉnh xuyên suốt, đôi khi chua cay, của chính tác giả thiên phóng sự gửi đến những “sự đời” xung quanh cái kỷ lục rất đáng kỷ lục này.
Bây giờ loạn kỷ lục. Chai rượu to nhất, ly càphê to nhất. Thậm chí, cái bánh to nhất độn cả dép tông, hộp xốp cũng làm kỷ lục Việt Nam. Có cả mấy cô cậu tí toáy thi “kỷ lục nước nhà” về người nhắn tin qua điện thoại di động nhanh nhất. Báo chí đưa tin, Phạm Thị Thuỳ L - cựu SV Học viện Ngoại giao - có “ngón tay thần tốc”, trong 59 giây cộng 650 mili giây mà nhắn được 125 ký tự không có lỗi chính tả. Có anh háo danh kỷ lục đến mức thuê đồng bào Mông nai lưng cõng chiếc xe máy Vespa cổ của mình lên nóc nhà Đông Dương Phanxipăng để sách kỷ lục đến... công nhận. Có bác làm tượng con gà lớn nhất, có chú làm cái chiếu lớn nhất. Bao nhiêu nhà văn hoá phải nẫu lòng lên tiếng về sự mải làm kỷ lục mà quên mất chất lượng, quên mất cả những giá trị tối thiểu cần phải gìn giữ này.
Rồi bỗng dưng thấy thông tin công bố khắp báo chí về cặp song sinh cao tuổi nhất Việt Nam, hai cụ bà Vi Thị Đắc và Vi Thị Các bước ra từ cùng một trứng ở xã Đồng Cam, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ từ năm 1911, đến nay các cụ vẫn vui quả phúc mà dắt tay nhau bước sang tuổi 101. Nhân chuyến công tác, lại vốn thấm thía câu “kính già già để tuổi cho”, tôi ghé thăm, tặng hai cụ chút quà mọn.
|
Bằng xác nhận kỷ lục được treo trang trọng. |
Chúng tôi nuôi “phật sống” trong nhà
Trời tối, đường làng thăm thẳm luồn dưới những tán cây cổ thụ. Cụ già tốt bụng chỉ đường vào nhà “cụ già kỷ lục” cứ rỉ rả kể chuyện như đã quen thân tự lâu lắm: Nếu đến ban ngày, có khi vẫn thấy cụ Vi Thị Đắc lò dò cầm quần áo ra ngoài ao giặt giũ đấy. Tai cụ điếc nặng, nhưng nói năng, đi lại, vệ sinh cá nhân vẫn tự lo hết. Hai cụ thân nhau lắm. Đều 101 tuổi, hai cụ ở với con cháu ở hai nhà cách nhau có 500m, nhưng cụ Đắc vẫn sang thăm cụ Các, tâm tình “chị em ta bánh đa bánh đúc”, có khi hứng chí cụ ở luôn một tháng với người chị em cùng sinh ra từ một “trứng” cách đây đã hơn thế kỷ...
Đến nơi, ông Luyện - 71 tuổi, con trai thứ của cụ Các - cùng đông đảo con cháu tíu tít dọn dẹp tiếp khách. Nhà cửa tuềnh toàng. Họ giản dị, có gì đó hơi rụt rè. Tôi hơi bất ngờ khi cụ già 101 tuổi dò dẫm bước vào và mỉm cười. Cụ Các có thể bỏm bẻm nhai trầu, nói chuyện nhỏ nhẹ. Rồi cụ ăn cơm tối. Cái bát to, cái thìa cũng to, thức ăn và cơm để chung một bát, cụ lặng lẽ xúc rồi nhỏm nhẻm ăn.
Cụ Vi Thị Đắc còn khoẻ hơn người chị em song sinh của mình nhiều. Cụ cũng vui tính hơn. Thấy khách lạ cứ nhoay nhoáy chụp ảnh, cụ cười: “Tai điếc lắm, không biết đằng nào, chán chán là. Các cháu ở xa đến chơi hay là con cháu mình ở đây, gớm, chả nhận ra nữa. Không biết đằng nào. Thế các vị đã ăn cơm tối chưa?”. Rồi cụ lại cười, cái cười mà như ông Ất - con trai thứ năm của cụ - nói: “Nhà tôi nuôi phật trong nhà”. Cụ Đắc bảo: “Chụp ảnh gì mà chụp lắm thế hả cháu, uống nước vối đi? À, nhà báo hả, thế nhà bác đợi tôi thay cái áo dài đỏ rồi chụp ảnh cho nó đẹp”. Cụ tự chống gậy, lần hồi đi vào buồng. Trên giường, tư trang của cụ đặt trong một cái hòm tôn cũ kỹ. Cụ mở hòm, lấy ra một cái áo dài đỏ. Áo của Chính phủ tặng trong chương trình lụa tặng già đấy. Cô con dâu ngoại lục tuần giúp mẹ chồng tinh tươm, lộng lẫy, chống gậy tre bước ra... “trình diễn” ngoài bàn nước. Ai cũng bày tỏ niềm vui của mình bằng cách cười thú vị, cười thật lực.
