Ba năm, 200 mét bờ biển biến mất
Đó là thực trạng đang diễn ra tại dải bờ biển Cửa Đại (phường Cửa Đại, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam).
7km bờ biển chạy dọc phường Cửa Đại bị đe dọa xâm thực từ năm 2008 đến nay. Trong vòng chưa đầy ba năm, có những đoạn, gần 200 mét bờ biển đã bị sóng biển kéo tuột xuống dưới, ăn sát mép đường của khu đô thị mới Cửa Hội.
Biển xâm thực kéo gần 200 mét bờ biển Cửa Đại chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm.
|
Cửa Đại nằm cuối dòng chảy của hai con sông lớn: sông Vu Gia và sông Thu Bồn nên chịu lực tác động lớn về triều cường, dòng chảy. Tuy nhiên, đó không phải là nguyên nhân chính, nếu như không có sự xuất hiện của các dự án ven biển, kéo theo đó là sự phá vỡ, chặt khúc của những dải rừng phòng hộ ven cửa Hội.
Thời điểm hiện tại, đoạn bờ biển chừng một cây số nằm ở khu vực đường đôi của phường Cửa Hội bị xâm thực nghiêm trọng.
Ông Trương Mạnh Khôi (người dân phường Cửa Đại) lo lắng: người dân Cửa Đại trong những năm trở lại đây rất không yên tâm, bởi mỗi một mùa mưa bão đi qua, biển “ăn” vào đất liền nhìn thấy được bằng mắt.
Nguy cơ biển xâm thực không chỉ “chia đôi” phường Cửa Đại, mà nó còn có thể “đánh bay” cả cửa Đại là một điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Người dân phường Cửa Đại lo lắng trước sự xâm thực của biển.
|
Ông Khôi khẳng định: Trong vòng chưa đầy ba năm, gần 200 mét bờ biển bị sụt lún. Hệ thống kè ven biển được gia cố kè cứng, nhưng qua một mùa mưa bão, hệ thống kè kiên cố này cũng không chịu nổi những đợt sóng biển đưa vào.
Là người dân sở tại sống lâu năm tại đây, ông Khôi cho hay: quãng năm 2000 trở về trước, nguyên khu vực này là bãi biển chạy xa vài trăm mét, tính từ mép đường của khu đô thị mới mà Thành phố xây dựng.
Trên bãi cát ấy là rừng phòng hộ trồng phi lao, hàng ngoài cùng trồng dừa. Ngư dân xã Cẩm An còn neo tàu thuyền, và vẫn thường đi biển từ khu vực này. Thế nhưng, những hàng phi lao xanh vút ấy giờ chỉ còn là ký ức.
Khi xã Cẩm An được đô thị hóa lên phường (phường Cửa Đại và phường Cẩm An), những dự án nghỉ dưỡng, sinh thái ven biển, resort… ồ ạt tìm về đầu tư. Điều này đã làm bờ biển dài 7km chạy dọc phường Cẩm An đến Cửa Đại thay đổi nhanh chóng.
Rất nhiều nhà dân và những khu dân cư đã phải di dời để nhường đất cho dự án. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng được tiến hành vào những năm 2000. Người dân bức xúc vì tiền đền bù không đủ tái định cư sang khu ở mới, tuy nhiên, những dự án vẫn triển khai.
Đồng hành cùng những dự án mọc lên, những vạt rừng phòng hộ bị đốn hạ, cắt khúc. Ông Khôi chán nản: “Bây giờ là bãi cát trống đó thôi, nhưng nó đã có chủ hết rồi!”.
Dưới cái nắng trưa oi nồng, không chỉ có ông Khôi, rất nhiều người dân khác ở phường Cửa Đại khi đi ngang qua khu vực kè bị sụt lún đều dừng xe, lo lắng quan sát. Mấy năm trở lại đây, biển Cửa Đại bị xâm thực nghiêm trọng đã đe dọa trực tiếp đến đời sống bà con.
