Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bất cập hoạt động giết mổ gia súc tại thành phố Vinh

(12:29:40 PM 07/12/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Thành phố Vinh, Nghệ An có 6 cơ sở giết mổ gia súc tập trung thì 2 trong số đó đã bị đóng cửa, số còn lại hoạt động cầm chừng vì đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Hiện nay nguồn cung cấp thịt đỏ cho nhu cầu của gần 35 vạn người dân thành phố Vinh chủ yếu do các điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ tại các gia đình đảm nhận.

Thực tế hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc tập trung cũng như các điểm giết mổ gia súc trong dân đang tồn tại nhiều bất cập cần tháo gỡ.

 

 Nhìn khung cảnh ra thịt tại lò mổ Nghi Phú như thế này thì làm sao đảm bảo môi sạch sẽ trong khi thịt lẫn lộn với các loại khác...

 

Thừa ... lò mổ tư nhân

  

Quy mô lớn nhất phải kể đến là lò giết mổ gia súc tập trung Nghi Phú với diện tích 10.000ha. Trung bình mỗi ngày lò mổ này "giải quyết" 200 con lợn và 50 con trâu bò cung cấp cho hầu hết các chợ đầu mối trong thành phố. Mặc dù phải giết mổ một khối lượng gia súc lớn như vậy nhưng cơ sở này chưa có hệ thống xử lý nước thải và đủ nước sạch để hoạt động. Khi khu giết mổ gia súc Nghi Phú chưa sử dụng hết công suất thiết kế thì tại phường Vinh Tân người dân cần lò giết mổ tập trung nhưng không có.

  

Trước đây phường đã có một khu giết mổ gia súc tập trung với diện tích hơn 1.000 m2. Tuy nhiên vào năm 2008 khu giết mổ gia súc này phải bàn giao lại cho Công ty phát triển nhà Hà Nội để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội. Theo quan sát của chúng tôi tại các điểm giết mổ gia súc tại khu dân cư cũng như trong khu giết mổ gia súc tập trung vẫn còn tồn tài nhiều bất cập như tình trạng ô nhiễm môi trường, các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác kiểm dịch thú y...

  

Tại các điểm chúng tôi có dịp tiếp cận toàn bộ các khâu giết mổ đều thực hiện trên nền xi măng, nước thải sau khi giết mổ được xả trực tiếp xuống cống, nội tạng của lợn được phân loại và sơ chế tại chỗ với dụng cụ cáu bẩn. Những người tham gia hoạt động này đều không có quần áo bảo hộ và các dụng cụ đảm bảo vệ sinh cần thiết. Tại khu giết mổ gia súc tập trung lớn nhất của thành phố ở xã Nghi Phú công tác đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như vệ sinh thực phẩm ở đây cũng chưa được xem trọng.  

 

  Một bể chứa lò mổ Nghi Phú đã xuống cấp không còn sử dụng được 

 

Tất cả sản phẩm thừa trong quá trình giết mổ lợn đều được tống ra mương nhỏ bao quanh lò, dòng nước đen ngòm lẫn với lông, tiết lợn trong mương không biết chảy đi đâu bốc mùi thối và vung vãi ruồi nhặng bay lên. Trong khi đó bể thải của khu giết mổ đầy ắp, phải cậy cả nắp lên cho nước phân đặc quánh thoát ra ngoài gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tại khu giết mổ gia súc Nghi Phú cũng như trong các gia đình mỗi ngày có hàng chục tấn thịt vận chuyển ra thị trường không có dấu kiểm dịch của cơ quan chức năng.

 

 Hệ thống mương thải phân, lông của lò mổ ở Nghi Phú không được quy cụ gây ô nhiễm môi trường

  

Lý giải cho việc này, cán bộ thú y phường Vinh Tân cho hay: "Do các cơ sở giết mổ phân tán trong các khối, trong khi đó việc giết mổ gia súc và chuyển thịt đến các chợ diễn ra từ 1 đến 4 giờ sáng, lực lượng cán bộ thú y các phường lại quá mỏng không thể đi hết để kiểm tra và đóng dấu kiểm dịch được".  

