Hành tím - Ảnh minh họa
Viêm phế quản là một bệnh lý của đường hô hấp, trong đó niêm mạc của phế quản trong phổi bị viêm. Khi niêm mạc phế quản bị kích thích sẽ phồng và dày lên, làm hẹp hoặc tắc nghẽn các tiểu phế quản, gây ra ho và có thể kèm theo đờm đặc.
Bệnh diễn biến theo 2 dạng: cấp tính (thường kéo dài dưới 6 tuần) và mãn tính (tái phát thường xuyên trong vòng hơn 2 năm). Ngoài ra, ở những bệnh nhân bị hen phế quản (hen suyễn) thì niêm mạc phế quản cũng có thể bị viêm và gây nên tình trạng gọi là viêm phế quản dạng hen…
Viêm phế quản có thể điều trị bằng thuốc (tây y hoặc đông y), bên cạnh đó, dùng các món ăn bài thuốc vẫn là cách an toàn hơn. Một số món ăn có thể dùng cho người bệnh này như dưới đây:
- Cháo hành: Hành lá, hành củ vừa đủ, gạo nếp 60 g, vài lát gừng tươi. Chế biến: hành cắt đoạn dài 2 - 3 cm, hành củ cắt nhỏ, rồi đem nấu cháo với gạo nếp, gừng, nêm nếm vừa dùng. Ăn lúc cháo còn nóng, ăn xong đắp chăn cho ra mồ hôi. Những người ho do táo nhiệt, người hay ra nhiều mồ hôi thì không nên dùng.
- Cháo hạnh nhân: Hạnh nhân 15 g, gạo trắng 50 g. Chế biến: hạnh nhân bỏ vỏ, nghiền với nước, rồi gạn lấy nước này đem nấu cháo với gạo, nêm ít gia vị. Ăn lúc cháo nóng, vào sáng sớm và chiều tối. Món cháo này có công dụng giảm ho, khó thở, ngực bứt rứt.
- Cháo sa sâm: Sa sâm 15 - 30 g, gạo tẻ 100 g, một ít đường phèn vừa đủ. Chế biến: nấu chín vị thuốc sa sâm, bỏ bã chắt lấy nước, cho thêm gạo, ninh thành cháo chín, cho thêm đường phèn, nước rồi lại nấu tiếp thành cháo loãng. Món này có công dụng nhuận phế, dưỡng vị, khử đờm, chỉ khái, dùng thích hợp với người phế nhiệt phế táo, ho khan, ít đờm hoặc phế khí bất túc, phế vị âm hư sinh ra ho lâu ngày không có đờm, họng khô khát sau khi sốt. Nhưng với người thương phong cảm mạo, ho nhiều thì không nên dùng.
- Cháo bối mẫu: Vị thuốc bối mẫu 10 g, gạo tẻ 50 g, đường phèn vừa đủ. Chế biến: Lấy gạo và đường phèn đem nấu cháo. Cháo sôi chưa đặc thì thêm bối mẫu, rồi nấu tiếp với lửa nhỏ cho sôi lại và cháo đặc là được. Dùng cháo lúc sáng sớm và chiều tối, ăn lúc cháo ấm nóng. Có công dụng tiêu đờm, giảm ho, thanh nhiệt tán kết. Chữa viêm phế quản, cấp và mãn tính.
- Vịt hầm nhân sâm: Vịt 1 con làm sạch, ướp với 2 thìa rượu vang và gia vị; lấy 10 - 15 g nhân sâm thái vụn cho vào trong bụng vịt. Tất cả đem hầm nhừ, chia ăn trong vài ngày. Món này giúp làm khỏe tim phổi, bổ máu, làm tăng sức đề kháng của cơ thể.
- Phổi heo hầm hạnh nhân, tang bạch bì: Phổi heo 1 cái, tang bạch bì 30 g, hạnh nhân 30 g, gia vị vừa đủ. Phổi heo làm sạch thái miếng, đem hầm nhừ cùng với tang bạch bì và hạnh nhân, chế thêm gia vị, mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần 1 bát nhỏ.
- Nước tang - hạnh: Lá dâu 10 g, hạnh nhân 10 g, sa sâm 5 g, bối mẫu 3 g, vỏ quả lê 15 g. Tất cả thái vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, pha thêm 10 g đường phèn, uống thay trà trong ngày.
-Xi rô lê - đường phèn: Lê tươi 1 quả, rửa sạch thái nhuyễn, cho vào nồi thêm 500 ml nước, nấu đặc bỏ bã, nêm đường phèn nấu cô đặc như xi rô, để sử dụng dần. Mỗi lần 1 muỗng canh, ngày 2 lần.
- Hành tím nấu quýt: Hành tím 1 củ, lột vỏ thái nhuyễn, vỏ quýt 1 lát, thái nhuyễn. Hai thứ cùng cho vào nồi thêm 1 chén nước, sau khi nấu sôi bỏ bã, nêm đường trắng vừa đủ, ngày dùng 2 - 3 lần.
- Củ cải - mạch nha: Củ cải 500 g, rửa sạch cả vỏ thái mỏng cho vào lọ thêm 300 g đường mạch nha, để qua 1 đêm sẽ có nước đường rỉ ra. Mỗi ngày dùng 3 lần, mỗi lần 20 ml.
- Tỏi ngâm giấm đường: Tỏi 250 g, giấm gạo 250 g, đường đỏ 100 g. Giấm gạo và đường đỏ cho vào một lọ thủy tinh, đổ vào những củ tỏi đã thái nhỏ ngâm 1 tuần, mỗi lần dùng 1 muỗng canh, ngày 3 lần có tác dụng phòng trị viêm phế quản.
Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh áp dụng một trong các món ăn trên.