Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Điều đáng nói, trong khi ngộ độc do vi sinh vật có chiều hướng giảm thì ngộ độc do độc tố tự nhiên lại tăng mạnh…
Thanh tra Sở Y tế TPHCM đang kiểm tra các mẫu thực phẩm. Ảnh: V.T |
Ngộ độc do độc tố tự nhiên tăng mạnh
Điển hình nhất là vụ ngộ độc thực phẩm vừa mới xảy ra tại TPHCM làm gần 180 công nhân của Cty TNHH Terratex (thuộc Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, phường Hiệp Thành, quận 12) phải nhập viện cấp cứu. Đây là vụ ngộ độc phát xuất từ nguyên nhân nguồn nguyên liệu đầu vào rẻ tiền. Tương tự trước đó, 2 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng cũng đã xảy ra khiến gần 500 công nhân của Cty Wooyang Vina II (phường Hiệp Thành, quận 12 - TPHCM) và Cty Quang Thái (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân) phải nhập viện cấp cứu. Điều đáng báo động, theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TPHCM, trong 2 năm gần đây, các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra đột ngột, không có dự báo về yếu tố dịch tễ, không liên quan đến yếu tố mùa, thời tiết. Trong vòng 21 ngày từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 7.2011, đã có 5 vụ NĐTP tập thể xảy ra, trong khi đó, suốt 5 tháng đầu năm 2011, thời tiết nóng ẩm, thời điểm dễ xảy ra ngộ độc nhất trong năm thì lại không có bất kỳ vụ ngộ độc nào xảy ra. Số liệu trên chưa phản ánh thực chất. Trên thực tế, các ca ngộ độc lẻ tẻ cấp cứu đến BV hằng ngày chắc chắn chiếm số lượng không nhỏ nhưng ít khi nào được ngành y tế tại TPHCM thống kê.
Theo các BS tại các BV như Chợ Rẫy, 115, Trưng Vương, Nguyễn Tri Phương, Cấp cứu Sài Gòn, Nhi Đồng 1, 2... mỗi ngày các BV này đều tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu do bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có nhiều ca là trẻ em... nhưng không thấy ngành y tế TPHCM thống kê. Ông Hoà cho biết thêm, tác nhân gây ngộ độc thực phẩm đã có sự thay đổi. Nếu như vào năm 2005 không có ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên, thì năm 2007 có 21% số vụ ngộ độc được xác định do độc tố tự nhiên (histamine trong cá ngừ: 4/19 vụ). Năm 2009 số vụ ngộ độc do độc tố này tăng vọt chiếm 45% trên tổng số vụ (9/20 vụ) và năm 2010 tỉ lệ này là 31%.
Sợ nhất là ngộ độc mạn tính
Được biết, trong danh mục tiêu chuẩn đối với lương thực, thực phẩm thì chỉ cho phép sử dụng 21 loại phẩm màu (11 loại tự nhiên và 10 loại tổng hợp), nhưng phải sử dụng với giới hạn cho phép. Thạc sĩ Huỳnh Văn Tú - Trưởng khoa Dinh dưỡng - VSATTP thuộc Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM - cho biết, phẩm màu sử dụng trong thực phẩm có hai dạng: Tự nhiên và tổng hợp. Phẩm màu tự nhiên dù không độc hại, nhưng không được ưa chuộng trong chế biến thực phẩm bởi khó hòa tan trong nước, dễ phai màu. Phẩm màu tổng hợp là các hợp chất được tạo thành thông qua phản ứng hóa học. Do màu sắc đẹp, bền, dễ hòa tan trong nước, giá lại rẻ nên phẩm màu tổng hợp được sử dụng rất nhiều trong ngành thực phẩm.
Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa - việc sử dụng hóa chất phụ gia giống như “con dao 2 lưỡi”, dùng đúng mục đích thì hiệu quả, nhưng cố tình lạm dụng sai mục đích thì hậu quả khôn lường. Những hóa chất phụ gia có khả năng gây ngộ độc mạn tính, tích lũy từ 10-30 năm, thậm chí còn ảnh hưởng đến đời sau, nên khó có thể thống kê được đã có bao nhiêu trường hợp bị ảnh hưởng do sử dụng thường xuyên chất phụ gia.
GS Chu Phạm Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật đưa ra kiến nghị, VN hiện nay cần quản lý chặt chẽ, rạch ròi trong kinh doanh giữa hoá chất trong thực phẩm và hoá chất công nghiệp. Bởi hiện chưa quản lý chặt nên hoá chất không nằm trong danh mục cho phép được sử dụng tràn lan trong chế biến thực phẩm. Cụ thể nhất là số liệu trong năm 2005, có 15% số vụ ngộ độc thực phẩm từ hoá chất, thì năm 2010, con số này tăng lên thành 60%.