Thực phẩm giả
Tháng cuối năm 2011, tại các chợ nhiều thành phố lớn, đặc biệt ở miền Bắc… tràn ngập một loại gà ta "siêu rẻ", giá khoảng 70 - 80.000/kg gà lông (rẻ 30.000-40.000 đồng/kg so với bình thường). Tuy nhiên, theo người nội trợ dày kinh nghiệm thì đây là gà ta giả, nhập lậu từ Trung Quốc. Thịt loại gà này thường tanh, rất dai, có vị chua (trong khi gà ta thật vị ngọt sắc); đặc biệt da vàng và giòn hơn hẳn gà thật.
Theo một số người bán hàng, dễ phát hiện gà giả bằng mắt thường. Đặc điểm nổi bật là mỏ gà ngắn và bẹt (không nhọn, sắc như mỏ gà ta thật). Chân gà nhăn nheo, teo nhỏ, kém bụ bẫm và óng mượt. Chân lông con gà rất cứng trong khi chân lông gà ta thật thường mềm.
Không chỉ gà giả, bò khô cũng có thể được làm giả (hoặc pha thêm) thịt lợn nái chăn thả ở các vùng biên giới, khiến thịt nhạt và kém giòn. Điều này lý giải vì sao một kg bò khô thường có giá chỉ khoảng 300.000 đồng (đắt hơn thịt bò tươi 50.000 đồng/kg), trong khi 3kg thịt tươi mới cho ra 1 kg thịt khô (chưa kể gia vị).
Theo một người chuyên bán buôn, bán lẻ các loại bò khô, tỷ lệ pha thịt lợn cao thấp tùy tùy giá bán; cách tốt nhất là tìm đến những địa chỉ uy tín và tránh mua sản phẩm rẻ đến khó tin.
Rượu giả
Đa phần sản phẩm bị làm giả là các loại rượu cao cấp bởi đây là những mặt hàng có sức mua lớn và mang lại siêu lợi nhuận cho các đối tượng làm hàng giả.
Để phân biệt hàng thật, hàng giả bằng cảm quan, theo ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội chống hàng giả - Cục quản lý thị trường Hà Nội, trước tiên nên tìm tem nhập khẩu (do Hải quan Việt Nam cung cấp) dán trên sản phẩm.
Ông Nghĩa tư vấn: Hãy quan sát một dãy rượu cùng nhãn trong cửa hàng, chai nào có mức rượu khác với chai còn lại thì có thể nghi vấn hàng giả. Lý do: Các sản phẩm thật thường có dung lượng bằng nhau chính xác, do được sản xuất theo dây chuyền với máy móc công nghiệp hoàn chỉnh hiện đại. Sản phẩm giả thì ngược lại, mức nước chênh lệch do được đóng thủ công.
Tem công nghệ cao tích hợp do Pernod Ricard VN sản xuất |
Ngoài ra, bằng mắt thường cũng có thể phát hiện rượu giả. Do rượu giả thường tái sử dụng vỏ, nắp chai cũ hoặc dùng vỏ, nắp giả nên có thể thấy các vết xước nhỏ, đặc biệt dưới mép nút chai. Màu sắc của nắp giả trông dại, đường rãnh thiếu tinh tế và kém đều đặn so với nắp thật… Ở nắp chai, các răng cưa khít như phéc- mơ- tuya, trong khi sản phẩm thật răng cưa xen kẽ nhau.
Ông Nghĩa cho biết: "Với rượu nhập khẩu, cơ quan QLTT căn cứ vào dấu hiệu nhận biết mà chủ sở hữu đưa ra, hợp tác với họ để xác nhận hàng giả, hàng nhái. Ngoài ra phải căn cứ vào hóa đơn chứng từ để tìm hiểu nguồn gốc sản phẩm.
Ngoài tem rượu nhập khẩu, nhà sản xuất còn sử dụng tem phân biệt hàng giả để tự bảo vệ mình, các tem này có thể được đặt ở Viện khoa học hình sự Bộ Công an hay các công ty nước ngoài... "
Hiện nay một số sản phẩm như Martell, Chivas, Royal Salute… được dán tem công nghệ cao tích hợp do Pernod Ricard VN sản xuất xuất hiện đầu tiên trên thị trường, giúp hạn chế khả năng bị sao chép, bóc tách hay tái sử dụng.
Lời khuyên cho người tiêu dùng là nên chọn mua ở các trung tâm hoặc các cửa hàng lớn có uy tín, tránh các cửa hàng bán lẻ vì đây là nơi hàng giả dễ trà trộn. Cẩn thận với rượu được giới thiệu là "xách tay từ nước ngoài về" và đề phòng những loại rượu được bán với giá quá rẻ.