 

Nhưng đến khi có mặt trên các sạp ngoài chợ thì hầu hết thực phẩm đều đã được đóng dấu kiểm dịch. Một người chuyên kinh doanh thịt lợn tại chợ Nghi Phú cho biết dấu kiểm dịch đã được nhân viên thú y đóng trong quá trình vận chuyển và cả khi đã ra đến chợ. Chính sự dễ dãi trong công tác kiểm dịch của các cơ quan chức năng đã góp phần khiến cho việc vận động người dân vào các lò mổ khó khăn hơn. 

 

Thiếu lò... mổ tập trung 

 

Vào tháng 7/2010, Hội đồng nhân dân thành phố Vinh đã thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong đó có việc đầu tư cải tạo, xây dựng, quản lý và phát triển các cơ sở giết mổ gia súc tập trung.  

 

Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ 100% kinh phí lập quy hoạch chi tiết xây dựng các khu giết mổ gia súc trên địa bàn các phường, xã; hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư hệ thống xử lý môi trường ngoài hàng rào, hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư xử lý môi trường trong hàng rào nhưng không quá 150 triệu đồng/cơ sở giết mổ gia súc; Hỗ trợ 50% kinh phí để đầu tư xây dựng mới (không quá 500 triệu đồng/cơ sở), cải tạo, nâng cấp (không quá 250 triệu đồng/cơ sở) đối với các cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn. Thế nhưng hiện nay mới chỉ có lò giết mổ gia súc tập trung Nghi Phú được đầu tư cải tạo.  

 

Mặc dù đã được nâng cấp cải tạo nhưng theo ông Đặng Xuân Định - Chủ nhiệm HTX Hùng Mạnh Tiến - đơn vị được bàn giao tiếp quản khu giết mổ gia súc Nghi Phú thì cơ sở này vẫn chưa đủ điều kiện cần thiết để hoạt động như nước sạch và các điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường.  

  

 Hệ thống nước xả thải tại lò mổ ở phường Vinh Tân quá sơ sài so với quy mô 

 

Chị Hòa - một hộ giết mổ trâu bò ở xóm 5 (xã Nghi Phú) cho biết: "Trong khu giết mổ gia súc tập trung không đủ nước mà làm lại rất chật chội. Vô đó mỗi tháng phải đóng ba bốn triệu đồng tiền phí chúng tôi mần răng mà trụ nổi".  

 

Cái lý của người dân là vậy trong khi đó ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Phú lại cho rằng sở dĩ người dân chưa chịu vào đây là do họ còn e ngại. "Việc giết mổ gia súc diễn ra từ 1-2 giờ sáng trở đi nên người dân không yên tâm để nhà cửa, con cái ở nhà vì sợ trong thời gian đó nhiều vấn đề xảy ra. Bởi vậy họ chọn cách giết mổ ở nhà vừa đỡ mất thời gian chuẩn bị vừa trông nom được nhà cửa, con cái".  

 

Rõ ràng chưa thu hút được người dân vào lò mổ bên cạnh cơ sở vật chất chưa đáp ứng được thì công tác quản lý vẫn còn nhiều bất cập. Chia sẻ về kinh nghiệm của mình, ông Nguyễn Mạnh Hoàng - Phó Chủ tịch UBND phường Vinh Tân cho hay: "Trước đây chúng tôi cũng mất khá nhiều công sức và thời gian để vận động thậm chí cưỡng chế các hộ giết mổ gia súc trên địa bàn phường vào khu giết mổ gia súc tập trung. 

 

Cứ 1-2 giờ sáng, cán bộ xã kết hợp với cán bộ thú y, công an và dân phòng tỏa ra các khối xóm để kiểm tra. Các hộ cố tình dây dưa không chịu vào chúng tôi tịch thu dụng cụ giết mổ và cả thực phẩm. Vào lò mổ thì ngoài việc không phải lo chỗ ở cho trâu bò, lợn (lò mổ có khu vực nhốt riêng), các hộ giết mổ cũng không cần phải lo nước nóng, vệ sinh môi trường sau giết mổ và đặc biệt cán bộ thú y xã túc trực ngay tại lò, kiểm tra đóng dấu kiểm dịch trước khi đưa thịt ra ngoài...". 

