Ảnh minh họa
Phụ nữ dưới 50 tuổi thường được khuyến cáo không nên chụp X-quang thường xuyên do lo ngại bức xạ i-on hóa có thể ảnh hưởng tới sức khỏe quá sớm. Mật độ mô vú dày hơn cũng khiến việc phát hiện khối u bằng tia X gặp nhiều trở ngại.
Maria sử dụng sóng radio giúp việc tìm kiếm dễ dàng hơn, nhất là không gây đau đớn. Thay vì ép bộ ngực giữa hai tấm X-quang, bộ phận scan của Maria được thiết kế dưới dạng hình chén bằng gốm, úp vào ngực bệnh nhân. Dữ liệu được chuyển về máy tính trong vòng 8 giây, cho thấy hình ảnh 3D của vùng ngực.
Nếu sử dụng phương pháp X-quang truyền thống, trong quá trình chụp, nhân viên kỹ thuật phải được trang bị bảo hộ rất cẩn thận để tránh nhiễm xạ. Mất khoảng 1 phút chuyên gia mới kiểm tra được tình hình nhưng trong những ca khó có thể kéo dài gấp đôi. Bệnh nhân thường phải đợi khoảng 2 tuần mới có kết quả.
Hệ thống Maria có giá thành rẻ hơn, phù hợp với phụ nữ ở mọi độ tuổi, không cần màng chắn bảo vệ nên có thể sử dụng ở nhiều vị trí. Hệ thống này ứng dụng công nghệ đã được dùng để phát hiện các chất nổ không kim loại trong đất. Nó có thể ghi nhận sự khác biệt giữa các mô lành ở tuyến vú với các khối u chứa máu và nước.
Nghiên cứu trên 200 phụ nữ cho thấy Maria phát hiện được 80% khối u, một tỉ lệ thành công gần bằng các biện pháp hiện đang được sử dụng. Các nhà khoa học hy vọng tỉ lệ này có thể lên đến 90%. Giá thành một hệ thống máy Maria dưới 10.000 bảng Anh, trong khi chi phí để thiết lập phòng chụp X quang và các thiết bị chuyên dụng khác có thể lên tới 400.000 bảng.