Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Phập phồng thang máy

(22:05:20 PM 28/11/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)- Không chỉ trục trặc do hư hỏng hay do mất điện đột ngột, nhiều thang máy đã biến thành “phòng giam di động” làm ám ảnh nhiều cư dân nhà cao tầng.

Gần đây, hàng loạt vụ tai nạn thang máy thường xuyên xảy ra tại các khu chung cư, nhà cao tầng. Hầu hết có nguyên nhân từ việc sử dụng thang máy kém chất lượng, không được kiểm định, bảo trì.

 

Sáng 27-11, thang máy lô B ở chung cư Miếu Nổi (Q.Bình Thạnh) lại đứng giữa chừng  - Ảnh: thuận thắng

 

 

Thang máy ở chung cư Miếu Nổi (Q.Bình Thạnh) thường xuyên bị sự cố - Ảnh: thuận thắng

 

 

Ngày 15-11, chị Nguyễn Thị Hòa (nhân viên Công ty thương mại - dịch vụ Tân Phương, đường Quang Trung, Q.Gò Vấp, TP.HCM) cùng một đồng nghiệp đã phải một phen hốt hoảng vì bị thang máy nhốt suốt 15 phút trong tòa nhà bảy tầng của Công ty xây dựng Tường Phong - một công ty đối tác. Khi vừa bước vào thang máy, bấm nút lên tầng 6, thang kêu ken két, giật mạnh và đi đến tầng 5 thì dừng lại...

 

Ám ảnh

 

Tai nạn từ thang máy

 

Hầu hết các vụ tai nạn thang máy xảy ra đã được các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân do chất lượng của thang kém và không được bảo trì, bảo dưỡng tốt. Sáng 21-9, thang máy tòa nhà CT3 (P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) bất ngờ rơi từ tầng 4 xuống tầng hầm làm một người chết. Trước đó ngày 11-9, trong lúc đang bảo trì thang máy tại quán karaoke S.1 (Q.10, TP.HCM), anh N.H.Đ. (34 tuổi, quê Tây Ninh) đã bị thang máy rơi xuống nghiến đứt đầu.

Tương tự, ngày 8-2-2010, thang máy tại khách sạn Quang Vinh (TP Nha Trang) rơi từ tầng 7 xuống khiến một khách du lịch người nước ngoài bị gãy chân. Ngày 2-8-2009, thang máy ở cao ốc An Lạc (đường Bùi Tư Toàn, Q.Bình Tân, TP.HCM) gặp sự cố rơi tự do khiến 13 người đang đi dự đám hỏi bị thương nặng phải đi cấp cứu.

 

Năm rồi mười phút trôi qua nhưng thang vẫn đứng im một chỗ, cửa đóng kín, đèn trong thang cũng tắt. Hai người hoảng loạn đập cửa và điện thoại đủ các số cầu cứu thì bỗng dưng đèn bật sáng, thang hoạt động trở lại.

 

Thoát được ra khỏi thang mà chị Hòa còn tái mặt vì sợ. Các nhân viên ở đây bảo: “Tụi tui thỉnh thoảng vẫn bị kẹt như vậy hoài, có báo công ty sửa chữa nhưng hình như gặp nhằm thang dỏm nên đâu lại hoàn đấy. Có lần thang máy còn rơi tự do từ tầng 5 xuống, may mà không có người bên trong”.

 

Tương tự, chung cư Gia Phú (chín tầng, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân) có bảy thang máy nhưng đến hai cái hầu như tê liệt, một số thang khác hoạt động khá chập chờn. Trưa 26-11, chúng tôi vừa bấm số hiển thị ở khu vực chờ thang thì chủ một căn hộ ở tầng 2 lô A nói liền: “Chắc mấy chú là người lạ nên không biết. Thang đó hư lâu rồi, phải lại thang đằng kia mới đi được”.

 

Tại tầng 4 lô A, bà Dung, chủ một căn hộ, đang bấm mở thang bên phải, tuy nhiên lúc đó chỉ có thang bên trái mở. Bà nói: “Thang bên phải đã hư vài tháng nay, còn thang bên trái vừa được sửa mới lên xuống được đó. Bấm phím bên nào thang này cũng mở ra”. Trong một thang máy khác, lớp nhựa ở bảng bấm số đã tróc ra, để lộ dây điện từ một khe trống.

 

Bà Loan, ngụ tầng 8, nói: “Buổi sáng, rất nhiều người đi làm việc ở tầng 6, 7, 8 không đủ nhẫn nại chờ thang máy vì chậm rì và có khi bị kẹt, nhốt người bất kỳ lúc nào. Đi thang bị lắc và xóc như đi xe gặp ổ gà nên đành phải xuống bằng thang bộ”.

 

Nhiều người dân ở chung cư này còn phản ảnh có khi thang máy chỉ bấm đi lên được mà không đi xuống được, trong thang máy đôi lúc tối om. Có một thang hư hẳn nhưng cửa hờ mở ra bên trong là một “hố đen”, rất nguy hiểm đối với người lớn, trẻ em nếu trượt chân rơi xuống.

 

Cạy cửa cứu người kẹt trong thang máy

 

Một bảo vệ chung cư Gia Phú nói qua kiểm tra cách đây không lâu đã phát hiện những thang máy ở đây trục trặc về kỹ thuật. Đã nhiều lần bảo vệ chung cư phải đi cạy cửa giải cứu người bị kẹt trong thang.

 

“Thang máy ở chung cư đã quá thời hạn bảo hành, chất lượng quá kém. Hiện tại chủ đầu tư không còn dính gì với chung cư nữa, chưa có đơn vị nào nhận trách nhiệm khắc phục triệt để tình trạng trên” - ông này nói.

 

Trong khi đó, hơn nửa tháng nay người dân ở lô B chung cư Miếu Nổi (P.3, Q.Bình Thạnh) thường xuyên gặp sự cố kẹt thang. Tối 26-11, bà Phạm Đức Vân, người trực thang máy lô B, kể: “Ngày hôm nay thang máy kẹt ba lần ở tầng 11, 12 và 14. Cả tháng nay thang cứ chập chờn hư hoài. Bảo trì rồi lại hư liên tục”. Hơn bốn năm trực thang máy, bà thường xuyên nhận được điện thoại kêu cứu của những người bị kẹt.

 

Chung cư này có 18 tầng, chia thành ba lô, mỗi lô có hai thang máy. Bà Vân cho biết không riêng gì lô B mà các lô của những người khác trực cũng cùng cảnh ngộ. Bà Thu, người dân ở đây, kể đã vài lần hoảng sợ khi chứng kiến thang tuột xuống và kẹt lại ở lưng chừng. Sau khi cửa được cạy, mọi người mới chui ra được.

 

Nhiều người dân ở khu dân cư mới Vương Hải, đường xuyên Á, gần ngã tư An Sương, Q.12 phải bỏ thang máy đi thang bộ dù thang máy chỉ mới được lắp đặt chưa đầy hai năm. “Cứ hai, ba ngày là thang bị kẹt, hư hỏng một lần. Có những lần bị kẹt đến 30-45 phút. Tui bị thang máy nhốt cả mười mấy lần, mỗi lần như vậy lại phải gọi điện kêu cứu bảo vệ” - ông Nguyễn Huy Tâm, ngụ khu dân cư này, kể.

 

Nhiều lần gọi điện kêu nhân viên bảo vệ không được, người dân ở đây phải cố kéo cửa thang máy ra rồi đút một ngón tay vào khe cửa để thở và chờ đến 15-20 phút mới được giải cứu. Những lần sau, một số người mang theo cả dao nhỏ mỗi khi đi thang máy để lỡ nếu xảy ra sự cố thì tự... cạy cửa.

 

 

Tiến sĩ Nguyễn Danh Sơn (bộ môn cơ giới hóa xí nghiệp - xây dựng ĐH Bách khoa TP.HCM):

 

Phải được kiểm định và bảo trì

 

Để sử dụng thang máy an toàn, trước tiên người mua nên chọn loại thang máy đã được cơ quan nhà nước kiểm tra và cấp giấy kiểm định đạt tiêu chuẩn an toàn cho phép sử dụng chở người.

 

Thang máy sẽ không xảy ra tình trạng mất an toàn khi được lắp ráp hệ thống hãm bảo hiểm để chống quá tải, chống vượt tốc, chống rơi cabin... Trong trường hợp thang máy bị đứt cáp, mất điện đột ngột, hệ thống hãm bảo hiểm sẽ hoạt động và kẹp cabin tại chỗ không để cabin rơi tự do.

 

Thang phải được bảo trì, bảo dưỡng định kỳ, thường xuyên. Khi phải sửa chữa, thay thế phụ tùng cho thang, lưu ý nên sử dụng các loại phụ tùng đồng bộ, cùng hãng để thay thế vì sẽ đảm bảo sự vận hành đồng bộ của toàn hệ thống thang, giúp thang hoạt động an toàn.

 

________________________

 

Một hệ thống thang máy dùng bo mạch, động cơ của Trung Quốc và cabin gia công tại VN chuẩn bị được dán nhãn thương hiệu Nhật tại một công ty - Ảnh: Đ.T.

 

Thang máy Trung Quốc dán nhãn Nhật Bản

 

Ông Hoàng Thanh Diện, phụ trách tiếp thị thang máy của Công ty TNHH Hùng Phú, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân (TP.HCM), giới thiệu hình ảnh chi tiết về cabin, khung thép, hệ thống ròng rọc và các loại bo mạch điện tử của một hệ thống thang máy cũ đã qua sử dụng nhiều lần hiệu Mitsubishi, phù hợp với tòa nhà 7-8 tầng. Nếu mua, bên công ty sẽ lo chi phí lắp đặt. Hệ thống thang máy cũ này được bán với giá khá “bèo” là 250 triệu đồng.

 

“Mua bất kỳ ở đâu giá cũng không thể mềm hơn. Nếu thang mới loại này phải gần 1 tỉ đồng. Cần thì chi thêm ít tiền, công ty sẽ bao luôn việc lo giấy kiểm định an toàn cho thang máy. Tất nhiên, tiền nào của nấy...” - ông này nói.

 

Cũng theo ông Diện, muốn mua thang máy mới nhưng giá mềm thì có các loại hệ thống thang máy dạng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”: bo mạch Trung Quốc, cabin VN.

 

“Giá rẻ, chỉ có 350 triệu đồng cho loại thang 7-8 tầng, bao lắp ráp. Hàng này sử dụng được nhưng nói trước độ êm, chống rung, hãm gia tốc cho thang không được tốt. Thỉnh thoảng có thể bị kẹt do lỗi hệ thống. Nhiều nơi quảng cáo thang máy của Thái Lan, Nhật, Singapore... nhưng đều là hàng loại này hoặc hàng Trung Quốc được dán nhãn các nước khác cả thôi. Hàng giá rẻ, “trộn” đủ thứ thì đâu thể đưa đi kiểm định được, nhưng nếu cần chúng tôi vẫn lo giúp được”.

 

Còn ông Vũ Thanh Khởi, giám đốc Công ty TNHH thương mại - dịch vụ Hồng Hòa (đường Trần Văn Mười, H.Hóc Môn, chuyên cung cấp thang máy các loại cho thị trường Hà Nội và TP.HCM), tiết lộ khi nghe khách muốn nhận làm đại lý: khá nhiều thang máy được dán nhãn hiệu thang máy nổi tiếng như Mitsubishi, Hitachi, Otis... được công ty rao bán đều có các hệ thống từ bo mạch điện tử, khung sườn... là hàng nhập từ Trung Quốc, còn cabin thì gia công, sản xuất ngay tại công ty.

Giá bán một thang máy dành cho

tòa nhà 7-8 tầng là 500 triệu đồng, rẻ phân nửa so với hàng nhập từ Nhật nhưng lại được dán nhãn nhái của các hãng thang máy nổi tiếng nên khá nhiều nhà thầu xây dựng chọn mua để kiếm chút đỉnh khi thi công, lắp đặt tại các tòa nhà cao tầng. “Còn chất lượng thì tất nhiên... khó biết” - ông Khởi nói.

 

Bà Đào Thị Hương, giám đốc Công ty TNHH Hương Lan (doanh nghiệp cung cấp thang máy khá lớn trên đường Trường Chinh, Q.Tân Bình), thừa nhận thị trường thang máy hiện nay “thượng vàng hạ cám”, đủ loại, đủ giá.

 

Theo bà Hương, chính việc sử dụng các bo mạch, thiết bị, linh kiện dỏm, hàng nhái giá rẻ khi bảo trì, duy tu thang máy đã góp phần làm thang máy trục trặc, hỏng hóc liên tục và gây tai nạn.

ĐỨC THANH - NGỌC KHẢI (Tuổi trẻ)