Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

TP.HCM: Đến năm 2015 cơ bản di dời toàn bộ các cơ sở gây ô nhiễm

(17:09:41 PM 08/12/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Sáng nay, 8/12, kỳ họp thứ ba HĐND TPHCM lần thứ VIII diễn ra với phiên trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM Đào Anh Kiệt về vấn đề ô nhiễm môi trường xung quanh các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung, các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường xen cài trong các khu dân cư và một số dự án đã thuận địa điểm quy hoạch nhưng chậm triển khai hoặc chưa thực hiện gây ảnh hưởng lớn đến người dân.

 

Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM Đào Anh Kiệt trả lời chất vấn. Ảnh: Việt Dũng

 

Mở màn phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Bá đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường thành phố giải thích: “Tại khu vực kênh Tham Lương có đến 50 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Trong số đó có bao nhiêu cơ sở có giấy phép và chủ trương của thành phố có di dời những cơ sở này hay không? Nếu có, chừng nào di dời?”. Trả lời, ông Đào Anh Kiệt cho biết: Hiện thành phố đã di dời 35 cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng. Trong khu dân cư thì hiện vẫn còn khoảng 50 cơ sở gây ô nhiễm. Những cơ sở này tồn tại đã lâu, một số do lịch sử để lại. Quan điểm chung là không thể để cơ sở gây ô nhiễm sống chung trong khu dân cư. Đến năm 2015, chúng tôi dự kiến sẽ hoàn thành việc di dời toàn bộ.

 

Đại biểu Lâm Đình Chiến cho rằng: HĐND thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết và thời gian qua cũng đã triển khai quyết liệt di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tuy nhiên hiện giờ còn lại bao nhiêu đơn vị gây ô nhiễm còn trong  khu dân cư? Lý do chưa di dời được những cơ sở này là gì? Có bao nhiêu đơn vị phát sinh mới từ đầu khóa 8 và thời hạn giải quyết dứt điểm?

Đại biểu Lâm Đình Chiến chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Việt Dũng

 

Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Thái Văn Rê phối hợp trả lời: Từ sau năm 1975, thành phố tiếp quản các cơ sở sản xuất do điều kiện lúc bấy giờ nên chưa chú trọng đến vấn đề về môi trường. Từ năm 2003 theo quyết định của UBND thành phố về di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, đến nay thành phố đã thực hiện và hỗ trợ cho các cơ sở di dời. Đến năm 2010 có 1.261/1.402 cơ sở đã di dời ra khỏi khu dân cư, đạt tỉ lệ 90%.

 

Trả lời câu hỏi này, ông Đào Anh Kiệt cho biết, với những cơ sở tự phát trong dân thì khó kiểm soát, nó liên quan đến công tác cấp phép, hậu kiểm. Đối với những ngành nghề liên quan đến môi trường, nếu doanh nghiệp xin cấp phép đầu tư, Sở đều hỏi ý kiến quận huyện. Khi quận huyện chấp thuận, Sở mới cấp phép. Do đó, nếu đơn vị nào gây ô nhiễm thì lãnh đạo quận huyện đó phải chịu trách nhiệm trước nhất. “Chúng tôi hứa sẽ gia tăng sự kiểm tra, kiểm soát trong quy định cho phép về hoạt động của các doanh nghiệp này”- ông Kiệt hứa.

 

Nước kênh Tân Hóa - Lò Gốm (đoạn qua quận Tân Phú, TPHCM) nổi bọt trắng, bốc mùi nồng nặc do các cơ sở sản xuất thải ra. Ảnh: T.L

 

Chất vấn tiếp về trách nhiệm phối hợp, hậu kiểm, đại biểu Trịnh Xuân Thiều hỏi: Có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra về Tài nguyên – Môi trường nhưng trách nhiệm quản lý địa bàn hậu thanh kiểm tra lại không rõ ràng dẫn đến nhiều đơn vị vi phạm dây dưa không khắc phục? Trách nhiệm này của ai? Liên quan đến trách nhiệm, đại biểu Nguyễn Văn Tươi chất vấn: ở huyện Bình Chánh cũng có nhiều cơ sở gây ô nhiễm kéo dài, tôi muốn biết cơ chế phối hợp giữa các sở ngành chức năng xử lý như thế nào mà để tình trạng day dưa kéo dài?

 

Trả lời các câu hỏi của đại biểu, ông Đào Anh Kiệt cho biết: Sở đã làm rất trách nhiệm trong công tác thanh tra, kiểm tra. Lâu nay, bình quân thanh tra 350 vụ/năm (trung bình 1,5 vụ/ngày) nhưng hậu kiểm thì luật quy định trách nhiệm của địa phương phải theo dõi cam kết xử lý!

 

Đại biểu Lê Minh Đức tiếp tục chất vấn: Cử tri bức xúc là có nhiều đơn vị gây ô nhiễm đã bị xử lý nhưng đến nay kết quả thế nào? Lấy ví dụ cụ thể trường hợp Công ty Dệt Thái Tuấn, đã bị C49 phát hiện, xử lý vi phạm nhưng đến nay thế nào, chừng nào di dời?

 

Liên quan đến đơn vị mình, ông Thái Tuấn Chí, đại biểu HĐND thành phố cũng là doanh nghiệp giải thích lý do doanh nghiệp mình bị thanh tra là do “có sự hiểu nhầm” về một số vấn đề và sau đó, Thái Tuấn đã khắc phục xong tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Ông Thái Tuấn Chí cũng nhận khuyết điểm và xin lỗi khi để xảy ra sai phạm.

 

Đại biểu Lê Minh Đức chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Việt Dũng

 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thu tiếp tục chất vấn: Nhiều dự án treo làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, gây ô nhiễm môi trường, hướng giải quyết của Sở ra sao?

 

Trả lời vấn đề này, ông Đào Anh Kiệt nói sẽ gửi văn bản cụ thể về tiến độ của các dự án theo yêu cầu của đại biểu.

 

Ông Kiệt cũng khẳng định: “Quan điểm của Sở Tài Nguyên  Môi trường và thành phố là những dự án khi được giao đất mà  không triển khai mà không có lý do chính đáng thì sẽ bị thu hồi. Từ năm 2003 đến nay thành phố đã duyệt 2.648 dự án với 20.109ha. Thành phố cũng đã liên tục kiểm tra trong đó có 99 dự án bị thu hồi quyết định với 1.500ha đất, như dự án Bình Quới-Thanh Đa hơn 400 ha đã thu hồi quyết định hiện đang kêu gọi đầu tư mới…Năm 20011 thành phố có 50 dự án chậm triển khai với 151 ha. Hiện đang rà soát lại và đề xuất UBND thành phố xử lý theo các hướng: Những dự án chậm triển khai, dự án treo, sẽ thu hồi quyết định giao đất. Đối với những dự án vẫn tiếp tục triển khai, thu hồi nhưng vẫn tiếp tục thực hiện thì sẽ tổ chức đấu thầu mới; với những dự án đã giải tỏa, bồi thường 80% thì đề nghị UBND thành phố hỗ trợ cho các chủ dự án để tiếp tục thực hiện. Nếu những dự án đã giải toả được 100% nhưng chưa tiếp tục thực hiện thì chúng tôi sẽ có văn bản nhắc nhở chủ đầu tư, nếu đơn vị vẫn chậm thực hiện thì báo cáo UBND thành phố thu hồi.

Vân Anh - Hồng Hiệp (SGGP)