Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Vụ 108 tấn chân gà kém chất lượng tại cảng Hải Phòng “không cánh mà bay” đang khiến dư luận chú ý. Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi của những phức tạp trong lĩnh vực “tạm nhập tái xuất” thịt đông lạnh hiện nay.
Lòng vòng
Giải thích về vụ việc liên quan đến các lô chân gà tại cảng Hải Phòng, một cán bộ Cục Giám sát Quản lý Hàng hóa Xuất nhập khẩu - Tổng cục Hải quan cho rằng 2 lô hàng chân gà (108 tấn) có vấn đề không phải “biến mất” mà đang được chủ hàng giữ tại kho ở Móng Cái để gia công làm sạch trước khi tái xuất sang Trung Quốc (TQ). Hàng đang được giữ tại đây để chờ cơ quan chức năng lấy mẫu xét nghiệm để có hướng xử lý cụ thể…
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng cần làm rõ vụ việc vì thông thường rất ít doanh nghiệp (DN) nhập hàng về gia công rồi mới tái xuất bởi làm như vậy sẽ phải bốc hàng, di chuyển nhiều lần, đẩy chi phí lên rất cao (riêng chi phí gia công tại Việt Nam cao hơn nhiều so với làm sạch tại nước xuất khẩu do làm thủ công).
Theo giới kinh doanh thực phẩm, thịt đông lạnh “tạm nhập tái xuất” bị bán ra thị trường nội địa hiện rất lớn. Chỉ riêng cảng Hải Phòng, mỗi tháng có từ 250 - 300 container (mỗi container từ 20 - 25 tấn) thịt đông lạnh (chân, cánh, đùi gà; thịt heo, bò…, kể cả thịt cừu) được nhập về, trong đó chủ yếu là hàng “tạm nhập tái xuất” sang TQ.
Chân gà nhập khẩu kém chất lượng đưa vào TPHCM tiêu thụ bị thu giữ
Sở dĩ giới nhập khẩu thường chọn cảng Hải Phòng để “tạm nhập tái xuất” là nhằm tránh sự chú ý từ cơ quan chức năng (nếu thực hiện tại các cảng ở phía Nam sẽ dễ bị cơ quan chức năng nghi ngờ do quá xa TQ). Phần lớn thịt đông lạnh theo dạng “tạm nhập tái xuất” đều là hàng kém chất lượng nên giá thấp hơn hàng thông thường từ 40%-50%. Nguồn hàng này nếu đưa trót lọt ra thị trường nội địa tiêu thụ sẽ có mức lãi rất cao nên nhiều DN đang đua nhau nhập.
Ông Vũ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý Hàng hóa Xuất nhập khẩu, thừa nhận: Hải quan cửa khẩu Lạng Sơn từng phản hồi một số lô hàng tái xuất đã không khai báo tại cửa khẩu như thông báo. Điều này cho thấy nhiều khả năng các lô hàng này đã không xuất sang TQ mà để tiêu thụ tại nội địa.
Gần đây, mặt hàng thịt gà, thịt heo, trâu, bò còn được quá cảnh về cảng Cát Lái (TPHCM), sau đó hàng được vận chuyển về kho ngoại quan Hiệp Thành (Tây Ninh) để bán qua cửa khẩu Mộc Bài theo dạng miễn thuế. Phần lớn nguồn hàng không khai báo với cơ quan thú y để kiểm tra mà được bán thẳng ra thị trường nội địa.
Quản lý còn lỏng lẻo
Hàng “tạm nhập tái xuất” bị “bốc hơi” thường sẽ được tiêu thụ tại 2 thị trường lớn là Hà Nội và TPHCM, trong đó nguồn hàng đưa vào phía Nam sẽ được tập kết tại các kho lạnh lân cận TPHCM để chuyển đổi nguồn gốc, hợp thức hóa trước khi tuồn vào đây tiêu thụ. Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, thừa nhận có hiện tượng này. Bằng chứng là mới đây cơ quan thú y đã bắt giữ gần 15 tấn thịt đông lạnh “có vấn đề” nhập về cảng Hải Phòng rồi đưa vào TPHCM tiêu thụ.
Ông Vũ Quang Vinh cho rằng việc quản lý hàng “tạm nhập tái xuất” hiện nay chưa được chặt chẽ. Theo ông, hàng “tạm nhập tái xuất” có 2 loại được xếp vào luồng xanh và luồng đỏ, trong đó hàng thuộc luồng xanh thì không cần phải kiểm tra. Dù vậy, hàng hóa cả 2 luồng đều phải thực hiện đầy đủ thủ tục “tạm nhập tái xuất”, tức phải trình báo ở cả 2 cửa khẩu (cửa khẩu tạm nhập và cửa khẩu xuất đi) và phải được niêm chì khi vận chuyển... Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển không có lực lượng hải quan giám sát lô hàng nên khả năng “bốc hơi” là có. Để hạn chế hàng hóa tuồn ra thị trường nội địa, cơ quan hải quan đang xây dựng đề án gắn chíp điện tử để theo dõi những lô hàng “tạm nhập tái xuất”.
Ông Võ Văn Quyền, Cục phó Cục QLTT - Bộ Công Thương, cho biết theo thông lệ quốc tế, không thể cấm hàng “tạm nhập tái xuất” đối với các nước lân cận. Tuy nhiên, tình trạng lợi dụng “tạm nhập tái xuất” để tuồn hàng vào thị trường nội địa là rất đáng lo ngại, cần phải xử lý nghiêm.
Kiểm tra chặt thịt nhập khẩu