|
Cô con dâu giúp mẹ chồng - cụ Vi Thị Đắc - thay trang phục, chống gậy tre bước ra... “trình diễn”. |
Hai gia đình đều thanh bần, không khí gia đình họ thuận hoà, gương mặt ai cũng thân thiện. Nếu cho tôi nói về điều ngạc nhiên thấm thía khi đến thăm cặp song sinh cao tuổi nhất Việt Nam này, tôi sẽ nói về cảm xúc của tình người; và đó là lý do quan trọng cho sự trường thọ của hai cụ. Thi nhau người ta kéo đến học tập phương pháp nuôi các cụ sống lâu đến mức thành... kỷ lục, ông Luyện, ông Ất bóp trán nghĩ mãi không tìm ra cái gì... đặc biệt. “Chúng tôi kinh tế eo hẹp, sáng cụ ăn cháo, có khi ăn bánh trái gì đó, trưa có chợ về thì con dâu mua ít bún, chiều cụ ăn cơm. Có khi thêm quả cam, quả chuối. Có gì đặc biệt đâu” - ông Luyện bảo. “Cụ nhà tôi không bao giờ ốm, chưa bao giờ đi viện. Bảo hiểm y tế của hai cụ, chưa bao giờ dùng đến một lần. Nhiều cơ quan ở địa phương, họ không bao giờ thấy cụ ốm để đi thăm theo “chế độ”, nên cứ tính qua thăm cụ biếu cân đường hộp sữa... lúc cụ khoẻ” - cháu cụ Các nói.
Cặp song sinh 101 tuổi chưa bao giờ nghiện cái gì trên đời, ngoài nhai trầu. Giờ răng rụng hết, nhưng lợi thì vẫn khoẻ. Các cụ vẫn bỏm bẻm nhai hạt cau khô và trầu thuốc. Nhiều hoa quả cứng, cụ thích ăn là cụ ăn được, cứ nhâm nhi nhai gặm mãi nó cũng phải... đầu hàng. Duy có mía khúc thì cụ chịu không ăn nổi. Rồi cụ còn đọc thơ, chắc là cây nhà lá vườn của cụ: “Đời người trăm tuổi tựa mưa sa/ Con cháu đông vui khắp mọi nhà”. Cụ Các yêu thơ văn, đọc gần như thuộc cả Truyện Kiều, nằm lòng các điển tích văn học như Tống Trân Cúc Hoa, dù cả đời chưa bao giờ cụ được đi học. Có khi cụ còn “mắng mỏ” con cháu bằng cách lẩy Kiều! Bố mẹ nghèo, nhà có 8 anh chị em, cụ thân sinh ông còn đèo bòng vợ bé vợ lớn, thậm chí hồi trẻ còn phải làm cả những việc nặng như đi đóng gạch tôi vôi thuê để kiếm ăn qua ngày, nhưng cụ Đắc và cụ Các vẫn trường thọ và chưa bao giờ đau ốm. Nhà 8 anh chị em, giờ cũng chỉ còn hai cụ ở trên đời.
Thậm chí, hai cụ vẫn hằng ngày rỗi rãi đi ra ao giặt giũ, vặt rau, lấy rơm bện những cái chổi xinh xắn. Có khi làm chuyến thám hiểm vườn nhà, nhặt cỏ cho rau. Đôi khi vì mắt kém, cụ nhổ bỏ rau vứt đi còn để lại... cỏ.
|
Kể cả khi trái gió trở trời, chân cứng lại, cụ Vi Thị Các vẫn có thể tự xúc cơm ăn ngon lành. |
“Kỷ lục Việt Nam”, dưới góc nhìn hồn nhiên nhất!
