Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đà Nẵng: Trạm xử lý nước thải gây ô nhiễm

(08:13:37 AM 05/12/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Dù mới đưa vào hoạt động hơn một năm nhưng trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Thọ Quang (Sơn Trà, TP Đà Nẵng) liên tục gặp sự cố, gây ô nhiễm môi trường.

Dù đang vận hành nhưng người dân vẫn liên tục phản ứng vì mùi hôi do Công ty Quốc Việt thải ra - Ảnh: Hữu Khá

 

Tại cuộc tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội ngày 28-11, ông Nguyễn Bá Thanh, bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nói: “Trạm xử lý nước thải Thọ Quang sử dụng công nghệ quá lạc hậu. Không biết các ông làm ăn kiểu gì mà để người dân kêu la như vậy.

 

Từ trước đến nay dân ngày đêm điện cho tôi không dưới 200 cuộc điện thoại phản ảnh tình trạng ô nhiễm. Vì vậy theo tôi, UBND TP Đà Nẵng nên xem xét phương án xây dựng mới một trạm xử lý nước thải khác để thay thế trạm xử lý quá tai tiếng này”.

 

Liên tục gây ô nhiễm

 

Năm 2009, để giải quyết tình trạng ô nhiễm nặng nề tại Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang (quận Sơn Trà), UBND TP Đà Nẵng cho phép Công ty TNHH khoa học, công nghệ môi trường Quốc Việt (trụ sở tại P.12, Q.10, TP.HCM, gọi tắt là Công ty Quốc Việt) đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung.

 

Trạm được thiết kế với công suất 2.500m3 ngày/đêm, có chức năng thu gom xử lý nước thải cho 13 nhà máy trong khu công nghiệp với tổng mức đầu tư 12 tỉ đồng (doanh nghiệp bỏ vốn, TP cấp đất không thu tiền). Tuy nhiên, đến tháng 7-2010, khi trạm vừa mới đưa vào vận hành được vài ngày thì xảy ra sự cố vỡ bể chứa. Bắt đầu từ đó, trạm xử lý nước thải này không biết bao lần xả thẳng nước thải ra môi trường gây bức xúc cho người dân.

 

Ông Phan Trung Tiến, phó trạm phụ trách vận hành, thừa nhận cứ mưa xuống là trạm quá tải. Công suất của trạm khoảng 2.500m3/ngày đêm với bốn máy bơm chìm có công suất 60m3/giờ, nhưng vào tầm 15g-16g hằng ngày, thời điểm 13 doanh nghiệp đồng loạt đổ nước thải là trạm xử lý này rơi vào cảnh quá tải, buộc phải chạy thêm máy bơm dầu mới đảm bảo. Còn vào những ngày mưa, có lúc từ 4.700-5.800m3 nước thải đổ về trạm, gấp đôi công suất xử lý nên trạm quá tải là điều khó tránh.

 

Ông Tiến phân trần: “Khi thiết kế xây dựng, khảo sát 13 doanh nghiệp xả nước thải thì chỉ 2.300-2.400m3/ngày đêm, vì vậy chúng tôi xây dựng trạm với công suất 2.500m3/ngày đêm là đủ. Nhưng khi hoạt động thì nước thải đổ về quá nhiều nên trạm quá tải”.

 

Không những quá tải, mà theo ông Nguyễn Điểu (giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Đà Nẵng): “Trạm được xây dựng quá cẩu thả, kết cấu trạm không bền vững. Có hôm đi giám sát ở đây mà sợ hồ chứa vỡ nên đã đề nghị Công ty Quốc Việt khẩn trương gia cố thêm”.

 

Thêm tiền, thêm đất vẫn... ô nhiễm

 

Dù liên tục bị người dân phản ứng nhưng Công ty Quốc Việt lại tiếp tục xin UBND TP Đà Nẵng giao thêm đất để mở rộng mặt bằng đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải với công suất 6.000m3/ngày đêm. Đồng thời xin vay vốn ưu đãi 5 tỉ đồng để mở rộng hệ thống xử lý, và xin TP phê duyệt lại đơn giá xử lý nước thải.

 

Ngay sau đó, Công ty Quốc Việt đã được cấp thêm 5.000m2 để xây dựng bổ sung các hạng mục của trạm xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng. Tháng 10-2011, UBND TP Đà Nẵng đã cho phép tăng giá xử lý nước thải từ 4.900 đồng/m3 lên 6.000 đồng/m3.

 

Ông Nguyễn Điểu cho biết: “Nguyên nhân trạm xử lý nước thải Thọ Quang thời gian qua nhiều lần xả nước không đạt tiêu chuẩn ra môi trường là do bị quá tải. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng không chủ động đầu tư máy phát điện dự phòng khi gặp tình huống mất điện nên thường xảy ra sự cố. Giờ chúng tôi chỉ biết động viên, cử cán bộ qua bên đó để giúp họ xử lý chứ thấy họ xả nước thải không đạt mà xử phạt thì doanh nghiệp này chết luôn”.

 

Đặt câu hỏi về năng lực yếu kém của nhà đầu tư, ông Điểu cho biết trước khi cấp phép, TP có cử đoàn vào TP.HCM để tham quan, kiểm tra, thẩm định các dự án của công ty này. Tuy nhiên nhiều sự cố vẫn liên tục xảy ra sau khi TP Đà Nẵng đồng ý cho Công ty Quốc Việt xây dựng trạm xử lý nước thải.

 

Dân bao vây nhà máy

 

Vì quá ô nhiễm nên rất nhiều lần người dân địa phương đã tìm cách bao vây nhà máy mà đỉnh điểm là ngày 3-11 vừa qua, hàng trăm người dân địa phương đã ùa vào khu vực nhà máy đề nghị nhà máy dừng hoạt động.

 

Trả lời người dân, ông Võ Văn Hùng (giám đốc Công ty Quốc Việt) cho biết nguyên nhân do mưa to liên tiếp khiến lượng nước về bể quá nhiều, vi sinh vật không đủ để phân hủy chất thải nên gây ra mùi hôi.

 

Trước đó, tháng 7-2011, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (Công an Đà Nẵng) đã kiểm tra và xử phạt công ty này 150 triệu đồng vì tội xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

 

ĐOÀN CƯỜNG - HỮU KHÁ (Tuổi trẻ)