Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ai cấm được gấu… “tự chết”?

(15:37:38 PM 22/11/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) -Khi nuôi gấu không sinh lợi cho chủ vì bị cơ quan chức năng cấm, chủ nuôi quyết định hành động như… “đầu gấu”. Hơn 300 cá thể gấu nuôi nhốt ở Quảng Ninh đang “được” các chủ nuôi “ruồng rẫy”, bỏ đói và hậu quả là gấu chết hàng loạt.

Gấu nuôi nhốt trái phép ở Quảng Ninh

 

Nhà nước cho phép nuôi gấu hay gửi dân nuôi hộ?

 

Trong tất cả các các văn bản pháp luật liên quan đến động vật hoang dã của nước ta, kể cả Công ước CITES 1994, đều khẳng định: Nuôi nhốt động vật hoang dã nguy cấp, hiếm (trong đó có gấu) đều bị cấm. Tuy nhiên, trước tình hình nuôi gấu tràn lan, ngày 05/01/2005 Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 02/2005/QĐ-BNN tạm thời “thừa nhận” việc nuôi gấu hợp pháp là “gấu có gắn chíp điện tử và lập hồ sơ quản lý” và nhà nước tiếp nhận lại gấu khi có điều kiện. Tất nhiên nghiêm cấm cả việc giết mổ và khai thác các bộ phận của gấu. Theo thống kê, 2005 có hơn 4.000 cá thể gấu được gắn chíp và hồ sơ quản lý.

 

Khi bị dư luận nghi vấn, các cơ quan thanh minh rằng vì không thể nuôi dưỡng, chăm sóc hết số lượng gấu phát hiện vi phạm nên phải có giải pháp tình thế, xem như là... nhờ nuôi. Người dân thì “ngầm hiểu” nhà nước bật đèn xanh cho việc nuôi gấu và tất nhiên là phải khai thác. Chính vì vậy mà sau khi được gắn chíp, số lượng các vụ vi phạm vận chuyển trái phép gấu vẫn không hề giảm. Điển hình như vụ 80 cá thể gấu nuôi trái phép không rõ nguồn gốc bị phát hiện ở Quảng Ninh 2007. Số phận của những con gấu được gắn chíp cũng không khá hơn. Vì chi phí nuôi lớn nên các chủ nuôi phải khai thác, kết quả là hàng trăm con gấu bị đè ra mà hút mật và thỏa mãn ánh mắt thèm thuồng của các du khách.

 

Không thể gửi nuôi hộ mãi

 

Cái khó của các cơ quan chức năng là không thể xử lý hơn 4.000 cá thể gấu giống như các món đồ vật khác. Xử lý vi phạm nhưng đồng thời phải bảo tồn gấu, điều này vượt quá khả năng của nhà nước. Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo chỉ nuôi được chừng trên dưới 100 con. Các cấp chính quyền nhận thức rõ rằng hơn 4.000 cá thể gấu được gắn chíp là “gửi nuôi nhờ” và sẽ tịch thu khi nào có điều kiện. Tuy nhiên đã 6 năm trôi qua, chúng ta đã làm được gì để bảo tồn và thực sự quan tâm đến số phận hàng nghìn con gấu đang nuôi nhốt? Có chăng chỉ có một Trung tâm cứu hộ được tài trợ 100% từ Quỹ Bảo vệ động vật Châu Á (thời hạn 20 năm), nhưng quy mô rất hạn chế.

 

Chi phí nuôi một con gấu mỗi năm rất lớn, có nhiều cơ sở số lượng lên đến hàng chục con. Người bình thường cũng hiểu được rằng “nhờ” dân nuôi hộ cho đến khi gấu chết mà không khai thác là chuyện... không tưởng! Đã đến lúc các cơ quan có liên quan phải thừa nhận rằng: không thể “nhờ” dân nuôi hộ gấu mãi và phải có hành động!

 

Chuyện gì đến sẽ đến

 

Khi bị các cơ quan chức năng cấm “du lịch mật gấu”, các hộ nuôi gấu gặp khó khăn, không đủ kinh phí thức ăn và chăm sóc cho gấu. Suốt mấy tháng qua ở Quảng Ninh, hàng chục cá thể gấu bị chủ nuôi “ruồng rẫy”, bỏ đói với mục đích cuối cùng là để gấu chết và được “thanh lý” – bán ra thị trường. Gấu là loài vật hoang dã, khi bị nuôi như những “tù nhân”, nó sẽ có sức đề kháng và chống chịu kém, nếu không được cho ăn và chăm sóc đầy đủ, gấu rất dễ bị chết. Trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP và Luật Đa dạng sinh học 2008 đều quy định: cấm giết mổ động vật hoang giã quý hiếm. Tuy nhiên, bỏ đói gấu có xem là bị cấm không? Nếu có cấm, thì liệu khi gấu đã chết cơ quan chức năng có thể truy tìm ra nguyên nhân không?

 

Đã đến lúc không còn thời gian cho việc chúng ta bàn đến chuyện cấm hay không. Trước hết là cơ quan có trách nhiệm bảo tồn gấu cần phải làm tròn trách nhiệm của mình. Để từ đó cấp chính quyền vào cuộc kịp thời để đánh giá, xác minh và có giải pháp khẩn cấp. Đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm cùng chung tay vào để bảo tồn gấu. Chúng ta cũng cần phải tính đến lộ trình mở rộng và xây dựng thêm trung tâm cứu hộ gấu, tiến tới đưa toàn bộ số lượng gấu có gắn chíp được nuôi dưỡng tập trung.

Cảnh sát môi trường PC49 Quảng Ninh cho biết  năm 2007 có 6 trang trại gấu bị Cục C49 phát hiện. Tại đây các trang trại nuôi nhốt 280 con gấu phục vụ hút mật trái phép. Trong thời điểm hiện nay gấu đang chết hàng loạt do người nuôi bỏ mặc cho gấu chết đói. Thậm chí, chủ nuôi còn cố tình làm mọi cách để gấu chết sớm phục vụ cho việc bán thịt kiểu thanh lý. Công an, kiểm lâm, chính quyền cấm hút mật và không cho khách du lịch vào các cơ sở nuôi gấu là lý do khiến cho người nuôi gấu cảm thấy không có lãi trong việc này. Được biết PC49 cũng đã báo cho các tổ chức nước ngoài, các tổ chức về bảo tồn động vật hoang dã nhưng chưa có hồi âm nào. Hơn 300 con gấu đang lâm vào tình cảnh nguy hiểm và đáng lo ngại. Nếu quả như vậy thì số phận gần 300 con gấu ở QN rất đáng lo ngại. Cần gấp những tổ chức, các cơ quan chức năng, các bên liên quan vào cuộc cứu những con gấu còn lại. 

Nguyễn Xuân Cường