Chuyện kỷ lục đến với miền trung du lành lẽ này rất tình cờ. Một lần, cô bé Liên - cháu nội cụ Các - có đọc một tờ báo nói về kỷ lục của cặp song sinh cao tuổi nhất trên thế giới. Liên bảo anh trai: Kỷ lục của người ta ăn thua gì với bủ (bà) mình, bủ Đắc, bủ Các đều đã hơn 100 tuổi, lại là cặp song sinh cùng trứng. Hay là mình thử ứng cử kỷ lục cho vui.
Lúc rỗi, lên mạng, Liên bèn thử đăng ký hồ sơ hai bủ mình là cặp song sinh cao tuổi với Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam. Lục lại hồ sơ, thì đúng là “không một tấm hình không một dòng địa chỉ” của bủ. Các bủ sinh từ thế kỷ trước, đã 100 năm giặc giã, thiên tai bên bờ sông Hồng đỏng đảnh như vùng Đồng Cam, giờ đây, hầu như chẳng còn giấy tờ gì nhiều. Liên và anh trai bảo nhau photocopy cái thẻ hội viên hội người cao tuổi của bủ gửi đi làm căn cứ “ứng viên”. Khi chúng tôi tỏ vẻ băn khoăn, thẻ hội viên mới được cấp gần đây không thể thay thế giấy khai sinh hay thẻ căn cước nguyên bản hồi xưa của các cụ được; ông Luyện xuề xoà: “Giấy tờ chỉ có thế. Tuổi của các cụ chỉ theo trí nhớ của người làng, ví dụ làng này bạn đồng lứa của cụ có những ai, người đó tuổi hợi hay tuổi tí, cứ thế mà suy ra”. Bấy giờ, anh trai Liên sinh năm 1981, làm tự do ở nhà, vừa mua được cái điện thoại di động 500.000đ, thế là hai anh em dùng điện thoại chụp ảnh hai cụ! “Bọn em chưa bao giờ chụp ảnh cụ bằng máy ảnh. Toàn là bằng điện thoại di động rẻ tiền thôi. Màu nó hơi xấu, nước ảnh bị mờ một chút. Em cứ chọn cái đẹp nhất và gửi đi. Cũng cứ nghĩ Việt Nam rộng thế kia, quê mình thì bé tẹo, nhà mình thì nghèo; thì chỉ dám dự thi kỷ lục cho vui thôi. Ai ngờ, họ báo về là hai bủ là cặp song sinh cao tuổi nhất Việt Nam” - anh trai Liên vừa xoa bóp chân tay cho cụ Các, vừa kể.
Thậm chí, cháu nội của “kỷ lục song sinh” còn kể: Một người bên tổ chức bầu chọn kỷ lục bảo gửi chút tiền cước phí để họ chuyển qua bưu điện cái “bằng” kỷ lục. Em hỏi tiền nong thế nào. Nhà em nghèo, tiền nong em không có đâu. Anh em em chỉ gửi tham dự cho vui thôi. Vui thì làm, không mất gì thì làm. Không... thì thôi. Rồi dịp nhận danh hiệu, có đơn vị liên quan còn bảo, nếu gia đình làm lễ đón nhận danh hiệu quy mô một tí, họ sẽ về tận làng trao cho hoành tráng. Ông Luyện và con cháu ngồi tính, sao tốn kém vào việc đó làm gì. Có tiền thì mua thêm đồng quà tấm bánh bồi dưỡng cho hai bủ. Gia đình đến trình bày với UBND xã. Xã bảo tổ chức đón “vinh dự” ấy thì xã đồng ý về mặt chủ trương. Gia đình cứ bỏ kinh phí ra làm lễ, nếu muốn. Ông Luyện tính, phải mất 5-7 triệu đồng, thế thì toi. Thế là giả nhời chúng tôi không có tiền, miễn phí thì “chơi” cho vui thôi mà.
Không bàn luận, không đánh giá hay chê trách ai, chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản: Kỷ lục Việt Nam đã được trao cho cặp song sinh ấy. Và, cái góc nhìn ngồ ngộ của họ so với “cơn sốt kỷ lục” cũng không phải là không khiến nhiều người phải giật mình: Kỷ lục lập ra để làm gì, có khi chẳng để làm gì cả. Nhưng cái quan trọng hơn, ta kính trọng sự hồn nhiên, trong trẻo đó. Nhìn vào các cụ, nhìn vào hai gia đình nền nếp ở góc trời Đồng Cam, tôi bịn rịn chia tay mà lòng không thôi nghĩ về lẽ đời nhân ái. Các cụ như pho sử sống kể chuyện về tình thương yêu giữa người với người, giữa con người với cỏ cây, vạn vật.