Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Những cây trâm bầu cổ thụ hàng trăm tuổi, vài người ôm - Ảnh: L.Giang |
Rừng trâm bầu ở thôn Thanh Bình nằm xanh ngát trên những triền cát trắng phau ven biển, đó là điều khá lạ. Từ đầu rừng đến cuối rừng dài hơn 4km, vắt qua các đồi cát từ thôn Thanh Bình đến thôn Xuân Kiều. Cây trâm bầu ở đây sống tươi tốt, vững chãi suốt 460 năm qua, từ ngày đầu đất đai ở vùng ven biển này được con người tới khai khẩn.
Và cũng từ đó rừng cây được người làng giữ gìn, coi như báu vật mang lại bình yên và ý nghĩa cho cuộc sống của họ.
Giữ yên làng trên cát
"Bầy tui vẫn coi còn rừng là còn đất, còn đất là còn người chú ạ"
Ông DƯƠNG MINH TÔ |
Anh Dương Hồng Sơn, một người dân ở thôn Thanh Bình, kể: “Ngày còn nhỏ bọn trẻ chúng tôi lấy rừng trâm bầu làm chốn vui. Nơi đó sáng đi bẫy chim, chiều vào quét lá, lượm cành về đun, tìm quả ăn và chơi đánh trận giả... Ở thôn quê, có được chỗ chơi như vậy là hiếm lắm đó”.
“Cái lớn nhất từ rừng trâm bầu đem lại cho chúng tôi là nó đã chắn cát bay cát nhảy cho làng, xã. Biết bao vùng khác ven biển Quảng Bình luôn bị biến dạng vì cát bay, nhưng ở đây nhờ có rừng cây này mà cát biển chưa bao giờ đuổi được chúng tôi đi khỏi làng” - ông Đậu Thanh Minh, trưởng thôn Thanh Bình, nói chắc nịch.
Đất sản xuất cũng như đất ở của làng nằm ngay bên rừng trâm bầu, đã nuôi sống và cho 2.020 nhân khẩu trong 486 hộ của làng ở yên. Nhiều nhà dân nằm nép dưới tán cây. Chỉ cần đỗ xe trên con đường xuyên làng, thêm vài bước chân ra phía biển nữa là ta đã đi dưới rặng trâm bầu cổ thụ. Thế mới biết rừng trâm bầu đã làm phên giậu cho đất và người làng này tốt đến thế nào suốt hàng trăm năm qua trên vùng cát biển nắng chang chang, luôn nổi tiếng khô cằn này.
Dưới lớp cát trắng phau tưởng như không còn một chút ẩm nào, nhưng khi đào sâu xuống vài tấc ta đã thấy độ ẩm của nước. Ông Minh vục tay xuống lớp cát ướt, nói: “Rừng cây đã giữ nước. Đất trồng cây lương thực của thôn nằm sát đồi cát nhưng chưa bao giờ bị hạn đến độ phải bỏ hoang, vì mùa mưa rừng cây giữ nước trong cát, đến mùa nắng đồi cát vắt nước ra cho đất làng. Người Thanh Bình còn nghèo, nhưng chưa mấy khi bị đói vì hạn hán”.
Một góc rừng trâm bầu ở thôn Thanh Bình - Ảnh: L.Giang |
Giữ báu vật
378 ha Là diện tích thôn Thanh Bình. Trong đó đất nông nghiệp 153ha, đất ở 20ha, sát làng là rừng trâm bầu hơn 100ha, còn lại là rừng cây phi lao ngoài mép biển và cát trắng. |
Người Thanh Bình coi rừng trâm bầu như báu vật. Đơn giản bởi sống trên cát trắng, họ biết giá trị của đất, của nước. Vì thế, giữ rừng trâm bầu dường như đã thường trực trong ý thức mỗi người và được truyền từ xa xưa tới nay. Năm 1959 chính thức có đội bảo vệ rừng 11 người do hợp tác xã nông nghiệp trả bằng... thóc.
Từ trước đến nay đội bảo vệ rừng của thôn Thanh Bình vẫn giữ truyền thống có 11 thành viên và hoạt động bền bỉ, có trách nhiệm suốt bao năm qua.
Ông Đậu Thanh Minh cho biết: “Bây giờ đời sống của bà con đã đi lên, nên người bảo vệ rừng được nâng mức hưởng thóc lên 0,8 tấn/năm. Tất cả số thóc này hoặc tiền quy ra từ thóc đều do người dân trong thôn đóng góp với mức mỗi khẩu 3kg/năm”.
Dân chắt chiu thóc gạo nuôi người giữ rừng nên họ hiểu mình cũng phải giữ rừng nữa mới có thành quả tốt đẹp. Vì thế người dân ở làng tuân thủ khá chặt chẽ và tự giác lệ làng về giữ rừng. Ai bẻ cành bị phạt 50.000 đồng, chặt cây bị phạt 300.000-500.000 đồng. “Giữ được rừng cây là giữ cho cuộc sống của chính bầy tui tốt đẹp hơn, rứa thì ai lại đi phá rừng mần chi” - bà Dương Thị Hạnh, một người dân sống sát bên rừng trâm bầu, bày tỏ.
Người làng Thanh Bình nhà nào hiện còn dùng bếp củi thì cũng chỉ vào rừng quét lá, nhặt nhạnh cành trâm bầu khô mục đã gãy về đun. Ông Đậu Thanh Minh bộc bạch: “Lệ làng còn không cho người mang dao rựa vào rừng... Ai vi phạm phá rừng là bị thôn đọc tên trên hệ thống loa phát thanh, và chỉ một lần vi phạm phá rừng là cuối năm gia đình đó không còn được bầu gia đình văn hóa nên mọi người xấu hổ”.
“Công cuộc” giữ rừng ở thôn Thanh Bình là cả làng giữ rừng. Người dân là tai mắt của đội bảo vệ rừng, của chính quyền thôn. Ai thấy người lạ bước chân vào rừng cũng đều báo ngay với đội bảo vệ, để đội theo dõi, ngăn chặn phá rừng. Nhờ thế nên bây giờ mọi người mới mục kích được những cây trâm bầu có gốc hai ba người ôm, hay cả cánh rừng trâm bầu xanh ngút ngàn trên cát trắng.
Đứng dưới tán rừng trâm bầu mơn mởn, ông Huy nói: “Tui mần bảo vệ rừng của thôn từ 30 năm rồi. Trước tui còn nhiều người khác, cứ nối tay chắc mà mần đến khi mô mỏi gối chùn chân khi leo đồi cát mới nghỉ”.