Sau những ngày miền Trung phải "oằn mình" chống chọi với lũ dữ, chúng tôi có dịp quay lại khu đền tháp Mỹ Sơn. Dù đang trong mùa mưa bão nhưng lượng khách đến với Mỹ Sơn vẫn đông, chủ yếu là khách nước ngoài.
Những thanh đà chống đỡ bằng gỗ, sắt ở khu vực tháp G đang bị mục gỉ.
Những tháp Chăm chật hẹp trưng bày hiện vật luôn đầy ắp người vào thăm. Trên tất cả các nhóm tháp đều có thể nhìn thấy sự xuống cấp nặng nề bằng mắt thường: tháp A1, A2 mặt phía nam và mặt phía bắc có xu hướng đổ ngã; tháp A1, A3 mặt bắc, hình tượng chim thần Garuda trang trí đang bị mờ và có dấu hiệu lung lay, có thể rơi xuống bất cứ lúc nào; mảng tường tháp B2, B3, B4 bị tách đôi, vòm cửa gãy và nghiêng, thân tháp rạn nứt nghiêm trọng, dễ dàng rơi xuống; tháp C3 (kiến trúc duy nhất gần như còn nguyên vẹn) trụ cửa cũng bị nứt, khung cửa bên trong biến dạng thành hình bình hành; và các nhóm tháp D, E, G có thực trạng tương tự...
Theo thống kê của Ban quản lý di tích Mỹ Sơn, hiện nay Mỹ Sơn có hơn 30 ngôi tháp có nguy cơ trở thành đống gạch đổ nát. Riêng các nhóm ở khu vực trung tâm khu đền tháp vẫn đang lộ thiên nhiều dấu hiệu đổ sụp trong nay mai nếu như không có những biện pháp gia cố, chống đỡ hay hạn chế lượng khách tham quan vào thăm. Mỗi ngày, Mỹ Sơn phải đón tiếp hơn 1.000 lượt khách tham quan, nhưng chủ yếu là các khu tháp còn khá nguyên vẹn ở khu vực trung tâm (tháp F1 là một đơn cử).
Trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng, được sự giúp đỡ của các tổ chức nước ngoài, hàng chục triệu USD đã được hỗ trợ để cứu nguy cho di tích Mỹ Sơn. Mặc dù đến thời điểm hiện tại tiền đã có, người đã vào cuộc, nhưng nhiều nhóm tháp vẫn rơi vào tình trạng có nguy cơ bị hủy hoại trong nay mai.
Vì vậy, vấn đề hoặc là giữ lại nguyên trạng, hoặc là làm đẹp di tích vẫn luôn là bài toán khó cho vấn đề trùng tu, tôn tạo khu đền tháp Mỹ Sơn trước việc khai thác du lịch có phần xô bồ và hàm chứa nhiều thách thức trước sự tồn vong của khu "Thánh địa" có tuổi thọ hàng ngàn năm tuổi?