(Tin Môi Trường) - Các hoạt động liên quan đến môi trường hoặc ô nhiễm môi trường là hiện hữu, các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội và mỗi người dân có thể trực tiếp được biết, tham gia giám sát, kiểm tra.
Hoạt động bảo vệ môi trường đang rất cần giám sát -Ảnh minh họa
Đặc thù chung của các khu công nghiệp, khu chế xuất, điểm, cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống của nước ta xem kẽ hoặc gần khu vực người dân sinh sống. Hiện nay, ở địa phương đều hình thành các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội như Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Làng nghề...
Các hoạt động liên quan đến môi trường hoặc ô nhiễm môi trường là hiện hữu, các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội và mỗi người dân có thể trực tiếp được biết, tham gia giám sát, kiểm tra.
Ví dụ, một nhà máy xả khí thải độc hại sẽ nhìn thấy được, cảm nhận được; nguồn nước thải chưa qua xử lý thải ra sông ngòi có thể nhìn nhận trực tiếp. Một điểm mỏ khai thác sai quy trình, gây ô nhiễm môi trường đều bị phát giác; thậm chí người dân cũng có thể phát hiện một cây rừng quý hiếm bị đe dọa bởi lâm tặc.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vi phạm pháp luật môi trường (xả nước thải, khí thải, rác thải) gây ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên thiên nhiên... đã bị chính người dân phát hiện, phản đối mạnh mẽ. Đặc biệt người dân nhiều địa phương đã chủ động thu nhập dữ liệu, hình ảnh, hồ sơ... nhằm khẳng định hành vi vi phạm pháp luật môi trường để cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước và các lực lượng chức năng.
Các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội cũng tham gia tích cực để bảo vệ quyền lợi của thành viên, hội viên. Điển hình như Hội Nông dân thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã trực tiếp đấu tranh có tính chất pháp lý buộc Công ty CPHH Vedan Việt Nam bồi thường thiệt hại cho hàng trăm hộ nông dân bị thiệt hại do Công ty này gây ra.
Ý kiến của đại đa số người dân cho rằng: Trước khi tiến hành các thủ tục phê duyệt xây dựng Khu công nghiệp, nhà máy thì được trưng cầu ý kiến. Khi nhà máy, khu công nghiệp đi vào hoạt động thì người dân cũng có quyền tham gia kiểm tra, giám sát việc bảo vệ môi trường vì quyền được bảo vệ môi trường, sức khỏe của người dân và địa phương.
Công cụ quản lý chính hiện này là các nhà máy, doanh nghiệp được nhà nước phê duyệt đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường.
Vì vậy, lực lượng gián tiếp và trực tiếp để phát hiện hành vi, hoạt động gây ô nhiễm môi trường chính là người dân và các tổ chức chính trị xã hội gần khu vực nhà máy, doanh nghiệp.
Vì vậy, bảo vệ môi trường được hiệu quả, cần phát huy dân chủ và tính chủ động của mỗi người dân. Nghĩa là, mỗi người dân có trách nhiệm lên tiếng đấu tranh và phản đối đối với các doanh nghiệp, cá nhân gây ô nhiễm môi trường; ủng hộ khi có cách hoạt động vì môi trường. Đồng thời cần quy định có tính pháp lý sự quản lý giám sát của người dân, tổ chức chính trị xã hội trong bảo vệ môi trường tại địa phương.
Khi công cụ quản lý nhà nước chưa phát huy hiệu quả cao nhất thì đây là hoạt động cần thiết nhằm phát huy tốt nhất chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên.