Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

TP HCM: Nhiều giải pháp xử lý chất thải y tế

(07:22:34 AM 22/11/2011)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) -Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa triển khai hội nghị góp ý dự thảo “Quy hoạch hệ thống quản lý chất thải TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo nhiều đại biểu tham dự, hiện nay đáng lo ngại nhất là số lượng các nguồn phát sinh chất thải rắn y tế từ các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân và cửa hàng kinh doanh dược phẩm sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Trong khi đó, năng lực xử lý lại rất hạn chế.

 

Chất thải lây nhiễm được thu gom để mang đi xử lý tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Kim Ngân

 

Chất thải rò rỉ khắp nơi

 

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, mỗi ngày các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở đào tạo cán bộ y tế và các trung tâm nghiên cứu y dược trên địa bàn TPHCM thải ra khối lượng 13,57 tấn chất thải rắn y tế. Ngoài ra, quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng thải ra khối lượng khoảng 500 - 1.000 tấn rác thải/năm. Dự kiến đến năm 2025, mỗi ngày TPHCM có thể phát sinh trên 80 tấn chất thải rắn y tế. Trong khi đó, việc xử lý chất thải rắn y tế ở TPHCM đến nay vẫn do nhà nước đảm trách với công nghệ xử lý duy nhất sau phân loại tại nguồn là đốt tiêu hủy. Tuy nhiên, tình trạng quản lý nguồn phát sinh chất thải y tế còn nhiều bất cập, chưa được xử lý triệt để, một số trường hợp còn được đem tiêu thụ ngoài thị trường.

 

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM cho biết thêm, cho đến nay chỉ có chất thải y tế bệnh viện là có chuyển giao cho công ty xử lý. Còn rác thải y tế của hơn 7.000 phòng khám đa khoa, cơ sở y tế thì thường đổ chung với rác thải sinh hoạt thay vì phải chuyển giao xử lý. Và đây là một khối lượng rác thải nguy hại khổng lồ mà thành phố chưa thể thống kê, kiểm soát xuể.

 

Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn TPHCM cho biết, trong thời gian qua đã có một số bệnh viện đưa vào sử dụng một số công nghệ xử lý rác y tế như lò đốt, xử lý bằng nồi hấp, tiệt trùng bằng hóa chất, công nghệ lò vi sóng hoặc bằng công nghệ sinh học khác với mong muốn loại bỏ những đặc tính nguy hiểm như lây nhiễm, truyền bệnh để biến chúng thành rác thải thông thường và có thể xử lý giống như các loại rác phổ thông khác. Thế nhưng hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Vì thế rất ít bệnh viện đầu tư nếu không có sự tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước.

 

Đồng bộ nhiều giải pháp

 

Để chất thải y tế được xử lý an toàn, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, thạc sĩ Hà Minh Châu, Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, sở đề xuất sử dụng công nghệ xử lý đốt, với mô hình “Xử lý tập trung bằng lò đốt cố định”. Tuy nhiên, TPHCM sẽ không tập trung duy nhất một nhà máy mà có thể nhiều nhà máy (phù hợp với khối lượng phát sinh) và có thể phân chia theo khu vực. Ngoài ra, tùy từng nhóm chất thải y tế đã được phân loại, có thể áp dụng hình thức chôn lấp an toàn, tái chế tái sử dụng.

 

Cụ thể, chất thải y tế lây nhiễm áp dụng công nghệ xử lý đốt tiêu hủy. Chất thải hóa học nguy hại sẽ được loại thành phần nguy hại, sau đó tái sử dụng hoặc tái chế. Đối với chất thải không thể tái chế sẽ xử lý đốt tiêu hủy hoặc chôn lấp an toàn (tùy tính chất của chất thải). Còn chất thải phóng xạ được xử lý theo quy định riêng biệt đối với đặc tính đặc biệt nguy hại... Thời gian lưu giữ chất thải cũng sẽ được quy định chặt chẽ hơn. Với các bệnh viện, thời gian lưu giữ là 48 giờ. Riêng chất thải lây nhiễm quá 50kg/ngày phải có nhà chứa cách ly và được trang bị thiết bị điều hòa nhiệt độ và không quá 72 giờ. Còn với các cơ sở y tế nhỏ, thời gian lưu giữ không được quá 1 tuần.

 

Riêng nhóm chất thải bệnh phẩm thì phải được đốt hoặc chôn ngay. Việc vận chuyển chất thải y tế ra ngoài bắt buộc các cơ sở y tế phải ký hợp đồng dịch vụ vận chuyển, xử lý. Nhất định phải được các cấp chính quyền địa phương phê duyệt và cần có biên lai xác nhận việc thực hiện từng đợt. Bên cạnh đó, các túi thu gom rác theo quy định tiêu chuẩn là loại nhựa polyethylene và polyprepylene, dung tích tối đa 0,1m² và phải được đánh dấu ở mức đầy là 2/3 của túi. Các chất thải y tế phải được đựng trong túi nhựa có màu theo quy định và phải được buộc chặt lại. Nơi chứa chất thải tại các cơ sở y tế phải cách xa an toàn nơi chứa thức ăn hoặc khu vực nấu ăn. Phải có lối đi cho xe thu gom rác vào được dễ dàng và phải gần nguồn nước để vệ sinh. Tất cả các chất thải chứa trong đó phải xa ánh sáng mặt trời và các chất thải độc hại phải được tách riêng khỏi chất thải thông thường. Việc thu gom chất thải phải gọn gàng từ nơi thải ra đến nơi chứa.

 

Không chỉ vậy, theo đại diện các đơn vị xử lý chất thải nguy hại cho rằng, thành phố cần sớm đưa vào hoạt động bãi chôn lấp an toàn. Có như vậy, chất nguy hại nói chung và chất thải y tế nói riêng sau khi xử lý bằng biện pháp đốt có địa điểm để tập kết. Tránh tình trạng như hiện nay chất thải đốt rồi không biết đổ tro đi đâu, đành phải bỏ vào chất thải sinh hoạt. Và như vậy thì tính nguy hại chất thải vẫn có thể thông qua tro khuếch tán vào môi trường, làm giảm hiệu quả xử lý chất thải nguy hại.

MINH XUÂN – HẢI THANH (SGGP)