Đồ hộp bằng thiếc có thể chứa lượng chất độc BPA
cao hơn nhiều so với các loại hộp nhựa vốn gây lo ngại lâu nay. Ảnh: Telegraph.
BPA lâu nay vẫn được sử dụng để làm lớp lót trong các hộp thiếc cũng như trong các hộp làm bằng nhựa cứng như chai đựng nước, hộp đựng thức ăn, hoa quả... Nó được tìm thấy có liên quan đến sự vô sinh ở nam giới, các rối loạn cảm xúc và hành vi ở các cô gái, và sự gia tăng bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) đã chia 75 người thành 2 nhóm, yêu cầu nhóm thứ nhất ăn một hộp súp có vỏ thiếc mỗi ngày, kéo dài 5 ngày. Nhóm còn lại ăn súp trong hộp đựng không chứa thiếc. Sau 2 ngày nghỉ giữa chừng, thực đơn này được hoán đổi.
Kết quả cho thấy những người ăn (uống) một hộp thức ăn như vậy trong 5 ngày liên tiếp, có hàm lượng BPA trong nước tiểu tăng lên 1.200 phần trăm.
So với các loại hộp không chứa thiếc, loại hộp thiếc này chứa hàng lượng BPA cao gấp nhiều lần.
Jenny Carwile, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết trên Telegraph: "Chúng tôi đã biết rằng việc ăn uống đồ đựng trong hộp nhựa cứng có thể làm tăng hàm lượng BPA trong máu. Nghiên cứu này cho thấy hộp thiếc có thể có tác hại còn lớn hơn nhiều, đặc biệt do việc chúng được sử dụng rộng rãi".
Các chuyên gia cũng khuyến cáo những người say mê đồ hộp nên lựa chọn các thực phẩm tươi sống, trong khi chờ các kết quả nghiên cứu quy mô và sâu hơn.
Một nghiên cứu khác do nhóm khoa học tại Viện Silent Spring ở Massachusetts (Mỹ) công bố đầu năm nay cũng cho thấy khi loại bỏ thành phần đồ hộp và thức ăn đựng trong hộp nhựa khỏi thực đơn của 5 gia đình trong vòng 3 ngày, hàm lượng BPA đo được trong máu họ giảm xuống đáng kể.
Mức BPA của những người này trở lại như trước khi bắt đầu nghiên cứu sau khi họ lại ăn theo chế độ bình thường, tờ Bostonglobe cho biết.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng thử nghiệm với 75 người như trên là quá ít, còn trong nghiên cứu dưới cũng không nói lên điều gì, bởi lượng BPA khác nhau ngay ở mỗi hộp đựng.