Cái giá của “ăn trước trả nợ sau”
10 tỷ là con số mà Hội An đã “đổ” xuống khu vực xâm thực dài gần 1km tại Cửa Đại. Thế nhưng, chừng đó vẫn chưa đủ để đảm bảo sự xâm thực của biển vào đất liền.
Cơn bão lớn năm 2008 “mở màn” cho sự xâm thực biển Cửa Đại. Hàng trăm mét bờ biển bị kéo sụt lún, và cũng nhấn chìm cả hệ thống kè biển cũ.
Với tốc độ xâm thực như thế, việc Cửa Đại bị chia đôi chỉ là vấn đề… thời gian.
|
Hội An đã ngay lập tức chỉ đạo các lực lượng tham gia ứng cứu, củng cố, ngăn chặn xâm thực biển bằng cách gia cố hệ thống kè. Hệ thống cọc được gia cố làm hàng rào được đặt ngoài cùng, hàng triệu m3 cát bao tải cát, những ống bê tông đúc được đặt sát mép nước, trên cùng là bê-tông khối đúc dày 40cm xếp liền nhau như xếp gạch. Thế nhưng, như thế vẫn chưa đủ.
Tính đến thời điểm tháng 10/2011, Hội An vẫn chưa phải đương đầu với cơn bão nào thực sự lớn. Thế nhưng, khu vực kè Cửa Đại vẫn tựa như một công trường.
Sóng biển đã kéo rỗng ruột phía trong của hệ thống kè, khiến những khối bê-tông nặng cả tấn được ken dày kiên cố bị “hẫng”, xô đè lên nhau như mái ngói bị xô lệch trong một cơn bão lớn.
Có những đoạn, sóng biển táp mạnh khiến hệ thống kè bị chùn, như một đoạn xương sống bị cong vênh không có khả năng chống đỡ.
Kè cứng ven biển - giải pháp có thực sự hữu hiệu?
|
Biển đã tiến sâu sát gần mép đường nhựa. Hàng triệu bao tải cát xếp trên bề mặt, có những đoạn ăn sát ra đến giữa tim đường. Điểm đầu và điểm cuối của đoạn bờ biển bị xâm thực, các dự án ven biển vẫn tiếp tục xây dựng.
Một cán bộ Phòng TN - MT Thành phố Hội An cho biết: phần bờ biển bị xâm thực hiện tại, trước đó đã cấp cho dự án xây dựng Khách sạn Hội An. Mặt bằng được giải phóng, hệ thống rừng phòng hộ đã được chặt bỏ, những nhà dân nằm trong đất dự án đã di dời…
Thế nhưng, 5 – 6 năm trôi qua, dự án chậm tiến độ chưa kịp khởi công đã bị biển xâm thực hết gần như toàn bộ. Chủ đầu tư chỉ biết “ngậm đắng nuốt cay”.
Ông Lê Viết Hai, cán bộ Đài phát thanh Hội An cho biết: nhiều dự án ven biển tại Cửa Đại đang tiến hành xây dựng đã bị biển xâm thực kéo sụt lún một diện tích đáng kể sát mép biển.
Để tránh thiệt hại cho công trình đã xây dựng, chủ đầu tư buộc lòng phải bỏ tiền tỷ để làm hệ thống rào bê-tông cao, dày cùng với việc kè cứng phần bờ biển nằm trong dự án.
Không chỉ biển Cửa Đại, khu vực ven biển Hội An dài hàng chục cũng nằm trong nguy cơ bị xâm thực. Cái giá của việc “ăn trước trả sau” đã khiến Hội An phải trả giá sớm.
Người dân lo ngại về hệ thống kè cứng, dù có bao nhiêu bê-tông, sắt đá đổ xuống cũng không lại được sức nước, bởi theo kinh nghiệm của họ, bờ biển tự nhiên có độ thoải, cùng với rừng phòng hộ, đó là hệ thống kè mềm tối ưu, nước biển xô vào và ngay lập tức có đường rút ra, chứ không bị “đập đầu” vào những khối bê-tông cứng ngắc và… vô duyên như thế.