(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Ngày hôm nay (30/11/2011), tại Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, Tạp chí Kiểm sát và Chương trình Việt Nam của Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Xử lý hình sự tội phạm vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) quý, hiếm".
Toàn cảnh hội thảo
Hội thảo “Xử lý hình sự tội phạm vi phạm các quy định về bảo vệ ĐVHD” được tổ chức với mục đích trao đổi, cung cấp thông tin, góp phần nâng cao hiểu biết của các Kiểm sát viên và Thẩm phán về tầm quan trọng của công tác bảo tồn ĐVHD và mối đe dọa từ các loại tội phạm liên quan đến ĐVHD. Hội thảo cũng là cơ hội để cơ quan các cấp chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình nhận thức và áp dụng các quy định để xử lý các hành vi vi phạm; trao đổi, phổ biến kinh nghiệm thực tiễn giữa các đơn vị và các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Các bài tham luận tại Hội thảo đã phân tích, đánh giá thực trạng tình hình và kết quả phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã từ thực tế của các địa phương như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn... là một trong những nơi mà hoạt động vận chuyển, buôn bán trái phép ĐVHD xảy ra khá nhiều trong thời gian qua, và có một số vụ với số lượng lớn hàng phạm pháp. Một số tham luận đã làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về nhận thức và áp dụng các quy định hiện hành của pháp luật, đưa ra những đề xuất, kiến nghị để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn; trao đổi những kinh nghiệm trong quá trình đấu tranh, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực này:
Ông Nguyễn Huy Miện, Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát cho biết: “Các đường dây mua bán, vận chuyển động vật hoang dã qua biên giới với nhiều thủ đoạn tinh vi, che giấu bằng nhiều hình thức, nhất là lợi dụng chính sách "tạm nhập, tái xuất". Để bảo vệ ĐVHD nói riêng và môi trường nói chung, Việt Nam đã xây dựng một số chính sách cụ thể về quản lý buôn bán động thực vật hoang dã. Tuy nhiên, việc xử lý về hình sự đối với các vi phạm, tội phạm liên quan đến lĩnh vực này vẫn còn nhiều khó khăn trong thực tiễn. Trách nhiệm của cán bộ Kiểm sát các cấp vì vậy cần được nâng cao.Việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ĐVHD, nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp của cơ quan chính quyền các cấp trong nước và quốc tế là vấn đề cần được quan tâm hơn”.
Trong bài phát biểu của mình, ông Phạm Minh Tuyên, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Việc xử lý hình sự theo quy định tại các điều luật vẫn còn nhiều hạn chế. Số vụ buôn bán trái phép ĐVHD bị bắt giữ chỉ chiếm khoảng 10% tổng số vụ trên thực tế. Nguyên nhân chủ yếu là Cơ quan điều tra chỉ khởi tố được vụ án mà không khởi tố được đối tượng, hành lang pháp lý về quản lý cũng như xử lý về bảo vệ ĐVHD chưa đồng bộ, thống nhất, việc phối hợp thực thi pháp luật hiện nay chưa thực sự nhịp nhàng”.
Tiến sĩ Scott Roberton, Giám đốc đại diện, WCS Việt Nam phát biểu: “Chúng ta nên bắt đầu bằng việc nhìn nhận về việc truy tố các tội phạm liên quan đến ĐVHD theo một hướng khác. Tội phạm liên quan đến ĐVHD có mối quan hệ chặt chẽ với các loài hình tội phạm khác được quy định trong Bộ luật Hình sự như tội đưa hối lộ các cán bộ thực thi luật, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng vũ khí, buôn lậu hàng cấm, vi phạm các quy chế về khu vực biên giới, trốn thuế,.v.v. Buôn bán ĐVHD là loại hình tội phạm có tổ chức, các cơ quan công tố và Thẩm phán cần phải nỗ lực đảm bảo điều tra hiệu quả và xử lý nghiêm như là một loại hình tội phạm nghiêm trọng”.
Tại Hội thảo, các đại biểu của các cơ quan Viện kiểm sát, Tòa án, Văn phòng quản lý CITES cũng như các chuyên gia của nước ngoài đều cho rằng, Việt Nam là một trong những nước có hệ đa dạng sinh học cao trên thế giới với khoảng 12.000 loài động vật khác nhau. Tuy nhiên, hệ sinh thái này đang bị đe dọa và suy giảm nghiêm trọng, nhiều loài ĐVHD đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nguyên nhân chủ yếu là do sự gia tăng nạn buôn bán và săn bắt bất hợp pháp. Vì vậy, để bảo vệ, giữ gìn hệ sinh thái, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, cần phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó hoạt động phát hiện, xử lý kịp thời, triệt để, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các vi phạm liên quan tới ĐVHD có vai trò hết sức quan trọng.