 

Thực hiện các biên pháp có phần mạnh tay để đưa hoạt động giết mổ gia súc vào khuôn khổ vừa thuận lợi cho chính người dân vừa thuận lợi trong công tác quản lý trước trong và sau giết mổ cũng là biện pháp mà chính quyền xã Hưng Chính đang thực hiện. Ngoài khu giết mổ gia súc tập trung Vinh Tân đã bị đóng cửa vì lý do khách quan thì hiện nay Hưng Chính là đơn vị hiếm hoi có lò mổ hoạt động hiệu quả. Thiết nghĩ đây cũng là kinh nghiệm mà Chính quyền UBND xã Nghi Phú cũng như Ban quản lý hợp tác xã Hùng Mạnh Tiến cần tham khảo và học hỏi.

 

Chấn chỉnh hoạt động giết mổ gia súc trên địa bàn thành phố là thực sự cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Anh Hà Thái Sơn - cán bộ phòng Kinh tế UBND thành phố Vinh cho biết: "Thành phố đang lập đề án quy hoạch lại hệ thống các lò mổ trên địa bàn. Nhưng hiện nay một vấn đề nan giải đang đặt ra là quỹ đất để xây dựng các lò mổ không còn thế nên biện pháp trước mắt là nâng cấp cải tạo các lò mổ đã có". 

 

Hiện tại chỉ có phường Vinh Tân là khó khăn trong việc quy hoạch đất xây dựng trong khi lý do hoạt động kém hiệu quả của các lò mổ như Nghi Phú, Hưng Dũng thì do công tác quản lý kém. Bởi vậy chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc hiện nay phải bắt đầu từ việc chấn chỉnh công tác quản lý các cơ sở này. Thành phố cần giao trách nhiệm cụ thể về vấn đề này cho chính quyền các phường xã. Ngay từ bây giờ với sự hỗ trợ về tài chính của thành phố, các phường, xã cần có kế hoạch cụ thể trong việc cải tạo, nâng cấp các lò mổ hiện có tại địa phương mình. 

 

Các địa phương cần có các biện pháp thu hút người dân bằng cách đảm bảo cho họ những điều kiện thuận lợi khi vào các khu giết mổ tập trung. Đồng thời cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân các chủ trương của thành phố về tính cấp thiết cần phải chấn chỉnh và quy hoạch lại các điểm, cơ sở giết mổ gia súc tập trung; Tổ chức tập hợp các chủ giết mổ, thương lái để tuyên truyền vận động họ thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về giết mổ và kinh doanh thịt gia súc; Tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường đối với các điểm giết mổ gia súc trong các hộ dân.  

 

 Khu giết mổ lợn tại Nghi Phú vắng tanh

 

Các hộ cố tình vi phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động kinh doanh, tịch thu các trang thiết bị, dụng cụ và sản phẩm động vật. Bên cạnh đó cũng cần chấn chỉnh lại công tác kiểm dịch động vật, cán bộ thú y chỉ đóng dấu kiểm dịch đối với thực phẩm được giết mổ trong các khu giết mổ tập trung hoặc tại các hộ gia đình đã có cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường được thành phố cho phép. Và để hoạt động giết mổ gia súc đi vào quy củ người tiêu dùng cũng kiên quyết nói không với thực phẩm không có dấu kiểm dịch. 

 

Để làm được điều này cần có sự phối hợp đồng bộ từ Thành phố, cơ quan thú y, UBND các phường xã và cả người tiêu dùng. Song song với việc nâng cấp, cải tạo các khu giết mổ gia súc tập trung hiện có, ngay từ bây giờ Thành phố cần xem xét đến việc xây dựng một khu giết mổ công nghiệp phù hợp với yêu cầu thực tiễn và sự phát triển của một đô thị loại I.

Đại An