Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh 1: Ủng hộ năng lượng tái tạo và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng
Trung tâm nghiên cứu toàn cầu GlobeScan do đài BBC ủy nhiệm, đã khảo sát 23.231 người ở 23 quốc gia từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay, vài tháng sau thảm họa động đất và sóng thần đã phá hủy nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Nhật.
Phần lớn người dân tin rằng tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và các nguồn năng lượng tái tạo có thể đáp ứng nhu cầu của họ. Chỉ 22% đồng ý rằng ‘điện hạt nhân tương đối an toàn và là nguồn cấp điện quan trọng, nên xây thêm các nhà máy điện hạt nhân’.
Xét trên toàn cầu, 39% muốn tiếp tục sử dụng các nhà máy điện hạt nhân đang tồn tại mà không xây thêm các nhà máy mới, trong khi 30% muốn đóng cửa tất cả ngay tức thì.
Trước đó, năm 2005, GlobeScan cũng đã thăm dò ý kiến ở 8 quốc gia có chương trình hạt nhân. So sánh cho thấy số người phản đối đã gia tăng đáng kể so với năm 2005, ngoại trừ Mỹ và Anh.
Ảnh 2: So sánh ý kiến của của hai cuộc thăm dò
Ý kiến tiếp tục dùng các nhà máy hiện tại và không xây mới được tán đồng cao nhất ở Pháp và Nhật (58% và 57%), trong khi Tây Ban Nha và Đức ủng hộ nhiều nhất cho việc đóng cửa ngay lập tức các nhà máy đang tồn tại, ở mức 55% và 52%. Tại các quốc gia không có điện hạt nhân, sự ủng hộ xây dựng các nhà máy này đạt mức lớn nhất, như Nigeria (41%), Ghana (33%), và Ai Cập (31%).
Mặc dầu khảo sát không thể xác định chính xác thảm họa Fukushima có chịu trách nhiệm cho sự thay đổi quan điểm hay không, nhưng khả năng này khá cao. Điều này có thể giải thích tại sao ý kiến của công chúng Anh và Mỹ lại khác so với các nước khác. Đó là bởi sự kiện Fukushima ít tác động lên quan điểm của dân chúng hai nước này về vấn đề điện hạt nhân, chủ tịch GlobeScan đã chỉ ra.
Ảnh 3: Quan điểm về sử dụng năng lượng hạt nhân để sản xuất điện
Thăm dò của BBC/GlobeScan cũng rất phù hợp với các cuộc thăm dò toàn cầu khác, như của Ipsos-Mori và báo Asahi Shimbun của Nhật.
Ipsos-Mori xác định hạt nhân là nguồn sản xuất điện ít được ủng hộ nhất, với 38%. Trong khi đó, mặt trời, gió và hydro là nguồn được ủng hộ với hơn 90%.
Mặc dù sử dụng năng lượng thay thế và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng nhận được sự ủng hộ lớn của công chúng và một số tổ chức như Hòa bình xanh, nhưng các tổ chức như Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng vai trò của điện hạt nhân vẫn sẽ tiếp tục khi nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng trưởng và các chính phủ phải nỗ lực kiểm soát phát thải khí nhà kính với mức giá chấp nhận được.
John Ritch, tổng giám đốc Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, cho biết điện hạt nhân sẽ an toàn hơn sau vụ Fukushima, và sẽ tiếp tục phát triển như là công nghệ phi cácbon hàng đầu thế giới.