Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Thực phẩm chức năng: Lập lờ !

(19:25:22 PM 23/11/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn)-Người tiêu dùng đang bối rối trước một “rừng” thực phẩm chức năng. Kiểu quảng cáo mập mờ, thái quá khiến nhiều người nhầm lẫn chúng là những thần dược có thể chữa bách bệnh

Xuất hiện tại Việt Nam khoảng 10 năm nay nhưng thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) ngày càng phong phú và đa dạng với đủ chủng loại. PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN, cho biết năm 2000 chỉ có 60 sản phẩm TPCN nhập về thì nay thị trường trong nước đã có gần 4.000 sản phẩm.
Mê hồn trận
Theo ông Trần Đáng, năm 2007, TPCN nhập khẩu chiếm 65% sản phẩm lưu hành nhưng hiện nay thì ngược lại, 65% TPCN trên thị trường được sản xuất trong nước. Điều đáng nói là việc kiểm soát TPCN từ khâu sản xuất, kiểm định chất lượng, phân phối vẫn còn nhiều bất cập.
Các nhà sản xuất TPCN thi nhau đưa ra nhiều sản phẩm cùng công dụng nhưng với hàng ngàn tên gọi khác nhau. Xét về chất lượng, nhiều sản phẩm còn chưa đồng nhất về nguyên liệu, quy trình sản xuất. Hiện cả nước mới chỉ có một doanh nghiệp (DN) sản xuất TPCN đạt GMP (thực hành sản xuất tốt) trong số khoảng 1.600 cơ sở.
Thực phẩm chức năng được bán nhiều tại các hiệu thuốc. Ảnh: HỒNG THÚY
 
Giới chuyên môn cho rằng vì con đường để sản phẩm được công nhận là một loại thuốc chữa bệnh quá công phu, tốn kém nên không ít DN đã tung ra thị trường những sản phẩm dưới danh nghĩa TPCN nhưng kỳ thực lại là thuốc trị bệnh. Nếu đăng ký sản xuất thuốc, DN phải có hồ sơ chặt chẽ, cơ quan cấp phép thẩm định rất khắt khe nhưng với TPCN, DN tự công bố chất lượng và cơ quan quản lý chỉ tiến hành hậu kiểm. Thế nhưng, việc hậu kiểm cũng chỉ kiểm tra được phần nào, còn về chất lượng lại vẫn trông chờ vào sự trung thực của DN.
Tù mù thuốc - thực phẩm
Về bản chất, TPCN không phải là thuốc chữa bệnh mà chỉ có tác dụng hỗ trợ một phần nào đó trong việc điều trị bệnh tật và tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, đánh trúng tâm lý “có bệnh phải vái tứ phương” của người dân, nhà sản xuất đã “tấn công” người tiêu dùng bởi đủ lời hoa mỹ và mạnh dạn quảng cáo công dụng đa năng, thậm chí có thể giúp điều trị ung thư, HIV!
Theo bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Đông y - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, khó có thể kể hết những công dụng sản phẩm đang bị thổi phồng quá đáng. Nhiều loại TPCN đã bị cơ quan chức năng “tuýt còi” vì quảng cáo có thể làm “bách bệnh tiêu tan, vạn bệnh tiêu trừ”.
Hiện nay, TPCN được bán phổ biến trong các nhà thuốc, vì không cần kê đơn nên nhiều người thường tự ý mua. Theo quy định của Bộ Y tế, trên nhãn TPCN không được ghi chỉ định điều trị bất kỳ bệnh cụ thể nào và bắt buộc phải ghi dòng chữ “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Thế nhưng, tại các hiệu thuốc, nhân viên vẫn tư vấn cho người bệnh dùng TPCN như thuốc chữa bệnh. Nếu người bán không nói rõ và người mua không để ý đến bao bì thì khó mà phân biệt được sản phẩm là thuốc hay TPCN.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Đăng ký và Cấp phép, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế, cho biết mỗi ngày, cục tiếp nhận 30-50 hồ sơ xin cấp phép lưu hành TPCN. Trong đó, nhiều hồ sơ được yêu cầu chỉnh sửa lại các nội dung về công dụng, liều dùng và đối tượng sử dụng. “Có những loại TPCN, DN liệt kê tới cả chục thành phần, trong mỗi thành phần lại gồm rất nhiều công dụng. Việc quảng cáo quá mức có thể dẫn đến sự ngộ nhận về công dụng của TPCN” - ông Dũng nhận xét. 
Theo bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, ở Mỹ, TPCN được phân loại thành từng nhóm: có bằng chứng đáng tin cậy, đủ độ tin cậy, tin cậy vừa phải, chưa đủ tin cậy cần nghiên cứu thêm và nhóm còn tranh cãi nhiều để người sử dụng lựa chọn. Trong khi đó, ở Việt Nam, TPCN vẫn trong tình trạng trăm hoa đua nở mà không biết hoa nào thật, hoa nào giả!
 
Thuốc trị bệnh khác thuốc bổ
Theo Thông tư 08-TT-BYT ngày 23-8-2004 do Bộ Y tế ban hành, TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng bổ sung dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật.
Dù vậy, không ít DN đã tung ra thị trường những TPCN “có nguồn gốc từ thiên nhiên” nhưng khi phân tích thành phần thì hoàn toàn là thuốc với các dược liệu có tính chất chữa bệnh chứ không phải là bổ dưỡng như bản chất của TPCN. Trong đó, điển hình là một số loại trà giảm béo.

 

Ngọc Dung (Người lao động)